Tuesday, May 21, 2024

Chút hoài niệm ngày cuối năm

LTS: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Mục “Viết Cho Nhau” là nơi để bạn giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm của mình. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran Street, Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

Thái Anh

Ông nhạc sĩ cứ lặng lẽ thổi kèn những bản nhạc tiền chiến, hay những bài ngoại quốc nổi tiếng xa xưa. (Hình minh họa: Chulmin Park/Pixabay)

Tôi không nhớ đã thấy người nhạc sĩ già ấy từ lúc nào, chắc cũng đã nhiều năm, và tuổi của ông có lẽ cũng đã quá con số 70.

Từ lần đầu thấy ông đến bây giờ, lúc nào ông cũng ngồi duy nhất một chỗ, trước hàng hiên của một tiệm bán món ăn Việt Nam, như một loại tiệm “fast food” của Mỹ, bên mình ông có cây đàn mandolin và chiếc kèn harmonica. Có thể tôi sẽ ít chú ý đến ông nếu tôi không thấy hai nhạc cụ trên người ông, vì tôi có nhiều kỷ niệm với hai nhạc cụ đó, nhất là chiếc kèn harmonica.

Hồi nhỏ ở Việt Nam, đứa em kế tôi rất mê thổi harmonica, nó không đi học trường lớp nhạc nào hết, chỉ tập tài tử ở nhà thổi bản nhạc nào nó thích. Có lần nghe nó thổi bài “Donna Donna,” điệu buồn mà réo rắt hay quá, tôi nghe riết đâm ghiền, cứ thấy nó cầm kèn là năn nỉ nó thổi bài “Donna Donna” trước cho tôi nghe rồi hãy thổi bài khác. Thấy tôi thích quá nó kêu tôi ráng tập thổi nó sẽ dạy. Mà nào tôi có tập được gì đâu, chẳng rành một nốt nhạc, hơi lại ngắn, tập mãi chẳng tiến bộ chút nào, thằng em đâm nản không dạy nữa, thế là chị cứ tiếp tục năn nỉ em thổi cho chị nghe.

Một kỷ niệm đáng nhớ nữa về chiếc kèn này, là lúc bắt đầu vào lớp Đệ Thất, tôi có qua ở nhà người dì, em ruột kế mẹ. Dì tôi không có gia đình, ở một mình làm thợ may nên thương tôi như con. Tôi ở đấy học bảy năm trung học ở một trường các Soeur Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán. Trong xóm nhà dì có một ông nhạc sĩ thổi kèn harmonica hay lắm, tôi đi ngang nhà ông nghe tiếng kèn hoài, ông hay thổi bài “Hạ Trắng,” tiếng kèn réo rắt trầm bổng cao vút tuyệt vời.

Sau này tôi mới biết ông chính là nhạc sĩ Tòng Sơn, chuyên thổi harmonica danh tiếng cả nước. Sự kiện ông vừa thổi kèn vừa ăn chuối thường được nhắc tới trong giới nhạc sĩ miền Nam trước 1975, cho đến bây giờ như là một huyền thoại. Nay chắc nhạc sĩ đã cao tuổi lắm. Mấy năm trước COVID-19, tôi được biết hình như ông vẫn còn nhớ nghề, thỉnh thoảng đi trình diễn tài tử thôi chứ không thường xuyên như hồi còn trẻ. Có lần tôi thấy quảng cáo ở khu Bolsa ông có qua Mỹ trình diễn nữa. Bây giờ thì tôi không biết chút gì về tin tức của ông, cầu mong tuổi già ông còn sức khỏe vượt qua cơn đại dịch chung của cả thế giới này.

