Wednesday, May 15, 2024

Nhân viên ngoại giao Mỹ giúp hàng chục ngàn người Việt di tản năm 1975

LITTLE SAIGON, California (NV) – Bao nhiêu cá nhân trong hàng chục ngàn người Việt di tản từ phi trường Tân Sơn Nhất, hay từ trên nóc nhà Toà Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn, trong những ngày cuối cùng của Tháng Tư Đen biết họ cần cảm ơn sự tận tụy của các nhân viên ngoại giao Mỹ?

Đó là nội dung bài viết “The Fall of Saigon (1975): The Bravery of American Diplomats and Refugees” của Viện Bảo Tàng Ngoại Giao Hoa Kỳ đăng hồi năm 2021 nhưng vẫn còn giá trị đến ngày nay, 49 năm sau sự kiện miền Nam Việt Nam thất thủ.

Tấm hình nổi tiếng chụp cảnh di tản bằng trực thăng tại Sài Gòn vào Tháng Tư, 1975, của nhiếp ảnh gia Hugh Van Es. (Hình: Mike Clarke/AFP via Getty Images)

Bởi vì nếu không có những nhân viên ngoại giao đó, chẳng có ai sắp xếp các chuyến bay phối hợp cho trực thăng bốc người di tản trong vòng trật tự và không hoảng loạn giữa lúc  tiếng đạn pháo kích của quân đội Bắc Việt vang dội thủ đô miền Nam Việt Nam.

Nếu không có những nhân viên ngoại giao miệt mài cho đến giây phút cuối cùng làm danh sách lên máy bay, làm thị thực visa cho hàng chục ngàn người trong một khoảng thời gian gấp rút thì chẳng có ai có giấy phép qua được cổng phi trường hay tòa đại sứ để được leo lên trực thăng bay ra các chiến hạm của Đệ Thất Hạm Đội.

Bối cảnh Sài Gòn sụp đổ

Ngày 30 Tháng Tư, 1975, Sài Gòn thất thủ, kết thúc cuộc chiến Việt Nam, và mở ra những thử thách mới cho người dân miền Nam không chấp nhận sống với chế độ Cộng Sản.

Trong những ngày trước sự kiện định mệnh này, quân đội Mỹ thực hiện một nhiệm vụ to lớn là di tản hàng ngàn người Mỹ và hơn 100,000 giới chức, quân nhân, và gia đình thuộc thể chế VNCH.

Viện Bảo Tàng Ngoại Giao tại Washington DC đã thu thập và trưng bày các hiện vật cùng hình ảnh hoạt động năng nỗ của các nhà ngoại giao Mỹ cùng những người tị nạn Việt Nam trong những ngày “mất” Sài Gòn.

Bộ sưu tập hiện vật và hình ảnh của Bộ Ngoại Giao Mỹ mang đến cái nhìn sâu sắc về những gì các nhà ngoại giao và người tị nạn trải qua trong thời điểm đó. Những hiện vật này không chỉ kể lại một sự kiện lịch sử mà còn làm sáng tỏ những hoàn cảnh đầy thử thách, nguy hiểm mà các nhà ngoại giao thường gặp phải khi làm nhiệm vụ. 

Công tác chuẩn bị giấy tờ xuất nhập cảnh và các chuyến bay di tản khó khăn

Sự thất thủ của Đà Nẵng và các thành phố trọng điểm khác vào Tháng Ba và Tháng Tư báo hiệu sự sụp đổ sắp xảy ra của miền Nam Việt Nam. 

Trong thời điểm cuối Tháng Tư, 1975, có khoảng 5,000 người Mỹ, bao gồm cả các nhà ngoại giao và gia đình vẫn tiếp tục làm việc tại toà đại sứ, trong bối cảnh Sài Gòn căng thẳng với những trận pháo kích và ném bom leo thang bên cạnh đà tiến quân của lực lượng Bắc Việt.

Người Việt di tản hồi 1975 trên một tàu đổ bộ của Hải Quân Mỹ. (Hình: npr.org)

Hàng ngàn công dân miền Nam Việt Nam làm việc trong chính quyền Sài Gòn và các cơ quan Mỹ  đổ xô đến tòa đại sứ ở Sài Gòn để trú ẩn và tìm cách thoát khỏi tình cảnh mất nước trong tâm trạng hoang mang mất phương hướng.

Giữa sự hỗn loạn và bất ổn bao trùm Sài Gòn, các nhà ngoại giao Mỹ đóng vai trò trung tâm trong việc tổ chức cuộc di tản bằng trực thăng đầy tham vọng nhất trong lịch sử.

Công tác chuẩn bị trong việc cấp visa thị thực và sắp xếp việc di tản một số lượng người đông đảo không phải là một phần việc hào nhoáng trong hoạt động ngoại giao, nhưng vô cùng quan trọng cho nỗ lực di tản.

Các nhà ngoại giao Mỹ phải giải quyết tỉ mỉ từng chi tiết, từ việc bảo đảm lối đi an toàn đến thể hiện lòng can đảm, đặc biệt trong việc gấp rút cứu những công dân VNCH sẽ rơi vào vòng hiểm nguy dưới sự cai trị của chế độ Cộng Sản. 

Những nỗ lực của họ đã tạo nên một chương về tinh thần bất khuất và ý nghĩa lịch sử, để lại dấu ấn không thể phai mờ trong biên niên sử ngành ngoại giao Mỹ.

Cuộc di tản Frequent Wind và các nhà ngoại giao Mỹ anh hùng ở lại đến phút chót

Khi quân đội Bắc Việt trên đường tiến vào Sài Gòn, Đại Sứ Graham Martin ra lệnh di tản người Mỹ và những công dân miền Nam dễ bị rơi vào sự trả thù của chế độ Cộng Sản. 

Phó Đại Sứ Wolfgang J. Lehmann và trang nhật ký của Tòa Đại Sứ Mỹ tại Sài Gòn với những dòng chữ của ông trong hai ngày 29 và 30 Tháng Tư, 1975. (Hình: National Museum of American Diplomacy)

Cuộc di tản vào thời điểm cận ngày 30 Tháng Tư gặp khó khăn trước những thách thức, bao gồm các tuyến đường biển bị phong tỏa và máy bay không thể đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất.

Việc di tản bằng các phi cơ vận tải C-141 và C-130 đã chấm dứt vào rạng sáng ngày 29 Tháng Tư khi phi trường bị pháo kích và một vận tải cơ C-130 bị thiêu hủy ngay trên phi đạo.

Do đó máy bay trực thăng trở thành phương tiện duy nhất để chuyên chở người di tản.

Đại Sứ Martin ra lệnh tiến hành chiến dịch Frequent Wind để di tản người Mỹ và bỏ ngỏ Tòa Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn. 

Sau khi khu tùy viên quốc phòng bị tấn công, tòa đại sứ trở thành điểm xuất phát duy nhất của trực thăng. Kế hoạch ban đầu chỉ yêu cầu di tản người Mỹ nhưng Đại Sứ Martin nhất quyết di tản giới chức chính phủ VNCH, nhân viên địa phương của tòa đại sứ và gia đình họ.

Trong khi đó, có khoảng 10,000 người dân miền Nam đợi ở cổng tòa đại sứ với hy vọng lên được trực thăng.

Từ ngày 29 đến ngày 30 Tháng Tư, trực thăng cứ 10 phút lại hạ cánh xuống mái nhà tòa đại sứ. Một số phi công bay liên tục trong 19 giờ, di tản được hơn 7,000 người, trong đó có 5,500 người Việt, trong vòng chưa đầy 24 giờ.

Nhà ngoại giao cuối cùng lên trực thăng còn kịp nhìn thấy xe tăng Bắc Việt tiến vào

Một nhà ngoại giao làm việc đến những giờ cuối cùng để bảo đảm thuận lợi cho việc di tản là Phó Đại Sứ Wolfgang J. Lehmann, và ông cũng là một trong những người cuối cùng rời tòa đại sứ vào ngày 30 Tháng Tư.

Sau khi chứng kiến Đại sứ Martin bước lên một chiếc trực thăng bay đi, ông Lehmann leo lên chiếc tiếp theo cùng với khoảng sáu nhân viên sứ quán khác.

“Chúng tôi có thể nhìn thấy ánh đèn của các đoàn quân xa Bắc Việt đang tiến vào Sài Gòn. Chiếc trực thăng chật cứng những nhân viên văn phòng còn lại cùng những nhân viên bảo vệ… trong im lặng hoàn toàn ngoại trừ cánh quạt của động cơ. Tôi nghĩ mình đã không nói một lời nào trên đường bay ra ngoài biển và cũng không có ai khác nói câu nào. Cảm xúc lúc đó là một nỗi buồn vô cùng,” ông Lehmann kể lại.

Tổng Lãnh Sự Francis Terry McNamara (trái) trong buồng lái của sà lan. Hình phải là ông McNamara đứng trong buồng lái và được hai nhân viên mang súng bảo vệ. (Hình: National Museum of American Diplomacy)

Nhà ngoại giao giúp di tản hàng trăm người tị nạn ở Cần Thơ

Khi Sài Gòn đang bấp bênh trên bờ vực sụp đổ, cách đó khoảng 100 dặm một câu chuyện đầy kịch tính khác diễn ra ở Cần Thơ. 

Giữa sự hỗn loạn của những ngày cuối cùng, ông Francis Terry McNamara, trong vai trò  tổng lãnh sự, đã tiến hành một kế hoạch di tản táo bạo nhằm cứu hàng trăm người tị nạn Việt Nam.

Từ Sài Gòn, tòa đại sứ ra lệnh rất rõ ràng cho ông McNamara: “Chỉ di tản nhân viên Mỹ vì những hạn chế về phương tiện và lo ngại về an ninh.” Tuy nhiên, ông McNamara không chịu từ bỏ những nhân viên người Việt và gia đình họ, vì biết rõ những nguy hiểm nghiêm trọng mà họ phải đối mặt dưới chế độ mới.

Trong một quyết định dứt khoát, ông từ chối nhận trực thăng chỉ để di tản được 18 người, các nhân viên người Mỹ, và cố gắng điều đình với cấp trên cho phép di tản luôn tất cả nhân viên người Việt và gia đình.

Bất chấp sự miễn cưỡng ban đầu, ông McNamara vẫn kiên trì cho đến khi được cho phép di tản tất cả mọi người, người Mỹ cũng như người Việt Nam, bằng các sà lan đi dọc theo sông rồi ra biển, nơi dự đoán có sẵn chiến hạm của Hải Quân Mỹ chờ sẵn.

Tận dụng kỹ năng của một cựu thủy thủ, Tổng Lãnh Sự McNamara đã điều khiển đoàn sà lan với sự giúp đỡ của một đồng nghiệp trong cơ quan USAID nhanh chóng đưa những người Mỹ, nhân viên Việt Nam cùng gia đình của họ di tản.

Đoàn sà lan xuôi theo một nhánh sông ở đồng bằng sông Cửu Long đầy hiểm nguy với việc phải đối mặt với hỏa lực của các du kích Việt Cộng từ trong bờ bắn ra.

Chuyến hải hành không phải hoàn toàn “thuận buồm, xuôi gió,” các chiến hạm của Hải Quân Mỹ không có mặt như dự kiến, đoàn sà lan trôi dạt giữa Biển Đông mênh mông với hàng trăm con người còn chưa kịp hoàn hồn.

Vận may “hạm đội sà lan” của “Đô Đốc McNamara” thay đổi khi họ nhìn thấy ánh sáng ở phía chân trời xuất phát từ một tàu vận tải được CIA thuê đi vớt những người di tản.

Vào năm 2019, ông McNamara, sau này trở thành đại sứ tại Gabon và Cape Verde, tặng viện bảo tàng lá cờ Mỹ được treo ở tòa tổng lãnh sự ở Cần Thơ và lá cờ lãnh sự được treo trên chiếc sà lan do ông chỉ huy trong quá trình di tản. Qua nhiều năm, màu xanh dương của lá cờ đã chuyển sang màu đỏ đậm do phản ứng hóa học trên vải theo thời gian.

Lá cờ Tòa Tổng Lãnh Sự Mỹ ở Cần Thơ dựng trên chiếc sà lan trên đường di tản (trái) và Đại Sứ Francis Terry McNamara (phải) chỉ cho nhân viên Viện Bảo Tàng Ngoại Giao lá cờ màu xanh ngày xưa bây giờ đã phai màu. (Hình: National Museum of American Diplomacy)

Nước Mỹ không quên nỗ lực của các nhà ngoại giao can đảm

Ngày 5 Tháng Năm, 1975, Tổng Thống Gerald Ford gửi một bức thư tỏ lòng cảm ơn tấm lòng tận tụy và tài trí của Đại Sứ Martin cùng các nhân viên Tòa Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn đã hoàn thành sứ mạng di tản hàng chục ngàn người trong bối cảnh đầy hiểm nguy của một biến cố làm thay đổi lịch sử và vận mệnh thế giới.

“Xin quý vị vui lòng chấp nhận lời khen ngợi chân thành của tôi. Sự can đảm và kiên định của quý vị trong giai đoạn quan trọng này giúp di tản được công dân của chúng ta cùng một số lượng rất lớn người miền Nam Việt Nam gặp nguy hiểm. Tôi hy vọng ông đại sứ sẽ chuyển đến toàn thể nhân viên lòng biết ơn sâu sắc của tôi và của người dân Mỹ vì đã hoàn thành tốt sứ mạng. Trân trọng, Gerald R. Ford,” đó là những dòng cuối trong lá thư từ Tòa Bạch Ốc gửi cho Đại Sứ Martin.

Viện Bảo Tàng Ngoại Giao giành một khu đặc biệt nhằm tri ân những nỗ lực âm thầm của các nhân viên ngoại giao ở tòa đại sứ Sài Gòn thời điểm 1975 nhằm hoàn thành cuộc di tản to lớn vào thời điểm cuối cùng của cuộc chiến Việt Nam.

Người Mỹ và chính phủ Mỹ ghi nhận công trạng những nhà ngoại giao kiên cường này.

Còn những “người di tản buồn” có nhớ hay chăng? (MPL) [đ.d.]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT