Tuesday, March 19, 2024

Độc tài gặp độc đoán

Hà Tường Cát/Người Việt

Bốn tuần lễ trước hội nghị thượng đỉnh với Mỹ ngày 12 Tháng Sáu tại Singapore, Bắc Hàn đột ngột thay đổi thái độ, hăm dọa sẽ hủy bỏ hội nghị vì họ không chấp nhận lập trường thương thuyết định sẵn của Mỹ như hiện nay.

Khởi đầu, Bắc Hàn đả kích Mỹ vẫn giữ ý đồ xâm lăng, thể hiện qua hành động diễn tập quân sự hỗn hợp với Nam Hàn. Tiếp đó, lần đầu tiên kể từ khi hai bên bước vào tiến trình hòa hoãn, Bình Nhưỡng (Pyongyang) nói thẳng là sẽ khó có thể thương lượng nếu Tòa Bạch Ốc đòi hỏi Bắc Hàn phải hủy bỏ hoàn toàn kho vũ khí nguyên tử.

Thông tấn xã Bắc Hàn KCNA dẫn lời đệ nhất thứ trưởng ngoại giao Kim Kye-gwan: “Nếu Mỹ cố đẩy chúng tôi vào góc tường và ép buộc phải đơn phương giải giới nguyên tử thì chúng tôi không mong muốn đàm phán như thế, và sẽ phải xét lại xem có nên chấp nhận cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên sắp tới hay không.”

Bắc Hàn cũng mạnh mẽ chỉ trích Nam Hàn về cuộc tập trận quân sự hỗn hợp với Mỹ đang diễn ra và hủy bỏ một cuộc họp đã định trước với Nam Hàn.

Mặc dầu vậy, phản kháng của Bắc Hàn không tới hình thức khiêu khích như nổ nguyên tử hay phóng thử nghiệm hỏa tiễn, do đó rủi ro tan vỡ hội nghị thượng đỉnh chưa đến nỗi cao.

Ngoại Trưởng Mike Pompeo nói trong cuộc phỏng vấn của Fox News Sunday đầu tuần này rằng, Mỹ đã bảo đảm với Kim Jong-un là sự thay đổi chế độ Bắc Hàn không nằm trong nghị trình thảo luận ở Singapore. Ông Pompeo cũng xác nhận như thế trong chương trình “Face The Nation” của truyền hình CBS. Theo ông, cam kết không tấn công xâm lăng hay lật đổ lãnh đạo Bắc Hàn là sự trao đổi đã chờ đợi từ 25 năm, đến nay Mỹ mới đưa ra, nhằm khích lệ Kim từ bỏ vũ khí nguyên tử.

Tuy nhiên tin tưởng vào lời bảo đảm ấy lại là vấn đề khác. Những hứa hẹn của Mỹ từ trước đến nay không có giá trị cao lắm. Thêm nữa, gần đây với hành động của Tổng Thống Donald Trump đơn phương rút khỏi nhiều hiệp định quốc tế có lẽ sẽ khiến Kim phải hoài nghi về thỏa thuận sắp đạt tới ở Singapore.

Hơn nữa, một nhà lãnh đạo độc đoán như Kim chắc chắn phải rút kinh nghiệm của Saddam Hussein và Muammar Gaddafi cuối cùng đều đã mất mạng. Khác Iraq và Libya thời đó chưa có gì, Bắc Hàn ngày nay đã có khả năng sản xuất bom nguyên tử, nhiệt hạch và nhiều loại hỏa tiễn, cho nên dù chưa phải là lực lượng đối đầu đủ mạnh, vẫn có ý nghĩa đáng kể hơn khi nói chuyện với Mỹ.

Tổng Thống Trump đã dịu giọng để đi đến bàn hội nghị nhưng lại quy tụ quanh ông một nhóm phụ tá đối ngoại toàn thuộc phái diều hâu trong việc tìm giải pháp phi nguyên tử hóa bán đảo Triều Tiên.

Ngoại Trưởng Mike Pompeo nắm vai trò chính trong việc dàn xếp cuộc họp thượng đỉnh. Trước đây khi còn là giám đốc CIA, Pompeo đã ở trong số những người chủ trương thay đổi chế độ Bắc Hàn, ngược hẳn chính sách của Mỹ từ hơn 60 năm qua.

Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, Tháng Mười Hai năm ngoái nói chuyện với tính cách là một nhà bình luận trên Fox News, đề nghị Mỹ cùng Trung Quốc lật đổ chế độ Bắc Hàn để thống nhất đất nước với Nam Hàn. Đến hồi Tháng Ba vừa qua ông vẫn còn cho rằng Mỹ nên ra tay trước bằng một cuộc tấn công quân sự vào Bắc Hàn.

Một nhân vật diều hâu khác là Đô Đốc Harry B. Harris Jr., cựu tư lệnh Quân Lực Mỹ ở Thái Bình Dương, công dân Mỹ gốc Nhật, đang được Ngoại Trưởng Pompei đề nghị vào chức vụ đại sứ Mỹ tại Nam Hàn đã bỏ trống từ lâu. Điều trần trước Ủy Ban Quân Lực Thượng Viện ngày 15 Tháng Ba, sáu ngày sau khi Tổng Thống Trump loan báo nhận lời mời gặp Kim Jong-un, Đô Đốc Harris cho rằng mọi thỏa hiệp giải giới đều đáng ngờ và cần phải kiểm tra chặt chẽ.

Các giới chức Mỹ có lẽ quá lạc quan và phấn khởi với những hành động bày tỏ thiện chí của Bắc Hàn từ đầu năm nay. Họ cho rằng chiến lược “áp lực tối đa” của Mỹ đã khiến Bắc Hàn phải hàng phục, và thậm chí tin tưởng Tổng Thống Trump xứng đáng đoạt giải Nobel Hòa Bình.

Việc Bắc Hàn trả tự do vô điều kiện cho ba công dân Mỹ bị bắt giữ, cũng được coi là sự nhượng bộ dễ dàng mà chính quyền Obama đã không thể đạt được. Do đó trước đàm phán, nhiều giới chức cao cấp Mỹ đã coi như trong thỏa hiệp hòa bình sắp tới, Bắc Hàn phải dứt khoát chấp nhận hoàn toàn hủy bỏ vũ khí nguyên tử trước khi có thể nhận được những đền bù cụ thể của Mỹ. Dù là vụng về hay có chủ ý đánh tiếng trước, cách diễn giải của Mỹ như vậy đương nhiên khiến Bắc Hàn phải tìm phản ứng thích đáng.

Chưa biết tài nghệ diễn xuất của hai nhà lãnh đạo đến mức nào nhưng dưới con mắt mọi người, Tổng Thống Donald Trump và Chủ Tịch Kim Jong-un đều là hai nhân vật nổi tiếng về “cái Tôi là nhất.”

Cũng không chỉ Bắc Hàn dọa bỏ hội nghị, Tổng Thống Trump đã từng nhiều lần nói là nếu cảm thấy hội nghị không đi đến kết quả tốt ông sẽ không tham dự. Trước câu hỏi của các phóng viên rằng có phải Kim tháu cáy (bluff) hay không, ông Trump đáp: “Chúng ta sẽ thấy.”

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sarah Huckabee Sanders hôm 16 Tháng Năm nói rằng chính quyền chưa ấn định một mô hình nào về giải giới. Bà giải thích thêm: “Đó là kiểu cách của Tổng Thống Trump. Ông sẽ vận hành việc này theo quan điểm của ông giống như nhiều lần trước mà tôi chắc rằng quý vị đều đã biết, chúng ta tin tưởng 100%. Ông là nhà thương thuyết tài ba nhất và chúng ta rất tin cậy trên mặt này.”

Thủ Lãnh Khối Thiểu Số Thượng Viện Chuck Schumer gởi đi một tweet thúc giục Tổng Thống Trump “đừng cho không Kim cái gì.” Ông viết: “Chúng ta phải mạnh và cương quyết, đi tới với thử thách này.”

Vì vậy giữa những pha thăm dò đấu tố qua lại Mỹ-Bắc Hàn, ban tham mưu của ông Trump vẫn phải nỗ lực giải quyết một danh sách dài những công tác cần làm để chuẩn bị hội nghị Singapore. Trách nhiệm của họ là không để xảy đến chuyện gì ngoài dự tính, phải hoạch định sẵn chiến lược, chiến thuật thương thuyết, kể cả dự trù những trường hợp chuyển hướng đột ngột của ông Trump, con người vốn khó làm việc được ngay cả với các cộng sự viên thân cận nhất.

Cũng không thể dự đoán dù cho đòi hỏi tuyệt đối nhưng Mỹ có thể chuẩn bị nhường cho Bắc Hàn đến mức nào về chương trình nguyên tử của họ. Bắc Hàn đã tự nguyện đưa ra lời hứa và ít nhất đã có hành động cụ thể loan báo đóng cửa căn cứ thử nghiệm có mời truyền thông quốc tế đến quan sát. Như vậy chắc chắn Bắc Hàn đã sẵn sàng mọi điều kiện thương lượng hơn phía Mỹ.

Một ẩn số nữa là mối quan hệ Bắc Hàn-Trung Quốc thật sự như thế nào sau hai chuyến qua Trung Quốc bất ngờ của Kim Jong-un và sẽ ảnh hưởng đến hội nghị Trump-Kim ra sao. Và nếu cuối cùng không có hội nghị thượng đỉnh này hoặc hội nghị không đi đến kết quả gì hết thì Mỹ sẽ phải hành động theo hướng nào. Trở lại chính sách “áp lực tối đa” chắc chắn sẽ không thể được và không có hiệu quả. (Hà Tường Cát)

—————-
Liên lạc tác giả: [email protected]
Nói Chuyện Với Ngô Nhân Dụng

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT