Saturday, May 18, 2024

TPP và lợi ích của Canada và Việt Nam

TORONTO, Canada Tại Alanta Hoa Kỳ, hôm Thứ Hai, Mỹ, Nhật Bản và 10 quốc gia Thái Bình Dương vừa đạt được một hiệp ước lịch sử, giảm thiểu rào cản thương mại đối với hàng hóa dịch vụ và thiết lập các quy tắc thương mại cho lộ trình của khu vực kinh tế lớn hai phần năm kinh tế toàn cầu.


Dù TPP – Hiệp định Ðối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương này vẫn phải được phê chuẩn bởi các nhà lập pháp ở các nước thành viên trước khi đi vào hiệu lực và Tổng Thống Barack Obama có thể sẽ phải đối diện với một cuộc tranh luận để được Quốc Hội Mỹ thông qua, nhưng đây rõ ràng là một bước tiến dài đạt được sau hơn năm năm đàm phán giữa các quốc gia TPP – Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, Australia, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.








Thủ tướng Canada, Stephen Harper (trái) trong một cuộc hội đàm cùng đồng nhiệm Ðức, bà Thủ Tướng Angela Merkel. (Hình: Sean Gallup/Getty Images)


Ðối với Canada, thuận lợi lớn nhất là Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba của thế giới, cũng như ở Malaysia và Việt Nam. Tất cả ba nước này có mức thuế tương đối cao đánh vào các hạng mục xuất khẩu chính của Canada gồm thịt bò, thịt heo, dầu canola, lúa mạch, lâm sản và kỹ nghệ hàng không. Nhờ thỏa thuận TPP thuế quan đánh vào các mặt hàng này sẽ được loại bỏ hoặc giảm mạnh – một số được áp dụng ngay lập tức và phần còn lại sẽ được thực hiện trong 10-15 năm.



Các tác động cụ thể:


Ngành sản xuất thịt/Nông trại heo, bò:


Ngành sản xuất thịt heo của Canada thở phào nhẹ nhõm sau khi Canada ký xong Hiệp định Ðối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương.


Hiện nay, các nước thành viên TPP như Việt Nam và Nhật Bản đang áp đặt mức thuế khá cao đối với các sản phẩm thực phẩm nông nghiệp. Theo Hiệp Hội Gia Súc Canada, với thỏa thuận TPP, Canada có thể tăng gấp đôi hoặc gấp ba lượng thịt bò xuất khẩu hàng năm của mình sang Nhật Bản đến gần 300 triệu.


Ngành công nghiệp thịt bò sẽ thấy mức thuế quan đến các quốc gia trong hiệp ước sẽ được miễn giảm dần từ 39% xuống chỉ còn 9% trong 15 năm. Thỏa thuận này cũng bảo đảm khả năng xuất khẩu thịt heo nhiều hơn qua Nhật Bản, nơi tiêu thụ khoảng $1 tỷ thịt xuất khẩu hàng năm của Canada.


Ngành gỗ/lâm sản:


Canada là một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu gỗ mềm lớn nhất thế giới. Do đó, các hạng mục thuế quan áp dụng vào ngành gỗ là hết sức quan trọng với đất nước này.


Hiện nay, Nhật Bản miễn thuế với hầu hết các sản phẩm giấy và bột giấy nhưng vẫn có mức thuế lên đến 10% trên gỗ và các sản phẩm gỗ, bao gồm cả bột gỗ và gỗ tấm. Trong khi đó, đối với sản phẩm gỗ và lâm nghiệp, Việt Nam áp dụng mức thuế lên đến 31%, Malaysia đến 40%, Australia và New Zealand đến 5% và Brunei đến 20%. Khi được đưa vào thực hành, hiệp định TPP sẽ cho thấy sự suy giảm đáng kể các biểu thuế trên. Chỉ riêng năm ngoái, khoảng $1 tỷ lâm sản của Canada đã phải chịu các mức thuế này.


Kim loại và khai thác mỏ:


Các sản phẩm sắt thép sẽ được hưởng lợi từ việc Nhật Bản loại bỏ thuế quan lên đến 6.3% trong vòng 10 năm, Việt Nam sẽ xóa bỏ các mức thuế này đến 40% trong vòng 10 năm. Malaysia cũng cắt giảm đến 25% trong vòng một thập kỷ, và Úc cắt giảm thuế đến 5% trong vòng bốn năm.


Sản phẩm nhôm sẽ thấy mức thuế 7.5% ở Nhật Bản được loại bỏ ngay khi thỏa thuận này được thông qua. Ở Việt Nam, thuế nhập khẩu sản phẩm nhôm lên đến 27% sẽ được tháo gỡ trong vòng ba năm, trong khi Malaysia sẽ loại bỏ mức thuế đến 30% trong vòng một thập kỷ. Các sản phẩm kẽm (nickel) sẽ được Nhật Bản hủy bỏ mức thuế 3% trong vòng 10 năm.


Ô tô và phụ tùng ô tô:


Mỗi chiếc xe ô tô sẽ chỉ cần phải có 45% thành phần phụ tùng thuộc về các nước TPP để đủ điều kiện cho các lợi thế về thuế quan theo hiệp ước TPP. Và đối với phụ tùng ô tô, con số này là 40%. Nghĩa là giảm từ 62.5% và 60% (theo NAFTA – Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ). Nhật Bản đã miễn thuế cho phụ tùng xe ô tô và xe chở khách. Canada đồng ý xóa bỏ thuế quan 6.1% của mình đối với xe nhập khẩu trong năm năm. Malaysia và Việt Nam có mức thuế 35% và 74%, đồng ý sẽ loại bỏ trong 12 năm.


Tuy Canada là thành viên sáng lập của Hiệp định Ðối tác Xuyên Thái Bình Dương, trừ khi đảng Bảo Thủ cầm quyền, việc ký kết này vẫn không làm hài lòng tất cả mọi người, ngay sau khi chính thức được phê chuẩn hôm Thứ Hai vừa qua các lãnh tụ chính đảng Canada đã không giấu lời phê phán.


Thủ tướng Canada, Stephen Harper, cho biết thỏa thuận lịch sử này chẳng những sẽ bảo vệ người dân Canada mà còn tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn cho các thế hệ mai sau qua việc bảo đảm được quyền truy cập vào hàng trăm triệu khách hàng mới trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.


“Mười năm kể từ hôm nay, khi nhìn lại, tôi dự đoán với 100% chắc chắn rằng mọi người sẽ nói rằng việc chúng ta tham dự là một điều tốt đẹp, bằng không, đó sẽ là một khuyết điểm khủng khiếp.”


“Rõ ràng là thỏa thuận này phục vụ lợi ích tốt nhất cho nền kinh tế Canada,” ông Harper phát biểu trong cuộc họp báo hôm Thứ Hai sau khi thỏa thuận này được công bố.


Trong khi đó, Tom Mulcair, lãnh tụ đảng đối lập NDP tuyên bố: “Thỏa thuận bí mật này là sự thất bại cho Canada.”


Về phía đảng Tự Do, tại một trạm vận động ở Waterloo, Ontario, lãnh tụ Justin Trudeau nhắc lại rằng đảng Tự Do là một “đảng ủng hộ thương mại,” nhưng nói rằng ông muốn có một cái nhìn thận trọng ở tất cả các yếu tố của thỏa thuận thương mại này để xác định tác động của nó đối với Canada và tổng thể nền kinh tế.


Ông kêu gọi một quá trình “đầy đủ và công khai” để rà soát thỏa thuận trước khi được phê chuẩn và bỏ phiếu tại Quốc Hội sau cuộc bầu cử Liên Bang vào ngày 19 tháng 10 tới đây.


Tuy nhiên, lãnh tụ đảng Xanh (Green Party), Elizabeth May, cho biết Ðảng Bảo Thủ “phản bội các khâu quản lý cung cấp của ngành nông nghiệp Canada, cũng như lãnh vực sản xuất ô tô.” Bà nói: “Ðảng Xanh quan tâm nghiêm trọng với những tính chất phản dân chủ cơ bản và không minh bạch của tiến trình đàm phán xung quanh các đối tác Xuyên Thái Bình Dương.”


Mối quan tâm của bà May về sự thiếu minh bạch xung quanh thỏa thuận này được lặp lại bởi lãnh tụ đảng Tân Dân Chủ Tom Mulcair. Trong một cuộc vận động tranh cử tại Toronto, ông Muclair yêu cầu đảng Bảo Thủ nên công bố văn bản đầy đủ của thỏa thuận này trước khi người dân Canada đi bỏ phiếu vào ngày 19 tháng 10. (L.Q.T.)

MỚI CẬP NHẬT