Saturday, May 4, 2024

Từ Nhật Bản đến Ấn Độ, nguyên tử lực đang quay lại tham gia cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

HỒNG KÔNG (NV) – Từ Nhật Bản đến Ấn Độ ngày nay, vì loài người đã biết quên đi thảm họa đến từ lò nguyên tử Fukushima cách nay 12 năm, năng lượng nguyên tử, được coi là một thứ nhiên liệu sạch, đang quay trở lại để chiếm vị trí quan trọng trong cuộc chiến chống tình trạng thiếu hụt năng lượng lẫn tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng trở nên trầm trọng hơn, tờ South China Morning Post nhận định hôm Chủ Nhật, 6 Tháng Bảy.

Trong bản tuyên bố của Hội Nghị Thượng Đỉnh G20 năm nay, diễn ra tại New Delhi hồi tháng trước, các nhà lãnh đạo thế giới đã đề cao vai trò mà năng lượng nguyên tử có thể nắm giữ trong nỗ lực cắt giảm khí thải và cung cấp năng lượng tại nhiều phần đất trên thế giới.

Tại G20 các nhà lãnh đạo thế giới đã đề cao vai trò năng lượng nguyên tử. (Hình minh họa: Punit Paranjpe/AFP via Getty Images)

Các chuyên gia khí hậu cho rằng vai trò quan trọng mà Hội Nghị G20 trao gởi cho năng lượng nguyên tử cho thấy dấu hiệu nguồn năng lượng này đang quay trở lại phục vụ cho con người. Điều này được cảm nhận rõ rệt hơn hết tại Á Châu ngày nay, từ Trung Quốc và Ấn Độ cho tới Nhật Bản và Nam Hàn, với những nhà máy sản xuất điện nguyên tử có sẵn cùng với các kế hoạch xây dựng thêm các lò nguyên tử trong tương lai.

Riêng đối với Nhật Bản, nơi từng bị năng lượng nguyên tử giáng cho mấy đòn chí tử – từ vụ hai trái bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki hồi năm 1945 cho tới vụ sóng thần làm rò rỉ phóng xạ tại lò nguyên tử ở Fukushima hồi năm 2011 – người ta cũng đã tính tới chuyện xây thêm các lò nguyên tử để sản xuất năng lượng cần thiết cho đời sống trước tình hình các nguồn năng lượng không thể đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu của con người trong cái thế giới vừa ngập tràn máy móc vừa rất dễ nổ ra chiến tranh, gây gián đoạn các nguồn cung cấp hàng hóa thiết yếu như hiện nay.

Thêm vào đó, Tatsuya Terazawa, chủ tịch Viện Kinh Tế Năng Lượng Nhật Bản, đã cổ võ cho sáng kiến dùng nguyên tử năng để sản xuất điện tại Nhật Bản, lập luận rằng đảo quốc này đất chật, dân đông, không có nhiều chỗ trống để dựng các tấm bảng thu nhiệt năng từ ánh sáng mặt trời.

Cuộc chiến tranh dằng dai của Nga tại Ukraine, với việc dầu khí do Nga xuất cảng ra ngoại quốc bị giới hạn đáng kể vì lệnh cấm vận gắt gao của các nước Tây phương, càng kiến cho mức cung cấp dầu khí cho thế giới bị sút giảm đáng kể.

Tất cả những điều nói trên đã dẫn tới sự thể, ngoài Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, và Nam Hàn ra, hai quốc gia Á Châu khác, là Indonesia và Singapore, cũng đang lập kế hoạch xây dựng các nhà máy điện nguyên tử để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng ngày một gia tăng của dân chúng. Ngay cả nước Đức bên Âu Châu, từ vài chục năm qua, từng lên tiếng chê bai các nhà máy điện chạy bằng nguyên tử lực trong nước, nay cũng đang tính chuyện quay trở lại xây cất các nhà máy điện nguyên tử sau khi việc cung cấp dầu khí, thứ nhiên liệu dùng để sản xuất ra điện năng, cứ chập chờn, khi có, khi không, trong khi vận mệnh thế giới vẫn còn tiếp tục nổi trôi qua các cuộc chiến tranh bất chợt. (TTHN)

MỚI CẬP NHẬT