Sunday, May 12, 2024

Xâm mình – nghệ thuật và nhân bản dưới mắt người trong cuộc (Kỳ 2)

Nếu mang trong đầu một cách nhìn “xưa cũ”, nhiều định kiến, có lẽ bạn cũng như tôi, khó có thể đến gần để bắt chuyện với người thanh niên chưa đến 30 tuổi, đậm người, nón lưỡi trai đội ngược, tai xỏ khoen, lộ một hình xâm có chữ ‘Hiếu’ theo kiểu thư pháp ngay cạnh sau tai trái.

Thế nhưng khi nghe lời giải thích, “Khi em từ tiểu bang khác về đây, thấy có mình mẹ ở đây đi làm cực khổ quá, em xâm chữ ‘Hiếu’ này để tỏ lòng thương mẹ, nguyện sẽ hiếu thảo với mẹ, vì em chỉ còn có mình mẹ thôi” thì lòng người dù có chai cứng thế nào, cũng sẽ phải chùng xuống, dịu đi.

Tôn Nguyễn Sĩ Luân, tên của người thanh niên 29 tuổi đó, hiện đang sống ngay tại Little Saigon, bắt đầu xâm khi mới 15-16 tuổi.

Chỉ vào một hình xâm cũ trên cánh tay phải, Luân nhớ lại, “Em có hình xâm này đầu tiên lúc 15-16 tuổi, đi xâm cùng nguyên đám bạn làm kỷ niệm.”

Như bao nhiêu phụ huynh gốc Việt khác, ba mẹ Luân cũng không thích con mình xâm nên “lần đầu đi xâm em không có xin phép ba má, vì nếu xin thì đâu có cho, nhưng anh Hai em dẫn đi, cùng đám bạn, về nhà ba má la quá chừng. Ngày trước người Việt ai cũng vậy, cũng nghĩ người xâm mình là không đàng hoàng,” Luân kể.

Nói về cảm giác khi kim xâm đưa mực vào da, Luân nhăn mặt, “Đi xâm đau lắm! Đau quá trời chịu không nổi luôn! Nhưng mà vì thích nên em cố gắng chịu đựng thôi.”

Tuy nhiên, Luân thú nhận, “Sau khi xâm rồi thì giống như bị ghiền, xâm hoài, cứ nhìn trên người mình thấy chỗ da nào còn trống là em chịu không được, là lại muốn có thêm hình vô cho đẹp,”

Nghe hỏi, “những hình xâm em chọn là tùy thích hay phải mang ý nghĩa gì?” Luân trả lời ngay, “Những hình hay chữ xâm trên người em đều có ý nghĩa hết chứ.”

Chỉ lên cánh tay phải của mình, Luân nói, “Em là người Việt Nam thì em xâm chữ Việt Nam, hình bản đồ Việt Nam.”

Tattoo-NV-01
“Em là người Việt Nam thì em xâm chữ Việt Nam, hình bản đồ Việt Nam.” (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Ngoài chữ “Hiếu” sau vành tai, Luân chỉ vào những chữ cái xâm trên bốn ngón tay của bàn tay phải, giải thích, “Đây là chữ ‘Quân,’ là tên của ba em. Ba mẹ em chia tay, em qua Mỹ với mẹ, ba ở lại Việt Nam với vợ khác. Khi ba mất, em không có cơ hội về được vì còn nhỏ, vì phải đi học, nên khi lớn lên, có cơ hội, em xâm tên ba lên mấy ngón tay để luôn nhớ về ba em.”

Nắm bàn tay lại thành nắm đấm, Luân nói tiếp, “Em chọn vị trí này để xâm tên ba em là để khi em ra đường, khi em phải đánh nhau thì ba em đánh với em luôn và luôn đi cùng em.” Một cái gì ngỡ như luồng điện chạy trong người, khi nghe người con trai mồ côi giải thích.

Vẫn bằng giọng nói chân chất giấu sau vẻ ngoài “hầm hố,” Luân nhận xét, “Ông bà mình ngày xưa nói xâm là bậy bạ. Nhưng bây giờ em thấy xâm là một nghệ thuật. Thấy những bức hình nào đẹp, em cũng muốn xâm lên người, trên người em còn nhiều chỗ để xâm lắm.”


“Xâm để bộc lộ cá tính ai cũng thấy, còn hơn nhiều người không xâm mà ác quá trời!”

Tattoo-NV-03
Phạm Ngọc Quý, “Em không ân hận về những hình đã xâm, nhưng nếu được làm lại em muốn tất cả hình xâm nằm trong người em, không có lộ ra ngoài.” (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Đi cùng với Luân đến phòng xâm ở thành phố Orange là Phạm Ngọc Quý, bạn của Luân “từ nhỏ.”

Hình xâm đầu tiên Quý có, cũng cùng ngày với Luân, bởi “cả đám bạn chơi với nhau và cùng rủ nhau đi xâm.”

Quý kể, “Lần đầu đi xâm em không xin vì biết ba mẹ không có thích. Ba em là họa sĩ, nhưng ba em vẫn nghĩ hình xâm là dành cho ‘cô hồn các đảng.’ Nên ở nhà, em mặc áo tay dài không à, giống như để thể hiện sự tôn trọng ba em chút xíu, để ba em khỏi lên máu, dù ba em biết là trên người em có nhiều hình xâm.”

“Ba em không có hiểu là đâu phải có hình xâm là người đó không tốt đâu,” Quý nói như phân bua.

Cởi áo cho tôi xem hai hình xâm lớn hình con rồng từ đầu vai phủ xuống đến cườm tay, Quý nói, “Chưa có hình nào em xâm rồi mà muốn xóa hết, chỉ có cho thêm chi tiết vô để đẹp hơn thôi.”

Chỉ vào cánh tay trái xâm hình con rồng, Quý khoe, “Hình này em xâm tổng cộng hơn 30 tiếng, mỗi tiếng em trả $125.”

“Đi xâm là đau, hình xâm nào cũng đau, không cái nào là không đau, đau nhẹ hay ít đều là đau. Nhiều người nói thích cảm giác đau đó chứ em thì không hề thích, em chỉ thấy còn dư da thì muốn bít nó luôn chứ em thấy đau lắm,” Quý thố lộ.

Tuy nhiên, người thanh niên có khuôn mặt hiền lành tâm sự, “Nếu được làm lại thì em chỉ muốn xâm từ cùi chỏ lên thôi, em muốn tất cả hình xâm nằm trong người em, không có lộ ra ngoài. Tại ra ngoài đường, hay vô nhà hàng, đi ăn uống nhiều người hay nhìn nhìn, em thấy kỳ nên em không thích. Em không hối hận về những gì đã xâm lên người, nhưng nếu có được làm lại thì em sẽ chọn như vậy, chỉ xâm ở chân, ở lưng, ở đùi, ở những chỗ có thể che được bằng quần áo.”

Ngẫm nghĩ một thoáng, Quý nói thêm, “Em nghĩ khi đã đi xâm, thì ít nhất là người có hình xâm đã thể hiện ra cho người khác thấy mình như thế nào, như vậy còn hơn là những người ác mà giữ bên trong thì đâu ai biết họ ác đâu.”

“Có thể chị nghĩ những người có hình xâm như tụi em là thứ cô hồn, quậy phá, nhưng mà thực sự tụi em đâu phải như vậy. Tụi em xâm vì thấy nó đẹp, thấy đó là nghệ thuật mà tụi em thích, chứ có nhiều người không xâm mà ác quá trời!” Quý bộc lộ suy nghĩ của mình.


Xâm vì thấy thích, thấy đẹp!

Lý do để anh Tyson Lê, 47 tuổi, hết năn nỉ gia đình đến năn nỉ bạn gái cho đi xâm lần đầu tiên chỉ vì “thấy người ta có hình xâm thì mình cũng muốn có như vậy.”

“Thấy tôi năn nỉ hoài, cuối cùng bạn gái tôi nói nếu chịu xâm tên cô thì cô đồng ý,” Tyson cười nhớ lại trong lúc đang nằm trên ghế để người thợ xâm “mở da” cho mực vào một số chi tiết của bức hình bên sườn phải.

Từ hình xâm là tên người yêu nhỏ xíu trên người khi mới mười mấy tuổi, đến nay, sau khoảng 30 năm, Tyson cho biết “chỉ còn có một cái giò là chưa xâm.”

Tattoo-NV-04
Tyson Lê, “Chỉ còn có một cái giò là chưa xăm. Tôi sẽ xâm hết cả người giống như một bộ quần áo” (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Quả thực, khi chiếc áo thun ngoài được cởi ra, tôi cứ ngỡ người đàn ông đứng trước mặt mình đang mặc một chiếc áo khác bên trong, phủ từ sát cằm xuống cả hai bàn tay.

Không thể đếm được bao nhiêu hình xâm phủ hết thân mình người đàn ông này. Nào là một con cọp vằn vện trong tư thế như tiến tới, chân đạp lên cỏ cây, cạnh những cánh hoa, mắt nhìn thẳng người đối diện, không hung hăng, nhưng cũng chẳng hiền lành. Nào là một con cá chép muốn vượt vũ môn. Nào là con rồng đang uốn mình, há miệng giữa mây trời. Rồi chân dung một thiếu nữ áo lụa cài trâm như hình vẽ trong truyện Phong Thần xa xưa. Bên này lại là bức họa một cô gái da đỏ… Và còn bao nhiêu hình nữa mà tôi không kịp nhận ra ở sau lưng hay trên cánh tay, bàn tay.

“Tôi muốn sau này cả người mình các hình xâm phủ hết, như một bộ quần áo vậy,” Tyson, hiện làm quản lý cho một tiệm pizza, dự tính.

Nghe tôi tò mò hỏi, “Mỗi khi xâm hình mới, anh có thích khoe ra cho người khác biết không?” Tyson bảo, “Thì khi mặc áo mình cũng muốn hở hở ra chút cho thấy hình xâm, giống như phụ nữ mặc áo hở hở ngực để khoe vậy đó.”

Nhắm mắt với một nét mặt thảnh thơi, Tyson nhận xét, “Ngày xưa mỗi khi có hình xâm lộ ra là dễ bị đánh lộn lắm, vì đó như một dấu hiệu của băng đảng, tụi nó nhìn là muốn kiếm chuyện với mình liền. Giờ thì khác rồi, người ta nhìn nó bằng con mắt nghệ thuật nhiều hơn.”

Có mặt tại tiệm xâm để người thợ thực hiện tiếp bức hình xâm còn dang dở, chị Kiều Đinh, 39 tuổi, kể, “Hình xâm đầu tiên của tôi là hình con rắn cách đây cũng hơn mười năm rồi, vì tôi tuổi con rắn nên thích xăm con rắn thôi, không nghĩ gì hết.”

“Một con rắn xâm ở bắp tay bên trái liệu có sợ người ngoài “dị nghị” không?” Kiều trả lời câu hỏi bằng nụ cười tươi rói, “Không. Khi đã chọn xâm rồi thì còn sợ gì nữa. Mỗi người mỗi cách, mình không bận tâm chuyện người ta nghĩ gì hết.”

“Khi xâm rồi mình mặc áo sát cánh đi ra ngoài bình thường, dù cũng thấy có nhiều người ngó ngó, chắc họ tưởng mình là dân ‘ngầu ngầu,’ nhưng với mình chỉ đơn giản mình tuổi con rắn thì mình xâm con rắn, vậy thôi, chứ có phải dân giang hồ gì đâu,” người phụ nữ có gương mặt đẹp nói thêm.

Tattoo-NV-05
Kiều Đinh, 39 tuổi, “Khi đã chọn xâm rồi thì còn sợ gì nữa. Mỗi người mỗi cách, mình không bận tâm chuyện người ta nghĩ gì hết.” (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Với Kiều, xâm hình chỉ đơn giản là để “cho đẹp.”

Cô cho biết, “Hình con rắn xâm lâu rồi, giờ mực xuống màu, lại thấy nó không may mắn lắm nên mình xâm hình một đóa hoa khác chồng lên, nhìn cho đẹp hơn.”

“Mình cũng có một hình xâm ở gần bụng dưới. Khi đó mình mới sanh xong, da bụng chỗ đó nứt quá nhiều, nứt nát luôn, nhìn bèo nhèo rất xấu. Mình đi cắt bỏ hết phần da đó thì lại có một vết sẹo mỏng nhưng dài ngang bụng. Một ngày đẹp trời, mình suy nghĩ tại sao không dùng một hình xâm để che đi vết sẹo đó, để nhìn đẹp hơn. Thế là mình xâm một hình hoa văn dài che lên vết sẹo,” Kiều chia sẻ một cách rất tự nhiên.

Rõ ràng, đằng sau mỗi hình xâm luôn là những câu chuyện đậm tính nhân văn.

Có thể tôi chưa đủ mạnh mẽ để thử một lần gồng mình nghe tiếng kim xâm kéo rè rè trên da, “để xem mình có đủ can đảm vượt qua sự yếu đuối của chính mình” như những người xâm thường nói hay không, nhưng gương mặt của người con trai nhìn vào bàn tay nắm lại của mình, trên có xâm tên người cha quá cố, với suy nghĩ “khi em phải đánh nhau thì ba em đánh với em luôn,” giúp tôi hiểu thêm rằng, những hình xâm, tự nó, đã mang trên mình những giá trị rất riêng.

——–

Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT