Tuesday, May 14, 2024

Trái dừa khô, bún riêu cua đồng và những vụn vặt một thời

LGT: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Âu đó cũng là cơ hội để giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm. Mục “Viết Cho Nhau” do phóng viên Ngọc Lan phụ trách. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: [email protected]

Tuyết Anh

1.

Quê tôi nhà nào cũng trồng dừa vì dừa hầu như là nguyên liệu chính của rất nhiều món ăn miền Nam, từ bánh ít bánh tét, các loại bánh hấp, bánh nướng cho đến xôi chè thậm chí nhiều món ăn mặn cũng cần có dừa. Món cà-ri mà thiếu nước cốt dừa thì không thể gọi tên cà-ri. Món ốc len nếu chỉ có sả thì không thể hấp dẫn đến thế.

Năm xưa dừa bán cả trái không xay sẵn như bây giờ. Nên lúc lắc trái dừa nghe tiếng óc-ách càng nhỏ thì dừa càng dầy cơm. Muốn vắt nước cốt cho béo thì chọn dừa khô, muốn sên nhưn dừa hay trộn cốm dẹp thì chọn dừa hơi non hơn dừa khô, gọi là dừa rám ngọt và ít béo gắt hơn. Muốn làm mứt thì có dừa cứng cạy.

Con gái 13, 14 tuổi hồi đó đi đám giỗ là phải “lăn vô bếp” phụ lặt vặt với các dì các mợ. Khi đó, tôi hay giành phần nạo dừa vì đó là “nghề của nàng” hằng ngày phụ cho gánh xôi của má mà.

2.

Nhắc dừa thì lại nhớ đến mộng dừa.

Tuổi thơ tôi ngày ấy bôm, nho, xá lị là trái cây ngoại đắt tiền, chỉ nhìn thôi chả biết nó ngon cỡ nào đâu, nhưng những cái mộng dừa thì đối với tôi thân quen vô cùng.

Dừa có mộng là dừa già, vắt nước cốt béo gắt nhưng cái mộng lớn tới đâu thì cơm dừa ít đi tới đó nên ít ai chọn dừa có mộng. Vì lẽ đó hiếm khi được ăn mộng dừa.

Mộng dừa. (Hình: dulichvietnam.com)

Nhà làm hàng bán, mỗi ngày sử dụng từ ba đến bốn trái dừa, lâu lâu gặp trái dừa có mộng là mấy chị em tôi tranh nhau chia, được một góc tư cái mộng dừa, nhai chậm chậm, ngon lắm!

Nhắc tới bôm nho tôi còn nhớ mãi kỷ niệm thơ dại năm nào. Lên lớp Tư, ngồi kế tôi là nhỏ bạn người Bắc tên Vũ Thị Chung, có hàm răng “mái tây hiên” nổi bật. Má nó bán trái cây ngoại ở chợ Sài Gòn, nên mỗi ngày đi học nó được mươi trái nho Mỹ mang theo. Ngồi kế nhìn nó ăn bắt thèm. Thế là sau nhiều lần dòm miệng, tôi gạ:

-Mày bán cho tao một trái ăn thử đi.

-Bán bao nhiêu?

-Tao chỉ có một đồng.

Rồi nó đồng ý bán cho tôi hai trái một đồng. Đó là lần đầu tiên tôi biết đến hương vị trái nho ra sao, có vậy thôi mà nhớ mãi đến giờ.

Sau này lớn lên khi đã là nhân viên văn phòng một công ty, đi chợ tình cờ gặp nhỏ Chung ngồi bán thịt heo, tôi với nó vẫn nhận ra nhau và… cười.

Nhớ mãi nhỏ bạn “bán nho” ngày ấy…

3.

Thập niên 80 có người mẹ trẻ, buổi tối đi làm về mệt thường chở hai con gái nhỏ trên xe đạp ra đầu ngả ba Hòa Hưng ăn mì hoành thánh.

Xe mì của thím Tàu bán ngon nức tiếng khu vực. Ăn mì riết thành mối quen. Hai con gái lớn dần, mẹ mua được cub cánh én chở con đi ăn mì, thím Tàu già yếu ngồi thu tiền cho con trai đứng nấu mì. Sau con gái có con, tiếp tục chở cháu ngoại đi ăn mì.

Giờ vẫn thèm nhớ hương vị tô mì hoành thánh với miếng bột chiên giòn để lên trên của xe mì ngã ba Hòa Hưng …

4.

Đêm qua mơ thấy về nhà , ra chợ mua cua đồng về nấu nồi bún riêu ngon quá chừng!

Thức giấc còn tiếc rẻ sao không mơ lâu hơn.

Hồi trước, cua đồng là món ăn rẻ tiền của người nghèo, chỉ cần làm siêng là có được nồi canh mồng tơi mướp hương với cua đồng ngọt mát.

Bún riêu cua đồng. (Hình: phunutoday.vn)

Bún riêu, canh bún cũng là món ăn sáng bình dân rẻ tiền của người nghèo.

Bây giờ món riêu cua đã đàng hoàng vào thực đơn nhà hàng với món “lẩu mồng tơi”, cũng chỉ là nước riêu cua đặt lên bếp, khi ăn thì nhúng rau vô, kiểu cách một chút thôi.

Cua cái nhiều gạch, cua đực nhiều thịt. Tui thích chọn cả hai cho nồi riêu nổi đầy, vàng béo màu gạch cua.

Cua đồng rửa sạch gỡ mai cua, rửa lại lần nữa, khều gạch cua ra chén.

Xưa phải giã cua, giờ cho vô cối xay nhanh. Lượt nước cua, chắt qua chắt lại vài lần để gạn bỏ xác vỏ cua cho sạch. Để khi ăn miếng riêu cua không bị “xảm”. Muốn thịt cua nổi hết lên thì khi nước cua gần sôi dùng cái sạn chiên cá, đẩy nhẹ cái sạn sát dưới đáy nồi thì có bao nhiêu riêu cua nổi lên hết. Khi vừa sôi bùng lên, tắt bếp. Dùng vợt vớt riêu ra riêng cho khỏi nát.

Cho cà chua cắt múi cau vào, nêm mắm tôm, đổ riêu cua vô trở lại, phi hành xào gạch cua đổ lên trên.

Thế là có nồi bún riêu thuần tuý ngày xưa. Bây giờ chế biến thêm thắt nhiều thứ, cũng rất ngon nhưng cua đồng vẫn là chính trong món bún riêu.

Ở đây không có cua đồng, họ có nhập cua xay sẵn đông đá, nhưng tui chưa mua nấu bao giờ vì biết chắc không ngon.

Thèm nhớ đến nỗi nằm mơ luôn. (Tuyết Anh)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT