Tuesday, May 14, 2024

Hơi thở bò đủ gây ô nhiễm, New Zealand tìm cách giảm khí thải từ gia súc

HAMILTON, New Zealand (NV) – New Zealand đang có 10 triệu con bò và 26 triệu con cừu. Để đạt được các mục tiêu về khí hậu, quốc gia này phải hạn chế lượng phát thải mạnh khí methane từ chăn nuôi, bằng cách ứng dụng khoa học và chính sách.

Đầu của con bò đực hụp vô trong cái nón trùm đầu bằng nhựa màu xanh lá cây. Nó ngoạm lấy mấy viên thức ăn khô, nhai, vẫy lỗ tai rồi thở ra một hơi. Cái nón trùm đầu được gắn vào một bộ phận có bánh xe trông khá giống lò nướng bánh pizza di động kỹ nghệ cao.

Nhưng thứ duy nhất cần làm ở đây là phép đo chính xác lượng khí methane, một loại khí rất mạnh có tác động làm nóng lên toàn cầu cao gấp 84 lần so với carbon dioxide (CO2) trong khoảng thời gian 20 năm.

Đàn cừu gặm cỏ trên đồi ở New Zealand (Hình: Gabriel Peter/Pexels)

Hơi thở của con bò đực, chứa đầy khí từ đường tiêu hóa, được hút bằng một cái quạt với vận tốc 40 liter (8.8 gallon) một giây và được đo bằng loại dụng cụ có tên là hệ thống GreenFeed.

Sau vài phút ăn bữa phụ, tiếng ợ và hơi thở của con bò đực được phân tích để vạch ra một bức tranh về lượng khí methane mà hệ thống tiêu hóa của nó thải ra. Lorna McNaughton, khoa học gia cấp cao tại hợp tác xã kỹ nghệ nông nghiệp thuộc công ty Livestock Improvement Corporation (LIC) tại New Zealand, đang suy xét kỹ lưỡng dữ liệu trên màn hình máy tính. Một vài con bò đực thở ra nhiều khí methane hơn, một số con thì ít hơn.

Những con bò đực, trong độ tuổi từ sáu tới 15 tháng, như “những đứa trẻ vị thành niên, có đủ mọi trò nghịch ngợm,” McNaughton cho biết. Chúng bị lôi kéo vào hệ thống máy GreenFeed sáu lần một ngày với một bữa ăn nhẹ ngon lành gồm vài khối cỏ khô Lucerne “như những viên kẹo chúng được thưởng khi làm được việc,” bà nói. Thời gian chúng ở trong chuồng kéo dài khoảng 40 ngày, vì vậy các nhà nghiên cứu có thể theo dõi chặt chẽ lượng thức ăn và mức tăng cân cùng với hành động ợ hơi.

Từ năm 2021, LIC và một hợp tác xã chăn nuôi gia súc khác, CRV Ambreed, bắt tay để đo lượng khí methane của 800 con bò đực tơ và con số tiếp tục tăng. Đây là bước đi đầu tiên trong việc nhân giống bò sữa tạo ra ít khí methane một cách tự nhiên – phương pháp mà New Zealand đang hy vọng cắt giảm lượng khí thải nhà kính mạnh và tồn tại trong thời gian ngắn.

New Zealand đang có mức phát thải bất thường, một phần do 10 triệu con gia súc và 26 triệu con cừu đang sinh sống tại quốc gia này. Gần một nửa khối lượng khí thải của New Zealand bắt nguồn từ nông nghiệp. Riêng khí methane chiếm tới 43% tổng khối lượng khí thải, trong đó phần lớn khí methane (hơn 85%) là từ chăn nuôi.

Không như carbon dioxide tồn tại trong nhiều thế kỷ, phần lớn khí methane chỉ tồn tại trong khoảng một thập niên. Điều này có nghĩa là việc giải quyết khí methane là một đòn bẩy mạnh mẽ: giảm 30% lượng khí thải methane vào năm 2030 trên toàn cầu, theo Cam Kết Methane Toàn Cầu, có thể loại bỏ hiện tượng nóng lên trên 0.2 độ C (0.36 độ F) vào năm 2050.

New Zealand là một trong hơn 100 quốc gia ghi tên vào Cam Kết Khí Methane Toàn Cầu. Nhưng trong khi các quốc gia khác tập trung vào việc bịt các lỗ hổng rò rỉ từ các mỏ dầu và đường ống dẫn khí đốt tự nhiên, thì trọng tâm của New Zealand là khí methane do vi khuẩn tạo ra trong đường tiêu hóa của vật nuôi gia súc và thải vào khí quyển. Quốc gia Úc Châu từ lâu coi đây là một thị trường ngách mà họ có thể vượt qua giới hạn của mình – và họ sẽ cần phải làm như vậy nếu mong muốn đạt được các mục tiêu về khí hậu.

Mục tiêu kép của New Zealand, được thiết lập theo luật định năm 2019, nhằm tìm cách giảm 10% lượng khí methane sinh học (từ cả động vật và chất thải) so với mức năm 2017 vào năm 2030, và 24% tới 47% vào năm 2050. Đổi lại, mục tiêu này phải nhất quán với những nỗ lực toàn cầu nhằm duy trì nhiệt độ dưới 1.5 độ C, thông qua cam kết quốc tế của quốc gia theo Thỏa Thuận Paris.

Năm 2022, New Zealand công bố chiến lược hạn chế khí nhà kính và chuyển qua một tương lai phát thải thấp trong kế hoạch giảm phát thải. Trong lãnh vực nông nghiệp – được coi là lãnh vực chính yếu do chiếm một phần đáng kể trong tổng khối lượng khí phát thải – các kế hoạch về cơ chế định giá khí thải đầu tiên trên thế giới được đưa ra cùng với việc thúc đẩy phát triển kỹ nghệ giảm bớt khí thải.

Từ khi thành lập, có khoảng 90 triệu đô la New Zealand ($56 triệu) được đầu tư vào nghiên cứu, hạ tầng cơ sở và năng lực thông qua NZAGRC, Trung Tâm Nghiên Cứu Khí Nhà Kính Nông Nghiệp New Zealand. Một đánh giá năm 2018 thừa nhận nghiên cứu này là “thử thách về mặt khoa học” và nhận thấy “sự thiếu hụt trong các phương pháp giảm thiểu khả thi và thực tế”. Theo đánh giá, các phương pháp tiếp cận có sẵn – chủ yếu là thay đổi cách quản lý vận hành tại trang trại, như tần suất vắt sữa – sẽ chỉ giúp giảm lượng khí thải ở mức tốt nhất là 10%.

Chất ức chế khí methane có thể là một trong những loại kỹ nghệ được phát triển kịp thời. Một hoạt chất đã có mặt trên thị trường quốc tế: một loại phụ gia thức ăn chăn nuôi do Hà Lan phát triển có tên Bovaer. Hợp chất này làm giảm 30% khối lượng khí thải methane từ bò sữa – nhưng chỉ ở động vật chăn nuôi nó mới có thể được thêm vào từng ngụm. Điều này gây khó khăn cho việc thực hiện trong hệ thống chăn thả rong ngoài đồng cỏ của New Zealand, nơi gia súc ở ngoài trời nhai cỏ. “Chúng ta cần tìm ra một phương pháp hiệu quả để làm cho mọi thứ khả thi và có hiệu quả về mặt kinh tế trong hệ thống chăn nuôi,” Sinead Leahy, cố vấn khoa học chính tại NZAGRC nói. (TTHN)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT