Tuesday, May 14, 2024

6 vấn đề cần tránh về giao tiếp trong mối quan hệ yêu đương

NEW YORK CITY, New York (NV) – Tại một số thời điểm trong cuộc đời, chúng ta sẽ gặp các vấn đề về giao tiếp, trao đổi thông tin, suy nghĩ với người khác, đặc biệt là người gần gũi nhất với mình, chính là người yêu hay người bạn đời.

Các cặp yêu thương và chung sống với nhau lâu năm thường thì, một là sẽ ngày càng gần gũi, gắn bó và thấu hiểu nhau hơn; còn hai là sẽ có những khoảng cách về việc giao tiếp. Vì sao?

Bạn không thể mong đợi đối phương của mình biết được suy nghĩ của bạn khi không nói ra những suy nghĩ, tâm tư của mình. (Hình minh họa: Joshua Ness/Unsplash)

Vì đối với một số cặp, việc quá gần gũi và ở với nhau quá lâu sẽ dẫn đến sự nhàm chán, đôi khi dẫn đến cả sự buông bỏ, mặc kệ sự giao tiếp ngày càng tệ hơn, mâu thuẫn ngày càng trở nên lớn hơn.

Dưới đây là sáu vấn đề giao tiếp phổ biến nhất mà các nhà tâm lý học chỉ ra trong các mối quan hệ, theo trang mạng Well + Good.

1-Không giao tiếp

“Mọi người hay phớt lờ khi phải đối mặt với những trường hợp giao tiếp không thoải mái và không hiểu ý nhau, và cũng không dành thời gian để lắng nghe nên việc giao tiếp dần dần bị vào ngõ hẹp,” chuyên gia tâm lý Kelly Deibler ở thành phố New York cho biết. “Hành động này lâu ngày sẽ dẫn đến việc thường xuyên trốn tránh các vấn đề, cuối cùng là cả hai tạo thói quen không muốn đối diện với vấn đề, và tất nhiên nó sẽ dẫn đến những tổn hại cho mối quan hệ.”

Để khắc phục tình trạng này, bạn phải trao đổi với người khác về các kiểu giao tiếp của mình. Điều quan trọng nhất là cách bạn và đối phương có thể tự cải thiện giao tiếp chứ không phải để giải quyết bất kỳ vấn đề nào khác phát sinh. Bạn hãy thử ba câu hỏi sau để bắt đầu:

“Anh nghĩ cả em và anh có thể làm tốt điều gì khi mình nói chuyện với nhau?”

“Làm thế nào chúng ta có thể cải thiện giao tiếp?”

“Lần sau em nên nói gì để anh cảm thấy thoải mái hơn?”

Bên cạnh đó, bạn cũng nên thường xuyên giải quyết các vấn đề trước khi chúng xuất hiện, thay vì giữ im lặng cho đến khi chúng bùng phát.

2-Lo lắng mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu bạn tìm hiểu sâu hơn

Một trong những lo lắng của con người chính là nỗi sợ nếu họ càng đào sâu những khó khăn của mình, mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn. Chuyên gia tâm lý Deibler cho rằng xung đột với chính suy nghĩ của mình là không thể tránh khỏi và cách duy nhất để giải quyết căng thẳng là hãy can đảm đối diện nó.

3-Mong đợi đối phương biết được suy nghĩ của bạn

Rõ ràng, bạn không thể mong đợi đối phương của mình biết được suy nghĩ của bạn khi không nói ra những suy nghĩ, tâm tư của mình. Vì vậy hãy học cách truyền đạt những điều bạn nghĩ, những điều bạn muốn và cần cho người khác biết.

Hãy dành một vài phút trong ngày để tự tìm hiểu xem điều gì đang thực sự xảy ra với bạn. Hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi như “Tại sao điều này lại quan trọng như vậy?” và “Tôi cần gì?” Như thế, bạn sẽ hiểu bản thân mình hơn, đồng thời cũng dễ dàng nói ra những suy nghĩ và mong muốn của mình với người khác hơn.

Mục tiêu của giao tiếp nên là sự thấu hiểu chứ không phải là thỏa hiệp. (Hình minh họa: Louisa Gouliamaki/AFP via Getty Images)

4-Không khách quan trong mọi tình huống

Đừng bao giờ cố gắng chứng tỏ rằng mình luôn đúng trong mọi tình huống. Theo chuyên gia tâm lý Marin, thông thường sẽ có ba tình huống, bao gồm, sự thật của bạn, sự tiếp cận bất kỳ vấn đề nào nếu bạn luôn cố chứng tỏ mình đúng. Marin nói: “Có ba sự thật cho mọi tình huống: sự thật của bạn, sự thật của đối phương và sự thật khách quan. Bạn phải sẵn sàng chấp nhận rằng đối phương có trải nghiệm mà họ đang có, ngay cả khi đó là một trải nghiệm hoàn toàn khác so với những gì bạn cảm nhận, thì đó cũng là điều cực kỳ bình thường trong cuộc sống.”

5-Không lắng nghe

Mục tiêu của giao tiếp nên là sự thấu hiểu chứ không phải là thỏa hiệp. Hầu hết các cặp vợ chồng nghĩ rằng họ phải đạt được thỏa hiệp, tuy nhiên điều này có thể gây ra rất nhiều vấn đề. Điều quan trọng nhất chính là học cách thấu hiểu và trân trọng sự khác nhau của hai cá thể, đồng thời học cách dung hòa hai cá thể đó thành một, là người chung “team” với nhau chứ không phải là đối thủ đối đầu với nhau để xem ai đúng, ai sai.

Và tất nhiên, để làm được điều này, bạn phải học cách lắng nghe người bạn đời của mình. Đôi khi chỉ cần lắng nghe, bạn sẽ thấu hiểu nỗi lòng người khác.

6-Từ chối nói chuyện

Thông thường một người khi im lặng sau nhiều chuyện cãi vã hay mâu thuẫn là vì họ cảm thấy bất lực và không còn khao khát để thay đổi nữa. Để tránh dẫn đến tình trạng tiêu cực này, bạn nên dành thời gian 20 phút để thiền, tập trung vào đầu óc để tâm an và tĩnh lặng. Khi mình bình tĩnh, thư giãn, những cơn giận dữ hay dòng suy nghĩ tiêu cực cũng dần dần được xóa nhòa đi. (K.D) [qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT