Wednesday, May 15, 2024

Muốn hủy giấy tờ bảo lãnh hôn phu

LTS: “Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, nhằm mục đích góp ý, chia sẻ những ưu tư, vướng mắc về những vấn đề liên quan đến cuộc sống, đời thường mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Biết Tỏ Cùng Ai), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: [email protected]

Thưa cô Nguyệt Nga,

Con xin cám ơn cô đã dành thời gian đọc thư này. Con lâm vào hoàn cảnh khó xử mà lại không thể hỏi ý hay xin lời khuyên của những người trong gia đình.

Con và người chồng cũ đã ly dị được 3 năm. Con trai của con năm nay 8 tuổi. Trong lúc làm thủ tục ly dị, con gặp lại người bạn trai cũ lúc còn ở Việt Nam. Trong lúc bối rối con đã đem lòng yêu thương anh ấy, tình yêu càng ngày càng mạnh mẽ, có lẽ phần lớn vì anh ấy là người yêu cũ. Gia đình con biết chuyện đã ngăn cản quyết liệt, nhưng con bỏ ngoài tai tất cả. Con đã về Việt Nam làm giấy kết hôn để bảo lãnh anh ấy qua đây sống với con.

Trong thời gian chờ giấy tờ, con có khuyên anh ấy đi học thêm tiếng Anh để dễ dàng hội nhập vào đời sống mới. Nhưng anh ấy viện đủ lý do để chậm trễ việc học. Anh ấy cứ hẹn rày hẹn mai, cuối cùng chẳng đâu vào đâu, dù thời gian càng ngày càng cận kề ngày đi. Con có cảm tưởng anh ấy không muốn đi học. Con có nói, anh qua phải phụ em trong việc xây dựng gia đình, bên này không ai ở không, ai cũng phải đi làm, nếu mình dậm chân tại chỗ, tức là mình đã lùi bước và cuộc sống sẽ dẫm đạp lên mình. Trong khi con hối thúc chuyện đi học thêm và tìm một nghề mà phòng thân, thì anh ấy chỉ tối ngày bàn chuyện phải có thêm một đứa con cho vui nhà vui cửa, và làm bằng chứng cho tình yêu của hai đứa (!?).

Ôi, hình như càng gần đến ngày sống bên nhau thì con càng thấy khoảng cách giữa con và anh ấy xa ra. Ý thức về đời sống, cách thức sống của hai đứa như mặt trời mặt trăng. Thưa cô, những điều xảy ra, làm con chựng lại và thoáng lo sợ cuộc sống trước mặt. Con muốn hoãn lại ngày gặp nhau, con muốn kéo dài thêm thử thách để không rơi vào lỗi lầm như cuộc hôn nhân trước, nhưng thật oái oăm, hồ sơ sắp hoàn tất, anh ấy đang chuẩn bị phỏng vấn xin Visa. Con thấy sợ hãi những ngày trước mặt, đúng là con đã vội vàng khi làm giấy bảo lãnh. Giờ con muốn hủy giấy tờ thì con phải làm gì đây thưa cô.

Thúy Lê

*Góp ý của độc giả

-Tammy Lee:

Tại sao cháu không đến một luật sư chuyên về di trú để trình bày hoàn cảnh của mình, để xin ý kiến và cách giải quyết của luật sư. Vì chỉ có luật sư mới có đủ kiến thức và thẩm quyền khuyên cháu nên hành động thế nào. Cháu hỏi vu vơ như thế thì sẽ nhận rất nhiều ý kiến, có khi trái ngược nhau, thì biết đâu mà theo. Với lại người VN mình thích góp ý lắm, mà thường bao giờ cũng để bảo vệ lời khuyên của mình bằng cách trưng ra bằng chứng, rằng là tôi có người bạn, người bà con, người trong gia đình… đã từng như thế…, và đã từng làm thế… kết quả rất tốt v.v… Cũng như họ sẵn sàng khuyên người bệnh nan y nên uống lá này lá kia, người trong gia đình của tôi đã khỏe mạnh…

Chúc cô mọi sự như ý.

-Cherry Phạm:

Chị ơi, cũng may mà chị đã nhận ra sự khác biệt sớm, cứ thử rằng, nếu là anh ấy đã qua sống chung, mới phiền hà. Em thấy người trẻ hay cãi lời cha mẹ, và cho rằng người xưa cổ hủ, thiếu học… không ngờ đời sống đã cho họ những bài học rất đắt giá mà mình chưa bao giờ trải qua. Bởi thế mình nên lắng nghe, suy xét lời khuyên của người đi trước để rút ra bài học cho mình. Mình nghe lời khuyên của người lớn, sẽ giúp mình không trải qua đau thương thất bại, đỡ mất thì giờ. Tuy nhiên mọi việc vẫn còn đó mà, anh ấy chưa qua, chị có thể đến chỗ chị làm hồ sơ, nói với họ, họ sẽ biết cách hoãn lại cho mình. Chẳng có gì lo âu cả chị ạ. Hãy nhớ lần này để lần sau cẩn thận hơn, vậy thôi, không sao hết.

-Tuân Nguyen:

Chuyện “anh đã lầm đưa em sang đây” là “chuyện thường ngày ở huyện”. Cô là người có cá tính mạnh, bướng bỉnh, cứng đầu, nhưng lại rất biết điều. Cô bỏ ngoài tai hết những lời khuyên lơn, can gián của gia đình để đến với tình yêu, dù tình yêu đó đã một lần dang dở (người yêu cũ). Cô đắm chìm trong tình yêu mới, nhưng mắt vẫn mở để quan sát. Cô yêu cuồng nhưng không mê muội, mà biết tính toán nhìn xa trông rộng. Cô khá lắm, cô Thúy Lê. Tôi nghĩ chắc cô cũng không quá 40, tôi tin là mọi sự cô sẽ giải quyết ổn thỏa thôi. Chuyện ký hồ sơ là quyền của mình cô ạ, còn nhiều thủ tục trước khi lên máy bay lắm! Anh ấy chưa phỏng vấn, chưa có Visa thì đường đến Đất Hứa còn xa diệu vợi. Có gì đâu mà cô hoảng, anh ấy sẽ không đi đâu hết nếu giấy tờ về cô chẳng thèm làm gì cả, tiền cô không thèm đóng thì còn lâu anh ấy mới qua được. Nếu cô không thích nữa thì cứ ăn yên ngủ yên, anh chàng sẽ mãi mãi ở VN.

Hãy cố lên, cô khá lắm, cách sống, cách suy nghĩ… thế nào cũng thành công cô gái.

*Vấn đề mới:

Thưa cô, tôi viết thư này là hỏi dùm cho em trai tôi.

Em tôi và vợ cùng dạy một trường, nếu ai từng đi dạy hay có người thân đi dạy, sẽ hiểu thế nào là sự khó khăn của một cô thầy giáo đạt được Tenure. Khi họ có Tenure đồng nghĩa với việc họ trúng số, họ sẽ được hưởng rất nhiều quyền lợi, và quyền lợi lớn nhất là hầu như họ sẽ không bao giờ bị đuổi việc, và thời gian làm việc sẽ vô hạn định, họ muốn dạy cho đến lúc nào muốn nghỉ hưu thì nghỉ. Để có Tenure, thông thường họ phải trải qua 4 năm thử thách, qua rất nhiều cửa ngõ khó khăn. Vì thế một khi có Tenure họ không muốn đổi trường, vì đổi là phải làm lại từ đầu.

(Hình minh họa: Getty Images)

Vợ chồng em tôi đều có Tenure. Em tôi đã có Tenure hơn 15 năm, vợ thì chỉ mới 2 năm. Vợ chồng em đã mua nhà gần trường vì biết đây là nơi mình gắn bó suốt đời. Thế mà, vợ chồng em tôi đang rơi vào một tình huống phải bỏ trường mà đi.

Vợ em tôi ngoại tình với một đồng nghiệp trong trường!

Ban đầu chuyện còn kín đáo. Hai người chỉ dám lén lút gặp nhau, nhưng chỉ một thời gian ngắn, tình của họ như bão lửa, lan ra và đồng nghiệp, gần như ai cũng biết. Em tôi hết lời can ngăn nhưng những lời của em tôi chỉ làm cho hai người kia càng sát lại bên nhau hơn. Giờ thì hết thuốc chữa, cả trường ai cũng biết, thậm chí câu chuyện còn âm ỉ lan truyền trong đám sinh viên. Em tôi nhục nhã và khổ sở vô cùng, cũng may mà con em tôi chỉ mới 3 tuổi, cháu không biết chuyện gì đang xảy ra.

Vì cũng là bạn với nhau, em tôi đã gặp riêng người đàn ông thứ ba để nói phải trái, coi cách nào ổn thỏa cho 3 bên. Em tôi đề nghị là hai người nên chuyển trường, vì dù gì thì thời gian trong Tenure của hai người cũng chưa nhiều, nếu họ có làm lại cũng không thiệt hại như em tôi bỏ đi nơi khác. Anh kia chỉ mới có Tenure 3 năm, vợ em tôi mới 2 năm. Họ làm lại vẫn dễ hơn em tôi, đó là chưa kể hai người có lỗi và em tôi chỉ là nạn nhân. Chịu ở lại cũng là một không may cho đời sống của em tôi. Nhưng anh ấy và vợ em tôi không chịu. Họ nại cớ họ có con nhỏ (tức là con của em tôi và vợ), họ muốn em tôi ra đi, vì em tôi… độc thân! Năm nay em tôi cũng già rồi, cũng 50 tuổi, nghỉ đến cảnh làm lại từ đầu em tôi ngán quá, 15 năm full time, giờ phải đi một trường khác, lại nạp đơn, lại phỏng vấn xin việc… Sao vậy trời, sao đẩy em tôi và tình thế khó cho em vậy, mà em đâu có lỗi gì? Hay là cứ ở lại rồi ra sao thì ra? Cứ chúng mình 3 đứa coi ai xấu mặt?

Phúc Ng.

*Nguyệt Nga rất mong nhận được sự góp ý của quí độc giả xa gần. Thư góp ý, quý độc giả gửi sớm cho Nguyệt Nga; gửi chậm, tòa soạn không thể đăng được vì đã sang một đề tài khác.

Thư từ gửi về: Biết tỏ cùng ai 14771 Moran Street. Westminster, CA 92683, hoặc [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT