Tuesday, April 30, 2024

Mười một thành phố diễn ra World Cup 2018

1- Biệt khu Kaliningrad

Kaliningrad là thành phố trong một địa khu biệt lập 15,100 km2, không dính liền với lãnh thổ Nga, giáp giới Ba Lan, Lithuania và biển Baltic.

Thành phố 220 km2 dân số 430,000 nguyên là thủ đô Koenigsburg của Đông Phổ (Đức), bị Ba Lan và Liên Xô chiếm sau Thế Chiến II và lấy tên của Mikhail Kalinin, nhà cách mạng Bolshevik, ủy viên Bộ Chính Trị và nguyên thủ quốc gia trên danh nghĩa của Liên Xô (1919-1946).

Kaliningrad ở múi giờ số 2, trễ hơn Moscow một giờ.

Cách Moscow 1,000 km về phía Tây, Kalinigrad chỉ có thể liên lạc trực tiếp với Nga bằng đường biển và đường hàng không. Về mặt quân sự đây là một căn cứ của hạm đội Baltic và một tiền đồn về phía Châu Âu của Nga.

Kaliningrad có kỹ nghệ đóng tàu, lắp ráp xe hơi, đặc khu kinh tế thành lập năm 1996 cung cấp 1/3 máy vô tuyến truyền hình cho nước Nga.

Vận động trường Kaliningrad, cũng gọi là Arena Baltika xây dựng từ 2016 đến 2018 chứa được 35,000 khán giả World Cup và sau đó sẽ rút xuống còn 25,000.

Bốn trận vòng bảng World Cup sẽ đá ở sân này.

16 Tháng Sáu: Croatia-Nigaria (Bảng D);

22 Tháng Sáu: Serbia-Thụy Sĩ (Bảng E);

25 Tháng Sáu: Tây Ban Nha-Morocco (Bảng B);

28 Tháng Sáu: Anh-Bỉ (Bảng G).

2- Kazan, thủ đô thứ ba của Nga

Sân vận động Kazan Arena nằm bên bờ sông Kazanka. (Hình: Savin Wikimedia Commons)

Kazan là thủ đô của nước Cộng Hòa Tatarstan, thành phố 1.15 triệu dân, lớn thứ 6 trong Liên Bang Nga, cách Moscow 700 km về hướng Đông.

Kazan còn lại nhiều thắng tích, những thánh đường Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo và kiến trúc cổ, quan trọng nhất là Kazan Kremlin, ngôi thành xây dựng giữa thế kỷ 15, được công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Thành phố Kazan nằm bên hợp lưu hai sông Volga và Kazanka, khí hậu thuộc loại lục địa ẩm với một mùa Đông dài, lạnh hơn Moscow. Tháng Giêng lạnh nhất, trung bình -10.4 độ C, Tháng Bảy nóng 20.2 độ C và một ngày Tháng Tám năm 2010 đạt tới kỷ lục 39.2 độ C.

Kazan là một trung tâm kinh tế, tài chánh và khoa học kỹ thuật của nước Nga. Nhà toán học Nikolai Lobachevsky (1792-1856) sống ở Kazan là người đã góp công lớn trong việc xây dựng môn hình học phi Euclid, mở bước phát triển mới thoát ra khỏi hình học cổ điển và tạo cơ sở toán học cho lý thuyết tương đối rộng sau này.

Kazan Arena là sân vận động xây dựng từ 2010 đến 2013, phí tổn $450 triệu, chứa được 45,400 khán giả và có màn hình bên ngoài sân lớn nhất Châu Âu.

Bốn trận vòng bảng và hai trận vòng trong sẽ chơi trên sân Kazan.

16 Tháng Sáu: Pháp-Australia (Bảng C);

20 Tháng Sáu: Iran-Tây Ban Nha (Bảng B);

24 Tháng Sáu Ba Lan-Colombia (Bảng H);

27 Tháng Sáu Nam Hàn-Đức (Bảng F);

30 Tháng Sáu: Nhất Bảng C-Nhì Bảng D (vòng 16);

6 Tháng Bảy: Thắng trận 53-Thắng trận 54 (vòng tứ kết).

3-Moscow: Luzhniki Stadium và Otkritie Arena

Thủ đô Moscow của Liên Bang Nga là nơi duy nhất trong số 11 thành phố Nga có hai sân được dùng cho các trận đấu ở World Cup.

Moscow, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật, là thành phố  lớn nhất nước Nga với 12 triệu dân trên diện tích 2,500 km2, hay 17 triệu dân nếu tính toàn khu vực đại đô thị này.

Qua lịch sử từ khi được thành lập khoảng giữa thế kỷ 12, Moscow đã nhiều lần bị tàn phá thiêu hủy hoàn toàn trong những lần Mông Cổ, Tatar, xâm lăng, hay tự đốt cháy để chống đạo quân Pháp của Napoleon tiến vào thành phố năm 1812.

Nhưng nền văn hóa-nghệ thuật của người dân Moskva qua gần 900 năm rất phát triển. Những  công trình kiến trúc nổi tiếng ở thành phố là điện Kremlin, quảng trường Đỏ, nhà thờ Thánh Basel với các tháp hình củ hành xây năm 1561, Nhà Hát Lớn xây dựng năm 1775 và gần đây là tháp truyền hình Ostankino.

Tại Moscow hiện nay có hơn 70 viện bảo tàng và rất nhiều trường đại học, lớn nhất và nổi tiếng nhất là Đại Học Tổng Hợp Quốc Gia Moscow mang tên Lomonosov.

Mùa Đông Moscow kéo dài từ giữa Tháng Mười Một tới cuối Tháng Ba, với nhiệt độ từ -25 độ C đến 5 độ C trong khi nhiệt độ mùa Hè có khi lên đến 35 độ C.

Moscow có 4 phi cảng quốc tế, là trung tâm của 3 hệ thống xa lộ vòng đai và trạm cuối của 9 đường xe lửa đi khắp toàn quốc, hệ thống vận tải công cộng trong thành phố nổi tiếng với các đường hầm và ga xe điện ngầm lát đá cẩm thạch.

Luzhniki Stadium

Sân Luzhniki ở trung tâm Moscow, phía xa là trường đại học Lomonosov. (Hình: Wikipedia via FIFA)

Luzhniki, sân vận động quốc gia ở trung tâm thành phố Moscow, là sân banh lớn nhất tại Nga với 81,000 ghế. Được xây dựng trong thời Liên Xô năm 1955 và hoàn thành chỉ trong thời gian 450 ngày vào năm 1956, vận động trường này thoạt đầu mang tên Lenin, tới 1992 sau khi Liên Xô sụp đổ mới đổi tên thành Luzhniki. Đây là vận động trường chính dùng cho Thế Vận Hội 1982

Năm 1996, Luzhniki có thêm vành mái che trên các khán đài. Tới 2013, hầu hết kiến trúc cũ bị phá bỏ để làm một sân vận động mới, nhưng mái che và mặt tiền được giữ lại. Công tác tái thiết hoàn thành năm ngoái.

World Cup 2018 có 7 trận đá ở sân Luzhniki, gồm 4 trận vòng bảng:

14 Tháng Sáu: Nga-Saudi Arabia (Bảng A);

17 Tháng Sáu: Đức-Mexico (Bảng F);

20 Tháng Sáu: Bồ Đào Nha–Morocco (Bảng B);

26 Tháng Sáu: Đan Mạch-Pháp (Bảng C);

một trận vòng 16 ngày 1 Tháng Bảy; một trận bán kết ngày 11 Tháng Bảy và trận chung kết ngày 15 Tháng Bảy.

Otkritie Arena

Bên trong sân Otkritie Arena (hay Spartak). (Hình: Wikipedia via FIFA)

Sân Otkritie được xây dựng trên đất của phi trường Tushino cũ với phí tổn $430 triệu và hoàn thành sau 4 năm vào năm 2014. Tên gọi Otkritie được dùng trong 6 năm theo hợp đồng với ngân hàng tài trợ Otkritiye. Trong Wold Cup 2018 sân được gọi bằng tên Spartak và sau này sẽ là căn cứ của câu lạc bộ bóng đá Spartak Moskva.

Bốn trận World Cup vòng bảng và một trận vòng 16 sẽ được chơi trên sân này.

16 Tháng Sáu: Argentina-Iceland (Bảng D);

19 Tháng Sáu: Ba Lan-Senegal (Bảng H);

23 Tháng Sáu: Bỉ-Tunisia (Bảng G);

27 Tháng Sáu: Serbia-Brazil (Bảng E);

3 Tháng Bảy: Nhất H- Nhì G (vòng 16).

4-Nizhny Novgorod thành phố của Maxime Gorky

Sân vận động Nizhny Novgorod (Hình: Bestalex/Wikimedia Commons)

Nizhny Novgorod cách Moscow 400 km về hướng Đông-Đông Bắc, dân số 1.25 triệu. Từ 1932 đến 1990, thành phố mang tên Maxime Gorky, nhà văn hiện thực Liên Xô sinh quán tại đây.

Nằm trong vùng kinh tế Volga-Vyatka, Nizhny Novgorod là một trung tâm kỹ nghệ, văn hóa giáo dục, khoa học và du lịch với nhiều trường đại học, nhà hát, bảo tàng và giáo đường.

Trong Thế Chiến II, Nizhny Novgorod cung cấp các tiếp liệu quân sự quan trọng cho tiền tuyến như xe tải quân đội của GAZ (Gorkovsky Avtomobilny Zavod). Cho tới 1981 xưởng GAZ đã sản xuất được 10 triệu xe hơi các loại.

Nizhny Novgorod là trung tâm giao thông thương mại lớn từ giữa thế kỷ 19.

Sân vận động Nizhny Novgorod cho FIFA World Cup 2108 khởi công xây dựng từ 2015, chứa được 45,000 khán giả. Có 6 trận đá trên sân này.

Vòng bảng:

18 Tháng Sáu: Thụy Điển-Nam Hàn (Bảng F);

21 Tháng Sáu: Argentina-Croatia (Bảng D);

24 Tháng Sáu: Anh-Panama (Bảng G);

27 Tháng Sáu: Thụy Sĩ-Costa Rica (Bảng E)

1 Tháng Bảy: Nhất Bảng D-Nhì Bảng C (vòng 16)

6 Tháng Bảy: Thắng trận 49 – Thắng trận 50 (vòng tứ kết).

5-Rostov và Sông Đông Êm Đềm

Sân vận động thành phố Rostov-on-Don (Hình:Alexei Druzhinin\TASS via Getty Images)

Rostov-on-Don là thành phố cảng miền Nam nước Nga, nằm bên bờ sông Don cách biển Azov, Hắc Hải, 40km với dân số khoảng 1.1 triệu và cách Moscow 1,000 km về phía Nam. Nhiệt độ trung bình mùa Đông -3 độ C, mùa Hè 22 độ C. Kinh tế phát triển nhờ vị trí địa dư thuận lợi nằm  giữa các trục giao thông đường thủy và đường bộ. Kênh dào nối liền hai con sông Volga và Don hoàn thành năm 1952

Miền đồng bằng Nam là khu vực nông nghiệp sản xuất 1/3 rau quả và dầu hướng dương của Nga. Vùng này được thế giới biết đến nhiều qua những chuyện về dân Cossack sông Don trong văn học cận đại Nga, với các tác giả như Anton Chekhov, Aleksey Tolstoy, Alexander Solzhenitsyn và đặc biệt là bộ trường thiên tiểu thuyết viết trong 14 năm của Mikhail Sholokhov, Sông Đông Êm Đềm (dịch sang tiếng Anh: And Quiet Flows the Don). Sholokhov và Solzhenitsyn là hai văn hào đoạt giải Nobel Văn Chương năm 1965 và 1970 với hai cái nhìn khác nhau về Liên Xô.

Sân vận động Rostov Arena xây dựng từ 2014 đến 2017 có sức chứa 45,000 ghế. Sẽ có 5 trận World Cup trên sân này.

Vòng bảng:

17 Tháng Sáu: Brazil-Thụy Sĩ (Bảng E);

20 Tháng Sáu: Uruguay-Saudi Arabia (Bảng A);

23 Tháng Sáu: Nam Hàn-Mexico (Bảng F);

26 Tháng Sáu: Iceland-Croatia (Bảng D).

Vòng 16:

2 Tháng Bảy: Nhất Bảng G-Nhì Bảng H.

6-Cố đô Saint Petersburg, thành phố của 3 cuộc cách mạng

Sân vận động Krestovsky thành phố Saint Petersburg. (Hình: Peter Kovalev\TASS via Getty Images)

Saint Petersburg do Piotr Đại Đế thành lập năm 1703 làm kinh đô của đế quốc Nga cho triều đại Sa Hoàng giòng họ Romanov cho đến khi bị cách mạng 1917 lật đổ. Nằm hai bên sông Neva ở nơi chảy ra biển Baltic, Saint Petersburg được thiết kế theo kiểu Amsterdam, Hòa Lan, với một hệ thống kênh rạch trong thành phố.

Năm 1914, tên  thành phố được gọi theo tiếng Nga là Petrograd, tránh phải dùng những từ gốc Đức “San” và “burg.” Chính quyền Cộng Sản đổi ra Leningrad từ 1924, đến 1991 khi Liên Xô sụp đổ thì trở về với tên cũ Saint Petersburg.

Saint Petersburg cách Moscow 630 km về hướng Tây-Bắc và với 5.5 triệu dân là thành phố lớn thứ nhì ở Nga. Saint Petersburg cũng được gọi là thành phố 3 cuộc cách mạng: cách mạng 1905 không thành công nhưng đưa tới Hiến Pháp mới năm 1906, cách mạng Tháng Hai 1917 lật đổ Sa Hoàng và thành phần tư sản nắm chính quyền lạm thời, cuối cùng Cộng Sản Bolshevik cướp chính quyền bằng cuộc cách mạng Tháng Mười 1917.

Trong Thế Chiến II, quân Đức không chiếm được Leningrad nhưng bao vây thành phố suốt 872 ngày làm hơn 1 triệu người chết, hầu hết là thường dân do đói và bệnh.

Ngày nay Saint Petersburg là trung tâm kinh tế tài chính và thương mại phát triển, tập trung hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt và đường biển. Saint Petersburg có di sản lịch sử và văn hóa nghệ thuật lớn nhất nước Nga, thành phố hiện còn hơn 8,000 kiến trúc cổ với hàng ngàn di tích lịch sử gồm cung điện, lâu đài, giáo đường, viện bảo tàng, nhà hát,… Mỗi năm 7 triệu du khách trong đó 35% là du khách quốc tế, đến Saint Petersburg.

Sân vận động nằm trên đảo Krestovsky được hoàn thành năm 2017 sau nhiều năm chậm trễ. Krevtovsky Stadium trị giá $1 tỷ với mái che mở ra hay thu vào được tùy theo nhu cầu, sức chứa 67,000 chỗ ngồi, lớn hàng thứ nhì ở Nga sau sân Luzhniki ở Moscow.

Có 7 trận Wold Cup đá trên sân này.

Vòng bảng:

15 Tháng Sáu: Morocco-Iran (Bảng B);

19 Tháng Sáu: Nga-Ai Cập (Bảng A);

22 Tháng Sáu: Brazil-Costa Rica (Bảng E);

26 Tháng Sáu: Nigeria-Argentina (Bảng D);

3 Tháng Bảy:  Nhất Bảng F-Nhì Bảng E (vòng 16);

10 Tháng Bảy: Thắng trận 57-Thắng trận 58 (bán kết) ;

14 Tháng Bảy: Thu trận 61-Thua trận 62 (tranh hạng Ba).

7-Samara, thủ đô dự phòng trong Thế Chiến II

Cosmos Arena gần hoàn thành công tác xây dựng năm 2017. (Hình: Kocmoc Apeha/via FIFA)

Samara (từ 1935 đến 1991 mang tên Kuybyshev) là thành phố lớn hàng thứ 6 ở Nga, nằm bên bờ phía đông sông Volga nơi hợp lưu của sông Samara và Volga, cách Moscow 860 km đường chim bay. Samara ở múi giờ số 4 so với Moscow múi giờ số 3. Tiêu biểu của khí hậu lục địa ở đây là mùa Đông rất lạnh (-10 đô C) và mùa Hè nóng (trên 22 độ C).

Thành phố Samara diện tích 540 km2 có 1.2 triệu dân và toàn khu vực đại đô thị Samara-Tolyatti-Syzran có 3 triệu dân cư. Trong Thế Chiến II khi quân đội Quốc xã Đức xâm lăng, Samara được chọn làm thủ đô dự phòng cho Liên Xô trong trường hợp Moscow thất thủ.

Là trung tâm kỹ nghệ quan trọng trong miền Volga, từ đầu chiến tranh Kuybyshev đã sản xuất máy bay,  vũ khí và đạn dược cung cấp cho tiền tuyến. Năm 1991, Samara lấy lại tên cũ và tiếp tục là thành phố kỹ nghệ hàng đầu về hàng không và không gian.

Cosmos Arena xây dựng từ 2014 đến 2017 với phí tổn $320 triệu, sức chứa 45,600 chỗ, sẽ được gọi là Samara Arena trong World Cup. Bốn trận vòng bảng, một trận vòng 16 và một trận tứ kết sẽ đá trên sân này.

Vòng bảng

17 Tháng Sáu: Costa Rica-Serbia (Bảng E);

21 Tháng Sáu: Đan Mạch-Australia (Bảng C);

25 Tháng Sáu: Uruguay-Nga (Bảng A);

28 Tháng Sáu: Senegal-Colombia (H);

2 Tháng Bảy: Nhất Bảng E-Nhì Bảng F (vòng 16)

7 Tháng Bảy: Thắng trận 55-Thắng trận 56 (vòng tứ kết).

 

8-Saransk và Mordovia Arena

Sân Mordovia Arena còn đang xây cất năm 2017 (Hình: Lars Baron/Getty Images)

Thành phố Saransk, cách 600 km về phía Nam-Đông Nam Moscow, là thủ đô của nước Cộng Hòa Mordovia trong Liên Bang Nga, dân số 300,000 chiếm khoảng 35% cả nước. Thuộc vùng khí hậu lục địa ẩm, mỗi năm 5 tháng nhiệt độ dưới 0 độ C, từ Tháng Tư đến Tháng Mười nhiệt độ trung bình giữa 0 độ C và 10 độ C.

Được thành lập giữa thế kỷ 17, Saransk còn lại nhiều kiến trúc cổ và một số tượng đài văn hóa. Thành phố chỉ có một phi trường nhỏ dùng cho đường bay nội địa. Liên lạc với Moscow hàng ngày là bằng đường xe lửa.

Mordovia Arena, sân vận động trị giá $300 triệu được khởi công xây dựng từ 2010 và vừa hoàn thành, có sức chứa 44,442 chỗ ngồi, chủ yếu dùng cho Worl Cup 2018. Sau đó sẽ gỡ bỏ bớt một số ghế chỉ giữ lại khoảng 28,000. Cỏ trên sân mua từ Canada và 37 km đường ống chuyển hơi ấm dưới mặt đất để giữ cho cỏ sống được.

Sẽ chỉ có 4 trận vòng bảng đấu trên sân này:

16 Tháng Sáu: Peru-Đan Mạch (Bảng C);

19 Tháng Sáu Colombia-Nhật (Bảng H);

25 Tháng Sáu Iran- Bồ Đào Nha (Bảng B);

28 Tháng Sáu Panama-Tunisia (Bảng G).

 

9-Sochi, thành phố của Olympic Mùa Đông

Sân Fisht Olympic Stadium ở Sochi. (Hình: Vitaly Timkiv/AFP/Getty Images)

Sochi là thành phố bên bờ Hắc Hải, nơi diễn ra Thế Vận Hội Mùa Đông 2014, cách xa Moscow 1,360 km về hướng Nam. Diện tích 175 km2, dân số 350,000, Sochi là thành phố nghỉ mát lớn nhất ở Nga, khí hậu tiếp nhiệt đới ẩm, nhiệt độ trung bình tháng 1 là 9.6 độ C và Tháng Bảy là 23.2 độ C, mỗi năm 189 ngày mưa và chỉ 20 ngày có tuyết.

Fisht Olympic Stadium. Khánh thành năm 2013 với phí tổn $780 triệu, Fisht là sân vận động có mái che bằng nhựa tổng hợp, dùng cho lễ khai mạc và bế mạc Thế Vận Hội Mùa Đông 2014 ở Sochi.

Năm 2015, dự án $46 triệu được thực hiện để cải tạo sân Fisht thành một sân vận động ngoài trời thích ứng cho giải FIFA Confederations Cup và FIFA World Cup. Sân chứa được 47,659 khán giả và sau World Cup sẽ giảm xuống còn 40,000.

Sáu trận World Cup chơi trên sân Fisht bao gồm:

15 Tháng Sáu: Bồ Đào Nha-Tây Ban Nha (Bảng B);

18 Tháng Sáu: Bỉ-Panama (Bảng G); 23/6 Đức-Thụy Điển (Bảng F);

26 Tháng Sáu: Australia-Peru (Bảng C) – 30/6 Nhất Bảng A-Nhì Bảng B(vòng 16)

7 Tháng Bảy: Thắng trận 51-Thắng trận 52 (vòng tứ kết).

 

10-Volgograd thành phố bên bờ sông Volga

Sân Volgograd Arena thành phố Volvograd. (Hình: Dmitry Rogulin\TASS via Getty Images)

Volgograd cách Moscow 913 km đường chim bay về hướng Nam-Đông Nam. Từ giữa thế kỷ 16 thành phố đã ba lần đổi tên: trong thời Nga hoàng là Tsaritsin,  đến 1925 Liên Xô đổi ra Stalingrad, khi Stalin chết và sau đó bị hạ bệ, thành phố được gọi là Volgograd – thành phố vùng sông Volga – từ 1961 và tên đó tồn tại đến nay.

Thành phố này nổi tiếng vì đã xảy ra trận đánh lớn nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới. Năm 1942 Đức Quốc Xã tiến đánh Liên Xô và thành phố, thời đó mang tên Stalingrad, là điểm xa nhất quân Đức đã đẩy lui Hồng quân trên chiến tuyến dài 1,500 cây số với hơn 1 triệu quân mỗi bên. Nhưng Hồng quân cố thủ trong thành phố, kéo dài sự kháng cự và phản công qua ba tháng mùa đông. Kết quả toàn thể quân đoàn 6 của Đức bị bao vây và phải đầu hàng, hơn 200,000 quân Đức bị bắt làm tù binh. Tổn thất nhân mạng của hai phía kể cả thường dân trong trận này lên tới gần 2 triệu.

Volgograd ngày nay là thành phố kỹ nghệ quan trọng với các ngành luyện kim, đóng tàu, lọc dầu, cơ khí và hóa chất.

Sân vận động Volgograd Arena mới được xây dựng trong hai năm gần đây nhằm phục vụ World Cup 2018, có sức chứa 45,500 chỗ ngồi. Bốn trận vòng bảng sẽ đấu trên sân này.

18 Tháng Sáu: Tunisia-Anh (Bảng G);

22 Tháng Sáu: Nigeria-Iceland (Bảng D);

25 Tháng Sáu: Saudi Arabia-Ai Cập (Bảng A);

28 Tháng Sáu: Nhật-Ba Lan (Bảng H).

 

11-Yekaterinburg nơi Sa Hoàng bị Cộng Sản thủ tiêu

Sân vận động chính thành phố Yekaterinburg, (Hình:Asahi Shimbun/via Getty Images)

Trong số 11 thành phố có các trận World Cup 2018 thì Yekaterinburg là nơi xa nhất,  cách Moscow 1,415 km đường chim bay  về hướng Đông, ở miền trung dãy núi Ural, ranh giới Châu Âu-Châu Á. Yekaterinburg dùng múi giờ thứ 5 nghĩa là sớm hơn 2 giờ so với 9 thành phố khác có World Cup (trừ Samara ở múi giờ số 4 và Kaliningrad múi giờ số 2).

Yekaterinburg nghĩa là thành phố của Yekaterina, do Pyotr Đại Đế (Peter the Great), Sa Hoàng đầu tiên của đế quốc Nga lấy tên Hoàng Hậu Yekaterina (Catherine I) đặt cho thành phố.

Hiện nay Yekaterinburg, 1.4 triệu dân, là thành phố lớn hàng thứ tư của Nga, sau Moscow, Saint Petersburg, Novosibirsk.

Do vùng núi Ural giầu tài nguyên hầm mỏ, vào cuối thế kỷ 19, Yekaterinburg đã phát triển thành một trung tâm kỹ nghệ quan trọng và phong trào công nhân vô sản hoạt động rất mạnh ở đây.

Sau cách mạng 1917, vị Sa Hoàng Nicholas II bị bắt đưa về quản thúc ở thành phố xa xôi này. Một đêm Tháng Bảy năm 1918, vị Sa Hoàng cuối cùng này và gia đình thân quyến 11 người bị ủy ban cách mạng (soviet) Ural hành quyết tập thể và thủ tiêu theo lệnh của Yakov Sverdlov, chủ tịch Ban Bí Thư đảng Cộng Sản Bolshevik toàn Nga. Từ 1924, thành phố mang tên Sverdlov cho đến 1991 khi Liên Xô sụp đổ mới trở lại là Yekaterinburg.

Khí hậu Yekaterinburg thuộc loại lục địa ẩm, nhiệt độ trung bình trong Tháng Giêng là -12.5 độ C và Tháng Bảy là +19 độ C. Yekaterinburg là cửa ngõ đi sang Tây Bá Lợi Á và miền Viễn Đông, một nút tập trung nhiều đường sắt và đường bộ. Trung bình 2 người dân có một xe hơi, thành phố nhiều cao ốc và kiến trúc cổ, kỹ nghệ du lịch rất phát triển với 4 triệu du khách mỗi năm.

Central Stadium xây dựng năm 1957 và công cuộc tái thiết hoàn thành năm 2017, là sân vận động dùng cho nhiều hoạt động thể thao mùa Hè và mùa Đông. Trong giải World Cup, sân được trang bị 35,700 ghế ngồi và sau này sẽ giảm xuống còn 23,000.

Bốn trận World Cup vòng bảng đá trên sân này.

15 Tháng Sáu: Ai Cập-Uruguay (Bảng A);

21 Tháng Sáu: Pháp-Peru (Bảng C);

24 Tháng Sáu: Nhật-Senegal (Bảng H);

27 Tháng Sáu: Mexico-Thụy Điển (Bảng F).

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT