Thursday, April 25, 2024

Chiến hạm Mỹ tuần tra sát bãi đá Vành Khăn, Trường Sa

KHÁNH HÒA (NV) – Khu trục hạm John S. McCain vừa dạo một vòng bên trong phạm vi 12 hải lý của bãi đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa. Bãi đá này đã bị Trung Quốc bồi đắp thành đảo nhân tạo.

Các viên chức hữu trách của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ bảo với Reuters rằng, hoạt động của USS John S.McCain là một phần của chiến dịch bảo vệ quyền tự do lưu thông tại biển Đông.

Tính từ khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống Hoa Kỳ thì đây là lần thứ hai hải quân Hoa Kỳ điều động chiến hạm tiến vào bên trong phạm vi 12 hải lý của các đảo tự nhiên và đảo nhân tạo tại biển Đông – những thực thể mà Trung Quốc xác lập có “chủ quyền không thể tranh cãi”.

Theo luật pháp quốc tế, phạm vi 12 hải lý quanh các hòn đảo là vùng biển bất khả xâm phạm vì thuộc chủ quyền của quốc gia sở hữu những đảo đó. Qui định này chỉ áp dụng với các đảo tự nhiên.

Tháng trước, ngày 2 tháng 7, hải quân Hoa Kỳ từng điều động Khu trục hạm USS Stethem tiến vào tuần tra bên trong vùng biển thuộc phạm vi 12 hải lý của đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa. Tri Tôn là đảo tự nhiên và Trung Quốc đã cưỡng đoạt đảo này từ tay Việt Nam hồi đầu năm 1974.

Nói cách khác, Hoa Kỳ không chỉ phủ nhận yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa mà còn không chấp nhận tuyên bố về chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa.

Trước đây, dưới thời Tổng thống Obama, hải quân Hoa Kỳ đã từng điều động ba khu trục hạm tiến vào bên trong phạm vi 12 hải lý của bãi đá Subi (tháng 10 năm 2015), bãi đá Chữ Thập (tháng 5 năm 2016) ở quần đảo Trường Sa và đảo Tri Tôn ở quần đảo Hoàng Sa (tháng 1 năm 2016) để tuần tra.

Tuy liên tục tuyên bố sẽ duy trì hoạt động tuần tra để bảo vệ quyền tự do lưu thông ở biển Đông đúng như qui định của luật pháp quốc tế nhưng những cuộc tuần tra như vừa kể không nhiều. Các chuyên gia về châu Á nhận định đó là vì Hoa Kỳ lúng túng giữa một bên là nhu cầu cần trấn an các quốc gia Đông Nam Á, rộng hơn là trấn an các đồng minh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương về cam kết “tái cân bằng trọng tâm chiến lược”, chuyển trục sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bên còn lại là cần sự hợp tác của Trung Quốc để kiềm chế chuyện phát triển vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn.

Rất khó khẳng định Hoa Kỳ có và còn lúng túng như thế hay không nhưng cuối tháng trước, tại một cuộc thảo luận về quân sự giữa Hoa Kỳ và Nhật ở Washington D.C, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của quân đội Hoa Kỳ, nhận định, Trung Quốc, Bắc Hàn và Nhà nước Hồi giáo là ba ẩn họa ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Vị đô đốc này nhấn mạnh, một mặt, cộng đồng quốc tế cần thúc giục Trung Quốc – đồng minh của Bắc Hàn – phải tích cực hơn trong việc ngăn chặn Bắc Hàn thử hỏa tiễn, mặt khác phải kềm chế sự hung hăng của Trung Quốc ở biển Đông. Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của quân đội Hoa Kỳ khẳng định, cả hai việc này cần được tiến hành song song, giống như vừa đi bộ, vừa nhai kẹo cao su, không hề mâu thuẫn với nhau.

Theo Đô đốc Harris, bởi Trung Quốc đang cố gắng khẳng định quyền lực tại biển Đông trước Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Đài Loan, thành ra cộng đồng quốc tế phải rạch ròi trong chuyện đồng ý cùng Trung Quốc làm gì và dứt khoát không chấp nhận để Trung Quốc làm gì. Đó cũng là lý do Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của quân đội Hoa Kỳ sẽ “thuyết phục Trung Quốc hợp tác, hành động theo trật tự quốc tế”. (G.Đ)

Tin đồn Trần Bắc Hà sẽ bị bắt, thị trường vốn Việt Nam mất $2 tỉ

MỚI CẬP NHẬT