Thế Giới

Dù muốn giảm, Bắc Kinh vẫn cần ‘ôm’ thêm ‘nợ Mỹ’ để phát triển

Mai Phi Long/Người Việt (tổng hợp)

BẮC KINH, Trung Quốc (NV) – Theo Bộ Tài Chính Mỹ, tính đến Tháng Tám, 2021, Trung Quốc là chủ nợ lớn thứ nhì của Hoa Kỳ, chỉ sau Nhật.

Dù muốn giảm bớt ôm “nợ Mỹ,” Trung Quốc vẫn cần tiếp tục cho Hoa Kỳ vay để bảo đảm ổn định kinh tế và tài chánh. (Hình minh họa: China Photos/Getty Images)

Tuy nhiên, người Trung Quốc bắt đầu lo âu việc làm chủ nợ lớn thế này.

Giáo Sư Xi Junyang, trường đại học kinh tế và tài chánh ở Thượng Hải, nhận định “cần giảm dần số tiền nợ xuống thêm khoảng 25% nữa.”

Sự lo lắng của Giáo Sư Xi cho thấy việc “bớt làm chủ nợ nước Mỹ” là điều Trung Quốc mong muốn.

Tuy nhiên, ngay từ đầu, việc trở thành chủ nợ này đem lại quá nhiều lợi ích cho sự ổn định tài chánh của Trung Quốc. Làm khác đi sẽ gây khó khăn cho Bắc Kinh, theo giải thích của chuyên gia kinh tế Amanda Lee viết trên nhật báo The South China Morning Post.

Mỹ nợ Trung Quốc dưới hình thức nào? 

Mức nợ của Mỹ với Trung Quốc đồng nghĩa mức độ Trung Quốc sở hữu bao nhiêu công trái phiếu của Hoa Kỳ.

Công trái là khoản vay nợ quốc gia dùng để chi tiêu cho mục đích công. Mỹ cần bán công trái phiếu để trang trải phí tổn ngân sách.

Bộ Tài Chính Mỹ thay mặt chính phủ liên bang phát hành công trái phiếu để tài trợ cho thâm hụt ngân sách hàng năm và đáo nợ hiện có.

Đối với Trung Quốc, công trái phiếu Mỹ là phương tiện đầu tư tốt nhất vì có độ tin cậy lớn và mức độ rủi ro vô cùng thấp.

Mỹ nợ Trung Quốc bao nhiêu?

Phía Trung Quốc không tiết lộ việc sở hữu bao nhiêu các loại công trái phiếu (nợ) của Mỹ, nhưng Bộ Tài Chính Mỹ công bố dữ liệu hàng tháng, cho biết quốc gia nào làm chủ bao nhiêu công trái phiếu đã phát hành.

Trung Quốc cùng với Nhật nằm trong số những nước sở hữu “nợ Mỹ” nhiều nhất.

Dữ liệu của Bộ Tài Chính Mỹ cho thấy các chính phủ ngoại quốc sở hữu $7,082 tỷ nợ công trái phiếu của Mỹ trong Tháng Tám, bao gồm $1,047 tỷ của Trung Quốc và $1,319 tỷ của Nhật. 

Tuy nhiên, Bộ Tài Chính Mỹ cho biết dữ liệu thu thập có thể không cung cấp “kết toán chính xác về quyền sở hữu của từng quốc gia” đối với công trái phiếu của Ngân Khố Mỹ, bởi vì công trái phiếu cũng có thể được giữ trong các tài khoản lưu ký ở ngoại quốc mà có thể không cho thấy sở hữu chủ thực sự. 

Trong nhiều năm, các nhà phân tích thị trường tin rằng Trung Quốc sử dụng các công ty chứng khoán ở các nước khác để mua thêm “nợ Mỹ.”

Ông Joe Biden (trái) và ông Tập Cận Bình trong lần gặp nhau ở Bắc Kinh, Trung Quốc, năm 2011. Mỹ cần bán công trái phiếu để trang trải phí tổn ngân sách. Đối với Trung Quốc, công trái phiếu Mỹ là phương tiện đầu tư tốt nhất. (Hình minh họa: Lintao Zhang/Getty Images)

Trung Quốc cần mua “nợ Mỹ”

Trung Quốc có mức thặng dư thương mại lớn về hàng hóa và dịch vụ trong nhiều năm, có nghĩa là nước này xuất cảng nhiều hơn nhập cảng. 

Như vậy, thu nhập quốc tế của Trung Quốc cũng đi lên từ thặng dư thương mại ngày càng tăng, và các giao dịch thương mại đều được thanh toán bằng đồng đô la Mỹ. 

Do đó, Trung Quốc tích lũy lượng đô la Mỹ rất lớn và sử dụng số tiền này để tạo thêm tài sản bằng cách mua lại đồng đô la hoặc sản phẩm tài chính (công trái phiếu) của Bộ Ngân Khố Mỹ và tiền tệ cũng như công trái phiếu của những quốc gia khác

Những tài sản này được coi là dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc, khoảng $3,232 tỷ, lớn nhất thế giới hiện nay. 

Trung Quốc điều khiển nguồn dự trữ ngoại tệ to lớn này để giúp sự ổn định nền kinh tế quốc gia bằng cách mua các nguồn lực tài chính mang tính an toàn và ổn định, chẳng hạn như tiền tệ, công trái phiếu, của các nước khác.

Với chiến thuật này, Trung Quốc có thêm nguồn dự trữ quốc tế giúp họ chống lại sự biến động của dòng vốn và giữ được sự ổn định nền kinh tế khi xảy ra khủng hoảng tài chính.

Việc mua số lượng rất lớn “nợ Mỹ” càng giúp Trung Quốc ổn định tình trạng tài chánh cho họ vì “Uncle Sam” có điểm tín dụng vô cùng tốt, chưa bao giờ trễ nợ. 

Bán phá giá công trái Mỹ sẽ khiến hàng hóa xuất cảng của Trung Quốc đắt đỏ hơn. (Hình minh họa: Mark Ralston/AFP via Getty Images)

Điều gì xảy ra nếu Trung Quốc bán hết số “nợ” Mỹ?

Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ vào năm 2018, có nhiều lo ngại rằng Trung Quốc có thể sử dụng số lượng “nợ Mỹ” khổng lồ mà họ sở hữu làm vũ khí tài chính để trả đũa.

Nếu Trung Quốc bắt đầu bán phá giá công trái phiếu Mỹ, điều này có thể gây ra tình trạng bán tháo trên thị trường, khiến Washington phải đẩy lãi suất lên cao hơn và có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Mỹ.

Nhưng bán tháo công trái phiếu Mỹ đột ngột như thế cũng có thể khiến tỷ giá đồng đô la Mỹ sụt giảm hẳn so với đồng nhân dân tệ, khiến hàng hóa xuất cảng của Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn. 

Hơn nữa, khi đồng đô la giảm giá Trung Quốc sẽ kiếm được ít tiền hơn khi bán công trái phiếu Mỹ của chính họ, tính theo đồng nhân dân tệ.

Vào Tháng Tám, 2015, Trung Quốc đồng loạt bán “nợ Mỹ” trị giá khoảng $180 tỷ, nhưng hành động này hầu như không mang lại bất kỳ phản ứng nào trên thị trường trái phiếu, cũng như về lãi suất của Mỹ.

Tuy nhiên, việc Bắc Kinh bán số lượng lớn vẫn có thể làm gián đoạn việc Mỹ bán công trái phiếu và ảnh hưởng rộng hơn trên các thị trường tài chính, đặc biệt, nếu đây được coi là một hành động chính trị của chính phủ Trung Quốc nhằm cố ý phá vỡ thị trường.

Đối với Trung Quốc, mua công trái phiếu Mỹ vẫn là phương tiện đầu tư tốt nhất vì có độ tin cậy lớn và mức độ rủi ro vô cùng thấp. (Hình minh họa: STR/AFP via Getty Images)

Viễn ảnh nào cho Trung Quốc trong việc nắm giữ “nợ Mỹ?”

Kể từ khi đạt đỉnh điểm sở hữu số lượng “nợ Mỹ” vào năm 2014, Trung Quốc bắt đầu giảm dần mức độ này.

Bắc Kinh ngày càng lo ngại về sự thống trị của đồng đô la Mỹ trong các giao dịch quốc tế, vì quan hệ song phương càng ngày càng xấu đi trong bối cảnh có các đe dọa trừng phạt tài chính của Washington.

Trung Quốc nỗ lực tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ, qua việc thúc đẩy sử dụng đồng nhân dân tệ trong các giao dịch quốc tế. 

Tuy nhiên, cố gắng này không hiệu quả do đồng nhân dân tệ không được tự do chuyển đổi nên vẫn chưa thay thế nổi đồng đô la Mỹ trong các giao dịch quốc tế.

Trên thực tế, Trung Quốc còn cần phải giữ chặt tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ với đồng đô la Mỹ để giữ cạnh tranh xuất cảng, chẳng hạn như kiểm soát chặt chẽ lượng tiền ra và vào Trung Quốc.

Việc duy trì mức xuất cảng vô cùng quan trọng với các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh vì nó giúp duy trì việc làm và nền kinh tế tiếp tục hoạt động tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

Dù rõ ràng là Trung Quốc tìm cách giảm bớt tùy thuộc vào việc làm chủ “nợ Mỹ,” các chuyên gia tin rằng Bắc Kinh vẫn cần tiếp tục mua công trái phiếu Mỹ.

Nói khác đi, Trung Quốc vẫn tiếp tục cho Mỹ vay để duy trì sự ổn định trước những bất trắc tài chính tiềm ẩn.

Và cũng khó có sự lựa chọn nào khác, khi Mỹ vẫn là một con nợ rất “uy tín.”

“Uncle Sam” chưa bao giờ trễ nợ! [đ.d.]

—–
Liên lạc tác giả: maiphilong@nguoi-viet.com

Disqus Comments Loading...
Share

Recent Posts

  • Little Saigon

‘Vinh Danh Phụ Mẫu,’ bữa tiệc cung kính tạ ơn cha mẹ

Chương trình văn nghệ “Vinh Danh Phụ Mẫu” do Mục Sư Nguyễn Anh Tuấn tổ…

3 mins ago
  • Bình Luận

Sao phải tăng thuế nhập cảng hàng Trung Quốc?

Tổng Thống Joe Biden hôm 14 Tháng Năm công bố tăng thuế lên một số…

3 mins ago
  • Hoa Kỳ

Giá bán sỉ Tháng Tư tăng 0.5%, nhiều hơn dự trù

Giá bán sỉ Tháng Tư tăng 0.5%, nhiều hơn dự trù, có thể góp phần…

4 mins ago
  • Tin HOT

Trương Thị Mai ‘rớt đài’ trước Tô Lâm để vào ‘tứ trụ’ CSVN?

Bà Trương Thị Mai nhiều phần sẽ “rớt đài” trong cuộc đua trở thành một…

5 mins ago
  • Giải Trí

Léa Seydoux đóng phim mới ‘The Unknown’

Léa Seydoux, nữ diễn viên triển vọng người nước ngoài của Hollywood, vừa xác nhận…

33 mins ago
  • Hoa Kỳ

Cô gái Chicago vào đại học lúc 10 tuổi, lấy bằng tiến sĩ năm 17

Cô Dorothy Jean Tillman II, 18 tuổi, đã lấy được bằng đại học hai năm,…

1 hour ago

This website uses cookies.