Monday, May 13, 2024

Văn Đức Hải Ngoại hội ngộ kỳ 10: Những cánh chim nhớ tổ ấm bay về

Văn Lan/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) –  “Chào nhau nhé về Cali đúng hẹn/Tháng Tám mùa Thu, tay bắt mặt mừng/Để những môi cười, mắt lệ rưng rưng/Có những nôn nao, ríu ran chuyện kể,”…

Đó là những vần thơ đến nao lòng do Giáo Sư Lê Đình Bảng tâm tình chia sẻ trong chủ đề “Tình Nghĩa Thầy Trò” của Hội Cựu Học Sinh Văn Đức sau 44 năm gặp lại, hôm Chủ Nhật 5 Tháng Tám tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam, Santa Ana.

Mùa Thu là mùa nhớ nhung, hoài niệm về những kỷ niệm xưa để các thầy cô và cựu học sinh, đồng môn trường Văn Đức quy tụ về, những cánh chim luôn tìm về tổ ấm, hạnh phúc sum vầy.

Và cứ thế thời gian như điểm hẹn, mỗi năm một lần gặp nhau, để nhớ về trường xưa, Hội Văn Đức Hải Ngoại cùng nhau cảm tạ và tri ân các vị tiền nhân sáng lập xây dựng và phát triển trường, cũng là dịp gặp gỡ giữa các thầy cô và cựu học sinh đồng môn, hàn huyên tâm sự, chia sẻ bao kỷ niệm xưa dưới mái trường thân yêu.

Một số cựu học sinh và giáo chức trường Văn Đức vui mừng gặp lại sau 44 năm. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Dưới sự chủ tế của Linh Mục Louis Phạm Đăng Quang và Linh Mục phụ giảng Giuse Phạm Văn Diệm, dâng thánh lễ tuởng nhớ và tri ân các vị khai sáng trường Văn Đức, được cử hành trọng thể, với sự hiện diện của quý vị giáo sư, ban điều hành Hội Văn Đức Hải Ngoại và toàn thể cựu học sinh.

Trước di ảnh của 2 vị cố Linh Mục Bernadô Nguyễn Xuân Thu, hiệu trưởng; và cố Linh Mục Phêrô Lã Quang Hiệu, tổng giám thị, trong tinh thần tôn trọng đạo nghĩa, uống nước nhớ nguồn, mọi người cùng thành tâm bái tạ.

Ông Vũ Hùng, cựu giáo chức, người xứ Lộc Hưng ngày xưa, cho biết: “Tuy không phải là học sinh Văn Đức, nhưng mỗi lần dự thánh lễ tại nhà thờ Lộc Hưng, đều đi ngang qua trường Văn Đức, như bao nhiêu ngôi trường khác với nền giáo dục ưu việt ngày xưa. Tôi rất quý mến và cảm động tình nghĩa thầy trò được thể hiện trong thánh lễ hôm nay, để tưởng nhớ các vị sáng lập ngôi trường. Với tinh thần tôn sư trọng đạo của người Việt, cùng nhiều đồng hương Lộc Hưng năm xưa gặp lại, đã làm sống lại thời gian khi còn ở Việt Nam. Tôi xin dâng lời cầu nguyện cho tất cả thầy trò và những ngôi trường ngày xưa mà tôi hằng quý trọng.”

Giáo Sư Nguyễn Văn Mỹ hân hoan chào đón Kỷ Yếu Văn Đức 2019 “Tình Nghĩa Thầy Trò” trong ngày vui hội ngộ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ông Bùi Văn Bằng, phóng viên đài SBTN tại North Carolina, cựu học sinh Văn Đức niên khóa 1965-1968, hồi tưởng: “Nhớ nhiều nhất là cha Phêrô Lã Quang Hiệu, tổng giám thị, dạy môn Pháp Văn, và thầy Lê Đình Bảng dạy môn Việt Văn. Nhờ thầy ấy mà tôi được trau dồi môn nói chuyện trước quần chúng, giúp ích cho nghề nghiệp mà tôi theo đuổi cho đến nay.”

Ông Bằng xúc động nói: “Được học với thầy Lê Đình Bảng từ 1965-1968. Cách đây 2 năm, sau khi được định cư tại Hoa Kỳ, thầy đã vui mừng khi lần đầu tiên thấy tôi trên TV. Qua nhiều lần liên lạc, hôm nay mới chính thức gặp lại thầy sau 51 năm xa cách.”

“Đây là năm thứ 2 tôi trở lại hội ngộ Văn Đức, làm nhớ lại thời cắp sách đến trường cho đến khi nhập ngũ sau khi ra trường, thời gian ấy không bao giờ quên trong đời, hôm nay gặp lại thầy cô và đồng môn thật cảm động. Mong rằng những bạn học Văn Đức biết được, sẽ cố gắng sắp xếp thời gian để về hội ngộ cùng nhau, chúng ta không còn bao nhiêu thời gian nữa,” ông Bằng nói thêm.

Giáo Sư Lê Đình Bảng tâm tình trước cựu học sinh Văn Đức trong ngày hội ngộ kỳ 10. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ngoài ra còn có cựu học sinh Văn Đức, ông Trần Kim Khôi và phu nhân, đến từ North Carolina hôm nay cũng tham dự. Các cựu học sinh từ khắp nơi đã đến cùng nhau tham dự hôi ngộ lần thứ 10, trong tình nghĩa thầy trò để bày tỏ lòng biết ơn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn.

Thầy hội trưởng Nguyễn Văn Mỹ phát biểu khai mạc: “Vào Tháng Chín, năm 2009, các thầy Hà Như Minh, Nguyễn Văn Thắng cô Nguyễn Thị Thu đã họp nhau lần đầu tiên tại Mỹ, cũng ngày ấy tại Việt Nam, các thầy cô và cựu học sinh đã họp tại nhà thầy Nguyễn Văn Lung. Đó là ngày chính thức thành lập Hội Cựu Học Sinh Văn Đức. Đó là quá khứ và hôm nay xin tuyên bố bắt đầu buổi hội ngộ năm thứ 10.”

Giáo Sư Lê Đình Bảng tâm tình cùng cựu học sinh Văn Đức, trước di ảnh của cố Linh Mục Hiệu Trưởng Bernado Nguyễn Xuân Thu (trái) và cố Linh Mục Phê Rô Lã Quang Hiệu, tổng giám thị (phải). (Hình:Văn Lan/Người Việt)

Về mục đích và ý nghĩa buổi họp mặt, cô hội phó Đỗ Hoa nói: “Văn Đức kỳ 10 kết chặt tình thân và đoàn kết giữa mọi người. Đây là dịp để các thầy cô chứng kiến sự truởng thành của các cựu học sinh khi rời khỏi ghế nhà trường, tung cánh vào đời. Và đây cũng là dịp thầy cô và bạn bè thân hữu hàn huyên tâm sự, cùng nhau tri ân các vị sáng lập trường, đặc biệt năm nay thực hiện được cuốn kỷ yếu, một món quà tinh thần vô giá.”

Cô Bùi Thanh Tâm trình bày cuốn kỷ yếu Văn Đức năm 2019 với chủ đề “Tình Nghĩa Thầy Trò,” do cựu học sinh Bùi Văn Bằng thực hiện cùng các cựu học sinh khác, để đền đáp công ơn của quý cha và các thầy cô, đã bao năm trao truyền trí thức, dạy dỗ bao nhiêu thế hệ học trò giúp ích cho đời. Đây là cuốn kỷ yếu đầu tiên, gói ghém tình cha con, tình thầy trò, tình đồng môn huynh đệ, với biết bao kỷ niệm mến yêu, là món quà tinh thần quý giá của cựu học sinh Văn Đức, chuyên chở hương vị quê hương và nỗi nhớ về mái trường xưa với bao kỷ niệm dấu yêu.

Theo thầy Nguyễn Cao Thăng, cựu giáo chức Văn Đức niên khóa 1960-1963, có thể tóm lược lịch sử trường Văn Đức như sau: Trường Trung Tiểu Học Công Giáo Văn Đức, gọi tắt là Trung Tiểu Học Văn Đức, thuộc Giáo Xứ Lộc Hưng, gần Ngã Ba Ông Tạ.

Màn vũ của Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật, thân hữu của Gia Đình Văn Đức. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Trường Văn Đức thành lập từ 1956, đến nay đã 63 năm, đào tạo được khoảng 3,000 học sinh tốt nghiệp, từ trước và sau 1975 cho toàn hạt Chí Hòa gồm: Nghĩa Hòa, Nam Hòa, Sao Mai, Hòa Bình, Khu Thánh Mẫu, Ngã Ba Ông Tạ, Nam Thái, An Lạc, Tân Chí Linh, Hòa Hưng, Khu Ngã Tư Bảy Hiền, Cư Xá Tự Do và Lộc Hưng. Và đó cũng là khu vườn rau Lộc Hưng vừa bị nhà cầm quyền Cộng Sản cưỡng chiếm.

Buổi hội ngộ đầy cảm động và sôi nổi, vui vẻ đến giờ chót, với bao tâm tình kỷ niệm, kể hoài không hết, cùng với những tiết mục văn nghệ hào hứng do “cây nhà lá vườn” thực hiện.

Dù tên gọi Văn Đức đã không còn, nhưng kỷ niệm thân thương, đẹp nhất vẫn còn chung một niềm tự hào về một Gia Đình Văn Đức Lộc Hưng, để mỗi năm như một lời hẹn ước, những cánh chim vẫn nhớ tổ ấm bay về. (Văn Lan)

MỚI CẬP NHẬT