Wednesday, May 15, 2024

5 dấu hiệu của những người không đáng tin

LOS ANGELES, California (NV) – Chúng ta đều biết rằng, sự tin tưởng đóng vai trò rất quan trọng trong bất kỳ mối quan hệ nào, từ mối quan hệ xã giao trong công việc, bạn bè, gia đình cho đến sự gần gũi giữa hai người yêu nhau.

Khi có sự tin tưởng ở nhau, bạn bộc lộ nhiều hơn bản thân mình với người khác. Nhưng có khi nào, bạn lờ mờ nhận ra điều gì đó từ mối quan hệ của mình mà cảm thấy có chút gì đó không tin tưởng được?

Những người không trung thực sẽ không nói hết những gì của mình cho bạn biết. (Hình: Jenny Evans/Getty Images)

Dưới đây là năm dấu hiệu mà bạn có thể cảm nhận và nhận ra liệu người thân thiết bên mình có thật sự đáng tin cậy hay không, theo trang mạng Well + Good.

1. Đối phương có xu hướng thay đổi các chi tiết của câu chuyện, tùy thuộc vào hoàn cảnh

Việc thay đổi sự mô tả và tình huống trong một sự việc có thể giúp bạn lờ mờ nhận ra sự không thành thật từ người khác.

Chuyên gia tâm lý Rachel Holzberg, hiện đang công tác tại trung tâm Manhattan Wellness, cho biết mặc dù các chi tiết trong câu chuyện thay đổi rất nhỏ, nhưng chính điều nhỏ nhặt đó sẽ đưa cho bạn tín hiệu về sự trung thực của đối phương.

2. Họ không thừa nhận sai lầm của mình

Nếu một người không có trách nhiệm cho những hành động sai của mình hay luôn phủ nhận nếu như mình sai, liệu bạn có tin tưởng người đó lần tới nữa hay không?

Thông thường, những người dạng này có xu hướng hơi bảo thủ, luôn cho mình đúng hoặc là người luôn đóng vai nạn nhân, thậm chí họ còn có thể vẽ ra một viễn cảnh mới khiến bạn cảm thấy mình mới là người sai, mặc dù họ mới là người làm bạn bị tổn thương.

Trong một bối cảnh khác, những hành vi của đối phương còn có thể khiến bạn trở nên băn khoăn và nghi ngờ chính bản thân mình rằng liệu mình có đúng hay không hay chính mình mới là người nghĩ sai và làm sai.

Theo chuyên gia tâm lý Elizabeth Marks, nếu tình trạng này cứ tiếp diễn, bạn sẽ rơi vào tình huống bị “dắt mũi,” dần dần trở thành căn bệnh tâm lý “gaslighting.” Đây là thuật ngữ mà các nhà tâm lý học dùng để nói về hình thức lạm dụng tâm lý và cảm xúc, trong đó, người lạm dụng sử dụng thông tin bị bóp méo khiến cho đối phương cảm thấy lo lắng, bối rối rồi dẫn đến sự nghi ngờ trong suy nghĩ, dần dần mất khả năng cảm nhận về thực tại.

3. Đối phương có vẻ che giấu nhiều điều to tát

Mặc dù việc giữ giới hạn riêng tư cho bản thân là điều cần thiết nhưng nếu người bạn hay người yêu dường như che giấu quá nhiều về cuộc sống của họ đến mức tạo cơ hội cho sự nghi ngờ, thì có lẽ họ đang giấu một bí mật nào đó mà không muốn bạn biết.

Ngoài ra, tính minh bạch cũng là một trong yếu tố quan trọng, là nền tảng tạo nên sự tin cậy. Vì vậy, khi ai đó che giấu hoàn toàn những gì thuộc về mình, chẳng hạn như cả điện thoại, không gian sống và những mối quan hệ khác của họ, đó là dấu hiệu họ không thật thà với bạn.

Đối với những ai thường xuyên thất hứa hay thất hẹn với bạn quá nhiều lần, thì bạn nên đánh giá lại mối quan hệ của mình. (Hình: Roberto Schmidt/Getty Images)

4. Bạn không tin vào những gì đối phương nói

Trong cuộc sống, rất khó để có thể kiên định với mọi thỏa thuận và lời hứa của mình với người khác. Tất cả chúng ta đều là con người và đôi khi có những việc bất ngờ trong cuộc sống xảy ra buộc bạn phải hủy bỏ kế hoạch quan trọng hay thất hứa với ai đó, thậm chí là ngay ở phút cuối.

Tuy nhiên, đối với những ai thường xuyên thất hứa hay thất hẹn với bạn quá nhiều lần, thì bạn nên đánh giá lại mối quan hệ của mình. Đây là dấu hiệu cho thấy sự thiếu trách nhiệm và không đáng tin với người thường xuyên chỉ biết nói mà không hành động.

5. Đối phương mang đến cho bạn cảm giác lo lắng và khó chịu một cách kỳ lạ

Đôi khi, khả năng phán đoán về sự trung thực của bạn có thể dựa vào trực giác. Ví dụ, bạn cảm thấy bồn chồn và không thoải mái nhưng lại không thể giải thích được lý do có thể là do bạn đang gần một ai đó khiến cơ thể gợi nhớ về cảm thấy bất ổn và không an toàn. (UPK) [qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT