Friday, April 26, 2024

Sau Á Châu, COVID-19 hoành hành ở Ý và Trung Đông

MILAN, Ý (NV) – Virus Corona tiếp tục lây lan mạnh bên ngoài Châu Á, khiến thêm nhiều người chết, đặc biệt là ở Ý và Trung Đông.

Reuters dẫn lời chính phủ Ý hôm Thứ Hai, 24 Tháng Hai, loan báo có ít nhất sáu người chết, và hơn một chục thị trấn gần thành phố Milan bị cách ly.

Tất cả những trường hợp tử vong là người cao niên đã bị một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng trước đó. Người nào nhiễm virus Corona mà có những vấn đề như vậy thì dễ bị thiệt mạng.

Lễ hội carnival thường niên nổi tiếng ở thành phố Venice phải kết thúc sớm hơn thường lệ. Nhiều trận đấu của giải bóng đá hàng đầu Ý hôm Chủ Nhật phải hoãn lại, trong đó có trận Inter Milan tiếp Sampdoria.

Với hơn 220 ca nhiễm virus Corona, Ý là nước có nhiều ca nhất ở Châu Âu.

Cuối tuần qua, Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO một lần nữa bày tỏ lo ngại về những trường hợp nhiễm bệnh mà không có mối liên hệ rõ ràng nào với Trung Quốc, vốn là nơi bùng phát dịch bệnh.

Trong khi đó, tại Trung Đông, những ca nhiễm ở Iran dường như đang lan sang các nước láng giềng.

Chính quyền Iran xác nhận nước này có ít nhất 12 người chết vì COVID-19 và hàng chục người nhiễm bệnh.

Thứ Hai, 24 Tháng Hai, nước láng giềng của Iran là Iraq thông báo ca nhiễm đầu tiên. Đó là một sinh viên Iran đến Iraq để nghiên cứu tôn giáo.

Kuwait và Bahrain cũng loan báo có ca nhiễm đầu tiên. Tất cả những người này đều đến Iran gần đây. Một phần biên giới Iraq-Kuwait đã đóng cửa.

Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, trung tâm du lịch ở Trung Đông, cũng xác nhận hơn một chục ca, trong đó có nhiều du khách Iran.

Châu Á vẫn là tâm dịch. Riêng Trung Quốc đã có hơn 2,500 người chết, 77,000 người nhiễm bệnh và nhiều thành phố với hàng triệu dân bị phong tỏa.

Tuy nhiên, phát biểu trong buổi họp báo vào Thứ Hai ở Geneva, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc WHO, khẳng định dịch COVID-19 vẫn chưa đến mức gọi là “đại dịch.”

Reuters dẫn lời ông này nói: “Vào lúc này, chúng tôi không thấy virus lây lan mà không kiểm soát được trên toàn cầu, và chúng tôi cũng không thấy quá nhiều ca nhiễm hoặc tử vong. Con virus này có nguy cơ gây đại dịch không? Chắc chắn là có. Nhưng đến mức đó chưa? Theo chúng tôi đánh giá là chưa.”

Ông Tedros cảnh báo việc dùng từ “đại dịch” có thể khiến công chúng hoảng sợ.

“Việc số ca nhiễm tăng bất ngờ tất nhiên là rất đáng lo ngại. Thời gian qua, tôi luôn nói là cần phải có số liệu rõ ràng, không phải để gây hoảng sợ. Lúc này, dùng từ ‘đại dịch’ không phù hợp với tình hình thực tế, mà lại có thể gây hoảng sợ. Đây không phải là lúc chú trọng quá vào chuyện phải dùng từ gì. Làm như vậy sẽ không ngăn được một ca nhiễm nào hoặc một ca tử vong nào. Đây là lúc tất cả các nước, cộng đồng, gia đình và cá nhân nên chú trọng vào việc phòng ngừa.”

Tổng giám đốc WHO cũng cho biết nhóm chuyên gia của WHO ở Trung Quốc đã nhận thấy rằng dịch COVID-19 lên đến đỉnh điểm rồi đi ngang từ ngày 23 Tháng Giêng đến ngày 2 Tháng Hai, và giảm dần từ đó đến nay.

Ông Tedros cũng nhấn mạnh có thể kiềm chế được virus Corona. Ông dẫn chứng là có nhiều quốc gia đã làm được như vậy. (Th.Long)

MỚI CẬP NHẬT