Friday, May 17, 2024

Một lời xin lỗi để quên đi

Phil Nguyễn/SGN

Hôm nay là 30 Tháng Tư, đúng 49 năm trôi qua, thế nhưng bao nhiêu u uất và bao nhiêu nhớ nhung đang bắt đầu trở về trong ký ức của chúng ta.

Có những câu chuyện đã được nghe một đôi lần nhưng khi Tháng Tư đen quay trở lại hàng năm, câu chuyện đó khi được đọc lại vẫn tưởng như một câu chuyện mới của ngày hôm qua bởi nó vẫn xót xa, vẫn uất hận và vẫn đắng cay.

Một chiếc thuyền vượt biển tìm tự do, năm 1975. (Hình: MPI/Getty Images)

Mỗi năm, có hàng trăm câu chuyện được kể ra để gôm thành một tên chung là chuyện về ngày mất quê hương. Trong những câu chuyện đó, mới đây, tôi vô tình được đọc một bài viết trên FB về chuyện vượt biên đầy thương tâm, nước mắt và hãi hùng.

Lần đầu tiên, trong cuộc đời ly hương và tỵ nạn gần 50 năm qua, tôi được xem những tấm hình lịch sử khủng khiếp, kinh hoàng và được đọc về chuyện hải tặc tấn công hãm hiếp người vượt biên trên hoang đảo Kokra của Thái Lan, mà không phải trên biển cả.

Những chuyện hải tặc tấn công trên biển, tôi đã từng được nghe nhưng chưa bao giờ tôi được thấy hình ảnh của những con người thật sự với đôi mắt kinh hãi khủng khiếp như mất hồn co rúm người lại, những em bé cùng cha mẹ sợ hãi trốn núp trong hang đá như con thú hoang bị săn đuổi sắp bị giết, những thân xác rã rời ngồi bất động trong đêm như tượng đá khúc gỗ trên bãi biển không biết mong chờ điều gì.

Tại sao có những tấm hình này, tại sao có những câu chuyện như thế này mà chúng ta không được thấy và không được nghe từ trước tới nay trong suốt 49 năm qua?

Ngày 30 Tháng Tư là ngày mất nước, câu chuyện kẻ thắng trận đã trả thù và đầy đọa chúng ta, phân ly gia đình, đuổi người thành thị đi vùng kinh tế mới, cướp giựt tài sản, chửi bới sỉ nhục người thua cuộc, lừa gạt sĩ quan của bên thua cuộc đi vào tù cải tạo để giết lần giết mòn với đói khát, bệnh tật và héo hắt ở những trại tù không còn đường trốn thoát.

Những đầy đọa, trả thù và giết người không gươm giáo thế cũng chưa đủ để cho thấy sự lạnh lùng sắt máu và không có trái tim của người Cộng sản. Trước khi cho đám “ngụy dân, ngụy quân, ngụy quyền” này chết, phải tìm cách lột hết của cải tiền bạc tài sản của chúng bằng cách tổ chức những cuộc vượt biên bán chính thức ở các địa phương miền Tây có nhiều sông ngòi cửa biển để lấy vàng.

Đối tượng lớn là khối người Hoa buôn bán, thương gia, những người có rất nhiều tiền mà chúng không thể nào lấy được hết tiền của họ.

Để họ được tự do buôn bán ở ngoài vòng kiểm soát như trước năm 1975 thì không được, mà bắt họ bỏ tù hay đày đi vùng kinh tê mới thì sẽ có chuyện với các đồng chí Trung Quốc vĩ đại phương Bắc.

Thôi thì sẽ vẽ đường cho hươu chạy bằng cách tổ chức đi vượt biên bán chính thức, một công đôi chuyện “đưa chúng đi ra biển để lấy vàng,” còn thì “sống chết mặc bây tiền thầy bỏ túi.”

Ngạn ngữ này là một cách mượn dao giết người, nghĩa là để bão tố, hải tặc hay đói khát giết những người này mà mình không bị thế giới hay đàn anh lên án mà lại có vàng.

Đấy đâu phải là lòng thương người nhân ái của Cộng Sản!

Lịch sử đất Việt co ghi rằng trong đợt đấu tố cải cách ruộng đất từ 1953-1956, có những người dân đã nuôi người Cộng Sản, bảo vệ chúng và cho chúng vàng bạc tiền của để chống thực dân. Thế mà sau đó, chúng còn đem ra đấu tố và giết đi sau khi tịch thu hết tài sản của cải của họ.

Cho nên, dù vượt biên bán hay không bán chính thức, hoặc vượt biên lẻ tẻ ở địa phương nào đó, câu nói “mượn dao giết người” vẫn là một phương cách bọn Cộng Sản thực hiện.

Sự ác độc của Cộng Sản là ở chỗ đó.

Đã biết là như vậy nhưng những người không thể sống với Cộng Sản nhất quyết ra đi dù không biết sẽ đi tới đâu, không biết có sống nổi trong chuyến tầu một chiều đi vào chỗ chết này hay không? Họ chấp nhận cái chết ở phía trước nhưng đau đớn thay là không biết số phận sẽ chết như thế nào?

Lần đầu tiên, được xem những bức hình lịch sử của những người tỵ nạn vượt biên và khi đọc những ghi chú của bức hình, tôi tự hỏi tại sao lịch sử của người tỵ nạn hải ngoại, những người kể chuyện về cộng sản, không có một chương nào nói về chuyện vượt biên này trong khi chuyện trả thù và đầy đọa bởi Cộng Sản cùng với chuyện vượt biên chạy trốn Cộng Sản, hai chuyện đó nó có liên hệ rõ ràng với nhau trong lịch sử mất nước.

Vượt biên là một phần lớn của lịch sử người tỵ nạn Cộng Sản.

Nếu không có những chuyến tàu tổ chức vượt biên bán chính thức với cả hàng trăm người đi chen chúc lên tầu, được cất dấu vàng bạc của cải mang theo thì không có những kho tàng châu báu vàng bạc miếng mồi hấp dẫn cho bọn cướp hải tặc Thái lan săn đuổi và cướp bóc.

Bọn hải tặc khi đã tìm được một kho tàng lần đầu tiên một cách dễ dàng thì chúng sẽ tiếp tục làm tiếp, bởi một khi bọn Cộng Sản vẫn tiếp tục tổ chức vượt biên bán chính thức lấy vàng và vẫn tìm cách đẩy người vào chỗ chết, bọn hải tặc vẫn còn có những con mồi béo bở kể tiếp để cướp của.

Xem những tấm hình lịch sử và đọc ghi chú của mỗi bức hình xong, tôi không dám đọc lại lần thứ hai bởi từ tấm hình đầu tiên với hai cô gái trong đôi mắt nhìn lên mất hồn ngơ ngác đầy sợ hãi, tôi tự hỏi còn cần phải biết gì hay xem gì thêm nữa không?

(Hình: Ted Schweitzer via FB Nguyễn Cửu Long Hiếu)

Về chuyện hải tặc ăn cướp, giết người, hãm hiếp người vượt biên trên biển ngoài khơi không phải là mới lạ hay hiếm có. Nó đã được loan truyền đi trong thế giới của người đi vượt biên vào thời gian này.

Trong những chuyến tàu nhỏ bị đánh cướp, đã có những chuyện tự vệ và chống trả dữ dôi đánh lại bọn cướp của thanh niên trên tầu khiến chúng bị giết và bỏ chạy, nhưng chuyện hải tặc giết người và hãm hiếp phụ nữ trên hoang đảo này là một chuyện chưa bao giờ được kể ra và không ai được nghe đến.

Đó mới thật là đau khổ và khốn nạn thay cho những người sống sót trên hoang đảo.

Trôi tắp được vào hoang đảo, họ có còn gì trên người đâu ngoài mảnh quần mảnh áo tơi tả để che thân, đàn bà con gái đâu còn xinh đẹp để hấp dẫn kẻ cướp mà chỉ là những thân xác gầy còm, nhơ nhuốc, nhuốm máu, kiệt quệ và ốm yếu, những thanh niên thì đâu còn có sức khỏe và ý chí để chống lại sau một cuộc vượt biên đói khát và kinh hoàng vất vưởng 10, 15, 20 ngày lênh đênh trên biển cả, có thế đã bị đánh cướp một lần rồi, có thế đã thấy máu đổ người chết một lần khác.

Giờ thì tất cả đã kiệt sức nằm dài trên bãi cát hay ngồi một mình hay tụm năm tụm ba với nhau như những khúc gỗ cục đá vô tri chờ được cứu vớt mà không biết từ đâu đến và bao giờ cũng không hay luôn.

Trong lịch sử về hàng hải, chữ hải tặc bao giờ cũng đi đôi với chém giết, cướp của và tàn nhẫn, nhưng ít khi thấy nói nhiều tới chuyện hãm hiếp dù có xảy ra.

Nhưng chuyện hãm hiếp giết người kinh hoàng trên hoang đảo Kokra này phải là một chuyện cần phổ biến cho thế giới biết dù rằng Thái Lan là một nước đã cưu mang người Việt tỵ nạn vượt biên rất nhiều bởi nó rất là tàn nhẫn, vô nhân đạo như loài thú vật đối với đàn bà và trẻ con.

Tôi chưa được là một thuyền nhân tỵ nạn tới bờ, nhưng được xem hình thôi cũng đã kinh hãi rồi. Tới khi đọc chuyện thì vô cùng khiếp sợ và nhớ lại trong năm 1979, tôi và vợ con cũng đã có hai cuộc vượt biên nhưng không thành.

Cuộc đi thứ nhất, tàu ra khơi được 10 tiếng thì bị nứt nước biển tràn vào. Bao nhiêu can nylon nước ngọt mang theo phải đổ xuống biển để cắt đôi làm gầu tát nước biển ra. Cuối cùng, phải quay vào bờ.

Nhờ ơn trời phật, vào bờ an toàn và trở về nhà cũng bình yên.

Lần thứ hai, sau khi sửa chữa tầu xong, chúng tôi lại lên ghe đi mà trong lòng chưa biết cái chết hay sợ hãi nó sẽ như thế nào?

Chưa ra tới cửa biển thì bị phát giác, tàu biên phòng rượt theo bắn xối xả, cũng may không ai trúng đạn.

Cuối cùng, bị bắt vào tù và bị đầy đi lao động.

Bốn mươi chín năm qua, người Việt tỵ nạn không bao giờ quên ơn chính phủ Thái Lan đã cưu mang giúp đỡ chúng ta trong những trại tỵ nạn ở Thái như Phanat Nikhom, Sikiw, Songkhla, Banthad, Leam Sing với gần 120,000 người, nhưng cái giá phải trả này quá tàn nhẫn, quá phi lý trên phương diên nhân đạo và tình người.

Chuyện vượt biên không thành của tôi qua 45 năm vẫn còn nằm trong trí nhớ không quên, thế thì không hiểu những người tỵ nạn tắp vào hoang đảo Kokra, những người có mặt trong những tấm hình này, những trẻ em ngơ ngác cùng cha mẹ hay thanh niên thiếu nữ bây giờ còn sống sót hay không và họ đã quên được những kinh hoàng đó hay chưa?

Tôi rất cầu mong họ đã quên được cơn ác mộng đó để sống sót và tâm được bình yên sau thảm kịch tàn nhẫn không thể tưởng tượng được.

Tôi xin cầu chúc họ hãy lấy cuộc sống mới với tự do và hạnh phúc ở bất kỳ nơi nào trên quả đất để xóa đi những kinh hoàng họ đã trải qua mặc dù biết là rất khó.

Một cái giá phải trả rất đắt

Một nỗi kinh hoàng để muốn quên đi, hôm nay, tôi nghĩ là cộng đồng người Viêt tỵ nạn Cộng Sản cần lên tiếng để hỏi một lời xin lỗi của chính phủ Thái Lan về hành vi hãm hiếp kinh tởm của hải tặc Thái Lan hay ít nhất từ một người trong bọn họ hay bất kỳ từ một người dân Thái Lan nào đó.

Chúng ta sẽ không đòi hỏi công lý tòa án để xét xử cho những nạn nhân bị hãm hiếp và bị hành hạ. Họ chỉ muốn được trở lại làm người bình thường mà thôi.

Thật là đơn giản với một lời xin lỗi sau khi chúng tôi đã ngàn lần mở lời cám ơn đất nước Thái Lan.

Trên youtube, có một câu chuyện dính dáng đến hải tặc Thái Lan và bắt cóc một đứa trẻ con mang đi theo chúng. Mọi người trên tàu đều nghĩ răằng sớm muộn gì đứa trẻ đó sẽ rất là khổ sở, có thể chết hay bị đầy đọa.

Hai ba chục năm sau, đứa trẻ lớn lên trở thành một chàng trai Thái, nhưng khám phá ra mình là một đứa trẻ Việt bị bắt cóc trong một vụ cướp hải tặc. Người Thái không dấu diếm chuyện xấu xa này và giúp chàng trai Việt tìm về cội nguồn.

Cuối cùng, chàng trai đó tìm ra được gốc gác của mình ở miền Nam. Một cuộc hội ngộ được tổ chức để chàng trai Việt quay về quê hương mình, gặp lại họ hàng trong nước mắt và mừng rỡ.

Cái hậu của câu chuyện là người Thái dù là hải tặc nhưng đã nuôi nấng đứa trẻ bị bắt cóc cho thành người. Sau đó, còn kể câu chuyện gốc gác và giúp người thanh niên Thái gốc Việt đi tìm lại cội nguồn của mình.

Chuyện không cần có một lời xin lỗi hay hối hận về quá khứ của một tội ác nhưng đã làm cho người dân Việt quên được một phần về những tội ác của hải tặc Thái Lan.

Vì vậy, nếu có được một lời xin lỗi từ quốc gia Thái Lan, hay của bất kỳ một người dân Thái nào về chuyện hải tặc thì chuyện hải tặc trong lịch sử vượt biên có thể được đóng lại.

Lời xin lỗi này sẽ xóa đi được vết nhơ cho quốc gia Thái Lan, một quốc gia Phật Giáo, có một từ tâm rất lớn, một đất nước yêu chuộng hòa bình và không bao giờ chấp nhận điều ác.

Cầu xin lời ước mong đó sẽ thành sự thực.

MỚI CẬP NHẬT