Monday, May 20, 2024

Bình an cho quê hương

LTS: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Mục “Viết Cho Nhau” là nơi để bạn giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm của mình. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran Street, Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

Bích Ngọc

Cơn đại dịch COVID-19 tràn về, người dân nghèo, công nhân, phu quét đường, thợ nề, thợ hồ lao động… mất tất cả từ việc làm đến tiền dành dụm, chắt chiu dè xẻn từng đồng bao tháng ngày. (Hình minh họa: Nhac Nguyen/AFP via Getty Images)

Căn phòng khách nho nhỏ như ấm hẳn lên bởi vài người khách không hẹn ghé thăm.

Những bông hoa cỏ lau mềm mại ngả màu vàng nâu, cắm trong chiếc bình thủy tinh đặt trước tấm ảnh hai ông bà cụ đứng cạnh nhau thật tình cảm.

Nắng chênh chếch quá trưa chiếu rọi qua rèm, lung linh trên những phím đàn đen, trắng.

Mười ngón tay lả lướt dạo những giai điệu trầm bổng. Bài “Trả Lại Em Yêu,” nhạc Phạm Duy, vang lên. Quê hương bỗng thật gần.

“Trả lại em yêu, khung trời đại học.
Con đường Duy Tân cây dài bóng mát”

Như đứa trẻ thơ bất ngờ được quà, không còn ngại ngùng tôi đến ngồi cạnh bạn và cất tiếng hát.

Hát như thể để mong xua tan mọi tin tức nặng nề, tăm tối đọc những ngày qua.

Hát để tôi có thể quên đi những khuôn mặt không có tương lai. Những bước chân vô định biết đi về đâu?

Đã bao nhiêu ngày họ không có hạt cơm no bụng? Không còn căn phòng trọ dẫu tồi tàn, thiếu thốn tiện nghi, vẫn còn tốt hơn trăm ngàn lần trú dưới gầm cầu. Mặt đối trời, thân thể rã rời.

Họ là những người dân quê chân chất rời bỏ xóm làng, gởi con thơ cho ông, bà, trôi dạt vào Sài Gòn tìm mưu sinh. Họ là công nhân trong nhà máy. Họ là những người khuân vác, làm tất cả việc nặng nhọc. Họ là phu quét đường, thợ nề, thợ hồ lao động cực nhọc trong công trường xây dựng…

Thế rồi cơn đại dịch COVID-19 tràn về. Họ mất tất cả từ việc làm đến tiền dành dụm, chắt chiu dè xẻn từng đồng bao tháng ngày.

Trả lại phòng trọ, gói ghém gia tài vỏn vẹn vài bộ đồ, chạy về quê mong gặp lại gia đình.

Lệnh giới nghiêm ban hành.

Họ không còn cách nào. Đi không được mà ở cũng không xong. Đành tá túc, bơ vơ dưới gầm cầu nhìn thời gian trôi đi chậm chạp.

Những bề bộn lo toan, sợ hãi đè nặng trong tim.

Nghĩ mà thương cho dân nghèo chắc rằng đang khổ sở lắm!

Mong mọi người ở Việt Nam nhiều sức lực và giữ vững tinh thần vượt qua bao thử thách, khó khăn chồng chất.

Mọi sinh hoạt tưởng chừng như đơn giản nhất chỉ còn biết giới hạn qua chiếc khẩu trang che kín. (Hình minh họa: Nhac Nguyen/AFP via Getty Images)

Một chặng đường còn dài trước mặt để khôi phục lại ngành du lịch bị đóng băng gần hai năm qua. Vực lại nền kinh tế kiệt quệ. Những sang chấn tinh thần vì hậu quả COVID-19 tàn phá, làm đảo lộn trật tự cuộc sống.

Mọi sinh hoạt tưởng chừng như đơn giản nhất như hít thở khí trời trong lành, tự do đi lại họp mặt gia đình, bạn bè gặp nhau tán gẫu bên ly cà phê quán bên đường, đến trường học hành hay vào sở làm… tất cả chỉ còn biết giới hạn qua chiếc khẩu trang che kín. Những hàng rào kẽm gai khốn nạn, chặn kín trước ngõ như vòng vây siết chặt, không còn lối thoát!

Nhân sinh bị đắm chìm trong bể khổ, trầm luân.

Nhưng, đừng đánh mất hy vọng.

Hãy vững tin vào ngày mai. Cơn dông bão nào rồi cũng sẽ đi qua.

Hãy cố lên Việt Nam quê hương tôi ơi!

Sáng nay ghé qua Facebook bạn bè, cảm động nghe bạn Ngọc Hiền bên Đức cầu xin một điều duy nhất thôi: “Bình an cho quê hương.”

Đọc bài thơ Linh Quang bên Pháp làm đầy u uất, buồn.

Đọc những khát khao của chị Sơn hiệu trưởng mong ước học sinh được đến trường.

Còn tôi, nhớ đến những con người miền quê vào Sài Gòn kiếm sống. Bây giờ họ vật vờ, tương lai mịt mù đen tối, nằm mơ gặp người thân. Như bạn tôi nhớ về cha mẹ, vợ hiền đã khuất.

Hôm nay không còn tiếng dương cầm.

Với cây guitar tôi đàn hát thật nhiều cảm xúc mong xua tan mọi ưu phiền trên quê hương Việt Nam.

Nói thế thôi, sao trong lòng vẫn luôn nghĩ về quê hương và dân nghèo.

Đến khi nào những ngày thơ mộng, an bình trở về cho mọi người? Bài nhạc “Những Ngày Thơ Mộng,” nhạc Hoàng Thi Thơ, tôi đàn nghe réo rắt hơn, giọng hát nghe da diết, tràn đầy cảm xúc:

“Ai tìm giùm đàn bướm trắng
Bay tìm tình đường loang nắng
Ai tìm giùm cô gái xóm
Khoe giọng hò đường hoang vắng
Và nhớ đi tìm đàn bé nô đùa
Ngoài đồng lúa hay trong sân chùa

Tìm đâu những ngày thôi ước mơ?
Tìm đâu những ngày hết mong chờ?
Ngày thơ biết tìm đâu,
Ngày thơ biết tìm đâu,
Tìm đâu, biết tìm đâu, đâu giờ?”
[qd]

MỚI CẬP NHẬT