Còn về cây đàn mandolin, có cô bạn chung lớp đã tốt nghiệp trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn về đàn mandolin, lúc cuối năm lớp tổ chức liên hoan lúc nào cũng có tiếng đàn của cô tham gia. Cô đàn không ngưng tay vì trong lớp bạn nào cũng thay phiên yêu cầu cô đàn hết bài này đến bài khác. Tôi nhớ tôi đã yêu cầu bài “Domino,” bài này mà chơi mandolin thật đúng điệu, âm thanh thánh thót trong trẻo vang lên hút hồn người nghe. Cô bạn thuộc rất nhiều bài, dù mệt nhưng cô vẫn đàn theo đề nghị của các bạn. Cô bạn dễ thương của tôi hiện định cư ở Canada, thỉnh thoảng nói chuyện với nhau tôi vẫn nhắc lại kỷ niệm đáng nhớ này với nỗi bùi ngùi luyến tiếc tuổi học trò đáng yêu hồi đó.

Trở lại với người nhạc sĩ già tôi đã gặp nhiều lần ở phố Bolsa, ông nhạc sĩ cứ lặng lẽ hết đàn rồi thổi kèn những bản nhạc tiền chiến Việt Nam, hay những bài ngoại quốc nổi tiếng xa xưa. Tôi chưa nghe ông nói nên tôi không đoán được ông là người miền nào của Việt Nam. Trước mặt ông có để một cái nón lật bề lõm lên trên, mọi người đi qua đi lại ai có lòng thì bỏ tiền vào đấy, tôi cũng bắt chước mọi người bỏ tiền vào nón mỗi lần đi ngang qua chỗ ông ngồi, lần nào tôi cũng thấy ông gật đầu cảm ơn trong khi tay tiếp tục đàn hay miệng tiếp tục thổi kèn nhưng vẫn lặng lẽ không nói một tiếng nào. Thường tôi chỉ ghé qua khu chợ Việt Nam này vào buổi sáng nên không biết ông nhạc sĩ ngồi đấy đến mấy giờ. Có lúc tôi cũng thắc mắc là ông không có gia đình con cháu gì sao mà phải mưu sinh bằng cung đàn tiếng nhạc của mình ở lề đường, ở hàng hiên của các tiệm quán bình dân mà lẽ ra ông phải được trình diễn trên sân khấu để tài nghệ của ông được mọi người trân trọng thưởng thức.

***

Người ở khu Bolsa gọi bà là bà Tư bán báo. Bà bán các tờ báo tiếng Việt xuất bản hằng ngày hay hằng tuần. Không biết làm sao bà lại sở hữu được chiếc xe mà các bà nội trợ mỗi khi vào chợ mua rau cải, thịt cá chất lên, đẩy ra parking rồi chất vào xe riêng của mình.

Lần nào có dịp vào khu chợ này, nếu là buổi sáng, tôi hay ghé mua báo của bà Tư, dù trong chợ hay tiệm liquor gần đó có bán báo Việt Nam. Có lẽ vì tôi, cũng như khách qua lại muốn mua ủng hộ khi thấy một bà già đáng lẽ ở tuổi này đã sống an vui đoàn tụ với con cháu, chớ có lý đâu bà phải cực khổ hằng ngày đứng còng lưng bán từng tờ báo kiếm sống qua ngày.

Có buổi sáng đi làm sớm tôi ghé ngang chỗ bà để xe báo, định mua mấy tờ báo Việt mới đầu ngày, vì ông xã tôi có thói quen chiều đi làm về hay đọc báo trong khi chờ bữa cơm tối. Tôi ngừng xe ngó quanh quất không thấy bà Tư bán báo đâu, mà chợ và tiệm liquor còn sớm quá chưa mở cửa, tôi định nổ máy chạy đi thì nghe có tiếng gọi “Cô ơi cô…” Tôi đảo mắt nhìn mãi mới thấy bà Tư đang ngồi khuất giữa hai chiếc xe đậu ngoài parking, tay bà vẫy tôi lia lịa. Tôi đến gần hỏi lý do thì bà cho biết bị bảo vệ của khu phố thương mại không cho bán, chắc do sự khiếu nại của các tiệm bị mất khách mua báo. Mấy ngày gần Tết bà Tư cũng có bán báo Xuân hay lịch năm mới, tôi cũng ghé mua để ủng hộ cho bà. Có vài lần bận tôi không ghé mua báo, hôm sau gặp bà tôi hỏi mua lại báo ngày hôm trước, chỉ khi nào bà hết báo cũ thì thôi, chứ nếu còn bao giờ bà cũng biếu cho tôi không lấy tiền, dù tôi cố trả…

Bẵng đi một thời gian dài tôi không đi ngang khu Bolsa vì không tiện đường đi làm, tôi chỉ ghé mua báo ở chỗ nào có bán trên đường đi, và tôi cũng quên mất bà Tư bán báo. Cho tới một ngày, tôi đọc báo tình cờ thấy hình bà Tư và một bài dài mấy kỳ báo nói về bà do một nữ phóng viên của tờ báo viết. Càng đọc tôi càng thấy xúc động về cuộc đời của bà Tư.

Theo bài viết thì bà chỉ có hai mẹ con ở Mỹ, người con trai cũng trên 30 tuổi, chưa có gia đình, sống với bà suốt bao nhiêu năm. Gia cảnh hai mẹ con thiếu thốn chật vật, nhưng có một điều không ai có thể ngờ được là tiền bà bán báo hằng ngày, bà dành dụm lâu lâu gom lại gửi về Việt Nam làm từ thiện, giúp trẻ em nghèo, người già neo đơn khốn khổ thiếu ăn thiếu mặc, sống lây lất ở các vỉa hè, lề đường hay hàng hiên của các nhà giàu có.

Tác giả bài viết kể cô đã có dịp tìm gặp chính người con trai của bà mới biết mọi chuyện về bà mà đưa lên báo. Cuối cùng bà mang bệnh ung thư gan quá nặng nên đã qua đời. Đám tang bà thật nghèo nàn thiếu thốn đến nỗi không có được một cái quan tài rẻ nhất để thiêu. Lòng hảo tâm của con người cũng có giới hạn, nên lúc đem thiêu, thân xác bà chỉ được cho vào một áo quan bằng giấy carton rẻ tiền nhất. Sau đó người con trai đem gửi tro cốt của mẹ ở một ngôi chùa nhỏ, cô phóng viên tường thuật lại sau khi mọi việc đã xong xuôi.

Lần đó tôi rất xúc động khi đọc bài báo, tự trách mình sao không biết chuyện sớm hơn, để có chút gì thực tế tiếp sức với gia đình bà, hay ít nhất cũng đến thắp một nén hương cho ấm lòng người quá cố. Dù sao tôi cũng từng nói chuyện vài lần với bà và hay mua báo của bà mà, một kiếp người sao khốn khổ quá! Bây giờ mỗi lần ghé khu Bolsa mua báo tôi vẫn thấy bồi hồi nhớ hình ảnh bà Tư đứng còng lưng bên xe báo mời khách qua lại!

Cô bạn tôi đàn không ngưng tay vì luôn được các bạn cùng lúc yêu cầu. (Hình minh họa: Alfred Derks/Pixabay)

Ngày 25 Tết, đối với các gia đình Việt Nam là ngày đi cúng mộ thân nhân đã qua đời. Lúc còn ở Việt Nam, vào ngày này, tôi và em gái thường mang hoa quả trái cây vào chùa đốt nhang cho ba mẹ tôi và các thân nhân có gửi các hủ cốt trong chùa. Chúng tôi lau chùi các bình đựng tro cốt, tôi trưng bình hoa vạn thọ trên bàn, lúc còn sống mẹ tôi thích hoa này lắm. Rồi chị em chúng tôi bùi ngùi đốt nhang tưởng nhớ các người đã khuất.

Khi tôi rời Việt Nam, việc thờ cúng ba mẹ nhờ chị tôi còn ở lại nhà lo lắng giùm. Ngày 30 Tết, tôi gọi về chúc Tết khi các gia đình tụ họp bên mâm cơm đón ông bà về ăn Tết. Còn ở Mỹ, ngày Tết Việt Nam, nhất là khu tôi ở, gọi là thủ đô tị nạn của người Việt, ngày Tết cũng nhộn nhịp không thiếu một thứ gì giống như ở Việt Nam, nên người ta mới gọi là khu “Saigon Nhỏ,” cũng chợ hoa, bánh mứt, trái cây, nhang đèn, ngũ quả… Ngoài phố Bolsa cờ vàng ba sọc đỏ phất phới bay trong nắng Xuân ấm áp, bao nhiêu năm ly hương, người Việt vẫn không quên tập tục ngày Tết cổ truyền.

Năm ngoái, tình hình dịch COVID-19 đang gia tăng mạnh cả thế giới, và ngay cả khắp nước Mỹ số người thiệt mạng khủng khiếp, mọi người mọi nơi đều phải cách ly, hạn chế tối đa mọi sinh hoạt xã hội. Ở miền Nam Cali, ngay khu “Saigon Nhỏ” của cộng đồng người Việt cũng bị ảnh hưởng chung; nên sinh hoạt ngày Tết cổ truyền Việt Nam đã không được tổ chức, một cái Tết thật buồn!

Năm nay tình trạng dịch đã có vẻ khá hơn, có lẽ do mọi người ý thức nên hầu như đã chích ngừa đầy đủ, có thể khu Bolsa lại nhộn nhịp chợ Tết, mọi người sẽ đón Xuân trong tinh thần cảnh giác dịch bệnh.

Buổi chiều cuối năm, đi về ngang khu phố Bolsa, trời đã sẩm tối, mọi người qua lại có vẻ vội vã mua sắm thêm để kịp về nhà cúng Giao Thừa đón năm mới, tôi quẹo một vòng trong parking của khu tiệm Việt Nam, thoảng nghe có tiếng kèn harmonica cao vút giữa tiếng ồn ào của phố đông người qua lại.

Tôi tìm chỗ đậu xe xa tít sát lề đường rồi đi bộ vào hàng hiên trước chợ, hình ảnh quen thuộc của ông nhạc sĩ già ngồi như say mê thổi không để ý đến người qua kẻ lại, ông thổi bài “Mùa Xuân Đầu Tiên” của Văn Cao. Tôi cúi người để tiền vào chiếc nón trước mặt ông rồi bước đi thật nhẹ, không dám làm bận tâm người nhạc sĩ đang chăm chú với bài nhạc. Tôi thầm nghĩ không biết giờ nào ông mới trở về nhà khi trời chiều cuối năm đã dần tối, khi giờ phút giao mùa cũng đang dần đến…

Tôi lái xe về nhà, lòng vương chút bồi hồi khi nhớ đến hình ảnh người nhạc sĩ già ngồi cô đơn lặng lẽ với chiếc harmonica của mình mong được chút lòng hảo tâm của người qua lại, cùng lúc trong đầu tôi thoáng hiện hình ảnh bà Tư đang còng lưng bên xe báo. Tôi thấy chạnh lòng, bật máy CD trong xe, thoảng vang bản nhạc “Xuân Muộn” của Hoài Linh tôi rất thích nghe mỗi dịp Xuân về, qua giọng hát nhẹ nhàng buồn man mác của cố ca sĩ Hà Thanh:

“…Chiều Ba Mươi Tết ta còn gì cho nhau
Lại thêm Xuân nữa gieo nhẹ vào mái đầu
Đâu đó vu vơ vài tiếng pháo
Giữa lòng quê mẹ còn binh đao
Thấy hoa xót mai thương đào…
…Giàu vui mong đón Xuân về bằng cao sang
Nghèo lo Xuân đến chân thành bằng tấm lòng
Chân bước trong đêm tàn ngõ tối,
Giao Thừa Xuân muộn dạ không vui,
Có người đón Xuân quên cười.” (Thái Anh) [qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT