Sunday, May 19, 2024

Rồi một ngày, hạt bụi hoá ‘mồ côi’

Trương Quỳnh Như

Một ngày nọ, khi ánh dương vừa lóe ở đằng Đông, hàng triệu con người, bỗng trở thành “mồ côi.” Nếu một đứa trẻ khi bị ức hiếp ngoài đường sẽ khóc tìm về mẹ; nếu một thanh niên lang bạt kỳ hồ, một ngày chùn chân gối mỏi, quay về tìm bình yên với mẹ, thì với chúng sinh trong cõi ta bà này, Thầy chính là nơi an trú bình yên.

Thật khó có một nhân vật thứ hai, từ cổ chí kim, từ nay đến mãi về sau, có nhiều “học trò” như Thầy. Và cũng thật khó, rất khó, để nước Việt có một ngôi sao thầm lặng soi rọi cõi người, xoá tan màn đêm u uẩn, diệt trừ bóng ma tham sân trong cõi ta bà, như Thầy đã, đang, và sẽ tiếp tục làm.

Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ tại chùa Già Lam, Gò Vấp, Sài Gòn. (Hình: Kiều Mỹ Duyên cung cấp)

Thầy, một nhà thơ, một thiền sư, một học giả, một nghệ sĩ, một hiền triết, một ân sư. Trong một nhục thể gầy gò, nhỏ bé ấy, là một sức sống mãnh liệt, trùng trùng vượt qua mọi bão tố, để rồi thư thái chiêm ngưỡng từng hơi thở, từng ngọn gió trong đất trời. Thầy là hình ảnh khác biệt, hoàn toàn tách rời với những định nghĩa thông thường như cao tăng, xuất gia, sắc dục, tu hành…

Hãy đọc vài câu thơ này:
“Em mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn
Khoé môi cười nắng quái cũng gầy hao
Như cò trắng giữa đồng xanh bát ngát
Ta yêu người vì khoảnh khắc chiêm bao.”
(Một thoáng chiêm bao)

hoặc

“Anh ôm giấc mộng đi hoang
Biết đâu mà kiếm trăng ngàn cho em”

Ôi những lời thơ tình êm ả, dạt dào yêu thương. Có ai ngờ đó là tiếng lòng của vị thiền sư xuất gia năm chín tuổi. Tình yêu của ông đã vượt lên hẳn, rất xa tình yêu tục luỵ. Ông yêu là yêu cái đẹp tự thân của con người. Ông yêu bằng đôi mắt và trái tim của người nghệ sĩ. Và một điều nữa, ông cũng đã nói lên trong bài thơ của mình: “yêu người vì khoảnh khắc chiêm bao.” Triết lý cuộc sống của bậc chân tu là đây: Cái đẹp vốn mong manh, hư ảo, và con người luôn mưu cầu những giây phút huyễn hoặc, vô chừng. Yêu chỉ vì một một khoảnh khắc chiêm bao?

Tôi nói “Thầy là nơi an trú bình yên” là vì thế, chí ít là với chính tôi. Tìm đọc những đoản thơ của Thầy, tôi thấy tâm hồn mình được vuốt ve bởi tiếng đàn giác ngộ. Giác ngộ đây không cần phải là thoát tục, “ăn chay”, hay nghe tiếng kinh kệ hằng đêm. Mà đó là một cung đàn êm ả, đưa người ta tiếp tục nhẹ bước thênh thang, trong yêu thương và tha thứ.

Bên trong vẻ ngoài gầy gò ấy, không chỉ là một tâm hồn nghệ sĩ, mà còn là một ý chí siêu phàm về giá trị và những minh định Thầy đã lựa chọn. Tháng Tư năm 1984, Thầy Thích Tuệ Sỹ bị bắt cùng Giáo sư Trí Siêu (Lê Mạnh Thát) và 17 tăng ni, cư sĩ Phật tử. Trong phiên tòa kéo dài nhiều ngày vào cuối Tháng Chín năm 1988, không chấp nhận luật sư chỉ định biện hộ mà hai thầy tự biện hộ cho mình, nhà cầm quyền đã kết án tử hình hai Thầy Tuệ Sỹ và Trí Siêu vì tội “âm mưu lật đổ chính quyền.”

Năm 1998, Hà Nội trả tự do cho Thầy Tuệ Sỹ, cùng với một số người khác. Trước khi thả, nhà cầm quyền áp lực buộc Thầy ký vào lá đơn gửi chủ tịch nước “xin khoan hồng,” Thầy đã trả lời nội dung: “Chúng tôi đã không công nhận giá trị của phiên tòa này, tính pháp lý của bản án này, các ông không có quyền giam giữ chúng tôi thì sao lại có quyền khoan hồng hay ân xá chúng tôi.”

Công an thuyết phục: không viết đơn thì không có lý do để thả được. HT đã khẳng khái đáp: “Đó là việc của các ông; nhưng nếu các ông cứ áp lực buộc chúng tôi ký đơn, tôi sẽ tuyệt thực phản đối.” Hà Nội đã phải trả tự do cho Thầy Tuệ Sỹ vào ngày 1 Tháng Chín, năm 1998, sau 10 ngày hoà thượng không ăn và tiếp theo cả không uống, tổng cộng 14 ngày. Thấy sức khoẻ hoà thượng suy sụp nhanh chóng, chính quyền Hà Nội đã vội đưa bác sĩ vào xin điều trị, và đưa Thầy ra khỏi trại giam.

Trở về, với trái tim không sân hận nhưng luôn ngời cương định, Thầy tiếp tục con đường soi rọi thế nhân, để lại cho hậu bối những áng văn thơ, phiên dịch Phật ngôn, công trình nghiên cứu phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam.

Những ngày qua, khi Thầy vừa bước sang một “Thiên Lý Độc Hành” (*)  khác, gửi lại áo cà sa cho đời, thì rất nhiều, và ngày càng nhiều người đã tìm, đọc, biết thêm cuộc đời Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ. Chắc chắn sẽ có những “hạt bụi” bỗng thấy mình thành “mồ côi.”

MỚI CẬP NHẬT