Thursday, May 16, 2024

Củ nghệ có giúp ích cho sức khỏe?

JACKSONVILLE, Florida (NV) – Hàng ngàn năm qua, củ nghệ được dùng như gia vị và dược phẩm. Trong những thập niên gần đây, nghệ dần dần phổ thông như thuốc viên bổ trợ, được bán dưới dạng curcumin – hợp chất hóa học có trong nghệ khô – nó được cho là có thể làm dịu cơn đau khớp, giảm viêm và cải thiện linh hoạt trong vận động.

Tại Thái Lan, nghệ thường được dùng dưới dạng gia vị hoặc thuốc viên bổ trợ nhằm dập tắt các triệu chứng tiêu hóa, như đầy hơi và khó tiêu, Tiến Sĩ Krit Pongpirul, giáo sư y học dự phòng và xã hội tại đại học Chulalongkorn University ở Bangkok cho biết. Nhưng chỉ có thiểu số những nghiên cứu nhỏ đánh giá được lợi ích nêu trên.

Củ và bột nghệ (Hình: Karl Solano/Pexels)

Trong một thí nghiệm công bố hôm Thứ Hai, 11 Tháng Chín, trên tạp chí BMJ Evidence-Based Medicine, Tiến Sĩ Pongpirul và các đồng sự đã thử xem liệu uống viên bổ trợ curcumin có thể giúp bệnh nhân mắc chứng khó tiêu, một loại bệnh đường tiêu hóa phổ biến gây đau dạ dày và no, buồn nôn và đầy hơi sau bữa ăn.

Trong tám tuần thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã chia 206 người mắc chứng khó tiêu thành ba nhóm ngẫu nhiên: một nhóm dùng 20 milligram omeprazole (thuốc làm giảm acid dạ dày) mỗi ngày một lần; nhóm còn lại dùng hai viên curcumin 250 milligram bốn lần một ngày; và một phần ba dùng cả omeprazole và curcumin với liều lượng nêu trên mỗi ngày.

Có 151 bệnh nhân đã hoàn tất nghiên cứu, sau bốn và tám tuần, cả ba nhóm đều đưa ra mức giảm tương đương nhau, các triệu chứng như đau, ợ hơi, ợ nóng và đầy hơi.

Theo Tiến Sĩ Pongpirul, chất curcumin dường như có hiệu quả giảm các triệu chứng khó tiêu tương đương omeprazole. Nghiên cứu không ghi nhận nhiều tác dụng phụ, mặc dù các tác giả lưu ý rằng cần có các nghiên cứu lâu dài hơn, đánh giá rủi ro và lợi ích của viên uống bổ trợ.

Tiến Sĩ Brian Lacy, bác sĩ chuyên khoa dạ dày-ruột, đồng giáo sư y khoa tại Mayo Clinic ở Jacksonville, Florida, cho biết qua điện thư với The New York Times, rằng mặc dù đây là những kết quả đầy hứa hẹn, ông sẽ phải cân nhắc dè dặt khi giới thiệu chất bổ trợ curcumin cho bệnh nhân nếu chỉ dựa trên nghiên cứu này.

Kết quả sẽ thuyết phục hơn nếu nghiên cứu cho một nhóm dùng thuốc giả (placebo, tức là thuốc không có tác dụng gì), ông nói. Nếu không có, thì không thể biết được phản ứng của người tham gia là do điều trị, hiệu ứng tâm lý từ thuốc giả, hay do thời gian qua đi.

Nhưng Tiến Sĩ Mahtab Jafari, giáo sư khoa học dược phẩm tại đại học University of California, Irvine, lưu ý rằng bệnh nhân bị đau dạ dày-ruột không nên dùng curcumin mà không tham khảo y tế phù hợp. Và bởi vì thuốc viên bổ trợ không được quản lý chặt chẽ, nên cần phải lưu tâm một cách hệ trọng.

Trong một đánh giá sâu rộng công bố hồi Tháng Ba, Tiến Sĩ Janet Funk, giáo sư y khoa tại đại học University of Arizona và các đồng sự đánh giá 389 thử nghiệm lâm sàng về cách hấp thu thêm curcumin có thể ảnh hưởng tới các thể trạng khác nhau, gồm có tiểu đường loại 2, viêm khớp, bệnh tiêu hóa, ung thư và chứng mất trí.

Viên curcumin dùng để uống cũng được phát hiện có vài chất gây ô nhiễm có hại. Trong một nghiên cứu công bố năm 2018, Tiến Sĩ Funk và các đồng sự phân tích 35 chất có bổ trợ curcumin, và phát giác có chì trong các loại, trừ một sản phẩm.

Trước những quan ngại về độ thuần khiết và an toàn của các loại viên uống nghệ, cách dùng hữu hiệu nhất của loại thảo dược này đã có từ lâu đời: “Mua củ nghệ đẹp, xay nhuyễn, rồi cho vào thức ăn và thưởng thức,” Tiến Sĩ Jafari nói. (TTHN)

MỚI CẬP NHẬT