Monday, May 20, 2024

Chuyến xe lửa chiều 24

LTS: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Mục “Viết Cho Nhau” là nơi để bạn giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm của mình. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran Street, Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

Phạm Duy An

An yên tâm lên chuyến xe buýt trực chỉ đến ga xe lửa để về nhà. (Minh họa: 200 Degrees/Pixabay)

An vừa rời khỏi chỗ làm, rảo bước đi về hướng trạm xe buýt, chờ xe tới trạm để về nhà. Gọi là nhà chứ thật ra đó là một căn “apartment” hai phòng cho bốn người ở, đây là một phòng trong dãy chung cư năm, sáu tầng, phòng nào cũng rất nhỏ, từ phòng ngủ, phòng khách rồi nhà bếp, tất cả đều nhỏ xíu so với nhà của bố mẹ An.

Ai cũng biết Los Angeles, California, là một thành phố đất hẹp người đông, nhà cửa, thức ăn, cái gì cũng đắt đỏ hết, An phải vất vả lắm mới tìm được một chỗ ở như hiện tại. Căn phòng An ở có bốn bạn, tất cả đều giống như An, nghĩa là mới xong bốn năm ở đại học UCLA, nghỉ một năm đi tìm việc làm tạm thời chờ năm sau nộp đơn xin học tiếp lên chuyên môn cao hơn.

Phần An từ nhỏ đã thích môn lịch sử, nên An đã theo đuổi môn học này suốt cấp 1, cấp 2, cấp 3 và cuối cùng An đã xong bốn năm học UCLA. An biết bố mẹ không vui vì An đã chọn một môn học không được thực tế lắm, nghĩa là rất khó tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp như các ngành khoa học thực dụng khác.

An cũng suy nghĩ nhiều lắm khi quyết định lựa chọn ngành học này, cuối cùng niềm đam mê thôi thúc, An đã phụ lòng trông mong của bố mẹ. An biết bố mẹ rất thương An nên đành chìu con, rồi trong bốn năm học xa nhà, bố mẹ đã hết sức hỗ trợ cho An yên tâm học hành.

An là con duy nhất của bố mẹ nên hai người đã dồn hết tình thương cho An, nhất là mẹ. Mẹ đã hy sinh cả đời đưa đón An đi học, đi sinh hoạt từ lúc An học mẫu giáo cho đến lúc An xong trung học, mẹ lo cho An từng chút. Rồi lúc An bắt đầu vào nội trú bốn năm đại học, ngày đầu tiên dọn vào trường, cả bố mẹ đều đưa An đi, mẹ sửa soạn cho An không thiếu món gì, đến nỗi bố phải ngăn bớt đồ đem theo lại.

An biết vắng An mẹ buồn lắm, nhà chỉ có ba người, bố đi làm cả ngày, An đã lớn lại là con trai, ít gần gũi với mẹ như con gái, nhưng mẹ ra vô thấy có An, dù không nói gì nhưng An biết mẹ cũng thấy vui. Mẹ chăm chút An như còn bé, nhiều lúc An cũng cảm thấy không thích, nhưng khi nhìn thấy nét mặt vui vẻ sung sướng của mẹ khi làm cho An một việc gì, hay là đi đâu về mẹ mua một món ăn mà An thích, nhìn ánh mắt mẹ đầy nét thương yêu khi thấy An ăn ngon lành món ăn mẹ mua về, An cũng bớt gay gắt với mẹ. Mẹ biết An thích ăn món gà chiên ở mấy tiệm thức ăn nhanh, nên mẹ hay cắt để dành mấy “coupon” đưa cho An…

Mải miên man suy nghĩ, An chợt giật mình vì tiếng còi xe buýt kêu vang, An ngó chung quanh mọi người đã bước lên xe hết, chắc bác tài thấy An tội nghiệp nên hú còi gọi. An bước vội lên xe, bỏ mấy đồng 25 cent vào khe, gật đầu cám ơn bác tài xế tốt bụng, bác mỉm cười xua tay rồi cho xe lăn bánh. Hôm nay là ngày 24, một ngày trước Giáng Sinh, các nhân viên trong chỗ An làm được cho về sớm hơn một tiếng rưỡi, những người cần chuẩn bị đi lễ nhà thờ vào buổi tối.

Chỗ An làm là một viện bảo tàng của người Do Thái, chỗ này trong hai năm học cuối đại học An đã có dịp làm việc thiện nguyện tại đây, mỗi tuần hai hay ba buổi chiều. An rất thích việc làm này vì nó thích hợp và liên quan tới ngành lịch sử mà An đang học. Suốt thời gian làm việc, mối quan hệ giữa An và mọi người ở đây rất thân thiện, An mong được chính thức làm việc tại đây sau khi tốt nghiệp. Vậy mà An lại không được toại nguyện.

Những ngày cuối cùng của năm học, An có gặp người quản lý để xin làm nhân viên thực thụ tại đây có trả lương, nhưng An chỉ nhận cái lắc đầu luyến tiếc của ông. Lý do vì đây chỉ là một viện bảo tàng của riêng người Do Thái, mọi tài trợ đóng góp hoàn toàn do lòng tự nguyện hảo tâm của mọi người chứ không có chút nguồn tài trợ nào của chính phủ. Do đó, mọi chi tiêu của viện có giới hạn, dù rằng mọi người làm việc chung quanh ai cũng rất mến và hiểu khả năng cùng lòng say mê nhiệt tình trong công việc của An.

Ngày làm việc cuối cùng, An rất cảm động vì ân tình của mọi người dành cho mình, chỉ là mấy cái pizza ăn vội, mấy ly nước ngọt cụng nhau, mọi người chúc An sớm đạt thành điều mơ ước của mình. Rồi An lưu luyến bắt tay chào từ giã mọi người…

Sau buổi lễ tốt nghiệp, An trở về nhà bố mẹ ở Orange County, California. Thời gian này An thấy mẹ vui lắm, dù có bận rộn thêm chút. Bố mẹ muốn An nghỉ ngơi ít lâu cho đầu óc thoải mái sau bốn năm miệt mài đèn sách, sau đó An sẽ kiếm thêm việc làm bán thời gian để chuẩn bị tiếp tục học lên vào năm sau, vì bố biết ngành học của An rất khó tìm được một việc làm thích hợp, có chăng chỉ là việc làm tạm thời thôi.

An biết mẹ muốn An tìm việc gần nhà, An sẽ đi về mỗi ngày như bố, mẹ muốn lại được chăm sóc An như hồi nhỏ. An biết tình thương của bố mẹ dành cho con cái trước sau như một dù con còn nhỏ hay đã lớn, con có thành đạt hay thất bại trên đường đời. An tuy sinh ra lớn lên ở Mỹ, nhưng An được mẹ cho học tiếng Việt từ nhỏ, nên An cũng biết tục ngữ tiếng Việt có câu “Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng…”

Thêm một lần nữa An đã phụ lòng bố mẹ, khi An vẫn âm thầm tìm việc làm trên vùng Los Angeles, nhất là các việc giống như chỗ cũ An đã làm. An vẫn hy vọng nhiều vào việc An sẽ được nhận vào trường cũ niên học sắp tới đây, vì An rất mến các thầy cô đã dạy môn lịch sử An học, trong số đó có một cô rất thương An, cô hay động viên, khuyến khích An, và An cũng rất quý trọng cô, sau khi về nhà An vẫn giữ liên lạc thường xuyên với cô.

An sẽ là Ông Già Noel đáp ứng “niềm mơ ước mùa Giáng Sinh” cho mẹ. (Minh họa: Elf-Moondance/Pixabay)

Trong Tháng Mười Một vừa qua, một bữa An nhận được email của viện bảo tàng cũ cho hay họ có thông báo tuyển một số người cho vài công việc bán thời gian, An mừng rỡ gửi đơn xin việc, rồi An được gọi phỏng vấn. An nói việc này với bố mẹ, bố có vẻ không bằng lòng nhưng không ngăn cản. Hôm An đi phỏng vấn, An không gặp chút khó khăn nào khi được hỏi, vì đây chính là nơi An đã làm thiện nguyện trong suốt hai năm đại học, An rất có hứng thú với công việc ở đây, cuối cùng An được nhận vào làm bán thời gian.

Lúc An báo tin này cho bố mẹ, bố chỉ nói An đã đủ trưởng thành rồi để tự quyết định cuộc đời của chính mình, bố mong An đã chọn đúng con đường để đi và sẽ không bỏ cuộc giữa chừng. Về phần mẹ, mẹ biết có nói thế nào An cũng sẽ không thay đổi quyết định, nên mẹ chỉ lặng lẽ thu xếp đồ đạc cho An rời nhà một lần nữa. An sẽ tìm chỗ ở mới gần chỗ làm cho tiện, An biết mình sắp phải trải qua những khó khăn vất vả từ đây, vì thời khắc này mới thật sự là lúc An bắt đầu bước vào đời, tự quyết định cuộc đời mình.

An không thể trông đợi vào bố mẹ nữa, bố mẹ đã lớn tuổi rồi, nhất là bố vẫn còn phải đi làm mỗi ngày. Thời gian An về nhà ở sau khi rời trường, mỗi sáng trong lúc An còn ngủ, trời mùa Đông ở Cali không có tuyết rơi nhưng buổi sáng trời cũng rất lạnh, có lúc 6-7 độ C, bố phải dậy sớm đi làm trong giá lạnh, An thấy thương bố lắm.

Gia đình An chỉ có ba người nhưng hình như ai cũng rất ít nói. Trong nhà An lúc có đủ ba người vẫn yên lặng, mọi người chỉ trao đổi câu chuyện trong bữa cơm chiều, sau đó ai có việc nấy. Bố hay đi ngủ sớm để hôm sau đi làm, mẹ cứ lục đục thu dọn làm vặt việc gì, chỉ có An thức khuya một mình làm bài hay nói chuyện với bạn. Do đấy tình cảm của mỗi người cũng biểu lộ kín đáo, lặng lẽ chứ không ồn ào bên ngoài.

Lúc còn ở nhà, rất nhiều lần buổi chiều khi ăn cơm, An thấy hôm ấy ăn món ngon hơn ngày thường, hay có bình hoa nhỏ trên bàn, hoặc một cái bánh kem nhỏ sau bữa cơm, vì đó là sinh nhật bố, ngày Father’s Day hay kỷ niệm ngày thành hôn của bố mẹ. Tất cả chỉ là những biểu hiện đơn giản như thế thôi, nhưng An biết mẹ không quên một ngày kỷ niệm nào của gia đình.

An là con của bố mẹ nên ít nhiều cũng giống tính ít nói đó. An còn nhớ có vài lần lúc còn học ở trường, vào những dịp lễ An không về nhà được, buổi tối An gọi hay nhắn tin chúc mừng bố, mẹ, những lúc đó An thấy ấm lòng khi tưởng tượng bố mẹ chắc sẽ vui lắm khi nghe An gọi hay đọc tin nhắn của An.

Ngồi trên xe buýt, An ngó qua cửa sổ, đường phố ở Los Angeles lúc nào cũng đầy xe, nhất là hôm nay là ngày 24, người nào cũng có vẻ vội vàng đi về nhà thật nhanh để chuẩn bị cho bữa tiệc réveillon tối sau khi tan lễ ở nhà thờ, người không đi lễ cũng tất bật lo bữa ăn họp mặt gia đình, vì Giáng Sinh là một ngày lễ quan trọng trong năm.

Điện thoại của An kêu lên mấy tiếng nhỏ, đó là những tin nhắn chúc mừng lễ vui vẻ của mọi người gửi đến cho An. An đọc một tin nhắn của mẹ chúc An vui lễ với các bạn, mẹ nói tối 24 sẽ có tụ họp ăn uống ở nhà chú của An như mọi năm.

Mấy năm trước còn đi học xa nhà nhưng dịp lễ này An được nghỉ mùa Đông nên vẫn về nhà chơi và tham dự vui lễ cùng mọi người, nhưng năm nay thì không được như vậy nữa. Mấy hôm trước An cho mẹ hay An sẽ không về vì chỉ được nghỉ một ngày thôi. Trong một thoáng An hình dung nét mặt buồn bã của mẹ khi nhìn thấy các cô chú có con cháu bên cạnh, còn bố mẹ thì không có An, An thấy chạnh lòng thương bố mẹ.

An tự hỏi tại sao mình không chịu ép lòng một chút để về nhà đêm 24, cho bố mẹ vui? Liệu trong đời mình có bao nhiêu lần đem lại niềm vui cho bố mẹ, khi chỉ mới đây An đã làm bố mẹ phiền lòng vì rời nhà ra ngoài ở để đi làm, dù nơi làm không xa nhà lắm? Nghĩ vậy, An quyết định xuống xe ngay trạm vừa ngừng, không lên chuyến kế tiếp đi về phòng trọ. An nhắn tin ngay cho bạn cùng phòng biết An sẽ về gia đình ngay, không ghé qua phòng trọ lấy đồ đạc gì cả.

Rồi An tìm trên điện thoại giờ khởi hành gần nhất về nhà An, chỉ có chuyến xe lửa cuối cùng sắp rời ga khoảng một giờ nữa. Cùng lúc, An gọi ngay đứa em gái con chú cùng tuổi nhờ ra ga đón An khoảng hai tiếng nữa khi xe đến trạm. An muốn dành một bất ngờ lớn cho mẹ, An muốn niềm vui đêm Giáng Sinh của mẹ được trọn vẹn.

Sau khi nhỏ em họ nói “Ok,” thế là An yên tâm lên chuyến xe buýt trực chỉ đến ga xe lửa. An tới nơi vừa kịp mua vé lên tàu, rồi thở phào nhẹ nhõm, thong thả bước lên tìm chỗ ngồi. Chuyến xe chiều nay vắng khách, chắc mọi người đã kịp về nhà từ trưa.

Lần đầu tiên đi xe lửa An thấy vui vui. An muốn đem lại niềm vui đến hai người thân yêu nhất đời An là bố mẹ, An sẽ là Ông Già Noel đáp ứng “niềm mơ ước mùa Giáng Sinh” cho mẹ. Nghĩ đến đây An thấy vui trong lòng lắm, không còn cảm thấy cái không khí lạnh lẽo của buổi chiều Đông khi bên ngoài trời đã tối hẳn.

An ăn từ mãi trưa ở chỗ làm nhưng hình như chưa thấy đói, chỉ muốn mau về nhà trong buổi họp mặt ấm áp tình nghĩa tối nay. An nghe như có tiếng nhạc “Jingle Bells” rộn rã trong lòng, An muốn chúc “Bình an cho tất cả mọi người có thiện tâm!” (Phạm Duy An) [qd]

MỚI CẬP NHẬT