Friday, April 26, 2024

Chủ tàu đánh cá gốc Việt đồng ý dàn xếp đơn kiện buôn người

SAN FRANCISCO, California (AP) – Hai ngư dân Indonesia từng khai là bị bắt làm việc như nô lệ trên một tàu đánh cá Mỹ có chủ là người gốc Việt, vừa đồng ý về thỏa thuận dàn xếp, bảy năm sau khi bỏ trốn khỏi chiếc tàu, và có được visa đặc biệt để ở Mỹ do là nạn nhân của buôn người, theo luật sư của họ cho hãng thông tấn AP hay hôm Thứ Tư.

Các luật sư này nói rằng Sorihin, người chỉ dùng một tên, và Abdul Fatah, bằng lòng dàn xếp đơn kiện của họ để nhận một số tiền, không được cho biết là bao nhiêu, từ ông Nguyễn Văn Thoại, chủ nhân và cũng là thuyền trưởng chiếc tàu đánh cá Sea Queen II.

Ông Thoại bác bỏ mọi cáo buộc nhưng đồng ý từ nay trở đi sẽ đưa ra một bảng danh sách đầy đủ chi tiết về quyền lợi lao động của những người lên làm việc trên các tàu đánh cá của ông.

Đơn kiện, được nộp tại tòa án Mỹ ở San Francisco, nói rằng hai người này bị buôn qua các tàu đánh cá ở vùng Hawaii và  làm việc trên chiếc tàu của ông Thoại quanh vùng Hawaii cũng như ngoài khơi bờ biển California.

Nêu lên các luật của chính phủ liên bang Mỹ cũng như luật quốc tế về buôn người, đơn kiện đòi tiền bồi thường để trả cho tiền chi phí phải nộp để được giới thiệu việc làm, tiền lương mà họ được hứa cũng như tổn thương về tâm thần.

Đơn kiện được nộp trong khoảng thời gian hãng thông tấn AP có cuộc điều tra cho thấy nhiều tàu đánh cá quanh Hawaii lợi dụng khe hở luật pháp Mỹ để cho chủ nhân các tàu này thuê công nhân ngoại quốc mà không cần visa làm việc hay có khả năng vào Mỹ hợp pháp.

Các công nhân này, phần lớn từ các quốc gia nghèo ở vùng Đông Nam Á và Thái Bình Dương, bị buộc phải giao nạp sổ thông hành của họ cho chủ tàu và bị buộc phải luôn ở trên tàu khi làm việc trong hải phận Mỹ, ngay cả khi tàu đậu ở cảng Honolulu hay San Francisco.

Ông Jim Cook, chủ tàu thuộc hiệp hội có tên Hawaii Longline Association, hôm Thứ Tư nói rằng thỏa thuận dàn xếp này không ảnh hưởng nhiều tới các chiếc tàu của họ, gồm khoảng 700 công nhân ngoại quốc trên chừng 140 chiếc tàu. Ông Cook cho hay các chủ tàu tự họ soạn sẵn các tài liệu riêng của họ, nói chi tiết về quyền lợi lao động để phân phát cho công nhân.

Luật Sư Lance Collins ở Honolulu cho hay ông không nghĩ rằng sẽ có thêm các vụ kiện khác vì phần lớn các công nhân làm việc trên tàu đánh cá ở Hawaii không được  phép lên bờ, dù tàu cặp bến.

“Hai người công nhân đáng thương kia, từ một quốc gia khác, do rất can đảm hay vì quá sợ hãi đời sống trên tàu, nên phải bỏ trốn, khó có thể làm thay đổi được các luật lệ liên quan đến kỹ nghệ nhiều triệu đô la này,” ông Collins cho hay.

Các công nhân ngoại quốc làm việc tàu cá ở Hawaii thường chỉ trả lương rất thấp so với công nhân trên các tàu đánh cá thương mại Mỹ. Họ có khi chỉ được trả 70 xu một giờ và phải làm việc tới 20 giờ mỗi ngày.

Ông Ken Bass, con rể và cũng là đại diện pháp lý cho ông Thoại, nói rằng tranh chấp giữa Fatah, Sorihin và ông Nguyễn Văn Thoại xảy ra do hai người công nhân kia có giao kèo làm việc từ công ty tuyển mộ ở Indonesia vào năm 2009, khác với giao kèo ông Thoại có được từ trung gian môi giới ở Mỹ.

Ông Bass nói rằng ông Thoại không hề liên lạc trực tiếp với công ty Indonesia nhưng nhờ một môi giới ở Hawaii, biết cách kiếm công nhân từ Indonesia. Ông Bass cho hay giao kèo mà trung gian ở Hawaii đưa cho ông Thoại khác với giao kèo hai người công nhân có từ công ty tuyển mộ ở Indonesia.

Ông Bass cho hay lỗi hoàn toàn là về công ty ở Indonesia.

Theo thỏa thuận dàn xếp, ông Thoại phải đưa giấy tờ viết bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của công nhân, cho biết quyền lợi cũng như những nơi họ có thể đến để xin trợ giúp.

Công nhân ngoại quốc của ông Thoại cũng phải được nghỉ ngơi ít nhất 77 tiếng một tuần và có quyền giữ sổ thông hành của họ. (V.Giang)

MỚI CẬP NHẬT