Saturday, April 27, 2024

Nhạc sĩ Ngọc Sơn 90 tuổi vẫn ‘100 Phần 100’ tình nghệ sĩ

Lê Long

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Gần 60 năm qua, đồng tác giả bài hát “100 Phần 100” (100 Phần Trăm) vẫn nuôi dưỡng mối tình đầu làm nguồn cảm hứng sáng nhiều ca khúc nổi tiếng. Trong cao điểm COVID-19, gia đình có bốn người nhiễm phải điều trị tập trung, bản thân bị cách ly, ông sáng tác ca khúc “Sài Gòn Ơi!” làm nguồn sức mạnh cho mình và chia sẻ niềm tin với cộng đồng. Ở tuổi 90 ông tiên phong thể nghiệm loại ảnh 3D và dành 100% số tiền ủng hộ giá trị hàng trăm triệu đồng tặng nghệ sĩ nghèo.

Nhạc sĩ – nhiếp ảnh gia Ngọc Sơn. (Hình: Ngọc Sơn cung cấp)

Năm 2023 vừa qua, nhân chuyến đi sáng tác do nhóm nhiếp ảnh 3D Sài Gòn tổ chức, tôi may mắn được tiếp cận và choáng ngợp với câu chuyện tài hoa và nhân cách nghệ sĩ Ngọc Sơn, tên thật là Thái Ngọc Sơn, sinh năm 1934. Ở tuổi 89, ông minh mẫn, thanh thoát tìm góc ảnh lạ với ánh sáng đường nét đẹp trong mọi khung hình từ sinh hoạt bình thường, phong cảnh thiên nhiên hay cảnh dàn dựng mẫu. Điều độc đáo là dù dùng máy chuyên nghiệp hay điện thoại thông minh, ông đều cho ra những bức ảnh đẹp sắc sảo lạ lùng.

Mái tóc và vẻ đẹp lão của ông hao hao với cố nhiếp ảnh gia Võ An Ninh nhưng tính tình hoàn toàn khác hẳn. Với giới trẻ, Võ An Ninh nghiêm khắc khó gần, ngược lại, Ngọc Sơn hồn nhiên, cởi mở với mọi người. Thuộc lớp người kỳ cựu trong giới nghệ sĩ Sài Gòn trước năm 1975, ông như pho sử sống, từ tốn giải thích cho nhà báo chuyên viết về ca nhạc sĩ trước 1975 những giai thoại, góc khuất về nhạc sĩ Lam Phương, ca sĩ Thanh Thúy… và cả câu chuyện riêng tư của chính ông.

Từ thập niên 1970 đến nay, ca khúc “100 Phần 100” đã phổ biến trong đời sống miền Nam đến mức, từ “100/100” trở thành thành ngữ chỉ sự trọn vẹn nhất, chắc chắn nhất. Ngay trong tiệc vui, nếu người Mỹ nói “bottoms up,” Việt Nam nói “100/100 nghen” thì đủ hiểu. Thế nhưng ít ai biết bài hát “100 Phần 100” là kỷ niệm đẹp mối tình đầu của nhạc sĩ Ngọc Sơn.

Bìa nhạc phẩm “100 Phần 100” của nhạc sĩ Ngọc Sơn cùng nhạc sĩ Tuấn Hải. (Hình: Ngọc Sơn cung cấp)

Nồng ấm nuôi dưỡng mối tình đầu

Năm 1968, trong chiến cuộc Mậu Thân, đơn vị của ông làm nhiệm vụ tiếp nhận và bảo vệ người dân từ Quận 8 tản cư trú ngụ tại trường Bác Ái gần cầu chữ Y. Ông quen và yêu một nữ sinh trong đoàn người này. Có lần cô gái hẹn hò đi Vũng Tàu nhưng đơn vị cắm trại 100% nên không thể nào đáp ứng, dầu ông rất muốn đi. Khổ tâm, mong giãi bày với người yêu chân thành nhất, ông nảy ra ý tưởng trả lời nàng bằng bài hát. Nhưng lúc ấy ông lại bị giao công tác đặc biệt nên trao đổi với nhạc sĩ Tuấn Hải ý tưởng sáng tác bài hát với giai điệu vui, tiết tấu sinh động và lời bài hát “100 Phần 100” đã ra đời.

Hơn một năm sau, mối tình tan vỡ vì gia đình cô gái không chấp nhận chàng rể lính lại là nhạc sĩ. Nỗi buồn ly biệt được ông gói trong hai ca khúc “Còn Gì Nói Đêm Nay,” “Nét Son Buồn.” Điều quý giá là từ đó đến nay ông vẫn ấp ủ, dưỡng nuôi mối tình ấy như nguồn cảm hứng cho hàng chục tác phẩm. Ca sĩ Thùy Lan, người vợ đôn hậu của ông, vẫn biết và cảm thông về mối tình đầu lãng mạn này. Bà hiện vẫn là một trong những giọng ca đầu tiên thể hiện các tác phẩm ông mới sáng tác.

Nhạc sĩ Ngọc Sơn (thứ hai từ phải) nhận hoa của học trò Giao Linh. (Hình: Ngọc Sơn cung cấp)

Ông đam mê và đến với âm nhạc từ rất sớm, không trường lớp nhưng thử sức mình qua rất nhiều thể loại, như ca sĩ cho ban nhạc Sầm Giang của quái kiệt Trần Văn Trạch, vũ công trong đoàn vũ Lưu Hồng và cuối cùng là sáng tác nhạc nhờ mày mò từ quyển sách “Để Sáng Tác Một Bài Nhạc Phổ Thông” của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ.

Nhạc phẩm đầu tay “Ngõ Vào Đời” của ông cũng mang số phận long đong, có người mua in nhưng bán không chạy. Mãi đến khi lọt vào tay của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, giám đốc kỹ thuật hãng dĩa Continental, qua giọng hát Hoàng Oanh bài hát tạo tiếng vang. Ngọc Sơn được nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông mời làm cho hãng dĩa Continental. Ông thành nhạc sĩ chuyên nghiệp sáng tác hàng trăm ca khúc với ba chủ đề là nhạc tình yêu đôi lứa, nhạc thời chiến và tân nhạc trong bài tân cổ.

Chương trình Music Box tập 33 của trung tâm Thúy Nga về “Tình Ca Ngọc Sơn” với sự góp mặt của danh ca Giao Linh, ca sĩ Như Quỳnh, ca sĩ Hoàng Nhung. (Hình: Ngọc Sơn cung cấp)

Ông thầy của những ngôi sao!

Vừa sáng tác, ông vừa mở lớp dạy nhạc cho khoảng 400 học viên trong đó có nhiều người thành danh như ca sĩ Chí Tâm, nhạc sĩ Đắc Chung, Phượng Vũ. Đặc biệt ông được nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông giao kèm cặp ca sĩ Giao Linh từ năm mới 16 tuổi.

Trong đêm nhạc thiện nguyện “Tiếng Chuông Đời Năm 2017,” ca sĩ Giao Linh cám ơn thầy Ngọc Sơn rất trân trọng chân thành: “Kính thưa thầy, con may mắn có được ngày hôm nay là nhờ ơn thầy, người đã dìu dắt con ngay từ những ngày chập chững vô nghề. Chính thầy tô son đánh má hồng, chọn lựa trang phục cho mỗi buổi diễn của con trong những năm đầu của thập niên 70.”

Nhiếp ảnh gia Thái Ngọc Sơn đi “săn” ảnh. (Hình: Ngọc Sơn cung cấp)

“Dù thời gian có trôi qua đã thật lâu, dù con có những sự thành công trong nghề nghiệp như thế nào con vẫn không thể nào quên được những tháng ngày thầy đã uốn nắn con kỹ thuật ém hơi rồi lấy hơi như thế nào để cất lên những lời hát mượt mà ngọt ngào nhất. Không chỉ thầy dạy cho con lúc xuân thời, đến giờ đã hơn 60 năm cuộc đời con vẫn phải học cách hát như thế nào để phù hợp với số tuổi của mình,” bà nói.

“Con vẫn nhớ mỗi ca khúc của thầy sáng tác có khi phải mất từ sáu tháng cho đến một năm là chuyện bình thường, bởi thầy là người luôn lắng nghe được tiếng lòng của con, thầy biết phải nốt nhạc nào, ca từ nào và ý nghĩa như thế nào trong một bài hát, con mới có thể phát huy sở trường của mình. Có thể nói, âm nhạc và hình ảnh của thầy gần như song hành cả cuộc đời đi hát của một ca sĩ Giao Linh. Con luôn cầu mong thầy thật khỏe, thật vui để con vẫn còn học được ở điều hay lẽ phải từ thầy,” “nữ hoàng sầu muộn” Giao Linh tâm tình.

Tác phẩm “Chị em vui đùa” của Ngọc Sơn. (Hình: Ngọc Sơn cung cấp)

Ngoài sáng tác nhạc, ông còn đa tài trong nhiều lĩnh vực như vẽ minh họa cho các tạp chí Sài Gòn trước 1975, đóng phim, viết nhạc cho một số phim như “Như Giọt Sương Khuya,” “Như Giọt Mưa Rơi,” “Vực Nước Mắt.” Chính những kỹ năng này đã giúp ông vượt qua gian nan trong cuộc sống bẩn chật ở Sài Gòn sau 1975.

Trong giai đoạn mở cửa, sở trường về sáng tác nhạc âm hưởng quê hương của ông được phát huy trong viết nhạc phim, đặc biệt là loạt phim chuyển thể từ tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh như “Ngọn Cỏ Gió Đùa,” “Tình Án”… Trong lĩnh vực này ông cũng đặt 100% tâm sức tìm tòi sáng tạo.

Tác phẩm “Chiều trên đồng vàng” của Ngọc Sơn. (Hình: Ngọc Sơn cung cấp)

Độc đáo của Ngọc Sơn là sử dụng các nhạc công, ca sĩ cải lương vào tân nhạc. Qua đó, ông đã phát hiện và đào tạo Lam Tuyền từ ca sĩ cải lương thành ca sĩ hát nhạc miền Nam nổi tiếng và đạt danh hiệu nghệ sĩ ưu tú.

Lam Tuyền đã kể về bất ngờ được Ngọc Sơn lựa chọn sau khi nghe cô hát nghêu ngao như sau: “Ca khúc ‘Khóc Thầm’ cho bộ phim ‘Tình Án’ do chú sáng tác đã được nhà đài đặt hàng cho ca sĩ Hương Lan, một giọng hát mà tôi rất mê từ nhỏ. Giữa tôi và Hương Lan trong dòng nhạc xưa này có một khoảng cách rất xa, vậy mà bây giờ tôi chính thức được hát ca khúc ‘Khóc Thầm’ của phim với sự bảo lãnh của chú, nếu hát không thành công sẽ bị đền hợp đồng. Với tôi tiền chưa phải là quan trọng, nhưng làm mất uy tín của chú là không chấp nhận được.”

Nhiếp ảnh gia Thái Ngọc Sơn phát biểu khai mạc triển lãm ảnh 3D lần đầu tiên tại Sài Gòn. (Hình: Ngọc Sơn cung cấp)

“Sau đó, cả hai thầy trò tôi đã miệt mài trong phòng thu suốt một ngày. Biết tôi hơi khớp, trong suốt buổi thu âm, chú ép mình ‘núp’ trong một góc nhỏ để tôi được tự tin hát theo đúng cảm xúc của mình. Khi hoàn thành bản phối, ban giám đốc đài duyệt bài khen nức nở, và khi biết đây chỉ là một ca sĩ mới, ông giám đốc còn động viên: ‘Cần phải đổi mới, và tìm chất lạ cho phim như vậy mới đáp ứng được khán giả,’” nữ ca sĩ kể tiếp.

“Sau lần trình diễn ca khúc này, tôi như diều gặp gió, tôi được xem là chất giọng độc đáo đầy ấn tượng của dòng phim xưa. Với tôi ba Sơn rất tuyệt vời, không chỉ ở tài năng mà còn ở nhân cách của người làm thầy,” Lam Tuyền tâm tình.

Tác phẩm “Níu mây” của Ngọc Sơn. (Hình: Ngọc Sơn cung cấp)

Sống và sáng tác 100/100 vì “tình nghệ sĩ”

Tấm lòng nhân cách nhạc sĩ, người thầy trong đời sống bình thường đã quý, nhưng trong đại dịch COVID-19, tình nghệ sĩ của ông càng đậm chất nhân văn. Gia đình ông có bốn người thân bị nhiễm, bản thân ông phải sống trong khu phong tỏa. Không ai thăm viếng chăm sóc ai, nỗi sợ hãi đè nặng. Ông đã dồn cảm xúc sáng tạo làm sức mạnh vượt qua sự cô độc, sợ hãi đó. Ca khúc “Sài Gòn Ơi!” với giai điệu tha thiết như lời khuyên nhủ trấn an chính ông và mọi người đã ra đời trong những ngày đen tối đó.

Nhưng như đã nói ở phần đầu bài viết và cũng chính là động lực tôi viết bài này là Ngọc Sơn còn là nhiếp ảnh gia. Ông bén duyên với nhiếp ảnh từ năm lên 16, 17 tuổi khi học chụp ảnh từ nhà báo Văn Mười. Hiện ông là hội viên PSA (Photographic Society of America) của Mỹ, hội viên ISF (Image sans Frontière) của Pháp và Câu Lạc Bộ Nhiếp Ảnh Gia Định.

Tác phẩm “Trẻ quê” của Ngọc Sơn. (Hình: Ngọc Sơn cung cấp)

Ở tuổi U100 ông là một trong những nhà nhiếp ảnh tiên phong đột phá trong lĩnh vực ảnh 3D, một lĩnh vực kỹ mỹ thuật mới mẻ như một thú vui, giải trí. Điều đáng quý là những thành tựu cả về âm nhạc lẫn nhiếp ảnh trong độ tuổi xưa nay quý hiếm này ông đều hiến dâng cho những nghệ sĩ nghèo, những hoàn cảnh khó khăn. Tấm lòng của ông đã được cộng đồng xã hội, giới nghệ sĩ trẻ đương thời nhiệt tình ủng hộ.

Năm 2017, ông kết hợp với một số đơn vị tài trợ, tổ chức đêm nhạc thiện nguyện “Tiếng Chuông Đời” với sự góp mặt của nghệ sĩ Chí Tâm, Giao Linh, Quyền Linh, Phú Quý, Hồng Tơ, Lý Hương thu về 500 triệu đồng ($20,600). Tháng Mười Hai, 2018, ông cùng nghệ sĩ Lữ Đắc Long tổ chức triển lãm ảnh 3D “Tình Nghệ Sĩ lần 1,” tiền bán ảnh được 220 triệu đồng ($9,000). Lần 2 của “Tình Nghệ Sĩ” vào Tháng Chín, 2023, được trên 150 triệu đồng ($6,200). Tất cả các khoản thu này đều tặng hết cho nghệ sĩ và người nghèo khó.

Năm 2024, tròn 90 tuổi! Bước vào tuổi U100 nghệ sĩ Ngọc Sơn vẫn giữ 100% tấm lòng tình nghệ sĩ là như vậy đó.

Cầu chúc ông trường thọ để cho đời thêm nhiều tác phẩm, nhiều nghĩa cử bạc vàng không so sánh được. (Lê Long) [qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT