Wednesday, May 1, 2024

Cử tri trên toàn thế giới phần nhiều hoài nghi về bầu cử

STOCKHOLM, Thụy Điển (NV) – Cử tri tại 19 quốc gia, gồm có cả ba nền dân chủ lớn nhất thế giới, rất hoài nghi về việc liệu cuộc bầu cử chính trị của họ có tự do và công bằng hay không, cũng có nhiều người nói rằng họ ủng hộ một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, phi dân chủ, theo một nghiên cứu công bố hôm Thứ Năm, 11 Tháng Tư do hãng thông tấn AP ghi nhận.

Phúc trình do Viện Dân Chủ và Hỗ Trợ Bầu Cử Quốc Tế, hay IDEA, công bố rằng “các thể chế dân chủ đang không đáp ứng được sự kỳ vọng của người dân.” Đây là tổ chức gồm có 35 thành viên thúc đẩy dân chủ trên toàn cầu.

”Thời buổi này người dân không còn tập trung vào nhận thức về tương lai của nền dân chủ nữa; phân tích này là bước đi đầu tiên tuy nhỏ nhưng quan trọng nhằm hướng tới nỗ lực đó,” tổ chức IDEA đặt trụ sở tại Stockholm viết.

Lá phiếu, quyền lựa chọn của người dân (Hình minh họa: Tara Winstead/Pexels)

Các cuộc khảo sát có tỷ lệ sai sót dao động khoảng 2-4% và số lượng người trả lời tại mỗi quốc gia là khoảng 1,500. IDEA cho biết ngoại lệ duy nhất là Quần Đảo Solomon, nơi dân số nhỏ tức là họ có số lượng đại diện 526 người.

Tại 17 quốc gia, chưa tới một nửa dân số hài lòng với chính phủ của họ, IDEA chỉ ra. Cuộc khảo sát bao gồm ba nền dân chủ lớn nhất – Brazil, Ấn Độ và Hoa Kỳ.

Ở tám quốc gia, “nhiều người cảm thấy thích thú hơn nếu họ có ‘một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, người không phải bận tâm tới quốc hội hay bầu cử,’” IDEA cho biết và cho biết thêm rằng Ấn Độ và Tanzania nổi trội là những quốc gia “có mức hỗ trợ tương đối cao cho một ‘nhà lãnh đạo mạnh mẽ.’”

Chỉ có bốn quốc gia “phần nhiều là cảm thấy các nhà lãnh đạo đang làm kinh tế tốt hơn những người tiền nhiệm,” theo nghiên cứu dài 95 trang có tựa đề “Khảo Sát Nhận Thức về Dân Chủ.” Nghiên cứu chỉ ra thêm rằng ở phần lớn các quốc gia, người ta có phần nào đó hoài nghi về uy tín bầu cử hơn những quốc gia khác.

Những người nghèo nhất tại Brazil, Colombia, Romania và Sierra Leone có nhiều khả năng tán thành chính sách của chính phủ hơn các tầng lớp còn lại trong công chúng, IDEA cho biết.

Khi nói tới hệ thống tư pháp, tại 18 quốc gia, “chưa tới một nửa số lượng người dân tin rằng tòa án ‘luôn luôn’ hoặc ‘thường xuyên’ tạo điều kiện cho nền tảng công lý.” Dân Iraq có niềm tin vào thực thi công lý nhiều (28% ‘luôn luôn’ hoặc ‘thường xuyên’) hơn dân Mỹ (26%). Đan Mạch là quốc gia duy nhất mà đa số người dân cảm thấy rằng tòa án thường xuyên hoặc luôn luôn cho phép công lý được thực thi một cách bình đẳng, IDEA cho biết.

Phúc trình của IDEA dựa trên các cuộc khảo sát được thực hiện tại Brazil, Chile, Colombia, Đan Mạch, Gambia, Ấn Độ, Iraq, Ý, Lebanon, Lithuania, Pakistan, Romania, Senegal, Sierra Leone, Quần Đảo Solomon, Nam Hàn, Đài Loan, Tanzania và Hoa Kỳ.

Các cuộc khảo sát được YouGov và GeoPoll tổ chức và được thực hiện qua điện thoại hoặc qua mạng điện toán vào năm ngoái, ngoại trừ lần thực hiện tại Ấn Độ hồi Tháng Giêng.

IDEA Quốc Tế thành lập năm 1995. Tổ chức được lập ra để “kiểm chứng những khác biệt quan trọng nhưng thường bị bỏ qua giữa đánh giá và thái độ của các nhóm liên quan tới dân chủ.” (TTHN)

MỚI CẬP NHẬT