Saturday, May 18, 2024

Giá trị của phán quyết bác bỏ ‘đường lưỡi bò’ trên Biển Ðông

Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)

Hôm 12 Tháng 7, Tòa Trọng Tài Quốc Tế – Permanent Court of Arbitration (PCA ) – đã công bố phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc vi phạm quyền hạn ở Biển Ðông căn cứ theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Ba điểm chính của phán quyết là:

  1. Ðường Chín Ðoạn (đường Lưỡi Bò) do Trung Quốc đơn phương ấn định là bất hợp pháp.
  2. Trung Quốc không có cơ sở lịch sử để yêu sách chủ quyền trên những đảo nhỏ và mỏm đá trong vùng quần đảo Trường Sa. Những thực thể này cũng không đủ tiêu chuẩn để có vùng đặc quyền kinh tế và quyền khai thác tài nguyên khoáng sản.
  3. Trung Quốc có một số hành động vi phạm về quyền đánh cá của ngư dân Philippines, về việc tạo lập đảo nhân tạo và gây tổn hại môi trường biển.

Ngay khi phán quyết được công bố, Trung Quốc lên tiếng bác bỏ với lời lẽ mạnh mẽ, nói rằng phán quyết PCA là “một trò hề vô giá trị”, không chấp nhận và cũng không tuân hành phán quyết. Trên thế giới, việc một nước – nhất là nước lớn – phản kháng một quyết định của quốc tế không phải là chuyện mới lạ. Tuy nhiên, rõ ràng Trung Quốc thất bại nặng nề, ít nhất là trên bình diện pháp lý và ngoại giao, trong việc tiến hành những mưu đồ của họ ở vùng Biển Ðông.

Giá trị của Phán Quyết PCA 12 tháng 7, 2016 ở chỗ đây là một tiền lệ, đủ để làm cơ sở giải quyết những tranh chấp đã tồn tại và còn kéo dài trên Biển Ðông. Việt Nam hay một nước Ðông Nam Á nào khác có thể viện dẫn tiền lệ ấy mà không cần phải kiện thêm nữa trước CPA. Vả lại, việc ấy sẽ thừa và vô ích, chưa kể chỉ gây khó khăn cho mối tương quan tế nhị mà Việt Nam ở trong vị thế cần phải cố gắng giữ quân bình đối với các cường quốc, cụ thể là Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Ðừng nên lầm Tòa Trọng Tài Thường Trực PCA với Tòa Án Hình Sự Quốc Tế (International Criminal Court, ICC) và Tòa Án Công Lý Quốc Tế (International Court of Justice, ICJ). Cả ba tòa này đều đặt trụ sở tại Den Haag, Hòa Lan (tiếng Anh The Hague, tiếng Pháp La Haye). ICC là tòa án để truy tố các cá nhân phạm tội ác chống nhân loại, diệt chủng, xâm lược, phạm nhân chiến tranh. ICJ là tòa án giải quyết các vấn đề tranh chấp giữa các quốc gia thành viên.

PCA đúng nghĩa không phải là một tòa án mà là một cơ quan liên chính phủ với chức năng giải quyết các tranh chấp quốc tế qua thủ tục trọng tài và các đường lối ôn hòa khác khi các nỗ lực ngoại giao giữa hai nhà nước thất bại. PCA không có thẩm quyền tuyên các bản án, do đó không phán quyết về chủ quyền của một nước trên một vùng lãnh thổ hay vùng biển, về biên giới một quốc gia. PCA không thể phán định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam hay của Trung Quốc, cũng không có thẩm quyền đòi hỏi Trung Quốc phải trả lại Hoàng Sa đã chiếm của Việt Nam Cộng Hòa và các đảo đá Trường Sa đã chiếm của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

Việt Nam có thể kiện về Hoàng Sa và Trường Sa tại Tòa Án Công Lý Quốc Tế ICJ, nhưng cần cân nhắc kết quả sẽ đạt được. Có thể dự đoán rằng trong nội dung phức tạp của vấn đề và với tình hình thực tế hiện nay trên thế giới, ICJ sẽ không có một phán quyết dứt khoát trong một thời gian kéo dài vô tận, hoặc từ chối phân xử. Như thế vấn đề tiếp tục không được giải quyết, có nghĩa là phía phát đơn kiện thua cuộc.

Trong vụ kiện ở Biển Ðông, PCA căn cứ theo UNCLOS để phân định rằng bên nào, Philippines hay Trung Quốc, vi phạm quy định trong công ước 1986 mà cả hai nước đều là thành viên đã ký kết. Khi Philippines làm đơn kiện năm 2013, Trung Quốc từ chối tham gia với lập luận đây là hành động đơn phương từ phía Philippines mà không tiếp tục những nỗ lực thương thuyết qua đường ngoại giao, đồng thời phủ nhận thẩm quyền xét xử của PCA.

Toàn bộ hồ sơ xét xử vụ Philippines kiện Trung Quốc dài 501 trang và bản thông báo dài 11 trang tóm tắt đầy đủ phán quyết công bố ngày 12 tháng 7. Chỉ căn cứ theo sự tuân hành nghiêm chỉnh UNCLOS, Tòa Trọng Tài dễ dàng đưa ra một phán quyết minh bạch đối với những vi phạm.

Phán Quyết PCA được thành lập theo Phụ Lục VII của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS. Tòa Trọng Tài nhấn mạnh rằng “không phán quyết về các vấn đề liên quan đến chủ quyền và phân định ranh giới mà chỉ giới hạn trong quyền hạn phù hợp của cơ chế giải quyết tranh chấp như sự đòi hỏi trong công ước.” Phụ Lục VII cũng quy định là “sự vắng mặt của một bên, hoặc một bên không thực hiện việc biện hộ, không tạo nên bất kỳ rào cản nào cho tiến trình tố tụng.”

Qua nhiều phiên tranh tụng vào giữa năm 2015, tòa đi đến phán quyết về thẩm quyền và khả năng thụ lý ngày 29 tháng 10, 2015. Về nội dung, tòa đã kiểm tra các đệ trình của Philppines và tuyên bố 7 trong 15 đệ trình của Philippines là “hoàn toàn nằm trong thẩm quyền và khả năng thụ lý của tòa,” 8 đệ trình khác sẽ được nghiên cứu sau. Tòa cũng nhận định rằng Philippines và Trung Quốc đều là thành viên của UNCLOS và công ước “không cho phép một quốc gia nào tự loại trừ mình khỏi cơ chế giải quyết tranh chấp.”

Tòa cũng đã xét xem bên thứ ba, tức các quốc gia khác có tranh chấp trong Biển Ðông nhưng không tham gia vào vụ kiện, thì có cản trở thẩm quyền của tòa hay không. Tháng 12 năm 2014, Việt Nam đệ trình lên tòa một tuyên bố nói rằng, “Việt Nam không nghi ngờ gì rằng tòa có đủ thẩm quyền trong vụ kiện.”

Việt Nam, Malaysia, Indonesia đã dự các phiên tòa phán đoán về thẩm quyền, với tư cách quan sát viên, và “không quốc gia nào lập luận rằng sự tham gia của mình là không thể thiếu.”

Tòa Trọng Tài cũng giải thích rằng Ðiều 298 UNCLOS quy định những tranh chấp liên quan đến hoạt động quân sự ở ngoài thẩm quyền của tòa. Do đó tòa không thể xét Ðệ trình số 14(a)-(c) của Philippines về vụ đụng độ giữa thủy quân lục chiến Philippines với tàu hải quân và hải giám Trung Quốc.

Về việc Trung Quốc cải tạo và xây dựng đảo nhân tạo trên 7 cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa có cấu thành hoạt động quân sự hay không, tòa cho rằng Trung Quốc liên tục nhấn mạnh bản chất phi quân sự của những hoạt động đó và tuyên bố ở cấp cao nhất rằng sẽ không quân sự hóa sự hiện diện ở Trường Sa. Do đó, tòa coi là Ðiều 298 không cản trở thẩm quyền của tòa khi phán quyết về các hành động ấy.

Bản phán quyết cuối cùng đã được sự đồng thuận của 5 trọng tài gồm Thẩm Phán Thomas A. Mensah (Ghana) chủ tịch, và 4 trọng tài thành viên Jean Pierre Cot (Pháp), Rudiger Wolfrum (Ðức), Stanislaw Pawlak (Ba Lan), giáo sư Alfred H. Soons (Hòa Lan).

Trước hết phán quyết của Tòa Trọng Tài đã rõ ràng ủng hộ pháp quyền và chủ quyền của Philippines. Nhưng đồng thời phán quyết cũng bác bỏ giá trị của cái gọi là Ðường Chín Ðoạn (Lưỡi Bò) và mặc nhiên xác định Biển Ðông là đường tự do hàng hải không nước nào có quyền gây cản trở bằng việc chiếm hữu một số thực thể trong đó.

Tòa Trọng Tài cũng giải thích rõ thêm một số điểm trong UNCLOS. UNCLOS chỉ cho các quốc gia một quyền hạn chế về đánh cá ở vùng đặc quyền kinh tế trong trường hợp quốc gia ven biển không thể khai thác hết lượng cá được phép, mà không cho các quốc gia khác quyền gì đối với dầu khí hay tài nguyên khoáng sản. Yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử đối với các tài nguyên là không có cơ sở cũng như tuyên bố chủ quyền trong khu vực đường chín đoạn là bất hợp pháp.

Các cấu trúc thiên nhiên nổi trên mặt nước lúc thủy triều lên cao sẽ được hưởng lãnh hải 12 hải lý. Các cấu trúc chìm dưới mặt nước khi thủy triều lên không có lãnh hải. Chẳng hạn tất cả các cấu trúc nổi tại Trường Sa, như Ba Bình (Ðài Loan chiếm), Thị Tứ, Bến Lạc, Song Tử Ðông, Song Tử Tây (thuộc Việt Nam) đều là “đảo đá” về mặt pháp lý và không tạo ra vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa. Một nhóm các đảo như quần đảo Trường Sa cũng không có các vùng biển với tư cách là một thực thể thống nhất.

Vành Khăn, Cỏ Mây và Bãi Cỏ Rong là cấu trúc chìm nhưng là một phần vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines, không chồng lấn với bất kỳ vùng biển nào mà Trung Quốc có thể có. Trung Quốc can thiệp vào việc khai thác dầu khí ở Bãi Cỏ Rong là trái phép và cấm ngư dân Philippines là vi phạm chủ quyền. Tòa không có thẩm quyền quyết định về vấn đề chủ quyền tại bãi cạn Scarborough, nhưng tại đây ngư dân Trung Quốc cũng như Philippines đã có truyền thống đánh cá từ lâu và không nước nào được ngăn cản quyền này.

Việc Trung Quốc cải tạo đất quy mô lớn và xây dựng đảo nhân tạo trên 7 cấu trúc ở Trường Sa ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Như thế Trung Quốc vi phạm nghĩa vụ của mình theo Ðiều 192 và 194 của UNCLOS trong việc bảo tồn và bảo vệ môi trường biển đối với các hệ sinh thái dễ bị tổn thương (như san hô) và môi trường sinh sống của các loài động vật bị đe dọa tuyệt chủng.

Ngư dân Trung Quốc đã khai thác đánh bắt rùa biển, trai khổng lồ, san hô và sử dụng những phương tiện gây hủy hoại nghiêm trọng cho môi trường, nhà cầm quyền Trung Quốc ý thức được những tai hại này nhưng không ngăn chặn và thi hành nghĩa vụ như UNCLOS ấn định. Tòa Trọng Tài kết luận rằng Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ về kiềm chế, làm trầm trọng thêm và kéo dài tranh chấp giữa các bên trong khi chờ quá trình phân xử.

Mặc dù Philippines có yêu cầu là Trung Quốc đưa ra tuyên bố cam kết từ nay về sau phải tuân thủ quyền của Philippines và tuân thủ các nghĩa vụ theo UNCLOS, nhưng Tòa Trọng Tài viện dẫn Ðiều 11 của Phụ Lục VII rằng “phán quyết sẽ được các bên tranh chấp tuân thủ” nên thấy rằng không cần có thêm lời đòi hỏi gì khác nữa. Dù cho Trung Quốc đã nói không công nhận phán quyết và không thi hành, giá trị lâu dài của phán quyết trên thực tế ít nhất sẽ là Trung Quốc không thể dễ dàng ngang nhiên tái vi phạm trước dư luận quốc tế.

MỚI CẬP NHẬT