Thursday, May 16, 2024

Dân Iran tẩy chay cuộc bầu cử ‘có cũng như không’ trong Quốc Hội

TEHRAN, Iran (NV) – Trong lúc Iran chuẩn bị cho cuộc bầu cử quốc hội vào Thứ Sáu, 1 Tháng Ba, hàng loạt lời kêu gọi tẩy chay cuộc bỏ phiếu đang biến sinh hoạt này thành một cuộc thử nghiệm tính hợp pháp đối với các giáo sĩ cầm quyền trước bối cảnh bất bình và tức giận chính phủ đang lan rộng, theo The New York Times.

Một cuộc bầu cử khác vào Thứ Sáu cũng sẽ quyết định tư cách thành viên của một cơ quan giáo sĩ ẩn mình có 88 thành viên mang tên Hội Đồng Chuyên Gia, cơ quan này lựa chọn và cố vấn cho nhà lãnh đạo tối cao của quốc gia, người có tiếng nói cuối cùng liên quan tới tất cả các vấn đề quan trọng của nhà nước. Mặc dù thường hoạt động ngầm, nhưng hội đồng này có nhiệm vụ tối quan trọng là chọn người kế nhiệm cho nhà lãnh đạo tối cao hiện tại, 84 tuổi, Ayatollah Ali Khamenei, cai trị Iran trong hơn ba thập niên.

Các nhà lãnh đạo Iran coi tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là tấm gương phản chiếu sức mạnh và quyền lực của họ. Tuy nhiên, một cuộc bỏ phiếu rầm rộ dường như khó xảy ra khi các cuộc bầu cử này diễn ra trong thời kỳ hàng loạt thách thức bủa vây trong nước cùng với cuộc chiến tranh Trung Đông bắt nguồn từ xung đột giữa Israel và Hamas tại Gaza, trong đó có cả mạng lưới dân quân ủy quyền của Iran.

Một người phụ nữ thờ ơ đi ngang qua các bích chương quảng cáo các ứng cử viên ở Tehran, Iran, hôm 28 Tháng Hai, 2024 (Hình: ATTA KENARE/AFP/Getty Images)

Các nhà phân tích cho rằng dân Iran cũng mất niềm tin vào các cuộc bầu cử sau khi liên tục bỏ phiếu cho các nhà lập pháp và tổng thống theo chủ nghĩa cải cách, cam kết thay đổi chính sách đối ngoại và kinh tế cũng như nhiều thứ về nhân quyền hơn nhưng gần như chẳng thành hiện thực.

Một cuộc thăm dò từ chính phủ do Khabaronline chỉ ra vào tuần trước, hãng tin của Iran, dự kiến tỷ lệ cử tri đi bầu cử trên toàn Iran là khoảng 36 phần trăm và chỉ khoảng 15 phần trăm ở Tehran. (Trang mạng của Khabaronline cho biết họ rút lại số liệu theo lệnh của chính phủ.) Để so sánh, hơn 70 phần trăm trong số 56 triệu cử tri đủ điều kiện của Iran bỏ phiếu cho Tổng Thống theo chủ nghĩa cải cách, Hassan Rouhani, hồi năm 2017.

Lãnh tụ Khamenei hôm Thứ Tư kêu gọi người dân Iran bỏ phiếu ngay cả khi họ không hài lòng với thời thế, nhấn mạnh rằng việc bỏ phiếu tương đương với việc bảo vệ an ninh quốc gia.

“Nếu kẻ thù nhìn thấy điểm yếu của người Iran trong lãnh vực cầm quyền, điều đó sẽ đe dọa an ninh Iran từ nhiều khía cạnh khác nhau,” Ông Khamenei nói trong bài phát biểu được phát trên băng tần truyền hình nhà nước. “Không bỏ phiếu là bất lợi.”

Nhưng phe đối lập thì bất bình. Nhiều chính khách, nhà hoạt động danh tiếng và người đoạt giải Nobel Hòa Bình đang bị cầm tù Narges Mohammadi kêu gọi dân Iran tẩy chay cuộc bỏ phiếu để chứng tỏ họ không còn tin rằng thùng phiếu có thể thay đổi thể chế.

Một nhóm gồm 300 nhà hoạt động và chính khách có tiếng tăm, gồm có những người từng là nhà lập pháp và cựu thị trưởng Tehran, ký một tuyên bố chung gọi cuộc bầu cử là một trò hề vì hành động kiểm tra nghiêm ngặt các ứng cử viên kể như nói trước kết quả của cuộc bầu cử. Tuyên bố cho biết chính phủ đang “thao túng các cuộc bầu cử để đối đầu với ý chí của người dân,” đồng thời cho biết thêm rằng các bên ký kết cũng từ chối tham gia vào “cuộc bầu cử có cũng như không.”

Nguyên nhân chính làm dân Iran phẫn nộ trước chính phủ đến từ việc quốc gia này đàn áp bạo lực các cuộc biểu tình do phụ nữ và trẻ em gái lãnh đạo năm 2022 và 2019, giết chết hàng trăm người biểu tình, gồm có cả thanh thiếu niên và trẻ em, cũng như việc bắt bớ những người bất đồng chính kiến, sinh viên và các nhà hoạt động.

Cuộc đàn áp như châm dầu vào lửa trước những bất bình lâu nay về tham nhũng của chính phủ và quản lý kinh tế nhu nhược, cùng với các chính sách đối ngoại, nguyên tử và quân sự cũng cản trở nỗ lực dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế đang làm mờ đi triển vọng mưu sinh tử tế của dân Iran.

“Các cuộc bầu cử rất quan trọng vì có hai lý do,” Sanam Vakil, giám đốc chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Chatham House cho biết. “Trước mắt, chúng tôi đang tiếp tục biểu tình bằng việc tẩy chay bầu cử, và thứ hai, đó là mức độ ít ỏi của tỷ lệ phiếu bầu có thể cho chúng tôi biết được điều gì đó về cơ sở quyền lực của Cộng Hòa Hồi Giáo.”

Tuy nhiên, ngay cả khi tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu có hạn chế, phe bảo thủ dự trù sẽ duy trì quyền kiểm soát trong Quốc Hội vì các ứng cử viên của họ gần như không bị cạnh tranh. Một cơ quan được chỉ định gọi là Hội Đồng Hộ Vệ, có nhiệm vụ kiểm tra tất cả các ứng cử viên quốc hội, tiến hành loại bỏ gần như tất cả những người có thể được coi là độc lập, trung dung hoặc theo chủ nghĩa cải cách. Hơn 15,000 ứng cử viên được chấp thuận tranh cử 290 ghế, trong đó có năm ghế dành cho các nhóm tôn giáo thiểu số, cho nhiệm kỳ bốn năm bắt đầu vào Tháng Năm.

Mặt Trận Cải Cách, liên minh gồm có các đảng phái thường đứng về phía nhiều quyền tự do xã hội hơn và gắn kết với Tây Phương, tuyên bố không tham gia cuộc bầu cử vì tất cả các ứng cử viên của họ bị loại và họ không thể tán thành bất kỳ ứng cử viên nào được hội đồng phê duyệt.

Vahid Ashtari, chính khách bảo thủ danh tiếng, vạch trần vấn nạn tham nhũng tài chánh và gia đình trị trong giới lãnh đạo của Iran và bị truy tố, nói đích danh các cuộc bầu cử là “sarekari,” một chữ lóng tiếng Ba Tư ám chỉ việc lừa lọc hoặc lừa gạt ai đó. Ông nói trong một tuyên bố trên X, từng là Twitter rằng bên lớp vỏ ngoài của bong bóng vận động tranh cử, “người ta đang sống cuộc đời họ” và không bận tâm tới việc ứng cử viên nào đang tranh cử theo liên minh nào.

Các phân tích gia cho rằng những nỗ lực của Iran nhằm né tránh chiến tranh trước tình thế căng thẳng hiện nay trong khu vực gắn liền với động lực về nội an của quốc gia này. Họ nói, ông Khamenei không muốn mạo hiểm đối đầu với bên ngoài vì có thể làm Iran bất ổn vào thời điểm dầu sôi lửa bỏng về mặt chính trị, đặc biệt là khi vấn đề kế vị ông và mặc định là tương lai của Cộng Hòa Hồi Giáo đang được thảo luận trong âm thầm. (TTHN)

MỚI CẬP NHẬT