Friday, April 26, 2024

‘Xuân Nao,’ đêm nhạc tại Little Saigon nhớ về những mùa Xuân quê hương

Văn Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Đêm nhạc với chủ đề “Xuân Nao” tổ chức tại Viện Việt Học, Westminster, hôm Thứ Bảy, 11 Tháng Ba, với tiết trời se lạnh cũng đủ cho người thưởng thức nhớ về những mùa Xuân quê hương thanh bình năm cũ.

Nhóm Sóng Xanh (từ trái) Mai Linh, Coco, Đỗ Quyên, Việt Hải, và Hoàng Tú hát nhạc phẩm “Ngựa Phi Đường Xa” với phong cách A cappella. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Với 18 tiết mục trình diễn, đêm nhạc đã đưa khán thính giả thưởng thức những giai điệu vui tươi của những mùa Xuân xưa, cùng những nỗi bâng khuâng về những ký ức đẹp thuở thanh bình.

Cô Nguyễn Kim Ngân, giám đốc Viện Việt Học, giới thiệu: “Đêm nhạc ‘Xuân Nao’ là dịp để lắng đọng lại những mùa Xuân thái hòa xa xưa, đã lâu lắm rồi chúng ta luôn khao khát những mùa Xuân thanh bình ấy không phải chỉ riêng mình mà cho cả đất nước. Đi xa hơn nữa với tình hình thế giới ngày nay, chúng ta ước ao sao cho mùa Xuân đầu tiên ấy sẽ đến với cả nhân loại.”

“Trong nhạc phẩm ‘Mùa Xuân Đầu Tiên’ sáng tác Văn Cao, có câu ‘Mùa Xuân từ đây người biết thương người, mùa Xuân từ đây người biết yêu người,’ nhưng mùa Xuân ấy chưa bao giờ đến trên quê hương đất nước Việt Nam sau 1975. Vì thế chúng ta vẫn ước vọng, vẫn khao khát, và chúng ta vẫn sẽ hát,” cô Kim Ngân chia sẻ.

“Sau Tết, chúng ta bắt đầu vào Xuân của đất trời nơi xứ sở ly hương, dịp này chúng ta lại hát những bài nhạc về mùa Xuân, mang Xuân trở lại và nhắc nhớ chúng ta luôn nghĩ về một mùa ‘Xuân Nao,’ một mùa Xuân đầu tiên phải ở trong tầm với để đến với quê hương Việt Nam,” cô Kim Ngân tiếp.

Cô Đỗ Quyên, phụ trách Nhóm Sóng Xanh, tâm tình cùng khán thính giả trong đêm nhạc “Xuân Nao” tại Viện Việt Học. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Mùa Xuân là lúc họp mặt, yêu thương và gần gũi nhau hơn, vì trong tiết Xuân đó, lúc nào cũng rộn ràng reo vang những hơi Xuân vẫn còn mãi trong lòng mọi người.

Mở màn cho đêm nhạc là phần trình diễn của Nhóm Sóng Xanh trong nhạc phẩm “Xuân Họp Mặt,” với phong cách A cappella.

Tiếp đến là nhạc phẩm “Biết Bao Giờ Trở Lại” sáng tác Ngô Thụy Miên qua tiếng hát Phú Cường đã đưa người nghe về lại Sài Gòn, nay đã rời xa qua những mùa Xuân năm cũ không biết bao giờ mới trở lại.

Trong giai điệu tango rộn ràng, Ái Phương khiến khán phòng sôi nổi hẳn lên với nhạc phẩm “Mộng Lành” sáng tác Hoàng Trọng-Hồ Đình Phương, đâu đây lấp lánh những ước mơ không biết của người trai chiến tuyến hay người em gái hậu phương, luôn mơ về một ngày ánh Xuân về tràn dâng nắng mới, với tơ trời mừng say gió tới để ngàn hoa bừng chào đời, và thầm ước mơ về mối duyên còn đẹp hoài, để rồi cũng vẫn là ước mơ.

Quý Hà với nhạc phẩm “Mùa Xuân Của Mẹ” trong đêm nhạc “Xuân Nao” tại Viện Việt Học. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Càng về khuya, những nhạc phẩm tràn ngập tình yêu mùa Xuân đưa khán thính giả trở về với tình yêu quê hương đất nước, tình yêu và nỗi nhớ những mùa Xuân thanh bình cũ.

Đặc biệt nổi bật nhất trong đêm nhạc này là phần trình diễn của Nhóm Sóng Xanh, với phần độc đáo của riêng mình khi hát những bài hợp ca bằng kỹ thuật A cappella, là màn hợp xướng hoặc trình diễn của một ca sĩ hay một nhóm hát không có nhạc cụ hoặc nhạc đệm. Đây là loại hình âm nhạc đa âm trong các nhà thờ thời Trung Cổ ở Âu Châu. Khi hát theo phong cách A cappella, người hát phải dùng chính giọng của mình, tạo nên những âm thanh bắt chước theo các âm thanh của nhạc cụ.

Theo Bách Khoa Toàn Thư Mở Wikipedia, A cappella là một danh từ tiếng Ý, trong đó a là mạo từ còn cappella có nghĩa là “nhà thờ, nhà nguyện.” Từ thời Trung Cổ, người ta đã viết tên phong cách âm nhạc này là A cappella, Tự Điển Bách Khoa Larousse đôi khi viết là a capella, tại Việt Nam thường hay viết là acapella.

Tammy Minh Tâm hát nhạc phẩm “Cung Đàn Xưa” trong đêm nhạc “Xuân Nao” tại Viện Việt Học. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

A cappella, nói theo ngôn ngữ dân gian là “hát chay.” Phong cách chính thống của A cappella gồm: một giọng hát đảm nhận phần giai điệu chính, một giọng hát tuyến bè trầm giữ tiết tấu và các giọng còn lại làm nhiệm vụ điền đầy phần hợp âm hoặc thực hiện phần đối âm đi theo. Ở những nhóm này kỹ thuật beatbox (dùng âm thanh phát ra từ miệng và giọng của mình để tạo nên các nhịp trống, các giai điệu,…) hay vocal percussion (dùng miệng tạo nên những âm thanh bắt chước bộ gõ) được dùng rất giới hạn.

Trong đêm nhạc “Xuân Nao,” Nhóm Sóng Xanh đã thể hiện xuất sắc trong phong cách trình diễn, cũng như thể hiện thật rõ nét duyên dáng trong âm nhạc Việt Nam, qua ba nhạc phẩm “Xuân Họp Mặt” sáng tác Văn Phụng, hòa âm Hồ Đăng Tín, hòa âm phối khí Quốc Toản; bài “Ngựa Phi Đường Xa” sáng tác Lê Yên nhạc Phạm Đình Chương, hòa âm lời Đỗ Hoàng Tú; và bài “Tôi Yêu” sáng tác Trịnh Hưng-Hồ Đình Phương, hòa âm Hồ Đăng Tín.

Với các giọng bè chính và phụ hòa quyện vào nhau, sôi nổi và vui tươi của từng ca viên Nhóm Sóng Xanh, nhận được tràng pháo tay nồng nhiệt không dứt của khán thính giả.

Hầu hết các thành viên Nhóm Sóng Xanh là người gốc Việt còn rất trẻ, đều tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định, đến với nhau qua tình yêu âm nhạc. Như Hoàng Tú là giảng sư đại học về phân khoa sinh vật học-y tế; còn Coco là cố vấn giáo dục tại đại học cộng đồng; trong khi Mai Linh hiện là bác sĩ gia đình, phục vụ người nghèo và huấn luyện các bác sĩ trẻ cho tương lai; thành viên nhỏ tuổi của nhóm là Việt Hải, kỹ sư điện tử.

Toàn thể các ca sĩ hợp ca nhạc phẩm “Xuân Miền Nam” để chia tay thính giả. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Cô Đỗ Quyên, thành viên phụ trách Nhóm Sóng Xanh, cho biết: “Em thích và yêu âm nhạc Việt Nam vì đó cũng là một phần của văn hóa Việt Nam. Qua âm nhạc em có thể hiểu biết nhiều hơn về văn hóa nước nhà, chúng em kết hợp lại thành một nhóm có cùng sở thích và chia sẻ với nhau tình yêu âm nhạc. Và sự trình diễn của nhóm chúng em là để cho các bạn trẻ gốc Việt biết đến âm nhạc Việt Nam, sẽ biết yêu quê hương đất nước nhiều hơn.”

Cô Đỗ Quyên làm việc tại trường đại học USC, là giám đốc thực tập trong Phân Khoa Lão Khoa. Cô tìm các vị trí thực tập cho các sinh viên đại học và sau đại học muốn trợ giúp những người lớn tuổi, để sinh viên có thể hiểu cảm giác làm việc trong các dịch vụ chăm sóc người già.

Bà Trần Ngọc Mai, mẹ cô Trần Mai Linh, thành viên Nhóm Sóng Xanh, cho biết cô tham gia nhóm từ 19 tuổi bởi vì: “Con mình người gốc Việt thì cha mẹ cũng khuyến khích con em mình tham gia văn nghệ, hát nhạc Việt, cũng là cách giúp các em hiểu biết thêm về cội nguồn, bởi vì âm nhạc là một phần không thể thiếu được của nền văn hóa của một đất nước.”

Ông Ngô Việt Hồ và bà Ngô Nguyễn Tặng, cha mẹ của anh Việt Hải, cho biết hai con ông – Việt Hải thuộc Nhóm Sóng Xanh, và em gái Đan Tâm – đều có năng khiếu và yêu thích âm nhạc từ nhỏ.

Toàn thể các ca sĩ, Nhóm Sóng Xanh và phụ huynh trong đêm nhạc “Xuân Nao” tại Viện Việt Học. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Chúng tôi rất ủng hộ khi các cháu biết yêu nhạc Việt Nam thì sẽ yêu quê hương Việt Nam hơn. Đối với con cháu sinh ra và lớn lên ở Mỹ, đây cũng là cơ hội cho các cháu hiểu thêm về quê hương mình. Đặc biệt là hai con tôi có ý thích âm nhạc Việt từ hồi nhỏ. Con gái Đan Tâm từ lúc mới 2 tuổi đã nghêu ngao hát theo mẹ và lại còn đàn tranh, trong khi con trai Việt Hải từ 6 tuổi đã thích âm nhạc, hai anh em thường đàn với nhau. Cháu Hải còn là học trò lớp đàn bầu của thầy Nguyễn Châu trong Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng và học thêm Việt Ngữ tại Trung Tâm Việt Ngữ Hồng Bàng.”

Hầu hết các nhạc phẩm được trình bày đều thuộc chủ đề mùa Xuân được các ca sĩ trình bày thật điêu luyện, đã đưa khán thính giả về một thời gian thanh bình của những mùa Xuân năm cũ, những ngày Xuân đầm ấm nơi quê nhà.

Các ca sĩ Phú Cường, Ái Phương, Thanh Nguyên, Quý Hà, Ngô Hoàng Oanh, Ngọc Diệp, Tammy Minh Tâm, Ái Liên, Mạnh Hùng, Lâm Dung, Nhóm Sóng Xanh, cùng Phạm Tú (keyboard), Phạm Gia Nghị (guitar), ánh sáng Nguyễn Thái, cùng MC duyên dáng Thụy Vi đã làm nên một đêm nhạc tuyệt vời trong những ngày vẫn còn vương vấn hơi Xuân. [qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT