Thursday, April 25, 2024

‘Chuyện Người Quan Hoạn,’ truyện ngắn của Hoàng Chính

Trần Doãn Nho/Người Việt

KENNEDALE, Texas (NV) – Hoàng Chính là một trong những tác giả tôi được đọc trên tạp chí Văn Học ngay từ khi mới qua định cư ở Hoa Kỳ, vào những năm giữa thập niên 1990. Anh là một nhà văn lặng lẽ, sáng tác đều đặn, suốt mấy chục năm không ngưng nghỉ.

Anh có một văn phong khá riêng. Mô tả bất cứ cái gì, từ nhân vật cho đến khung cảnh hay sự kiện, anh khá chi li, kiên nhẫn đi vào từng chi tiết khiến mọi thứ như sống động hẳn lên. Thỉnh thoảng người đọc bắt gặp những câu văn lạ, một nỗ lực hình tượng hóa những chi tiết trừu tượng:

-“Im lặng lại chụp xuống” (Thư Tình Viết Muộn).

-“Cái ý nghĩ lòng thòng như khúc lòng non bị con gà mổ, tha đi nhùng nhằng trên nền đất” (Tình Hụt).

-“…Mặc dù mới chỉ là lần đầu nói chuyện với nhau bằng thứ ngôn ngữ đong đưa, trong tâm tư nàng, hình ảnh hắn đã đậm đà đường nét, đã trang trọng khắc cẩn trên một vách tường vững chãi của trí nhớ” (Lời Tỏ Tình Đã Cũ).

Đọc Hoàng Chính, phải đọc từ từ, đừng sốt ruột. Anh nhẫn nha kể, chậm rãi, cố tạo cho người đọc một không khí, một khung cảnh, từa tựa như người đạo diễn cho dàn dựng sân khấu trước khi các diễn viên xuất hiện.

Truyện của anh như một món trộn, trộn chữ trong truyện, trộn truyện trong chữ. Từng tầng lớp chữ chồng chất, chen chúc nhau. Thoạt đầu, ta hơi bối rối. Chữ miên man trôi, mang theo đủ thứ hình ảnh, cảm giác, sự kiện, đột nhiên, một chi tiết nòng cốt hiện ra. Rồi lại chữ nối tiếp chữ. Rồi một chi tiết nòng cốt nữa xuất hiện. Cứ thế, người đọc, sẽ từ từ nhặt ra các chi tiết và ráp lại thành… truyện. Sở dĩ thế vì câu chuyện anh kể thường vùi sâu trong các lớp chữ, và qua đó, trong các sự kiện. Khi tìm được mạch rồi, mọi sự như sáng hẳn ra, khiến ta thích thú.

“Chuyện Người Quan Hoạn,” một trong mười bảy truyện ngắn trong tập “Đêm, Từng Mảnh,” là một truyện lý thú với một bố cục và đề tài mới mẻ. Truyện là một nhập nhòe giữa hiện tại và quá khứ, một pha trộn giữa nhân vật và nhân vật, tạo thành từng lát cắt hiện thực đậm, nhạt chồng chéo nhau. Quá khứ như một ẩn dụ của hiện tại. Nhân vật này là ẩn dụ của nhân vật kia.

Như cái tựa đề cho biết, câu chuyện bắt đầu bằng một khung cảnh rất xưa, trong cung cấm, nơi có một hoạn quan sống giữa nhiều cung nữ. Các cung nữ là những đứa con gái bị “đưa vào nội” để làm vợ vua, nhưng hiếm khi, thậm chí không bao giờ, được trở thành đàn bà. Chỉ là những của “để dành,” có khi được “để dành” cho đến già, đến chết mà không hề biết đến mùi vị đàn ông. Nếu tò mò muốn biết, cách duy nhất là năm bảy cô túm lấy ông quan hoạn, người đàn ông duy nhất mà họ biết và gần gũi, đè ngửa ông xuống nền nhà và… tuột quần ông ra.

Hoàng Chính viết: “Những ngón tay mày mò hạ bộ người đàn ông. Những ngón tay nắn cái bọc nhăn nhúm. Xem này. Thấy chưa, tui nói mà không chịu tin. Những ngón tay rờ rẫm cái túi da nhăn nheo. Cái bọc đàn ông không đựng hai báu vật đàn ông. Cái bao không có hai trái dịch hoàn. Đã tin tôi chưa.” (…)

“Những người đàn bà mải mê với khám phá lạ lùng. Những ngón tay vẩy vẩy dương vật quan hoạn. Con chim rụt rè. Con chim yếu đuối. Nghiêng bên này, ngả bên kia èo uột. Những người đàn bà cả đời chưa một lần nhìn thấy cái vật gây máu lửa trần gian” (…)

“Họ muốn đẩy hoạn quan vào cơn hưng phần dục tình xem nó như thế nào, nhưng cái vật thẹn thùng kia chỉ hơi căng chút máu nóng rồi lại oặt ngay xuống.” (…)

“Những người đàn bà thay nhau chạm vào cái vật mềm èo nằm giữa cặp đùi trắng phau. Một cô cung nữ rành rọt nhất trong đám kết luận: ‘Thấy không. Tui đã nói cái ni cũng như con rắn hổ mang bị thầy bùa lấy đi túi nọc, không còn gây được tai họa cho ai.’”

Rồi sao?

Câu chuyện đột ngột đổi hướng. Đến lúc này, nhân vật thực mới xuất hiện. Nhân vật xưng “tôi,” một sinh viên da trắng và ba cô bạn gái cùng lớp, đều là dân Á Châu – một Ấn Độ, một Việt Nam và một  Trung Hoa – hợp thành một nhóm học chung. Trong ba cô, người mà anh chàng thân nhất là cô Trung Hoa, tên Sóc Nâu. Thân đến độ thỉnh thoảng cô còn đút cả thức ăn cho anh, trông như một cặp tình nhân khắng khít. Ấy thế mà không phải là tình yêu. Vì sao?

“Sóc Nâu là người quả quyết tôi là viên thái giám năm xưa. Nàng che chở tôi trước những lời chọc ghẹo tàn nhẫn, vô ý thức và thiếu khoan dung của lũ bạn. Bọn đàn ông tránh né tôi. Tôi đành bám theo ba cô gái. Thì ra, chàng là một ‘gay’ – người đồng tính – có người yêu là Jose, một thanh niên Tây Ban Nha, nên bị bạn bè hai phái kỳ thị.” Thế là, ““Mấy cô gái tranh luận đàn ông đồng tính luyến ái cũng như viên thái giám vô hại khi tiếp xúc với đàn bà bởi họ gần như kinh tởm người khác phái hay ít ra họ cũng dửng dưng.”

Khi giáo sư bảo chia nhóm học, không nhóm nào chịu nhận anh chàng vào. Chỉ có Sóc Nâu thông cảm hoàn cảnh chàng. Cô thuyết phục hai cô bạn, “Hắn không sao hết. Hắn vô hại. Thấy không. Này. Tôi ngồi vào lòng hắn mà cũng không xảy ra chuyện gì.” Còn người tình Jose thì tỏ ra vui vẻ, an tâm vì thấy chàng đi chung với đám con gái. Trong sinh hoạt nhóm, chàng hiện diện giữa đám nữ nhi chẳng khác gì “một kẻ quần thoa.”

Họ “kháo nhau rằng bọn ‘gay’ chúng tôi chẳng bao giờ muốn và chẳng bao giờ có thể bị đàn bà kích thích nên ngủ với tên ‘gay’ như tôi là an toàn nhất.” Trên chuyến tàu đi thực tập ở xa, sau một chầu nhậu, trong khi hai cô bạn kia còn tiếp tục, chàng và Sóc Nâu về toa ngủ. Sợ anh chàng nằm một mình buồn, lạnh, Sóc Nâu rủ anh chàng tới nằm chung với lời hứa là chàng đừng làm chuyện bậy bạ. Thế là hai người ôm nhau ngủ. “Tôi là đứa trẻ ngoan. Con Sóc Nâu ôm tôi thật tròn.”

Tập truyện “Đêm, Từng Mảnh. (Hình: Trần Doãn Nho/Người Việt)

Nhưng con tàu quái ác, lúc thì lao đi vùn vụt, lúc lại thật chậm, và sự thay đổi tốc độ khiến anh chàng cảm thấy trong người trở nên hưng phấn. Cô gái cũng thế. “Hơi thở Sóc Nâu phả lên mặt tôi nồng hơi rượu. Cánh tay chợt quấn quanh tôi như chiếc vòi bạch tuộc. Trong cơn váng vất tôi nghe Sóc Nâu rên rỉ một câu tiếng Phổ Thông âm hưởng nghe quen quen nhưng nghĩa tôi không hiểu. Rồi Sóc Nâu thì thào. Honey Honey.”

Con tàu càng tăng tốc thì “Sóc Nâu ôm ghì lấy ai mà sao tôi nghẹt thở. Tôi ôm cứng lấy Jose mà Sóc Nâu hụt hơi. Những cánh tay siết. Cưng ơi. Cưng ơi. Sóc Nâu xé nát ai. Còn tôi, tôi vò nát Jose. Chúng tôi tan vào nhau.” Và rồi, “Tôi căng. Tôi không làm sao mềm được nữa.”

Cặp trai gái đắm chìm trong giấc ngủ “lãng đãng những chiêm bao bao nhập nhằng hư thực” cho đến khi “hai cô bạn chung phòng kéo cơn say lết trở về.” Cả hai vượt qua giới hạn, ngoài sự mong đợi. Lỗi tại ai? “Không phải lỗi của Sóc Nâu. Không phải lỗi của tôi,” mà là “Lỗi của những quy luật vật lý.” Nhưng nhờ quy luật đó, “từ hôm ấy, tôi khám phá ra tôi. Tôi trọn vẹn tôi. Đừng cư xử với tôi như kẻ tật nguyền. Tôi không là gã hoạn quan vô tích sự.”

Một dịp khác, cũng trên chuyến tàu cao tốc, trong khi cả lũ bạn, kể cả hai cô gái cùng nhóm, rủ nhau đi uống rượu, anh chàng và Sóc Nâu không đi mà ở lại trong toa. Lần này, anh chàng chủ động. “Ngại ngần vì chỉ còn hai đứa trong toa tàu bưng bít, tôi rụt rè rủ Sóc Nâu qua toa xe nhà hàng. Chúng tôi chia nhau ly rượu mạnh.”

Thế rồi, trong cơn say, “Sóc Nâu nằm ép sát tấm vách mi ca, nhường tôi một khoảng hẹp trên chiếc giường chữ nhật. Tôi ngủ thiếp đi. Jose về trong giấc mơ. Mắt buồn. Tôi ôm Jose, hôn lên đôi môi ngồn ngộn. Jose đẩy tôi ra. Những giọt nước mắt lăn xuống cằm.” Đêm ấy, anh chàng đồng tính “khám phá ra điều kỳ diệu. Rằng không phải chỉ Jose mới làm tôi bật cong cơn thất lạc; con sóc nhỏ bé kia cũng tạo được cho tôi những cơn địa chấn nghiêng trời.”

Rồi sao nữa? Tác giả Hoàng Chính kết thúc câu chuyện như sau: “Tôi sẽ bàn với Jose xin Sóc Nâu đem đứa bé về nuôi.”

Chàng sinh viên da trắng vẫn là ‘gay” nhưng không còn là viên thái giám như ngày nào! Chàng có con.

Hoàng Chính, một bác sĩ y khoa trở thành nhà văn, qua “Chuyện Người Quan Hoạn,” đã lột tả quá trình tâm, sinh lý phức tạp của một người đàn ông đồng tính, từ mặc cảm hoạn quan đến chỗ khám phá ra năng lực đàn ông giấu ẩn trong chính mình.

***

Nhà văn Hoàng Chính sinh năm 1954 tại Hải Phòng. Tốt nghiệp y khoa Sài Gòn năm 1979. Định cư tại Canada từ năm 1983. Đã xuất bản 12 tác phẩm: một tập thơ, bảy tập truyện ngắn, bốn truyện dài, trong số đó có “Nửa Đêm Nghe Mẹ Thở Dài” (thơ), “Tình Khúc” (truyện dài), “Lời Tỏ Tình Đã Cũ” (tập truyện), “Thư Tình Viết Muộn” (truyện dài), “Và Không Ngày Nào Tôi Thấy Hình Tôi” (tập truyện)…

“Đêm, Từng Mảnh,” tập truyện, do nhà xuất bản Nhân Ảnh, San Jose, California, xuất bản năm 2010. [qd]

MỚI CẬP NHẬT