Thursday, April 25, 2024

Nắng nóng gay gắt, cháy rừng dữ dội, bao phủ Miền Tây nước Mỹ

SONOMA, California (AP) – Các trang trại trồng nho phải đổi giờ gặt hái vào buổi tối để mát mẻ hơn và các chuyến xe lửa chở hành khách ra vào thành phố phải chạy chậm lại vì sợ rằng thời tiết nóng nhất trong lịch sử vùng San Francisco Bay Area có thể làm đường rầy bị cong lên, giữa khi khí hậu gay gắt và các đám khói dày đặc vì cháy rừng bao phủ khắp bầu trời vùng miền Tây nước Mỹ.

Tại Los Angeles, một đám cháy rừng ở ngay phía Bắc trung tâm thành phố hôm Thứ Bảy đã nhanh chóng lan rộng và trở thành lớn nhất trong lịch sử thành phố, theo lời Thị Trưởng Eric Garcetti.

Giới chức cứu hỏa cho hay họ hy vọng sẽ ngăn chặn được sự lây lan của ngọn lửa nếu gió không trở nên mạnh mẽ hơn.

Cháy rừng cũng đang tiến vào khu vực có các cây sequoia có độ tuổi vào khoảng 2,700 năm, gần khu Lâm Viên Quốc Gia Yosemite và các đám cháy cũng khiến người dân phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn ở các tiểu bang Washington, Oregon, Montana, cùng nhiều khu vực khác đang phải đối phó với cơn nắng nóng từ một tuần nay.

Thành phố San Francisco đạt kỷ lục cho nhiệt độ nóng nhất trong ngày, trước giữa trưa, là 94 độ F. Trưa ngày Thứ Bảy, nhiệt độ nơi đây là 101 độ F, còn nóng hơn cả Phoenix.

Hôm Thứ Sáu, nhiệt độ thành phố ven biển này là 106 độ F, còn nóng hơn cả Phoenix ở Arizona và cũng là lần thứ ba kể từ khoảng năm 1870 tới nay mà thành phố liên tiếp có  những ngày nhiệt độ lên tới 100 độ hoặc hơn.

Khu vực Bay Area nóng đến nỗi giới chức điều hành hệ thống xe lửa chuyên chở hành khách trong khu vực (BART) phải chậm lại vì sợ rằng đường rầy có thể bị giãn nở, theo lời nữ phát ngôn viên Alicia Trost.

Một chủ nhà ở Sun Valley, phía Bắc Los Angeles xịt nước lên mái để giảm nguy cơ bén lửa từ cháy rừng. (Hình: Paul Rodriguez/The Orange County Register via AP)

Trong khi đó, tại San Diego, một hiện tượng thời tiết lạ lùng hiếm thấy đã xảy ra khi nhiệt độ bất ngờ lên tới 90 độ F ở trung tâm thành phố lúc rạng sáng hôm Chủ Nhật, do một mảng lớn khí nóng thổi từ sa mạc đến vùng bờ biển.

Hiện tượng này xảy ra là vì tàn dư bão nhiệt đới Lidia làm thay đổi vòng xoay trong bầu khí quyển, đẩy khí nóng từ hướng Đông sang Tây. Gió sau đó đột nhiên đổi chiều lúc 8 giờ sáng và nhiệt độ tại San Diego giảm xuống còn 77 độ.

“Tôi làm việc trong khu vực này từ 17 năm nay và tôi nghĩ điều này trước đây chỉ từng thấy xảy ra có một lần,” theo lời ông Phil Gonsalves, một chuyên gia khí tượng của NWS. (V.Giang)

MỚI CẬP NHẬT