Sunday, April 28, 2024

Công an chiêu hồi người tỵ nạn Thái Lan bằng thịt chó!

Hải Di Nguyễn/SGN

LTS: Công an CSVN phối hợp với cảnh sát Thái Lan vừa tìm đến tận nơi tỵ nạn của nhiều đồng bào người Thượng. Đại diện cho nhóm công an, được những người tỵ nạn gọi là thành phần Thượng gian Rahlan Lâm, ông này vừa đe dọa, vừa chiêu hồi đồng bào của mình phải quy thuận chính quyền. Nhiều người kể lại sự kiện này, còn nguyên nỗi kinh hoàng và nói rằng họ sẽ chuyển chỗ ở, vì sợ một ngày nào đó họ sẽ bị bắt cóc về như Thái Văn Đường. Trong chuyện chiêu hồi, tay Thượng gian làm tới chức thiếu tướng công an, nói quy thuận sẽ có ăn, có chơi thoải mái, nhưng ông ta không nói gì đến chuyện người tỵ nạn sẽ được tự do sống với đạo của mình.

Ngày 14 Tháng Ba 2024 vừa qua, một phái đoàn công an Việt Nam, trong đó có Thiếu Tướng Rahlan Lâm (còn viết là Rah Lan Lâm), giám đốc Công An tỉnh Gia Lai, sang Thái Lan nói chuyện với cộng đồng người Việt tỵ nạn.

Tướng công an, Thượng gian đến chiêu hồi người tỵ nan (Hải Di Nguyễn)

Nhưng họ nói gì?

Theo các video chúng tôi có được, công an Việt Nam hỏi về điều kiện sống của người tỵ nạn tại Thái Lan, tìm cách thuyết phục họ về nước. Trong một video, ông Rahlan Lâm nói “Đất nước mình tự do. Muốn ăn lá mì, có lá mì. Ở đây có lá mì không? Muốn ăn thịt chó, có thịt chó.”

Phải chăng tự do là tự do ăn lá mì, nhân quyền là quyền ăn thịt chó?

Tìm cách thuyết phục, lôi kéo người tỵ nạn hồi hương, công an Việt Nam hỏi “Đau ốm có được đi chữa bệnh không?,” rồi “Phòng rộng không? Có máy điều hòa không, có nước dùng không?,” rồi “Các cháu có được học hành không?,”… Ông Rahlan Lâm thậm chí còn nói “Ở đây làm sao giàu bằng Việt Nam mình được!”

Nhưng điều gì khiến người Việt, đặc biệt người bản địa và sắc tộc thiểu số, trốn sang Thái Lan tìm đường tỵ nạn?

Chúng tôi phỏng vấn nhiều người tỵ nạn. Anh Vừ Bá Súa, người H’mông ở Nghệ An, bị đòi lại con bò cấp cho hộ nghèo và bị cắt điện vì theo đạo Tin Lành. Chị H Tlũn Bdap, người Êđê ở Đắk Lắk, nói “cả thế giới được đón lễ Giáng Sinh trong an lành,” nhưng mình và các tín đồ khác của Hội Thánh Tin Lành Tư Gia buôn Ea Khit bị cấm cản và lập biên bản vì làm lễ Noel khi hội thánh chưa được nhà nước công nhận.

Ông A Mich, người J’rai ở Kon Tum, nói chính quyền không cho theo đạo Tin Lành, “bảo phải theo Công giáo.” Ba chị em H’mông Lầu Y Tòng, Lầu Y Lỳ, Lầu Y Hua bị cưỡng ép bỏ đạo và đuổi khỏi làng, riêng chị Lầu Y Tòng bị tách khỏi con cái. Ông Ma Seo Cháng và ông Ma A Sính bị đàn áp tôn giáo, phải lưu lạc từ Hà Giang đến Điện Biên đến tận Tiểu khu 179, Lâm Đồng nhưng vẫn không được yên thân, không hộ khẩu, không giấy tờ tùy thân, và phải trốn chạy khỏi Việt Nam vì tiếp tục bị đe dọa.

Ông Y Dú Ksơr, người Êđê ở Phú Yên, nói mình tham gia biểu tình đòi lại đất đai, đòi tự do tôn giáo và bị bỏ tù hai lần, một năm bị nhốt trong “hầm kín mịt mù,” và cũng bị tước đi giấy tờ. Ông Thạch Samboc bị đánh đập, đàn áp vì là người Khmer Krom theo đạo Phật. Chị H Thái Ayun bị sứ quán Việt Nam liên tục đe dọa vì dám tố cáo chương trình xuất khẩu lao động ở Ả Rập Xê Út và làm video cầu cứu. Và vô số trường hợp khác.

Ngoài cộng đồng người Khmer Krom, người H’mông, người Thượng, cộng đồng người Việt Nam tỵ nạn ở Thái Lan cũng có người Kinh. Chẳng hạn bà Nguyễn Uyên Thùy và ông Hồ Nhựt Hùng sang lánh nạn vì thuộc nhóm Hiến Pháp và nhiều thành viên khác lần lượt bị bắt, và sau đó bà Nguyễn Uyên Thùy cũng đưa con gái út sang Thái Lan vì cháu vừa phẫu thuật não nhưng công an vẫn tới tra hỏi, dọa nạt.

Một trường hợp khác là chị Nguyễn Thị Luyến, tố cáo và đi kiện công ty môi giới xuất khẩu lao động, nói lần thứ nhất chuẩn bị ra tòa thì bị cướp sạch giấy tờ, lần thứ hai thì bị xe tông chấn thương sọ não, sau đó vẫn bị thường xuyên tra hỏi và chịu áp lực đến “không còn đất sống”, phải trốn chạy sang Thái Lan.

Thế nhưng ông Rahlan Lâm lại nói “Đất nước mình tự do. Muốn ăn lá mì, có lá mì… Muốn ăn thịt chó, có thịt chó” và trong một video khác, “Đất mình làm, nhà mình ở, mình muốn ăn nhậu lúc nào cũng được hết, đúng không?”

MỚI CẬP NHẬT