Friday, May 10, 2024

4 nguyên nhân khiến rối loạn tiêu hóa, đường ruột xấu

SACRAMENTO, California (NV) – Một trong những vấn đề về sức khỏe mà con người hay gặp phải thường xuyên trong thời đại hiện nay chính là bị rối loạn tiêu hóa, đầy bụng và khó tiêu.

Xã hội ngày càng phát triển khiến con người cũng bị cuốn vào guồng máy làm việc căng thẳng, ăn uống ít tập trung hơn mà thay vào đó là những bữa ăn vội vã, cùng với việc nạp vào cơ thể những thực phẩm qua chế biến với nhiều hóa chất không tốt.

Rối loạn tiêu hóa, đầy hơi là vấn đề mà rất nhiều người hiện nay đối mặt. (Hình minh họa: Sora Shimazaki/Pexels)

Hiện nay, đa số chúng ta đều không có sức khỏe đường ruột tốt mà không hề hay biết, dần dần nó ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày và tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật.

Dưới đây là những nguyên nhân gây khó chịu hệ tiêu hóa, theo trang mạng Byrdie.

1. Ăn uống không lành mạnh

Thức ăn chế biến sẵn giúp con người tiết kiệm nhiều thời gian nhưng lại là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tác hại lên đường ruột. Bên cạnh đó, các loại thực phẩm như ngô, lúa mì và đậu nành có giá thành thấp, dễ tiếp cận với người tiêu dùng hơn nhưng chứa nhiều đường và carbohydrate tinh chế, ít vitamin, khoáng chất và chất xơ. Lượng carbohydrate và đường tinh chế quá mức đã được các nhà khoa học chứng minh là làm giảm sự đa dạng sinh học của vi sinh vật và nuôi các vi khuẩn xấu.

Trong khi đó, chất xơ, hay tiếng Anh còn gọi là fiber, có trong rau, củ, trái cây và nhiều loại ngũ cốc khác thúc đẩy đa dạng hệ sinh học vi sinh vật đường ruột, đồng thời cung cấp vi khuẩn có lợi trong đường tiêu hóa. Nhưng người Mỹ trung bình chỉ nạp khoảng 15 gram chất xơ mỗi ngày, trong khi lượng khuyến khích là ít nhất là từ 25 đến 30 gram.

Bác Sĩ Will Bulsiewicz, tác giả cuốn sách “Fibre Fueled,” cho biết, ngày nay lượng tiêu thụ chất xơ giảm từ ba đến bốn lần so với những người ở thế hệ trước.

Tiêu thụ quá nhiều các thực phẩm từ động vật cũng tác động tiêu cực đến hệ vi sinh vật đường ruột. Trong một nghiên cứu năm 2014, các nhà nghiên cứu tại trường đại học Harvard University chỉ ra hai thói quen ăn uống khác nhau, bao gồm một loại thực đơn đơn thuần ăn nhiều thực phẩm từ động vật như thịt xông khói, trứng, xúc xích; loại thứ hai là thực đơn thuần chay bao gồm các thực phẩm như gạo, cà chua, đậu, bí và trái cây.

Những người ăn theo thực đơn thứ hai gia tăng vi khuẩn đường ruột đáng kể và những vi khuẩn này cần thiết để phân hủy chất béo trong cơ thể.

Ăn nhiều thực phẩm lên men như yogurt, kim chi và trái cây để giúp hệ tiêu hóa làm việc tốt hơn. (Hình: Karly Gomez/Unsplash)

2. Thuốc kháng sinh dùng trong y học và thực phẩm

Trung Tâm Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC) ước tính rằng khoảng 30% thuốc kháng sinh được kê đơn cho bệnh nhân là hoàn toàn không cần thiết. Và điều này cực kỳ nguy hiểm vì việc sử dụng kháng sinh không phù hợp không chỉ có thể gây rối loạn đường ruột mà còn góp phần làm gia tăng vi khuẩn kháng lại thuốc kháng sinh.

Trong một bài báo được đăng tải năm 2018 có những phát hiện từ dự án American Gut Project do các nhà nghiên cứu tại trường đại học University of California San Diego thực hiện, đã phân tích mẫu phân của những người tham gia nghiên cứu để có được cái nhìn về hệ vi sinh vật đường ruột.

Các nhà khoa học phát hiện ra rằng trong mẫu phân của những người tham gia không nạp vào cơ thể thành phần probiotic lại có chứa thuốc kháng sinh nông nghiệp.

Bác Sĩ Will Bulsiewicz giải thích rằng hiện nay khoảng 80% lượng kháng sinh ở Mỹ đang được sử dụng cho vật nuôi như một phần không thể thiếu trong ngành nông nghiệp chăn nuôi. Và những khám phá của các nhà nghiên cứu cho thấy loại thuốc kháng sinh dùng cho động vật chăn nuôi có thể đi vào cơ thể người và ảnh hưởng đến đường ruột.

Tham gia các hoạt động ngoài trời như leo núi, đi bộ… để có hệ miễn dịch tốt hơn. (Hình minh họa: Holly Mandarich/Unsplash)

3. Ít tiếp xúc và gần gũi với thiên nhiên

Khi thế giới bị công nghiệp hóa, con người ngày càng thiếu đi sự tiếp xúc với thiên nhiên. Đây cũng là một trong những thủ phạm lớn nhất làm suy giảm sức khỏe đường ruột nói chung.

Khi chúng ta thu hẹp phạm vi tiếp xúc với tự nhiên, động vật và những loài khác, hệ thống vi sinh vật và hệ miễn dịch của chúng ta cũng trở nên yếu đi. Vì vậy, bạn nên dành thời gian ở bên ngoài, tham gia các hoạt động ngoài trời như leo núi, đi bộ, đi chân trần trên cát để cơ thể được tiếp xúc nhiều hơn với tự nhiên, và từ đó hệ miễn dịch và vi sinh của mình cũng tốt hơn.

4. Căng thẳng và ngủ không đủ giấc

Việc thường xuyên căng thẳng và ngủ không đủ giấc có thể ảnh hưởng đến đường ruột. Căng thẳng, lo âu không chỉ khiến bạn mệt mỏi, khó ngủ, cảm thấy bất an và ảnh hưởng hệ thần kinh, mà nó còn khiến chúng ta cảm thấy khó chịu sau khi ăn xong.

Giấc ngủ ảnh hưởng đến sức khỏe hệ tiêu hóa vì nó liên quan đến nhịp sinh học. Bác Sĩ Vincent Pedre, tác giả cuốn sách “Happy Gut,” cho biết rối loạn nhịp sinh học sẽ gây ra những thay đổi trong hệ vi sinh vật đường ruột, và lâu ngày sẽ gây nguy cơ tiềm ẩn các căn bệnh khác.

Lo âu khiến bạn căng thẳng sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. (Hình minh họa: Nataliya Vaitkevich/Pexels)

Làm sao để bảo vệ sức khỏe đường ruột?

Men vi sinh có lợi cho việc kiểm soát các vấn đề về đường ruột như chống đầy hơi, trướng bụng và cả làm tăng miễn dịch tiêu hóa. Bạn nên uống thêm các loại thuốc có probiotics hoặc ăn những thực phẩm lên men và hữu cơ.

Bên cạnh đó, bạn nên thường xuyên tập thể dục, tập thiền để giảm căng thẳng, giúp dễ ngủ hơn vào ban đêm và dành thời gian với thiên nhiên. (KD) [qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT