Saturday, May 4, 2024

Mỹ âm thầm gửi hỏa tiễn tầm xa cho Ukraine chung với khoản quân viện

WASHINGTON, DC (NV) – Đầu tháng này, Hoa Kỳ gửi hỏa tiễn tầm xa cho Ukraine sau khi chính quyền Biden trước đó từ chối gửi hỏa tiễn theo mệnh lệnh của Tổng Thống Joe Biden, Ngũ Giác Đài cho biết hôm Thứ Tư, 24 Tháng Tư, Đài CNN đưa tin.

Tổng Thống Biden âm thầm phê duyệt việc gửi hỏa tiễn ATACMS tầm xa vào Tháng Hai để hoạt động bên trong lãnh thổ Ukraine. Các hỏa tiễn ATACMS sau đó được âm thầm đưa vào khoản quân viện $300 triệu được công bố vào ngày 12 Tháng Ba và cuối cùng được chuyển giao cho Ukraine vào đầu tháng này, theo phát ngôn viên Ngũ Giác Đài, Trung Tá Garron Garn.

Chính quyền Tổng Thống Biden phản đối gửi hỏa tiễn tầm xa một phần do lo ngại chưa biết có bao nhiêu hỏa tiễn sẽ có sẵn để giao cho Ukraine. Hỏa tiễn uy lực cần có thời gian và các thành phần phức tạp để sản xuất. Lockheed Martin, nhà sản xuất hỏa tiễn ATACMS, đang sản xuất với công suất tối đa và sản xuất khoảng 500 hỏa tiễn mỗi năm, phát ngôn viên công ty cho biết vào Tháng Chín.

Hỏa tiễn ATMS phóng thử ngày 14 Tháng Mười Hai, 2021, tại New Mexico (Hình: John Hamilton/US Army)

Hoa Kỳ đang giải quyết nhiều thứ để bảo đảm số lượng hỏa tiễn, gồm có việc mua thêm hỏa tiễn ATACMS và bổ túc vào kho dự trữ quân sự của Hoa Kỳ.

“Kết quả là chúng tôi có thể tiếp tục cung cấp hỏa tiễn ATACMS đồng thời duy trì trạng thái sẵn sàng của quân lực Hoa Kỳ,” phát ngôn viên Ngũ Giác Đài, Thiếu Tá Charlie Dietz cho biết.

Tổng Thống Biden cũng chỉ dẫn các viên chức thực hiện hành động này sau khi Nga mua và sử dụng hỏa tiễn đạn đạo của Bắc Hàn chống lại Ukraine cũng như các cuộc tấn công Nga nhắm vào hạ tầng cơ sở dân sự tại Ukraine, một viên chức Hoa Kỳ cho biết.

Hoa Kỳ dự trù cung cấp thêm nhiều hỏa tiễn trong khoản quân viện mới mà Ngũ Giác Đài công bố hôm Thứ Tư sau khi Tổng Thống Biden ký ban hành thành luật khoản viện trợ gần $61 tỷ cho Ukraine sau nhiều tháng Quốc Hội đình hoãn.

Mùa Thu năm ngoái, Hoa Kỳ lần đầu tiên gửi cho Ukraine phiên bản tầm trung của hệ thống hỏa tiễn ATACMS, có thể đạt tầm bắn khoảng 100 dặm (160.9 kilometer), trong khi phiên bản tầm xa hơn có thể đạt tới 190 dặm (305.7 kilometer).

Giới chức Ukraine nhiều lần yêu cầu Hoa Kỳ một cách riêng tư và kể cả công khai về việc viện trợ hỏa tiễn tầm xa nhắm mục tiêu sâu hơn vào phòng tuyến của Nga. Các viên chức Hoa Kỳ từng phản đối, viện dẫn các vấn đề về nguồn cung ứng và lo ngại sẽ tiếp tục khiêu khích Moscow nếu khai triển hỏa tiễn tầm xa. (TTHN)

MỚI CẬP NHẬT