Saturday, April 27, 2024

Trung Quốc ráo riết nghiên cứu kỹ thuật vũ khí Mỹ dùng tại Ukraine

BẮC KINH, Trung Quốc (NV) – Quân đội Trung Quốc cần có khả năng bắn hạ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp Starlink, cũng như bảo vệ xe tăng và trực thăng chống lại hỏa tiễn vác vai FGM-148 Javelin nếu trong tương lai có xảy ra xung đột với các lực lượng do Mỹ dẫn đầu ở Châu Á, theo Reuters tổng hợp từ gần 100 bài nghiên cứu trên hơn 20 tạp chí quốc phòng của Trung Quốc.

Các tạp chí này bao gồm nhiều công trình của các nhà nghiên cứu nằm trong mạng lưới trường đại học, cơ sở sản xuất vũ khí và cơ quan tình báo của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân (PLA), nghiên cứu về chiến tranh Nga-Ukraine với mục đích xem xét kỹ lưỡng tác động của vũ khí và kỹ thuật Mỹ có thể được triển khai chống lại lực lượng Trung Quốc trong cuộc chiến ở Đài Loan, nếu xảy ra.

Ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, duyệt binh tại căn cứ quân đội Trung Quốc ở Hồng Kông hồi năm 2017. (Hình minh họa: Dale De La Rey/AFP via Getty Images)

Mặc dù giới chức Trung Quốc thường tránh phê bình công khai hành động hoặc hiệu quả trên chiến trường của Moscow, thế nhưng những bài nghiên cứu đánh giá thẳng thắn hơn về những thiếu sót của Nga.

Bộ Quốc Phòng Trung Quốc không đưa ra bình luận về những nghiên cứu này. Reuters không thể xác định những kết luận từ nghiên cứu phản ảnh như thế nào suy nghĩ của lãnh đạo quân sự Trung Quốc.

Hai tùy viên quân sự và một nhà ngoại giao giấu tên cho biết Quân Ủy Trung Ương Đảng Cộng Sản, đứng đầu là Chủ Tịch Tập Cận Bình, là bên ra lệnh và chỉ đạo các nhu cầu nghiên cứu.

Bất chấp những khác biệt với hoàn cảnh địa lý Đài Loan, nghiên cứu về cuộc chiến Ukraine vẫn đem đến những hiểu biết sâu sắc về vũ khí khối Tây phương, đặc biệt là Mỹ, cho Trung Quốc. 

Một quân nhân Ukraine vác hỏa tiễn chống tăng FGM-148 Javelin trên xe thiết giáp trong một cuộc duyệt binh tại Kiev năm 2018. (Hình minh họa: Genya Savilov/AFP via Getty Images)

Vệ tinh Starlink

Gần 10 bài nghiên cứu của các nhà nghiên cứu PLA nhấn mạnh mối quan tâm của Trung Quốc về hệ thống vệ tinh Starlink (Mỹ), vì đây là phương tiện kỹ thuật tối tân giúp bảo đảm thông tin liên lạc của quân đội Ukraine trong bối cảnh Nga liên tục dùng hỏa tiễn tấn công vào mạng lưới điện nước này.

Theo một bài nghiên cứu hồi Tháng Chín từ đại học Army Engineering University của quân đội Trung Quốc, hiệu suất tuyệt vời của Starlink trong cuộc chiến Nga-Ukraine chắc chắn sẽ khiến Mỹ và các nước Tây phương sử dụng chúng rộng rãi trong những đợt xung đột nếu có ở Châu Á. Vậy nên các tác giả nhận định Trung Quốc có mục tiêu “cấp bách” là phát triển mạng lưới vệ tinh tương tự.

Đồng thời, chiến tranh Ukraine khiến các nhà nghiên cứu Trung Quốc đồng tình rằng họ cần đầu tư nhiều hơn vào máy bay không người lái (drone). Trong thời gian gần đây Trung Quốc đang thử nghiệm máy bay không người lái ở bầu trời xung quanh Đài Loan.

Xe tăng Nga bị tiêu diệt tại Ukraine. (Hình minh họa: Genya Savilov/AFP via Getty Images)

Một bài nghiên cứu khác trên tạp chí chính thức của chính quyền Trung Quốc hồi Tháng Chín chỉ ra rằng quốc gia này nên cải thiện khả năng bảo vệ thiết bị quân sự trước thiệt hại mà hỏa tiễn Stinger và Javelin gây ra đối với các thiết bị bọc thép và chiến hạm của Nga.

Ngoài kỹ thuật tiên tiến, Trung Quốc còn nghiên cứu hoạt động vận hành của lực lượng Ukraine. Theo nhận định từ chuyên gia, đây là chuyện dễ hiểu bởi vì Trung Quốc giống Nga, đều di chuyển binh lính và vũ khí bằng hỏa xa, loại hình rất dễ bị phá hoại.

Đài Loan, và hơn thế nữa

Một số bài nghiên cứu nhấn mạnh mối liên quan từ Ukraine đến nguy cơ xảy ra xung đột trong khu vực giữa Trung Quốc và Mỹ cùng đồng minh, có thể là về Đài Loan. Mỹ có chính sách chính trị mơ hồ. Họ không thể hiện rõ mình liệu có can thiệp quân sự để bảo vệ Đài Loan hay không, nhưng theo luật họ phải cung cấp vũ khí cho hòn đảo này để tự vệ.

Ông William Burns, giám đốc Cơ Quan Tình Báo Trung Ương Mỹ (CIA), nói rằng ông Tập ra lệnh cho quân đội Trung Quốc sẵn sàng xâm lăng Đài Loan vào năm 2027, nhưng đồng thời vị lãnh đạo Trung Quốc cũng không hề yên tâm trước tình hình của Nga tại Ukraine. 

Bốn nhà ngoại giao cho biết các nhà phân tích PLA từ lâu luôn lo ngại về ưu thế của quân đội Mỹ. Thế nhưng chiến tranh Nga-Ukraine càng khiến Trung Quốc thêm lo ngại, khi một cường quốc như Nga lại không thể chiến thắng một nước nhỏ hơn nhưng có hỗ trợ từ Tây phương như Ukraine.

Tình cảnh này có thể so sánh với Đài Loan. Mặc dù vậy vẫn có những điểm khác nhau, đặc biệt là việc Đài Loan dễ bị tổn thương hơn, vì Trung Quốc có thể tiến hành phong tỏa. Còn trường hợp Ukraine thì các nước Châu Âu láng giềng có thể cung ứng bằng đường bộ.

Một quân nhân Ukraine chụp hình họa phẩm “Thánh Javelin” vẽ trên tường một tòa nhà ở Kiev. (Hình minh họa: Christopher Furlong/Getty Images)

Ngoài ra, có một số bài nghiên cứu phân tích sức mạnh phản kháng của Ukraine, đặc biệt các hoạt động phá hoại của những lực lượng đặc biệt bên trong nước Nga, hoặc sử dụng Telegram để khai thác thông tin tình báo dân sự và bảo vệ nhà máy thép Azovstal ở Mariupol.

Tình hình bên phía Nga cũng được đưa ra nghiên cứu, chẳng hạn thành công của Nga trong các cuộc tấn công sử dụng hỏa tiễn đạn đạo Iskander, hoặc những sai lầm quân sự, các chiến thuật lỗi thời, chỉ huy không thống nhất, không can thiệp đủ để ngăn chặn NATO cung cấp tình báo cho Ukraine.

Ngoài tình hình chiến trường, một số nghiên cứu đề cập đến cuộc chiến thông tin. Ở mảng này trong cuộc chiến Nga-Ukraine, các nhà nghiên cứu kết luận Ukraine và đồng minh là người chiến thắng. Một bài nghiên cứu kêu gọi Bắc Kinh cần chuẩn bị trước cho phản ứng dữ dội từ cộng đồng quốc tế, cũng như xây dựng nền tảng đối đầu nhận thức và thắt chặt kiểm soát mạng truyền thông xã hội nhằm ngăn chặn chiến dịch thông tin của Tây phương ảnh hưởng đến người dân Trung Quốc. (MPL) [qd]

MỚI CẬP NHẬT