Monday, May 20, 2024

Tình cha

LGT: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Âu đó cũng là cơ hội để giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm. Mục “Viết Cho Nhau” do phóng viên Ngọc Lan phụ trách. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: [email protected]

Kim Tuyến Vũ

Thời gian thấm thoát trôi nhanh quá! Mới đó mà bố tôi đã qua đời 26 năm rồi. Hôm nay trước bàn thờ nhìn di ảnh của bố, mắt tôi rưng lệ, những kỷ niệm êm đềm thuở xưa như cuốn phim quay chậm đang về trong ký ức tôi.

Bố tôi làm công chức tại bệnh viện trên tỉnh lỵ, cách xa nhà hơn hai cây số. Ngày ấy bố tôi có chiếc xe máy Goebels màu xanh rêu, loại xe có bình xăng to tròn phía trước. Bố tôi luôn đi làm đúng giờ và cần mẫn lắm, bố luôn dạy bảo các con: “Làm công việc gì các con cũng phải tròn trách nhiệm, không được đi trễ về sớm, phải luôn đúng giờ.”

Bố tôi hiền hậu và thương yêu con cái, riêng tôi chưa bao giờ bị la mắng hay bị đánh một roi nào. Nhưng tôi cũng ngoan ngoãn và siêng học lắm. Hồi học tiểu học mỗi chiều đi học về là tôi leo lên ngay mái nhà bằng tôn của chuồng heo, cũng thấp thôi để học bài, có cây dừa sát đấy xòe lá như cây dù che cho mát rượi, tôi học hết bài ngày mai cho xong rồi mới xuống. Chỉ khổ nỗi hai chuồng heo đến chiều chưa được ăn, thấy bóng tôi là kêu la ầm ĩ lên, tôi phải hối lộ mỗi chuồng một nắm rau cho chúng im. Bố tôi nói: “Mai học cũng được mà con!” nhưng tôi quen rồi, xem thời khóa biểu ngày mai có những gì phải học cho xong hết. Nhớ câu tôi đã học thuộc long: “Em ơi! Thời giờ đi nhanh lắm, thấm thoát như thoi đưa, thoáng qua như bóng ngựa và lẳng lặng trôi như nước chảy qua cầu. Nếu ngày hôm nay em không học bài, em để đến ngày mai, thì em đã phí ngày hôm nay, vì nếu em đã học rồi thì ngày mai em học được bài khác.” Một lúc sau bố tôi lại nhắc nhở: “Học xong rồi xuống nha con kẻo tối.”

Nhưng học xong thì trời chưa tối hẳn, thật thú vị khi nhìn ra cánh đồng lúa sau nhà, cánh đồng lúa vàng óng đang đùa giỡn với gió, uốn lượn reo vui, bát ngát tận chân trời, mang theo cả mùi thơm lúa chín thoang thoảng bên tôi. Các bác nông dân vác cuốc đi về sau một ngày lao động mệt mỏi, các bà thì nói chuyện rôm rả vui cười, mấy chú mục đồng đang cưỡi trâu hát ngêu ngao: “Ai nói chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ!”

Bố tôi hiền lắm chẳng rầy la hay quát tháo chúng tôi, còn luôn xem lại cái thang gỗ dựng ở cây dừa còn chắc chắn không, vì chúng tôi hay leo trèo. Trên mái tôn chuồng heo này, anh em chúng tôi hay hái táo và ổi cả rổ mang lên mái nhà ngồi ăn vui lắm.

Có hôm bỗng nghe tiếng máy bay trực thăng bay vòng ngoài cánh đồng, anh em tôi vội leo lên mái nhà để xem. Thì ra các anh lính tập nhảy dù trên máy bay xuống, cứ thấy chiếc dù màu trắng bung ra, có anh lính bên dưới cầm dù lơ lửng bay, chúng tôi thích qua vỗ tay reo hò.

Mùa Hè lúc đồng khô, cỏ cháy anh em chúng tôi ra đồng thả diều, bắt dế. Ngày ấy dế nhiều lắm, cứ lật đống rơm rạ lên tha hồ mà bắt, vì ngày ấy một năm cấy có một vụ lúa. Tối về dế nó kêu rít om xòm cả đêm, bố tôi không ngủ được, dậy xách thùng dế xuống nhà bếp, có mấy chú nhanh chân trốn thoát, nấp ở xó xỉnh nào đó vẫn còn kêu thôi. Bố tôi chẳng la mắng, chỉ nhắc nhở các con: “Ngày mai các con phải kiếm bắt mấy con dế đó, nó kêu bố không ngủ được.”

Tuổi thơ của anh em chúng tôi cũng nghịch lắm, nhưng chơi mà học, học mà chơi nên rất vui. Để đền đáp công ơn cha mẹ vất vả, anh em chúng tôi rất chăm học nên đạt điểm cao. Anh tôi tháng nào cũng hạng nhất lớp, bảng danh dự ngày nay gọi là giấy khen, tháng nào anh em tôi cũng đưa về, bố mẹ rất vui và hài lòng với thành tích học của các con.

Nhà tôi gần ruộng đồng nhưng không có ruộng đất cấy lúa, hàng tháng lãnh lương bố tôi mua một tạ gạo trắng người ăn và một tạ cho heo màu đỏ. Xe ba gác đạp chở đến nhà, ngày đó sao các bác cửu vạn khỏe thật bao gạo 100 ký lô mà bác cõng trên lưng vào nhà, còn nặng hơn trọng lượng cơ thể của bác.

Mỗi lần ăn cơm, bố tôi thường dạy bảo: “Các con phải biết quý hạt gạo và nhớ ơn nhà nông cày cấy vất vả, chân lấm tay bùn, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, chúng ta mới có hạt gạo để ăn.”

Nhớ một buổi chiều, bố tôi đang ở nhà trên, tôi bỗng nghe ở giếng nước có tiếng: “ùm,” tôi giật mình tưởng em trai út bị té xuống giếng nên vội chạy lên nhà gọi bố. Bố tôi vội vàng nhảy xuống giếng luôn, lúc sau bố tôi nổi lên và nói: “không thấy”, vừa lúc đó em tôi đi chơi chạy về. Nhìn bố ướt đẫm người, cái áo ba lỗ màu trắng của bố rách toạc hết lưng, xây xát và rướm máu. Vì giếng xây bằng gạch xi măng, lâu ngày thỉnh thoảng gạch rời ra, rớt tõm xuống nước. Lỗi tại tôi tưởng em bị té, nghĩ lại thấy mà thương bố tôi quá.

Nhớ có lần tôi bị bịnh nằm bẹp giường, bố tôi đi làm về mua cho tôi một bịch ô mai để ngậm, nó mặn mà ngon và con búp bê to đẹp lắm. Tôi thích quá lúc ngủ cho búp bê nằm gần và ban ngày cứ bồng bế suốt trên tay.

(Hình minh họa: Getty Images)

Mỗi lần bố tôi lãnh lương hay có ít tiền cắc 1 đồng mới tinh bằng inox sáng choang, bố chia cho mấy anh em. Tôi nghịch cứ thả xuống đất nó quay tít lấp lánh rất đẹp. Tết năm nào bố tôi cũng cho mỗi đứa một bịch kẹo dừa và một bịch tiền cắc 1 đồng mới để chơi bầu cua, còn bố tôi xóc cái. Ngày đầu còn kẹo dừa để chơi, ngày hôm sau kẹo dừa ăn hết rồi, chỉ còn tiền cắc chơi bầu cua thôi, nghĩ lại cũng vui.

Tết nào bố cũng gói bánh chưng để ăn và biếu họ hàng, bố tôi gói bánh đẹp và ngon lắm. Bây giờ mỗi lần Tết đến mua bánh chưng, tôi lại nhớ hình ảnh bố ngồi gói bánh mà nhớ bố quá.

Nhớ hồi tiểu học tôi rất thích đọc sách, bố tôi cho đồng nào là mua sách truyện để đọc chứ không ăn quà. Tôi có sách: Tuổi Hoa Đỏ, Tuổi Hoa Xanh, Tuổi Hoa Tím. Biết tôi thích đọc sách, nên thỉnh thoảng cuối tuần bố tôi chở đi tỉnh mua sách. Đến khi lập gia đình rồi, tôi vẫn còn sở thích đọc sách, sách Kiến Thức Ngày Nay ra số nào là tôi mua ngay. Bây giờ sách Tuổi Hoa thất lạc hết rồi, còn sách Kiến Thức Ngày Nay và số sách quí vẫn còn, dù giấy ngả màu, nhưng tôi quí sách lắm, mỗi lần về Việt Nam tôi lại mang dần qua Mỹ.

Năm 1972, tôi thi đậu trường trung học Châu Văn Tiếp trên tỉnh. Cuối tuần tôi thấy bố lay hoay gỡ sợi dây nhựa ở cái chổi quét nhà đã cũ và mòn rồi, bố tôi cuốn sợi dây nhựa đó chung quanh cái vòng bằng mây, rồi gắn vòng đó vào nệm sau của xe máy, để bố chở đi học nắm tay vào cho khỏi té. Bố tôi nói: “Bố rất vui vì con thi đậu vào trường này, gần bệnh viện bố làm.” Trường công này rất khó vào, lớp tôi hơn 40 đứa mà có 10 đứa thi đậu thôi, tiền học phí cũng ít hơn các bạn học trường tư thục.

Sau này mỗi lần đón con của tôi học ở trường này, tôi lài bùi ngùi nhớ lại năm xưa bố tôi cũng đưa đón tôi học tại đây.

Bà Rịa quê tôi, trước năm 1975 có phòng thông tin xây tròn và cao làm vòng xoay giữa đường, nay gọi là nhà tròn. Từ khi lên tỉnh học, tôi đã thấy có đàn chim én nhiều lắm làm tổ trên nóc nhà tròn. Buổi sáng vào lúc còi hụ ở nhà tròn vang lên là chúng bay lượn quanh nhà tròn, kêu rít rít một hồi, như đón chào một ngày mới rồi bay đi kiếm ăn. Chiều về lúc tan tầm công sở, trường học, khi tiếng còi hụ vang chúng lại về bay lượn kêu rít rít, rợp cả bầu trời, nhìn cảnh đàn chim én đen bay đẹp và kêu rất vui tai. Mấy chục năm rồi, qua mấy thế hệ, đàn chim én vẫn làm tổ ở đó, một cảnh chim én rất đẹp và ấn tượng ở quê tôi thật hiếm có.

Thỉnh thoảng về thăm quê hương vào dịp Hè, đi ngang con đường này, kỷ niệm thuở xưa lại bồi hồi trong tôi.

Còn đây ngôi trường thân thương biết bao kỷ niệm, còn đây cây phượng vĩ già nua thân xù xì nhưng vẫn cố xòe bàn tay che nắng cho học sinh và nở hoa đỏ đẹp rực rỡ. Còn đây những chú ve sầu ngân hoài khúc hát biệt ly vang vọng cả con đường, Và còn đây đàn chim én sáng chiều vẫn ríu rít bay lượn quanh nhà tròn.

Nhưng lòng tôi lại man mác nặng trĩu nỗi buồn, chỉ không còn bố trên cõi đời này.

Ngày vượt biên năm ấy, 29 Tháng Mười Hai, 1983, là ngày cuối cùng trong cuộc đời tôi không nhìn thấy bố nữa. Tối đó bố tôi đeo ba lô lên vai, con gái lớn của tôi được 7 tháng mới biết ngồi, nó mập mạp và dễ thương lắm, bố tôi cứ bế cháu mãi, mẹ tôi sợ muộn giờ phải giục bố tôi đi.

Sáng nào bế con tôi ở nhà chồng gần đấy về, bố tôi cũng ra mở cổng và ẵm cháu vào nhà, bây giờ đi xa, biết ngày nào gặp lại, thật buồn và bịn rịn cho cảnh chia ly. Thế mà bố ơi! Cháu ngoại của bố ngày ấy bây giờ đã 36 tuổi rồi, thời gian trôi qua nhanh quá!

Từ ngày vượt biên năm đó, tôi không còn gặp lại hay nghe tiếng nói của bố nữa, vì bên kia quả địa cầu cách xa về địa lý, công nghệ thông tin ngày đó chưa hiện đại nên chỉ liên lạc qua thư từ thôi. Lần nào gửi thư về bố cũng dặn con phải cẩn thận cái giếng, đậy nắp lại kẻo các cháu bị té. Những lá thư từ ngày ở đảo Bidong và những thư ở Mỹ của bố mẹ gửi về, tôi vẫn còn giữ tới giờ, dù giấy mực có mờ phai nhưng lời nói của bố mẹ vẫn còn mãi trong con.

Tình cha ấm áp và bao la bất diệt, công cha còn hơn cả núi Thái Sơn, mà dù mây trời cũng không phủ kín hết công của cha. Những lá thư con trân quí giữ làm kỷ niệm, như kỷ vật vô giá. Còn tôi cứ đến ngày 29 hàng tháng, tôi lên bưu điện Bà Rịa để gửi thư qua Mỹ thăm hỏi bố mẹ và các anh em.

Năm 1993, bố tôi bị bịnh và qua đời tại tiểu bang California. Bố ơi! Khi các con của bố công thành danh toại thì bố lại không còn trên cõi đời này.

Cha ơi! Cách biệt nghìn trùng
Con hằng mong đợi trùng phùng gặp cha
Nào ngờ đất thánh California
Cha đã yên nghỉ nơi nhà Chúa yêu

Bố ơi! Thương nhớ bố thật nhiều, một người cha gương mẫu nhân hậu và tuyệt vời của chúng con. Tiếng hát của ca sĩ Ngọc Sơn đang vang lên bản nhạc Tình Cha, lòng con càng thấy ngậm ngùi nhớ thương bố thật nhiều.

Con mất bố từ ngày vượt biên ấy, nhưng hình ảnh của bố và tình yêu thương bố dành cho chúng con, chúng con luôn mang theo suốt cuộc đời. (Kim Tuyến Vũ)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT