Thursday, May 9, 2024

9 bước cân nhắc trước khi lắp pin mặt trời cho căn nhà

(Magazine.realtor) – Thuế liên bang dành cho pin mặt trời (solar panels) sẽ chấm dứt vào cuối năm 2021. Bây giờ là thời điểm để quyết định liệu có nên độc lập về năng lượng tại nhà. Khi quyết định xem khoản đầu tư vào năng lượng mặt trời có thu được lợi nhuận hay không, chủ nhà phải nghiên cứu và đưa ra quyết định sáng suốt và phù hợp tình hình tài chính của họ.

Dưới đây là một số bước để đưa ra quyết định đúng đắn.

Pin mặt trời đang được nhiều chủ nhà ở California sử dụng. (Hình: Justin Sullivan/Getty Images)

Bước 1: Tìm hiểu tiềm năng năng lượng mặt trời của ngôi nhà

Để ước tính tiềm năng năng lượng mặt trời của ngôi nhà nhà, hãy nhập địa chỉ tại Google Project Sunroof hoặc xem bản đồ tài nguyên mặt trời từ Cơ Quan Thí Nghiệm Năng Lượng Tái Tạo Quốc Gia (National Renewable Energy Laboratory).

Quan niệm sai lầm phổ biến thường cho rằng pin mặt trời chỉ mang lại hiệu quả ở những vùng nhiều nắng nóng của đất nước. Để kiểm chứng, chủ nhà nên quan sát xung quanh sân của mình. Có cây và cây xanh khác không? Thực vật sử dụng năng lượng mặt trời để lá phát triển, vì vậy lá là một chỉ báo tốt về năng lượng mặt trời hiện hữu trong sân. Thực tế các tấm pin mặt trời hoạt động hiệu quả hơn trong điều kiện nhiệt độ mát.

Bước 2: Xem xét hóa đơn tiền điện

Đối với hầu hết các chủ nhà, hóa đơn điện nước cho biết mức sử dụng hàng tháng. Nhưng hóa đơn tiền điện hàng tháng cao có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ các thiết bị điện đã cũ, hệ thống HVAC hoạt động kém hiệu quả, cho đến sự cách nhiệt kém. Hãy tối ưu năng lượng cho ngôi nhà tốt nhất có thể trước quyết định đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời, để không phải trả tiền nhiều hơn mức cần thiết.

Bước 3: Lên kế hoạch trước

Hệ thống năng lượng mặt trời là một khoản đầu tư lớn với thời gian hoàn vốn trung bình là tám năm. Nếu chủ nhà có kế hoạch chuyển nhà trong vài năm tới, việc mua hoặc thuê các tấm pin mặt trời là một quyết định không khôn ngoan.

Bước 4: Thiết lập đường cơ sở chính xác

Giám sát năng lượng gia đình của Sense theo dõi mức tiêu thụ năng lượng trước và sau khi lắp đặt. Ghi nhận dữ liệu trong vài tháng và sử dụng thông tin đó để tính toán phần bù đắp bằng năng lượng mặt trời và diện tích tấm pin cần lắp đặt.

Bước 5: Cân nhắc tài chính và hoàn vốn

Pin mặt trời là một khoản đầu tư cần phải hoàn vốn về mặt tài chính. Chủ nhà nên dành thời gian phân tích xem mua hay cho thuê sẽ có lợi nhất. Các ưu đãi từ nhà cung cấp sẽ tác động lớn đến chi phí cuối cùng. Chủ nhà nên tính toán để xác định khoản tiền đầu tư và thời điểm hoàn vốn.

Các lựa chọn vay và thuê rất hấp dẫn vì chúng mang lại nguồn tài chính khi lắp đặt mà không cần trả trước. Nhưng với hợp đồng thuê, khách hàng không được hưởng lợi từ khoản tín dụng thuế của liên bang.

Bước 6: Quyết định lưu trữ hoặc không lưu trữ

Để biết cần lưu trữ hay không, hãy xem xét hai yếu tố, thời điểm sử dụng điện và tần suất ngắt điện. Ở những khu vực có hạ tầng điện yếu kém, bộ phận lưu trữ sẽ đóng vai trò trữ năng lượng để sử dụng vào ban đêm hoặc những ngày nhiều mây.

Bước 7: Lập danh sách các nhà cung cấp

Khi quyết định sẽ lắp đặt hệ thống pin mặt trời, nên nghiên cứu các nhà cung cấp và kiểm tra đánh giá về họ. Xác định ba hoặc bốn công ty tiềm năng và yêu cầu họ gửi báo giá. Sau đó, thu hẹp các ứng viên xuống còn hai hoặc ba công ty. Khi đánh giá các đề nghị, hãy chắc chắn rằng nó đã bao gồm chi phí nâng cấp mái và chặt bỏ những cây tạo bóng mát.

Bước 8: Đặt thêm câu hỏi trước khi quyết định chọn nhà cung cấp

Sau khi đã có hai hoặc ba ước tính chi phí cuối cùng dựa trên đánh giá thực trạng ngôi nhà, chủ nhà nên hỏi công ty về cách lắp đặt. Ví dụ, nhà cung cấp tự thiết kế và lắp đặt hệ thống hay ủy quyền cho nhà thầu phụ? Nếu nhà cung cấp sử dụng nhà thầu phụ thì nhà thầu phụ có được cấp phép không? Yêu cầu giải thích các thành phần của hệ thống đang được lắp đặt.

Chủ nhà nên hỏi xem họ có cần phải xin giấy phép lắp đặt hay không, bao gồm giấy phép điện, giấy phép xây dựng và giấy phép quang điện mặt trời chuyên dụng. Một nhà cung cấp có uy tín sẽ giúp chủ nhà nộp đơn xin giảm và ưu đãi thuế hoặc làm điều đó thay họ. Hỏi rõ thời hạn bảo hành và người bảo trì hệ thống khi có vấn đề xảy ra.

Bước 9: Cần kiên nhẫn

Chủ nhà nên đánh giá tất cả các đề nghị để bảo đảm chúng giải quyết chính xác nhu cầu năng lượng của ngôi nhà, sau đó chọn một nhà cung cấp tin tưởng. Sau khi ký hợp đồng với nhà cung cấp, cấp phép và quá trình lắp đặt có thể kéo dài mất vài tuần. (Ng.Tr) [kn]

MỚI CẬP NHẬT