Sunday, May 19, 2024

Hơn hai triệu người Anh đòi bỏ phiếu lại vụ ‘Brexit’

LONDON, Anh (NV) – Hơn hai triệu người dân Anh hôm Thứ Bảy hốt hoảng ký tên vào một thỉnh nguyện thư đòi bầu lại lần nhì, sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý vừa qua đồng ý rút khỏi EU và tạo chấn động thị trường quốc tế, gây chia rẽ nước Anh, khiến thủ tướng phải tuyên bố từ chức và tạo thêm mối đe dọa là vương quốc Anh sẽ vỡ ra thành từng mảnh.

Người Anh nay bắt đầu hối tiếc về kết quả bỏ phiếu rời EU. Hình minh họa. (Hình: Odd Andersen/AFP/Getty Images)

Bản tin của hãng thông tấn AFP cho hay, ngay sau khi có kết quả cuộc bỏ phiếu hôm 23 Tháng Sáu, hơn 1.2 triệu người đã ký vào bản thỉnh nguyện thư trên trang web của chính phủ Anh, tính đến sáng Thứ Bảy, kêu gọi có cuộc bỏ phiếu lần thứ nhì – nhiều gấp 12 lần so với 100,000 chữ ký đòi hỏi cho một đề nghị khác đưa ra thảo luận tại Hạ Viện Anh. Vài giờ sau đó, số người kêu gọi lên đến trên 2 triệu.

Do có quá nhiều người vào để ký nên có lúc trang web này bị kẹt cứng, theo lời một phát ngôn viên quốc hội Anh.

Một ủy ban quốc hội, vốn có quyền đưa các đề nghị của dân chúng ra để các dân biểu tranh luận, sẽ khởi sự xem xét đề nghị có cuộc trưng cầu dân ý thứ nhì vào ngày Thứ Ba tới đây.

Nhiều người dân Anh, do lo ngại về tình trạng di dân kéo vào quốc gia này và bất ổn tài chánh, đã bỏ ngoài tai các cảnh cáo của thủ tướng David Cameron về thảm họa bị cô lập và suy thoái kinh tế để bỏ phiếu 52% thuận và 48% chống trong việc có nên rút khỏi EU, được gọi là “Brexit,” hôm Thứ Năm tuần trước.

Quyết định này đã khiến thị trường chứng khoán thế giới và đồng bảng Anh bị tụt dốc thảm hại. Tổ chức tài chánh Moody’s cắt giảm giá trị tài chánh của quốc gia này xuống mức “âm” và cảnh cáo về đe dọa kinh tế cho nước Anh.

Ông Cameron loan báo hôm Thứ Sáu rằng sẽ từ chức vào Tháng Mười tới đây và để người kế vị thương thảo việc rút khỏi EU theo điều khoản 50 của Hiến Chương Lisbon, theo đó sẽ khởi sự giai đoạn 2 năm để rời khỏi tổ chức này.

Tuy nhiên, nhiều nhà lãnh đạo Âu Châu kêu gọi phải đẩy Anh ra khỏi khối càng sớm càng tốt.

Ủy Viên EU, ông Pierre Moscovici, hôm Thứ Bảy nói với đài phát thanh Radio 4 của Anh rằng cuộc thương thảo về “Brexit” phải diễn ra “sớm và nhanh chóng.”

“Tôi không hiểu tại sao chính phủ Anh cần tới Tháng Mười để quyết định là có gửi thư ly dị tới Brussels,” theo lời chủ tịch Ủy Ban Âu Châu (EC), ông Jean-Claude Juncker tuyên bố với đài ARD của Đức tối ngày Thứ Sáu. “Tôi muốn điều này xảy ra ngay lập tức,” ông nói thêm.

Ngoại trưởng sáu quốc gia thành viên sáng lập EU-gồm Đức, Pháp, Ý, Hòa Lan, Bỉ và Lục Xâm Bảo, sẽ họp với nhau tuần tới ở Berlin để thảo luận các biện pháp khẩn cấp nhằm đối phó với việc Anh rút ra.

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho báo chí hay là sáu quốc gia này đồng ý rằng việc Anh rút khỏi EU phải khởi sự càng sớm càng tốt để tránh tình trạng lủng củng kéo dài và để EU có thể tập trung chú ý vào tương lai của Âu Châu.

Nước Anh cũng gặp nguy cơ bị rạn nứt vì Tô Cách Lan chống lại việc rút khỏi EU, với hơn 60% cử tri nơi này bỏ phiếu đòi ở lại. Tô Cách Lan nói rằng sẽ có cuộc thảo luận ngay lập tức với EU để giữ vị trí của mình trong khối. (V.Giang)

MỚI CẬP NHẬT