Saturday, April 27, 2024

Ngày đầu Xuân, thăm người dưới mộ

Kalynh Ngô

Ngày đầu năm mới của Tết Nguyên Đán, nghĩa trang Westminster (Memorial Park Cemetery) ở Little Saigon tràn ngập không khí mùa Xuân. Cũng pháo nổ đì đùng, hoa tươi rực rỡ. Đây là một địa điểm mà vào những dịp lễ lớn của nước Mỹ hoặc ngày Tết truyền thống của dân tộc Việt Nam, cộng đồng Việt tỵ nạn, từ người địa phương cho đến khách phương xa đều ghé đến.

Một ông cụ với mái tóc không còn sợi đen, ngồi xếp bằng theo kiểu kiết già trước một nấm mộ. (Hình: Kalynh)

Không biết những cộng đồng khác thế nào, chứ người Việt tỵ nạn thật hay. Họ cùng nhau ly hương, vượt thoát, cùng nhau tề tựu, tạo thành một cộng đồng ngày càng to mạnh theo nhiều thế hệ. Rồi khi nằm xuống, họ cũng chọn nằm gần với nhau. Họ ra đi mang theo văn hoá “xóm giềng” của người Việt Nam, cả khi về với đất.

Có gia đình mang theo những chiếc ghế nhỏ rồi ngồi quanh, ở giữa là một tấm bảng khắc tên người dưới mộ. Họ luôn có nhau.

Một ông cụ với mái tóc không còn sợi đen, ngồi xếp bằng theo kiểu kiết già trước một nấm mộ. Ban đầu, tôi tưởng đó là…vợ của ông. Tôi hỏi, “người nằm đây là…”

– Mẹ của tôi. Bà mất năm 2006.
– Năm nay ông bao nhiêu tuổi?
– Tôi 82 tuổi.
– Ông đến đây bằng gì?
– Tôi đi xe bus đến đây. Họ thả tôi gần đây.
– Có một mình ông thôi sao?
– Mấy đứa con tôi nó đi là ngày này.

Ông cụ loay hoay tìm bật lửa để thắp nhang. Sáng hôm đó gió khá mạnh. Không dễ để đốt cháy những bó nhang. Tay ông thì lại run. Cái bật lửa không chịu nghe lời ông lão tên Tư, 82 tuổi, đi viếng mộ mẹ.

Nghĩa trang Westminster tọa lạc ngay trung tâm của thủ đô người Việt tỵ nạn. Bốn năm trước, có một người quen nói với tôi rằng: “Những ngày cận Tết, ra nghĩa trang Westminster vui lắm.” Thật lòng khi ấy, tôi chưa cảm nhận được đó là cái sự vui gì? Nhưng chiều hôm ấy, tôi nhớ đâu khoảng 27, 28 Tết, tôi đến nghĩa trang Westminster, và thật sự là “Vui.”

Ngày đầu năm mới của Tết Nguyên Đán, nghĩa trang Westminster (Memorial Park Cemetery) ở Little Saigon tràn ngập không khí mùa Xuân (Hình: Kalynh)

Hiện diện trong nghĩa trang là người nhà của người nằm dưới mộ. Họ đến để lau chùi bia mộ, thay hoa mới, trò chuyện với gia đình người nằm bên cạnh. Có cả những người từ tâm lau chùi sạch sẽ nấm mộ gần đó không có (hoặc chưa có) người thân đến thăm. Khi ấy, tôi đã hiểu cái sự vui ấy là gì.

Bốn năm sau, vẫn là truyền thống ấy, và càng vui hơn vì hôm đó là mùng Một Tết. Gia đình con cháu, bạn bè trong trang phục áo dài, mang những bó hoa đẹp nhất đến chúc Tết người đã khuất. Họ mang theo cả pháo để đốt trong nghĩa trang. Những bó hoa lay ơn hiện ra rực rỡ trong làn khói pháo. Nói theo niềm tin của người châu Á, “người thân của mình đang về trong làn khói.”

Cũng pháo nổ đì đùng, hoa tươi rực rỡ. (Hình: Kalynh)

Trong khuôn viên với diện tích rộng hơn 150 mẫu của nghĩa trang Westminster là nơi yên nghỉ của khá nhiều văn nghệ sĩ, như nhà thơ Du Tử Lê, nhà văn Mai Thảo, người sáng lập nhật báo Người Việt, ký giả Đỗ Ngọc Yến, người sáng lập trung tâm Thúy Nga, ông Tô Văn Lai…Có những khách thập phương, nếu muốn thăm một văn nhân, nhạc sĩ yêu thích nào đó, thì người trong nghĩa trang có thể chỉ ngay đường đến “nhà.”

“Ông Mai Thảo nằm đằng kia kìa. Rồi đi thẳng, quẹo phải, đi chút xíu nữa là gặp vợ chồng nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ bên tay phải.”

Như truyền thống mấy năm nay, gia đình cố thi sĩ Du Tử Lê đi thăm nhà thơ ngày đầu Xuân. Những năm tháng còn sống, hai ông, Du Tử Lê và Mai Thảo là bằng hữu chí thân. Khi về “chốn nhân gian không thể hiểu” thì cũng ở cùng khu xóm. Từ “nhà” thi sĩ qua “nhà” của nhà văn Mai Thảo không xa. Gia đình ông thi sĩ không quên ghé đến chúc Tết người bạn văn.

Mộ của nhà văn Mai Thảo. (Hình: Kalynh)

Mặt trời đã lên cao. Nghĩa trang Westminster vẫn tấp nập xe ra vào. Mùi khói pháo vẫn phảng phất đâu đó trong gió Xuân. Người nằm dưới mộ đón thêm một mùa Xuân.

“Thế giới có triệu điều không hiểu
Càng hiểu không ra lúc cuối đời
Chẳng sao, khi đã nằm trong đất
Đọc ở sao trời, sẽ hiểu thôi.”
(Nhà văn Mai Thảo, 1927-1998)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT