Little Saigon

‘Việt Nam Yêu Dấu,’ tác phẩm mới nhất của Phạm Thu Dung

Văn Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California  (NV) – Buổi hội ngộ ra mắt sách của tác giả Phạm Thu Dung hôm Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, Westminster, diễn ra trong không khí tình thân của thân hữu.

Tác giả Phạm Thu Dung bên các tác phẩm sách và tranh vẽ của cô trong ngày ra mắt “Việt Nam Yêu Dấu.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Một số tác phẩm và tranh vẽ do tác giả Phạm Thu Dung trình bày gồm có Việt Nam Yêu Dấu Tập 1 và 2, Thiếu Phụ Áo Hồng (Người Ám Sát Tổng thống John F. Kennedy), Tản Văn & Thơ Uyên Nhi, Ảo Hình Titanic & Mắt Xanh Ái Nhĩ Lan, Đóa Hồng Gai (Ai Giết Hoàng Đế Quang Trung?), Hoa Sen Xanh, Có Phải Em Là Dạ Lý Hương? Trong chương trình có phần ký tặng tác phẩm, thơ bằng Việt Ngữ và Anh Ngữ cùng tranh vẽ của tác giả.

Mở đầu buổi hội ngộ là nhạc phẩm “Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi,” sáng tác Phạm Duy, do tác giả hát trình bày trong tiếng thụ cầm do cô tự đệm. Tuy giọng ca không chuyên nghiệp nhưng với cả tấm lòng yêu quê hương, khiến người nghe như cảm nhận được một miền quê còn thanh bình trong thời thơ ấu, tuy lúc bấy giờ chiến tranh đã lan tỏa khắp nơi.

Trong “Việt Nam Yêu Dấu 1 và 2,” với gần 700 trang, người dẫn chương trình, nhà thơ Trần Lê Giang đưa người nghe song hành cùng tác giả Phạm Thu Dung, đi qua những ngõ ngách ký ức tuổi thơ của người Hà Nội những năm tháng khi đất nước chia đôi.  

Thật đặc biệt, quyển truyện này như là hồi ký, kể lại cuộc đời của nhân vật chính, từ khi sinh ra đời trong bom đạn chiến tranh tại miền Bắc Việt Nam, bị trúng miểng bom của Mỹ, rồi cha mẹ phải tìm cách dùng thuyền câu để mang con cái vượt qua dòng sông Bến Hải tìm tự do và vì tương lai của các con. Họ may mắn thành công sang được bến bờ tự do, nhưng đứa con gái bị trúng miểng bom lại bất hạnh trở thành khuyết tật suốt đời.

Đứa bé ấy chính là tác giả viết nên truyện Việt Nam Yêu Dấu.

Tác giả Phạm Thu Dung (ngồi) và những thân hữu trong ngày ra mắt sách. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Cũng theo nhà thơ Trần Lê Giang, sau khi trang sử của cuộc chiến tranh Việt Nam khép lại ngày 30 Tháng Tư, 1975, những quyển hồi ký của những nhân vật thời cuộc của đất nước Việt Nam bắt đầu xuất hiện ở hải ngoại, sau một thời gian người Việt Nam tị nạn cộng sản có cuộc sống tạm ổn định.

Ông cho hay tất cả những quyển sách viết về chiến tranh Việt Nam cho đến ngày lịch sử 30 Tháng Tư, 1975, hay viết về tù đày “cải tạo”… dưới chế độ cộng sản trước và sau 1975, hầu hết đều do những người có tên tuổi, kinh nghiệm, viết ra.

“Bằng lối văn trong sáng và cô đọng, tác giả thản nhiên diễn tả một cách linh động về gia đình cô gồm cha mẹ cùng các anh chị em của mình, cho thấy tuổi thơ luôn hồn nhiên, luôn dâng tràn sức sống mãnh liệt của những búp măng non dưới tàng tre xanh che chở và luôn luôn yêu thương, tận tâm, giáo dục, lo tròn trách nhiệm của đôi vợ chồng có bảy người con,” nhà thơ Lê Giang kể.

Ông nói tiếp: “Tuổi thơ không biết oán trách, chỉ biết tuân phục. Sự hồn nhiên tuân phục ấy đồng thời cũng là sự hồn nhiên của sức sống thơ ngây. Có bao giờ những ai từng góp phần trong chiến tranh sẽ cảm thấy bùi ngùi ray rứt khi quyển truyện ‘Việt Nam Yêu Dấu,’ khép lại ở trang cuối cùng? Nếu có lương tâm cảm thấy xót xa cho tuổi trẻ thơ, thì con người ít nhất trong cuộc sống hiện tại đừng bao giờ tiếp tục tạo nên đau khổ cho tuổi thơ. Có phải đó là lời nhắn gởi của tác giả Phạm Thu Dung chăng?”

Ông nghĩ rằng có thể tác giả có chủ ý, và sẽ còn viết tiếp sau quyển truyện này, khi đã tránh tối đa những phát biểu của người lớn về chiến tranh, chỉ cụ thể vẽ thoáng cái hoàn cảnh con người đối diện với cuộc sinh tồn, khi đất nước ngày càng tiếp diễn chiến tranh trên khắp lãnh thổ.

Bác Sĩ Hoàng Mạnh Tuân (trái) bên tác giả Phạm Thu Dung cùng cây đàn thụ cầm, người bạn thân của cô bao năm qua. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Tác giả cũng cho biết đã tự giới hạn mọi câu chuyện buồn đau, ngoại trừ bất đắc dĩ để cho trọn vẹn mảng chuyện kể đến.

Nói với nhật báo Người Việt, tác giả Phạm Thu Dung bộc bạch rằng cô đến với văn chương và âm nhạc như là kể chuyện lòng của cô đến mọi người.

“Tôi tìm bạn khắp bốn phương trời, để họ có thể hiểu được tấm lòng của tôi. Đa số sách của tôi viết về Việt Nam, để mọi người hiểu rằng mình có một nền văn hóa, chỉ vì không may thôi. Tập 1 nói về lúc tôi sinh ra đời cho đến năm 1975, khi cộng sản chiếm toàn đất nước. Quyển thứ 2 tôi viết về cuộc sống người Việt ở hải ngoại như thế nào. Có nhiều câu chuyện nhưng tôi không chấm dứt, chỉ nửa chừng để cho người đọc tự hiểu, và họ sẽ biết kết luận như thế nào,” tác giả Phạm Thu Dung bộc bạch.

Cô tiếp: “Như chuyện viết về cuộc chiến ở Khe Sanh với đường 9. Tôi nhớ đến câu hát trong bài ‘Mấy Dặm Sơn Khê’ của Nguyễn Văn Đông: ‘Anh đến thăm áo anh mùi thuốc súng/Ngoài mưa khuya lê thê, qua ngàn chốn sơn khê.’ Lúc nhỏ tôi chỉ biết vậy thôi, nhưng sau này khi lớn lên, viết sách tôi mới thấy kinh sợ khi miền Bắc chiếm miền Nam, đã dạy hát rằng ‘Đường số 9 em ơi đầy xác Mỹ,…’ trong đó có Quốc Lộ 9 chạy qua Khe Sanh.”

Nhà thơ Trần Lê Giang giới thiệu tác phẩm “Việt Nam Yêu Dấu” của tác giả Phạm Thu Dung. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Cô Trần Kim Lưu, cô giáo dạy dương cầm, chia sẻ: “Hôm nay em đến giúp cô trong chương trình ra mắt sách, thật ái mộ một nhân cách sống của một người thật đặc biệt như cô.”

Bác Sĩ Hoàng Mạnh Tuân, ngồi dự từ đầu đến cuối chương trình, chia sẻ: “Cô là bệnh nhân của tôi, qua tiếp xúc, tôi cảm thấy cô có nhiều tấm lòng với đất nước, luôn hướng về quê hương qua những tác phẩm tranh vẽ, và nhất là hai tập truyện ‘Việt Nam Yêu Dấu 1 và 2,’ trong đó cô mô tả một đất nước tan rã trong chiến tranh với nhiều đau thương mất mát, nhưng với niềm tin vô biên, cô luôn hướng về sự bình yên trong tâm hồn, không chút oán hận gì đến những đau khổ về thể xác cô phải gánh chịu vì chiến tranh, và luôn cầu mong cho chiến tranh không còn khắp nơi trên thế giới.”

“Học được ở cô một nhân cách sống, nên tôi cố gắng phục vụ cho cộng đồng và cho dân tộc Việt Nam ngày càng tốt đẹp hơn trong nhiệm vụ của mình,” ông tiếp.

Nhà thơ Trần Lê Giang, người dẫn chương trình trong buổi ra mắt sách của tác giả Phạm Thu Dung, chia sẻ: “Dù bị khuyết tật trong chiến tranh, cô có cuộc sống rất mạnh mẽ, rất yêu văn chương, mới có thể hoàn thành hai quyển “Việt Nam Yêu Dấu,” cho chúng ta thấy lại quê hương và tuổi thơ, qua một thoáng về cuộc chiến tranh mà cô bày tỏ trong tác phẩm. Cô cũng là người đầu tiên dùng tuổi thơ để mô tả chiến tranh, trong khi nhiều tác phẩm khác chưa thấy.”

Cô giáo Trần Kim Lưu (trái) đàn bài “Tuổi Mộng Mơ” trong lúc tác giả Phạm Thu Dung lắng nghe. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ông Nguyễn Văn Thành, cựu thiếu tá Quân Lực VNCH, từng chiến đấu tại mặt trận Phước Long, chia sẻ một câu nói nổi tiếng: “Con người không phải vĩ đại ở thể xác, mà chính ở nơi não bộ, nơi ra lệnh và chỉ huy những sự việc vĩ đại của con người. Tôi cho câu nói này rất đúng với tác giả Phạm Thu Dung.”

Tác giả Phạm Thu Dung sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Vào thời kỳ Hiệp Định Geneva, gia đình cô vượt sông Bến Hải trốn vào Nam. Sau đó, cô bị bom B52 cắt ngang xương sống, chẳng có thuốc men gì, mẹ cô bồng chạy qua bao nhiêu đồi núi đến Nha Trang, sống như thế rồi cũng học thi đậu và học y khoa Sài Gòn mấy năm rồi ngày 30 Tháng Tư đến.

Sau đó, cô qua Anh học và đậu bằng bác sĩ, qua Mỹ tiếp tục học và thi đậu nhưng không hoàn toàn. Hiện cô làm thông dịch viên tòa án và dịch thuật nhờ biết vài thứ tiếng. Cô cho hay rất thích vẽ vì nó làm tâm hồn dịu lại. Và không ai dạy đàn, cô chỉ đàn vì đam mê thôi. Cô được bác sĩ định bệnh là khuyết tật nặng.

Trong tác phẩm “Việt Nam Yêu Dấu,” tác giả Phạm Thu Dung cho hay: “Tôi nhớ Việt Nam và yêu quê hương vô vàn. Tôi nhờ gió mang chuyện của tôi rải khắp nơi trên thế giới. Hy vọng bạn thương mến ‘Việt Nam Yêu Dấu,’ và… bạn có tìm ra chủ ý của tôi trong ‘Việt Nam Yêu Dấu Tập 2,’ không?” [đ.d.]

Disqus Comments Loading...
Share

Recent Posts

  • NHÀ ĐẤT

Ngành xây dựng nhà tại Mỹ vẫn đang ở thời hoàng kim

Khoảng bốn tháng trước, giám đốc điều hành (CEO) của Howard Hughes đã gọi năm…

1 hour ago
  • DU LỊCH

Crazy Horse Memorial, ngọn núi biểu tượng chiến binh Da Đỏ

Công trình tạc khắc núi có tên Crazy Horse Memerial đã và đang được tiếp…

2 hours ago
  • DI TRÚ

Thủ tục bảo lãnh người thân có tiền án qua Mỹ

Tôi bảo lãnh cho con tôi và con tôi có tiền án. Hồ sơ còn…

3 hours ago
  • Phụ Nữ

5 mẹo cân đối chi tiêu tiền đi chợ

Ai trong chúng ta đều có thể cảm nhận được sự ảnh hưởng của lạm…

4 hours ago
  • Giải Trí

4 chuyện tình tay ba đầy tranh cãi trên màn ảnh rộng Hollywood

Bốn tác phẩm về tình yêu không chỉ gói gọn hai người mà trở thành…

6 hours ago
  • Cộng Đồng

Phụ nữ gốc Việt bệnh tâm thần đi lạc, gia đình đang tìm

Nga Thanh Trương, 62 tuổi, cao 4 foot 11 inch, nặng 115 pound, tóc bạc,…

7 hours ago

This website uses cookies.