Thursday, May 16, 2024

Bồ câu và loài người trong đại dịch

LTS: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Mục “Viết Cho Nhau” là nơi để bạn giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm của mình. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran Street, Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

Hà Thanh Phúc

Trao bộ test Humasis, nhiệt kế hồng ngoại, nhiệt kế điện tử, máy SpO2 cùng một số nhu yếu phẩm như sữa, cá hộp, nước… cho bệnh viện Nhi Đồng 1, Sài Gòn. (Hình: Hà Thanh Phúc)

Sáng nay, rêu đã phủ đầy mặt đường con hẻm nhà mình. Từ ban công tầng 3, có thể thấy lũ bồ câu xao xác vì đói, vì con người đang căng thẳng chuyện sống – còn, không còn ai nhớ đến bầy bồ câu hoang tung tăng đến chơi mỗi ngày.

Có lẽ chúng không hiểu chuyện gì đã xảy ra, vì sao loài người bỗng dưng mất tích và bầu bạn cùng chúng nữa. Cô giúp việc quăng vội nắm gạo trong sự sợ hãi rồi đóng vội cánh cửa vì lo lỡ đâu một phút sơ ý nào đó, con virus lại “bay vào” mình, trở thành một nạn nhân của chủng Delta-plus (là mình đặt vậy).

1. 

Những ngày qua là những ngày rất căng thẳng với bản thân mình. Vừa lo bán hàng online để mưu sinh, cho mấy đứa em có thu nhập trong dịch dù không nhiều, vừa lo quỹ từ thiện và vừa cố gắng hỗ trợ các F0 và đặc biệt nhất là lo lắng mình sẽ thành nạn nhân tiếp theo vì các nhà trong con hẻm khu mình đều dương tính với COVID-19.

Thậm chí mình đã nghĩ tới việc “di dân tạm thời” nhưng nghĩ đi nghĩ lại cũng sợ trong quá trình di chuyển lại dính. Rồi có chắc chỗ mới an toàn không, nhà có trẻ nhỏ, việc dời nhà trong đại dịch là một thứ “bất khả thi” nên đành ở lại, run sợ chờ đợi hết 14 ngày; thuốc men, bộ test, khử khuẩn hàng ngày… đều từ gia đình mình lo liệu. Một ca trở nặng được mang đi cấp cứu.

Mình trở nên nóng tính, cáu bẩn, sân si dù nhiều khi chuyện rất nhỏ. Một con người đầy thảnh thơi của những ngày còn làm phòng trà, với âm nhạc và văn chương đã biến mất, nhường chỗ cho một con người khác.

Mình cứ suy nghĩ miết, hết dịch rồi, mình sẽ như thế này luôn không? Mình cũng chẳng biết. Bạn mình ở Mỹ nói, nhiều người hóa điên, có khi tự giận sau đại dịch vì không thích ứng được và mất niềm tin vào cuộc sống. Thú thật mình rất sợ.

Những quán xá của mình cơ hội để mở lại còn rất ít. Nhiều chủ nhà đã âm thầm bán nhà vì nợ ngân hàng mà mình cũng không sao gặp được. Cũng mặc! Lúc này rồi, những thứ đó có còn quan trọng gì nữa đâu?

Trong số những ca mình hỗ trợ, tám phần thành công, nhưng cũng hai phần thất bại. Vì sự rủi ro y tế lúc nào cũng có. Phác đồ điều trị luôn cần được thay đổi, điều chỉnh để bệnh nhân ổn định. Những ai làm ngành y đều biết điều này.

Dù bác sĩ, dược sĩ có giỏi cách mấy, cũng không thể nào bảo đảm mình 100% cứu được. Tính mạng con người là quan trọng. Mỗi y bác sĩ lại có những quan điểm khác nhau, người này cho rằng người kia dốt, tôi mới giỏi; người kia giỏi, tôi giỏi hơn.

Mình thì cũng như mọi người thôi, chẳng qua may mắn có chút quen biết, mối quan hệ hơn một chút để giới thiệu y bác sĩ mà mình quen đến cho mọi người. Nhưng nếu lỡ không may phác đồ thất bại, quay sang trách ngược lại mình, thì cũng buồn!

Nếu y tế không quá sức chứa, nếu bệnh viện nào cũng đủ thuốc men thì chắc cũng không cần chi tới những người như mình kết nối.

Hôm nay nhìn vào quỹ thuốc cạn, mình mỉm cười vì số người nhận được thuốc đang ổn hứa sẽ góp lại quỹ chắc được vài người.

Có người mỗi ngày vẫn up hình ăn uống sơn hào hải vị (không biết phải sống ảo hay không) nhà mặt tiền xin năm toa F0 rồi khi nhận được thuốc cũng không lời cảm ơn, không góp lại gì vào quỹ.

Có người thì góp lại quỹ tùy tâm, nhận được 100,000 đồng ($4) cho bốn, năm toa thuốc (ừ thì mình chấp nhận có thể vì họ đang khó khăn) nhưng sau đó phát hiện họ chỉ là F1, xin thuốc cũng chỉ phòng hờ…

Ừ thì đang khó khăn mà, có người cho sao không lấy, tiền ấy để lại phòng thân. Ai cũng bảo tôi đang thất nghiệp. Thì đúng mà, lúc này có mấy ai ở tầng lớp trung lưu – hạ lưu còn ổn đâu, kể cả mình? Thôi thì! Đã làm, đã cho thì không tiếc.

Nhưng cũng 700 ca từ group Vòng Tay Áo Trắng được giúp từ quỹ thuốc là thật, và cũng nhiều ca thoát khỏi án tử cũng là thật! Những F0 nào khỏi bệnh từ mình hoặc chỉ đơn giản là “người chia sẻ” là thật.

Số tiền vốn bỏ ra cũng xem như không mang về “lãi” cho những F0 tiếp.

Hôm nay, mình ngưng kêu gọi mọi người vét những đồng tiền cuối cùng vào quỹ Tủ Thuốc Nhân Ái vì mình thấy mình đã làm không được tốt.

Mình xin lỗi vì chưa chắc 100% số thuốc đã đến đúng tay người cần. Chắc được bảy, tám phần. Sau này, nếu có giúp ai đó, thì cũng sẽ là tự cá nhân mình.

Chắc mọi người đã mệt lắm rồi! Xin cảm ơn và xin lỗi.

Máy thở HFNC đầu tiên, trao phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) của bệnh viện Quận 11, Sài Gòn. (Hình: Hà Thanh Phúc)

2.

Nửa đêm hì hục ngồi soạn thuốc cho bạn bè, người quen. Là những gì mình còn trữ được, săn được từ người này người kia… Tự dưng thấy thương cho người nghèo quá. Nhiều F0 đưa thuốc họ có cho mình xem mà mình chảy nước mắt… Họ cũng khù khờ. Có người rối quá nốc đại ba loại cùng công thức. Haizzz. Họ uống vì không còn gì để uống, với ý nghĩ thà có hơn không.

Thở dài. Một người chị ở Canada gọi về bảo chị lo cho cha mẹ già quá, trông cậy hết vào em, cố giúp chị, chị không về được mà lòng rất nhiều trăn trở. Chị kể mình nghe về chồng của bạn chị vừa qua đời, cũng cười hề hề buổi sáng, tối ra đi, trước khi đi còn nhắn tin than đói bụng… Chủng Delta này nó vậy. Không triệu chứng rõ, không dấu hiệu gì, cứ phây phây, mà loay hoay là chết.

Lúc này lại rất nhiều người kinh tế khá giả nhờ tìm giúp thuốc Nga, ship gấp để cứu gia đình họ, tiền bao nhiêu cũng được nhưng đợt thuốc cũ mình gom đã để lại cho mọi người hết rồi… Còn mỗi vài hộp cho mình.

Họ khóc tiếc rẻ vì đã không sớm trữ vì gia đình F0 lúc này đào không biết đâu ra. Ai ship? Lại ậm ừ. Thôi thì để mình tìm thêm thử, do sợ thuốc giả nên phải tìm người uy tín mà cậy nhờ. Đủ duyên tới đâu thì giúp tới đó. Mình lại ước gì thuốc đấy rẻ như viên sủi C để ai cũng có thể dùng nhỉ? Thuốc của người giàu, thế thuốc của người nghèo đâu?

Đành chịu. Cuộc đời này, xã hội này là thế.

Một người bạn phụ trách bếp ăn 0 đồng suốt từ đầu đại dịch tới giờ nhắn: “Anh ơi, chắc em chuẩn bị ngừng bếp ăn vì sức lẫn tiền đều cạn,” mình bảo “Ừ, anh cũng mệt rồi, tiền cá nhân lẫn quỹ đều hết.”

Sáu quán của mình chắc giữ lại được một vài là giỏi. Còn lại đành nói lời tạm biệt.

Có quá nhiều tâm sự trong lòng đến nỗi những giấc mơ trong đại dịch không gì khác ngoài những ác mộng về việc sống còn. Về xác người. Về mùi clo B ngày nào mình cũng xịt (dù biết xịt nhiều không tốt) cho cả xóm.

Cố gắng giữ gìn bản thân nhen, cả nhà… (Hà Thanh Phúc) [qd]

MỚI CẬP NHẬT