Friday, April 26, 2024

Ông già Noel ở đâu đêm Giáng Sinh?

Đỗ Dzũng/Người Việt

Đây là câu hỏi của hầu như tất cả trẻ em trên thế giới, đặc biệt trẻ em tại Hoa Kỳ, trong đêm Giáng Sinh, 24 Tháng Mười Hai mỗi năm.

Đây là thời điểm các em mơ ước ông già Noel sẽ ghé qua đưa món quà các em ưa thích.

Truyền thuyết này, cho tới tận ngày nay, được truyền đi khắp thế giới, cho dù ông già Noel có thật hay không.

Tại Hoa Kỳ, trong đêm Giáng Sinh, nhà nào có con nhỏ cũng chứng kiến các em thường mong ngóng, hồi hộp nhìn ra cửa sổ, với hy vọng được nhìn thấy “ông.” Có em đòi cha mẹ đưa ra ngoài để nhìn lên bầu trời… và chờ đợi..

Có thật hay không không biết, nhưng tại Hoa Kỳ, các em có thể biết ông già Noel đang ở đâu, đi tới đâu, nhờ việc làm của Trung Tâm Chỉ Huy Phòng Không Bắc Mỹ, gọi tắt là NORAD, có tổng hành dinh ở Colorado Springs, tiểu bang Colorado.

Trong đêm Giáng Sinh, các bậc cha mẹ chỉ cần mở máy điện toán lên, vào trang web https://www.noradsanta.org/ là có thể cho các em biết ông già Noel đi tới nơi nào trên thế giới.

Năm ngoái, có 22 triệu lượt người vào thăm trang web của NORAD, theo cơ quan này cho biết.

Thêm vào đó, với phương tiện mạng xã hội phong phú ngày nay, các em có thể “đi theo” ông già Noel qua Twitter, Facebook, và Instagram trên iPhone, Android, và Windows app.

Ngoài ra, nếu các em muốn nói chuyện với “ông già Noel” để biết “ông” đang ở đâu, phụ huynh có thể giúp các em gọi số điện thoại 1-877-446-6723 để các em nói chuyện.

“Ông già Noel” nói chuyện với các em thực ra là các tình nguyện viên trực đường đây điện thoại để trả lời cho các em.

Có khi họ là những nhân vật nổi tiếng, hoặc các giới chức chính quyền.

Năm 2010, Đệ Nhất Phu Nhân Michelle Obama tham gia trực điện thoại cho NORAD để trả lời và nói chuyện với các em.

Đệ Nhất Phu Nhân Michelle Obama trả lời điện thoại cho các em. (Hình: Pete Souza/White House)

Ví dụ, một em sẽ hỏi: “Ông già Noel chừng nào đến vậy?”

Tình nguyện viên sẽ trả lời: “Ông già Noel đang trên đường đến,” sau khi hỏi em đang ở đâu và sẽ cho em biết “ông già Noel” vừa rời nơi nào và hiện đang ở nơi nào, thường là quốc gia, hoặc thành phố, hoặc tiểu bang.

Theo CNN, mỗi tình nguyện viên này trả lời chừng 40 cú điện thoại của các em trong mỗi giờ đồng hồ.

Mỗi năm, cả nhóm trung bình nhận và trả lời khoảng 12,000 email và khoảng 70,000 cú điện thoại không chỉ ở Mỹ mà từ nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Tuy nhiên, các con số này ngày càng tăng vì dân số tăng.

Theo NORAD cho biết, năm 2016, có hơn 1,400 tình nguyện viên tham gia, trả lời 154,192 cú điện thoại, một con số kỷ lục, và tương đương 1.8 cú điện thoại mỗi giây đồng hồ.

Hầu hết những cú điện thoại gọi vào và email gởi vào NORAD trong khoảng 25 giờ, từ 2 giờ sáng ngày 24 đến 3 giờ sáng ngày 25 Tháng Mười Hai.

Truyền thống này của Hoa Kỳ bắt đầu từ năm 1955 khi một quảng cáo của công ty Sears nói rằng họ có thể giúp các em nói chuyện với “ông già Noel” qua điện thoại.

Tuy nhiên, khi in số điện thoại để các em gọi vào, họ in thiếu một con số, té ra, đây là số điện thoại của Bộ Chỉ Huy Phòng Không Lục Địa (CONAD).

Hôm đó, trực chỉ huy là Đại Tá Harry Shoup, nhận được vô số cú điện thoại của các em hỏi “ông già Noel” đang ở đâu.

Thế là ông ra lệnh cho các thuộc cấp theo dõi radar và trả lời cho các em.

Kể từ đó, mỗi mùa Noel CONAD đều phụ trách việc này. Đến năm 1958, NORAD thay CONAD làm việc này cho đến ngày nay.

Có một điều quan trọng mà các tình nguyện viên đều được căn dặn, đó là giúp các phụ huynh một chút trong đêm Noel, để các em không phải thức trắng đêm chờ đợi “ông già Noel.”

Khi các em nằng nặc muốn biết chính xác lúc nào “ông già Noel” đến, tình nguyện viên luôn trả lời: “Ông chỉ đến nhà em khi nào em lên giường và đi ngủ.” (Đỗ Dzũng)

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Năm, 21 tháng 12 năm 2017

MỚI CẬP NHẬT