Wednesday, May 15, 2024

Con nhớ bố vô cùng

LGT: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Âu đó cũng là cơ hội để giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm. Mục “Viết Cho Nhau” do phóng viên Ngọc Lan phụ trách. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: [email protected]

Jeny Chau Tạ Thanh Phương

Đã gần sắp đến ngày giỗ Bố lần thứ 10, nghĩa là Bố tôi đã qua đời gần 10 năm.

Có thể ai đó sẽ nói 10 năm rồi hãy để Bố an nghỉ, hãy để Bố yên tâm qua một kiếp khác… Nhưng đối với tôi, Bố vẫn luôn còn đó  từng câu chuyện nho nhỏ về Bố, từng việc làm của Bố cho chúng tôi luôn hiện hữu trong tâm tưởng của tôi cho dù bao nhiêu năm đã qua đi.

Bố tôi đó của những ngày trai trẻ! Đôi khi nhìn Bố, tôi thấy Bố cũng đẹp trai không kém gì ông hoàng nhạc Pop Elvish Presley của thập niên 60! Tuy Bố không hát hay đàn giỏi như ông ta nhưng Bố có tài viết văn, viết chữ rất đẹp. Bố vô cùng tài hoa, oai hùng chẳng thua kém một ai.

Mẹ luôn kể cho chúng tôi nghe một giai thoại lý thú về Bố. Số là ngày xưa khi Bố còn trong tuổi “quân dịch,” Bố cũng phải đi lính như bao nhiêu thanh niên khác, nhưng Bố không phải đi đánh trận hay đứng canh gác mà Bố lại được vào làm văn phòng và phụ giúp cho sếp của Bố viết những bản báo cáo về thành tích hay bất cứ bài tường thuật gì nơi đơn vị Bố đóng quân.

Mẹ nói có đôi lần Mẹ đến thăm Bố và ngồi đợi Bố trong phòng Bố làm việc. Mẹ thấy Bố ngồi ở bàn giấy nơi ông sếp thường ngồi khi tiếp xúc với các vị lãnh đạo từ các đơn vị khác đến tham quan (nói nào ngay ông sếp của Bố vì “làm biếng động não” nên ông ta luôn bỏ văn phòng cho Bố trông coi). Mẹ nói thấy ai ra vào cũng chào Bố rất kính cẩn và còn lầm tưởng Bố là sếp nữa cơ đấy.

Bố ơi! Con nhớ bố lắm! (Hình: Tác giả cung cấp)

Tôi kính yêu và nể phục Bố vì cả một đời Bố chỉ biết đi làm để nuôi vợ và một đàn con nên người. Bố không vì lấy lý do là phải làm việc vất vả suốt ngày để mà đi tìm vui hay hưởng thụ một mình. Sau những năm tháng di cư vào miền Nam, Bố đã cố gắng học để trở thành y tá rồi đi làm và đã làm tròn trách nhiệm của một người chồng, một người cha trong gia đình. Sáng sáng Bố chở chị hai của tôi đi học rồi mới đến sở làm. Khi chị ba và anh tư cần đi học thêm ngoại ngữ, Bố lại làm người tài xế cho các anh chị ấy. Ngay đến việc luyện thi vào lớp Sáu cho anh tư và tôi (ngày xưa muốn vào lớp Sáu học thì phải thi “trầy da tróc vảy” đó quý vị ơi, nhất là hai anh em chúng tôi còn dám bỏ học lớp Năm, đang từ lớp Bốn mà cứ đi thi lớp Sáu mới ghê chứ – người ta gọi là “học nhảy lớp” đó ạ). Bố cũng tự mình dạy chúng tôi học, mặc dù có những đêm khuya ngồi đợi các con giải cho xong những bài toán hóc búa, vừa buồn ngủ, vừa bị muỗi cắn, nhưng Bố vẫn không hề bỏ cuộc (nếu không có biến cố 1975 xảy ra, thì Bố nói Bố sẽ luyện cho các em của tôi gồm năm đứa nữa sẽ học nhảy lớp hết. Bố tôi “ngầu” vậy đó!)

Đã thế văn chương của Bố cũng tài lắm. Ngày chị hai tôi thi vào lớp Sáu, khi ấy có một trận cháy nhà rất lớn xảy ra gần đó. Bố bắt chị phải viết bài tả lại trận cháy rồi Bố chỉnh sửa bài văn giúp chị, nên khi chị đi thi đã đạt điểm rất cao cho bài luận văn (chị hai hên quá! Không ai có thể ngờ được đề thi bài luận văn cũng là tả lại cảnh đám cháy nhà năm đó). Riêng tôi cũng được Bố giúp ý trước rất nhiều khi tôi viết bài luận văn “Nói về cảm tưởng của em được Bố thưởng cho cây viết máy nhân ngày em thi đậu vào lớp Sáu.” Và một lần nữa tôi cũng “văn tài như gió” trong bài luận văn của kỳ thi tuyển vào lớp Sáu của chính tôi. Ngày nay các anh chị em tôi hay nói “thế mới hiểu tại sao trong gia đình chúng tôi lại có vài người viết văn được, đó là do gene đi truyền từ Bố mà ra.”

Ngày đặt chân đến Mỹ, Bố cũng không ngồi yên để mặc đàn con xoay vần với miếng cơm manh áo. Cho dù tất cả toan tính cho tương lai của từng đứa con nay phải làm lại từ đầu, Bố vẫn kiên trì không nản chí. Bố và Mẹ đã cố gắng chăm cháu nhỏ cho chị hai tôi đi học lấy lại bằng dược sĩ, khuyến khích anh tư tôi đi học dược luôn vì anh học giỏi lắm mà chỉ làm việc vớ vẩn khi anh đến Mỹ. Và với tất cả khả năng kinh tế có được, Bố đã giúp cho những đứa em tôi đi học lại. Sau đó lần lượt những đứa em tôi cũng học ra bác sĩ, dược sĩ và y tá. Chỉ riêng chị ba và tôi thì đi vào ngành buôn bán. Có đôi khi tôi sợ Bố buồn vì ngày xưa Bố cũng kỳ vọng tôi sẽ trở thành bác sĩ, dược sĩ như các anh chị em khác, nhưng Bố nói với tôi rằng: “Bố có chín đứa con, mà đã có đến 6 đứa là bác sĩ, dược sĩ rồi, cũng quá vẻ vang rồi, còn hai hay ba đứa kia tuy có làm nghề khác thì cũng khá giả, Bố không phải lo lắng cho, thế Bố còn cầu mong gì hơn nữa chứ. Các cụ nói bàn tay còn có ngón dài ngón ngắn chứ đâu phải đều giống nhau, vì thế con cứ yên tâm.”

Thế mà Bố đã ra đi quá sớm. Bố không có dịp được hưởng thụ hết những lời ngợi khen của dòng họ khi ngày nay không những chỉ có chín đứa con của Bố thành danh, thành tài những đứa cháu nội, cháu ngoại cũng đang thành đạt làm rạng rỡ tổ tông, và chúng tôi, những đứa con mà Bố đã hết lòng lo lắng còn chưa kịp phụng dưỡng, báo đáp công ơn cho Bố.

Những ngày đi thăm Bố nơi Bố đang yên giấc nghìn thu, tôi vẫn thì thầm kể cho Bố nghe mọi chuyện, vẫn nói với Bố rằng tôi không bao giờ quên những lời Bố nói khi xưa. Bố nói ngày Bố rời xa miền Bắc để vào Nam, ông nội đã dặn Bố phải luôn là một người cha tốt, biết lo lắng và dạy dỗ cho các con nên người, có như thế ông nội mới vui lòng. Và Bố đã làm theo đúng lời Bố hứa với ông nội. Bố cũng mong tôi đừng suy nghĩ lung tung mà hãy cố gắng lo cho các con của tôi nên người như Bố đã từng lo cho chúng tôi vậy. Tôi đã thưa với Bố rằng Bố hãy yên tâm vì con đã học theo gương Bố, tuy con không tài giỏi nhưng con đã cố gắng lo cho các cháu nên người, học hành giỏi giang, các cháu vẫn luôn ghi nhớ lời ông khuyên nhủ và trên tất cả, nếu có kiếp sau con vẫn nguyện được làm đứa con gái của Bố!

Mười năm Bố con tôi xa nhau vĩnh viễn.

Bố ơi! Con nhớ Bố vô cùng. (Jeny Chau Tạ Thanh Phương)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT