Friday, May 3, 2024

Trẻ em bị bắt học đàn, vừa khám phá nốt nhạc, vừa… nản

Quốc Dũng/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Nhiều trường hợp cha mẹ thấy con mình mò mẫm cây đàn, thế là nghĩ con mình thích đàn; thấy con người khác học đàn được, thì con mình cũng học được; trước đây mình không có điều kiện học đàn, nên giờ đây phải cho con học… Và từ sở thích học đàn, đã nổi lên trào lưu học đàn. Chính vì lẽ đó, cả thầy và trò đều mệt mỏi vì học như tra tấn, trong khi học đàn không hề đơn giản như người ta tưởng.

“Nào, cháu hãy thử bấm phím đàn đi, bấm thử đi không sao đâu. Cháu thích thầy hay cô dạy? Nào, nhìn chú và cười cho vui vẻ nào…” Trong khi chờ phỏng vấn giám đốc một trường nhạc, tôi đã chứng kiến người lễ tân dùng mọi cách để thu hút cô bé chừng tám tuổi được mẹ đưa đến ghi danh học đàn. Mặc dù cô bé không một chút cảm xúc, nhưng người mẹ vẫn nhất quyết đăng ký cho con học.

Bứt dây đàn sau ba buổi học

Trong gần chục năm dạy đàn guitar, ông Hoàng Ân, một thầy giáo dạy đàn tại nhà ở Little Saigon, vẫn không sao quên được cái cảnh hai mẹ con đánh vật đến hơn ba tháng cuối cùng cũng chấm dứt khi ông bảo rằng: “Dù rất kiên trì nhưng tôi chỉ nhận được sự hợp tác của người mẹ, còn cậu bé thì không muốn học. Trong khi người mẹ rất kỳ vọng vào con, cùng học với con để cậu bé có bạn, và cũng bởi người mẹ rất mê đàn, do trước đây đã từng chơi đàn tranh.”

“Đều đặn cuối tuần mất gần 40 phút, người mẹ chở cậu con trai 13 tuổi từ thành phố Corona ở Riverside xuống Little Saigon để học đàn. Ban đầu, cậu bé cũng thích dạo phím đàn, nhưng có lẽ càng học càng khó, thêm vào đó là không luyện tập nên dần dà cậu bé học càng lửng lơ, tâm trí cứ để đâu đâu, trong khi người mẹ thì rất chăm chỉ. Tôi buộc lòng phải nói với người mẹ là cậu bé không thích học, bà cố chở đi học xa xôi thì tội bà quá. Người mẹ bảo rằng bà sẽ học chăm chỉ để làm gương cho con. Cuối cùng, sự cố gắng của bà không đạt được như điều bà muốn,” ông Ân tâm sự.

Ông Hoàng Ân kể thêm: “Trước đây tôi chưa dạy đàn tại nhà vì lúc đó nhà tôi còn là xưởng vẽ (ông còn là một họa sĩ có tiếng tại Việt Nam trước khi sang Mỹ – NV), nên tôi dạy kèm tại gia đình người học. Ngay buổi dạy đầu tiên tôi đã thấy cậu bé không có tinh thần học tập, nhưng tôi vẫn kiên trì để khơi gợi lòng ham học của cậu bé. Tuy nhiên, đến buổi thứ ba thì dây đàn bị đứt. Cậu bé đã bứt dây đàn. Người mẹ xin lỗi tôi và kể vì bà thích cây đàn guitar này nên đã mua tặng con nhân ngày sinh nhật. Và bà cũng muốn con học đàn để khơi gợi năng khiếu nghệ thuật nơi con, để tâm hồn trở nên tinh tế, nhạy cảm, là phương tiện giao lưu văn hóa sau này, nhưng thất bại.”

Bà Hoa Trần, ở Westminster, cho biết: “Tôi cho con học piano cũng được sáu tháng rồi. Tháng đầu tiên thấy cháu có vẻ thích, tuy nhiên sang tháng thứ ba thì thấy cháu hơi chểnh mảng, không hề tự giác tập tành chút nào cả. Tuy nhiên, đến giờ học thì vẫn ngoan ngoãn học không phản đối gì cả. Cô giáo có nói là bài học giờ có khó hơn, cháu thì tiếp thu nhanh và có tai nghe nhạc, nhưng không thấy được sự đam mê, mà chỉ học cho qua. Cô giáo có nói nên cho cháu tạm ngưng một thời gian, xem cháu có đòi cho học lại không, bởi vì bây giờ cháu có thể ngoan ngoãn và vâng lời học nhưng sợ rằng khó mà tiến xa.”

Trong khi đó, bà Thảo Nguyễn, ở Garden Grove, kể: “Theo tôi, ngoài chuyện đứa bé thích học hay không thì quan trọng là giáo viên có hợp với bé không. Chị tôi có ba đứa con, hai đứa đầu thì chăm chỉ học nhưng biểu đâu đánh đó, chứ bài nhạc không có hồn. Đứa thì ba thì giáo viên bảo có năng khiếu nhưng lười học lắm. Một hôm nhà có tiệc, thằng bé vui thế nào không biết, chơi một bài làm cả nhà phải ngất ngây vì hay quá. Thế là mẹ cháu bảo chơi bài cô dạy thì cháu bảo chán lắm. Rồi hỏi cháu còn bài nào cháu thích thì cứ chơi, thì cháu đánh hay lắm. Nhiều người mới bảo mẹ cháu nên đổi giáo viên, vì biết đâu giáo viên khác sẽ truyền cảm hứng cho cháu tốt hơn.”

Bà Thảo Nguyễn kể thêm: “Tôi có người bạn vừa bán cây đàn piano xong mà như bắt được vàng. Khi chở con tới nhà bạn chơi, thấy cây đàn piano, con bé cứ quanh quẩn bên đàn để nghịch, vì thích thú với âm thanh phát ra từ chiếc đàn. Thế là về nhà chị tậu cây đàn hơn $3,000 cho đứa con gái sáu tuổi đi học. Học được mấy buổi thì con bé không chịu đi học nữa, dù chị ép buộc hay dọa nạt. Nhưng rồi sợ mẹ, con bé cũng đi học, nhưng cô giáo bảo con bé không hợp tác và không có hứng thú để học.”

Đi học đàn để con không chơi game!

Chia sẻ về việc nhiều gia đình cho con đi học đàn, bà Thủy Nguyễn, giám đốc trường nhạc Sonata Music, cho biết: “Nhiều cha mẹ cho con tới học do nhiều bé thích, cũng có những bé do trước đây cha mẹ không được học nên nay muốn hướng con đi học. Thêm vào đó, cha mẹ cũng nghĩ học nhạc đem lại nhiều lợi ích, dù họ ép con học nhưng họ nghĩ vì lợi ích, học đàn không có hại nên họ nghĩ chuyện đó là chuyện đúng đắn.”

Bà Thủy kể: “Nhiều cha mẹ nói với tôi là ngoài giờ học ra thì ở nhà các bé chơi iPad, hay chơi game, hay bị cuốn hút bởi YouTube nhiều quá. Vì vậy họ không biết làm gì với con ngoài việc bắt con đi học đàn, vì ở nhà thì nó chơi game thôi. Họ bảo rằng, cho ra ngoài thì bắt buộc con phải đi học, mặc dù con không thích, nhưng cho con được hoạt động, được tiếp xúc với ngôn ngữ âm nhạc.”

“Thú thật, tôi cũng thấy trẻ con dạo này hướng vào công nghệ nhiều quá, quên mất chuyện học. Dù có bé không chơi game, nhưng bị cuốn hút vào YouTube, trong khi YouTube vẫn có những thứ không lành mạnh, hoặc lời nói không đúng đắn. Tuy nhiên, để tách con ra khỏi công nghệ bằng cách cho đi học đàn, cũng là một cách hay, nhưng cũng chưa là giải pháp tốt. Bởi vì có những bé ‘kết duyên’ được với phím đàn, nhưng có những bé giờ học đàn trông rất uể oải, và điều đó gây khó khăn rất nhiều cho giáo viên,” bà Thủy nói.

Bà Thủy Nguyễn nói tiếp: “Sau khi cho và ép con mình đi học đàn, thì nhiều cha mẹ lại mơ ước. Vâng, mơ ước con mình đàn được nhiều bản nhạc là đúng, nhưng thực ra học nhạc không giống như học toán, tức 1 + 1 = 2, có bao nhiêu công thức thì học bấy nhiêu công thức, cứ thế tập luyện là giỏi. Nhưng học nhạc là một lĩnh vực khác, phải học cả đời. Nếu một người nói, tôi học xong rồi, tôi có thể trở thành cô giáo, như thế là không đúng.”

“Tôi thấy nhiều cha mẹ không biết điều này, cứ nghĩ sao con tôi học hai năm rồi mà vẫn không đánh được một bản nhạc. Rồi họ đổ lỗi cô giáo dạy không giỏi. Nhưng họ quên là con họ về không tập đàn, tới học thì quên sách vở, học không đều đặn… Đó là lý do con họ không tiến,” bà Thủy dẫn chứng.

Bà Nguyễn Tường Vân, giám đốc trường nhạc VRMA, cũng cho rằng: “Trong đời dạy học của tôi, rất nhiều trường hợp học trò không yêu thích âm nhạc, không mở lòng ra với âm nhạc… nhưng cha mẹ vẫn đề nghị cho học nhạc. Trước đây cha mẹ thường ao ước con mình làm bác sĩ, kỹ sư, dược sĩ, nha sĩ… nên không ai muốn con mình đi học nhạc. Trong khi học nhạc rất tốt. Rồi sau này bùng nổ công nghệ, ngoài giờ học con nít chỉ chơi game hay tán gẫu trên mạng, nên cha mẹ cho con đi học nhạc để bớt thời gian chơi game!”

“Tuy nhiên, trong âm nhạc phải có sự đam mê. Giống như muốn xây một cái nhà thì nền móng phải chắc, khi đó nhà dựng lên mới bền và đẹp. Học nhạc cũng như vậy, nếu chỉ học để biết, muốn đạt được ngay tức thì là rất khó. Rất nhiều cha mẹ nghĩ rằng học piano dễ lắm, một ngày hai ngày phải xong ngay, phải đánh được bài gì rồi. Do vậy có nhiều người hỏi, thế sau hai tháng cháu đánh được bài gì rồi và bắt con đánh mấy bài hát Việt Nam mà họ thích,” bà Vân nói.

Bà Vân chia sẻ: “Điều quan trọng mà cha mẹ nên quan tâm là, âm nhạc chạy theo thị trường hay âm nhạc theo chất lượng. Học piano không phải chạy theo bài mà phải chú trọng vào chất lượng. Do đó, học nhiều bài chưa phải đã là tốt, nhiều cha mẹ nói với tôi là con họ học mãi mà chỉ học một bài. Nếu nói về điều này thì là cả một vấn đề.”

Việc học đàn sẽ giúp trẻ tăng cường khả năng cảm thụ âm nhạc. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

Nghệ thuật thì không ép được

Những câu chuyện dở khóc, dở cười về đào tạo tài năng âm nhạc như trên không là điều hiếm gặp. Thế nhưng, rất nhiều cha mẹ bắt con học theo mệnh lệnh mà không chú ý đến năng khiếu, sở thích của con. Chưa kể, có cha mẹ còn ảo tưởng về tài năng của con mình nên ép con học theo kiểu “sau một đêm thành thiên tài,” hoặc chỉ để thực hiện ước mơ “một thời dang dở” của mình.

Ông Hoàng Ân cho biết: “Yếu tố đầu tiên các bậc cha mẹ cần cân nhắc là bé tỏ ra có khả năng, có yêu mến hay không. Nếu có yêu mến và tỏ ra thích thú thì lúc đó việc học đàn mới trơn tru. Nếu không thì cả thầy và trò đều mệt mỏi vô cùng vì giờ học như tra tấn.”

“Trẻ tám tuổi trở lên là học đàn guitar được rồi, vì nhỏ hơn thì không thể bấm dây đàn được, vì khá đau tay. Người thầy khi dạy phải rất chịu khó giúp đỡ học trò để họ vượt qua trạng thái sợ đau. Nhưng trước tiên người học phải có yêu mến và có tinh thần học tập thì mới học được. Vì nếu không yêu mến, cứ vịn vào cớ sợ đau để trì hoãn, để không học nữa. Nếu muốn cho con học nhạc cụ gì, cha mẹ nên cố gắng cho con tiếp xúc nhiều với nhạc cụ đó, nên giúp con tạo và nuôi dưỡng niềm yêu thích nhạc cụ đó,” ông Ân nói.

Ông cũng cho biết thêm: “Khi dạy buổi đầu là tôi biết người đó có khả năng tiến xa hay không, bởi vì những người chịu học thì họ biết cách hệ thống những gì mình dạy, họ không chỉ có kỹ năng bàn tay mà cần có kỹ năng của đầu óc. Tôi rất nhạy bén, dạy đến buổi thứ hai là tiếp tục hoặc cho nghỉ liền. Tôi nói rõ với phụ huynh là phụ huynh thích nhưng cháu không thích, cháu không đủ tinh thần thì không học được, tới ngồi chỉ vô ích. Và người thầy nếu cố gắng thì chỉ vô ích cho cả đôi bên.”

Bà Thủy Nguyễn cho hay: “Cha mẹ nên để trẻ được quyền lựa chọn những môn học phù hợp với sở thích và khả năng của mình. Sự ép buộc không bao giờ mang lại kết quả tốt. Bởi vì trẻ không có khả năng, đam mê về môn học, giáo viên sẽ nhận ra ngay. Học piano chỉ nên cho trẻ thử học khoảng ba đến sáu tháng, sau thời gian đó nếu không được thì cha mẹ nên cho trẻ học môn khác. Phải thử thôi, cái gì cũng vậy. Ba đến sáu tháng thấy dài nhưng một tuần chỉ học một buổi, mỗi buổi chỉ học 45 phút đến một giờ thôi. Đâm ra thời gian rất ngắn.”

“Vì sao phải thử? Tôi thấy cha mẹ Việt Nam cho con học piano nhiều nhất, kế đến là guitar, rồi sau đó mới tới trống. Có trường hợp, hai đứa con cùng học piano, nhưng một đứa chỉ thích học trống, thay vì chuyển cho con học theo sở thích thì cha mẹ vẫn bắt con học piano. Đừng nghĩ âm nhạc chỉ có piano thôi, và cũng đừng nên cho con mình chơi cái gì mà nhiều người ưa chuộng, để khoe với cha mẹ khác là con tôi cũng biết chơi piano, vì nó có giai điệu, trong khi con mình không thích,” bà Thủy chia sẻ.

Bà Nguyễn Tường Vân cũng cho rằng: “Chúng tôi biết được đường tương lai xa của đứa bé khi căn cứ vào việc kiểm tra khả năng âm nhạc của trẻ sau một thời gian học. Rất nhiều trường hợp các cháu đánh mà không hiểu gì hết, chân tay hỏng hết, không đúng nhạc, không đúng kỹ thuật… Một khi bản nhạc mình chơi mà mình không hiểu gì thì người nghe cũng không hiểu gì hết. Không phải học trò nào cũng thích học piano. Khi đó, cha mẹ phải mạnh dạn chuyển trẻ sang học các nhạc cụ khác. Không gì đáng sợ hơn phải học những thứ mình không thích.”

“Âm nhạc là một ngôn ngữ duy nhất không ‘nói’ mà chỉ ‘chơi’ thôi. Phải dùng cái chơi ‘play’ đó để nói lên những gì mình muốn nói. Nếu bản thân mình không biết nói cái gì thì làm sao mình cho người nghe biết được mình muốn nói cái gì. Học đàn nếu không có sự đam mê thì chỉ biết chơi mà không chơi giỏi vì không kiên nhẫn luyện tập. Cha mẹ chỉ nên là người mở lối, chỉ đường, động viên và hỗ trợ chứ không nên là người áp đặt, hay tệ hơn nữa là bó buộc con mình phải là người thực hiện những ước mơ một thời dang dở của mình,” bà Vân khuyên. (Quốc Dũng)

—–

Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT