Văn Học Nghệ Thuật

Nhật thực và văn chương nhật thực

Trần Doãn Nho/Người Việt

KENNEDALE, Texas (NV) – Tôi vừa được sống qua một sự kiện thiên văn độc đáo diễn ra trên đất Hoa Kỳ tại vùng tôi cư ngụ là Dallas-Fort Worth, tiểu bang Texas: “Nhật Thực Toàn Phần” (Total Solar Eclipse), hay nói tắt lại là “Toàn Thực,” vào ngày 8 Tháng Tư, 2024.

Cảnh mặt trời bị mặt trăng che trong hiện tượng nhật thực ở thành phố Indianapolis, Indiana, hôm 8 Tháng Tư. (Hình: Joel Kowsky/NASA via Getty Images)

Mặc dầu đó là một hiện tượng bình thường, diễn ra hai lần trong một năm trên toàn trái đất, nhưng không phải ở đâu người ta cũng được nhìn thấy, dù là “Nhật Thực Từng Phần” (Partial Solar Eclipse) nói gì đến “Toàn Thực.”

Theo tin tức do cơ quan thiên văn cung cấp, lần toàn thực sắp tới sẽ diễn ra vào ngày 30 Tháng Ba, 2033, nhưng chỉ những ai cư ngụ ở phía Tây Bắc tiểu bang Alaska mới được chứng kiến.

Một toàn thực khác diễn ra vào ngày 23 Tháng Tám, 2044, chỉ đi qua tiểu bang Montana và hai tiểu bang Dakota.

Phải đến ngày 12 Tháng Tám, 2045, thì toàn thực mới diễn ra xuyên qua Hoa Kỳ, từ California đến Florida.

Trước hết, cũng cần phải nhắc lại một điều, có lẽ là không thừa, để tránh một lầm lẫn mà tôi đã từng bị mắc phải trước đây, do không hiểu chữ Hán.

“Nhật thực,” chữ Hán 日蝕, mặt trời bị (mặt trăng) “ăn,” là hiện tượng diễn ra vào ban ngày; cũng thế, “nguyệt thực,” 月 蝕, mặt trăng bị (trái đất) “ăn,” diễn ra vào ban đêm.

Âm Hán Việt “thực” được viết bằng nhiều chữ Hán khác nhau, mỗi chữ có nghĩa riêng của nó. Chẳng hạn, thực (殖) = sinh sôi nảy nở; thực (湜) = trong suốt; thực (稙) = gieo mạ; thực (食) = ăn, vân vân.

Còn chữ thực trong nhật và nguyệt thực là 蝕, với bộ “trùng” (虫) nằm bên phải, có nghĩa là bị sâu mọt đục khoét, ăn mòn dần (1). Như thế, nhật thực cũng có nghĩa là mặt trời bị “ăn,” nhưng ở đây phải hiểu là bị ăn mòn dần dần, hay nói đúng hơn, bị che khuất dần dần. Nó khớp với tiếng Anh, eclipse, là che khuất, làm mờ dần, chứ không phải là “ăn” (食= eat), như “ăn cơm” (thực phạn = 食飯).

Theo ước tính của NASA, khoảng 31.6 triệu dân Hoa Kỳ trực tiếp chứng kiến “Toàn Thực” 8 Tháng Tư, 2024, vì họ sống trong khu vực của “Dải Toàn Thực” (Path of Totality) kéo dài từ Mexico đến tiểu bang Texas, xuyên qua các tiểu bang Oklahoma, Arkansas, Missouri, Illinois, Kentucky, Indiana, Ohio, Pennsylvania, New York, Vermont, New Hampshire, Maine, sau đó, qua Canada.

Ngoài ra, hầu hết những khu vực dân cư trong 48 tiểu bang khác chỉ chứng kiến “Nhật Thực Từng Phần.” Texas có khoảng 13 triệu người cư ngụ trên “Dải Toàn Thực,” trong đó có thị trấn nho nhỏ của tôi, cách Dallas chừng 30 dặm.

Đối với đại đa số, xem được toàn thực là một kinh nghiệm độc đáo chỉ có thể trải qua một lần trong đời một người (Experiencing the once in a lifetime Total Solar Eclipse). Tôi là người may mắn, được ngắm toàn thực đến… hai lần trong đời, là nhờ tôi cư ngụ ở hai nơi khác nhau.

Lần đầu, là vào Tháng Tư, 1957, lúc tôi đang học lớp Đệ Thất tại trường Hàm Nghi Huế, Việt Nam, cách đây… 67 năm. Sáng hôm đó, trời nắng đẹp, học sinh chúng tôi vẫn đi học như bình thường, hoàn toàn không hay biết gì. Đến khoảng 9 giờ, đang làm bài, thì phòng học tối dần. Chúng tôi chưa hiểu chuyện gì xảy ra, thì nghe tiếng trống nhà trường đánh liên hồi, cho học sinh bãi học để đi xem nhật thực. Vui mừng, ngạc nhiên và xúc động, bọn học sinh chúng tôi chạy ùa ra khỏi lớp, lấy xe đạp đi quanh thành phố, vừa đạp vừa hò reo dưới bầu trời từ từ mờ dần rồi tối hẳn. Một cảnh tượng hoang đường như trong thần thoại!

Ngày 8 Tháng Tư năm nay, tôi được chứng kiến toàn thực lần thứ hai. Đối với tiểu bang Texas, nhật thực là một sự kiện lớn. Để “đón chào,” một số thành phố đã ra thông báo cho học sinh nghỉ học. Thành phố Dallas cũng cho nhân viên của mình nghỉ việc. Trên xa lộ, từ trước đó nửa tháng, đã xuất hiện những bảng thông báo ghi rõ: tất cả xe cộ phải tiếp tục chuyển động, tuyệt đối không được dừng bất cứ đâu, kể cả ở bên lề đường (shoulder) vào ngày 8 Tháng Tư. Riêng các thành phố nằm trên “Dải Toàn Thực” thì được đặt trong tình trạng khẩn cấp: Eagle Pass, Dallas, Fort Worth, Austin, San Antonio, Killeen, Waco, Temple, Tyler, Irving, Sulphur Springs, Kerrville, Texarkana để đề phòng những trường hợp bất trắc, vì chính quyền Texas dự đoán có thể có đến 700,000 du khách tới tiểu bang vào ngày đó để ngắm sự kiện thiên văn độc đáo này.

Hôm đó, thị trấn tôi ở, nắng ráo suốt ngày, mây nhẹ, hầu như không gây ảnh hưởng đáng kể nào đối với chuyện nhìn ngắm mặt trời. Cả gia đình nhà tôi lái xe ra công viên gần nhà – nơi thành phố trưng dụng làm địa điểm ngắm nhìn – vừa ăn uống vừa đợi xem.

Đúng y như thông tin mà NASA công bố: mặt trời bắt đầu bị “ăn” vào lúc 12 giờ 23 phút trưa. Trời mờ dần. Đúng 1 giờ 40 phút trưa, mặt trời hoàn toàn bị “ăn” hết. Mọi người vỗ tay reo mừng. Thực là một cảnh tượng lạ lùng y như trong cổ tích.

Bầu trời hoàn toàn tối đen cho đến gần 1 giờ 44 phút trưa mới bắt đầu e ấp xuất hiện với một tia sáng chói lọi trồi ra bên phải! Mặt trời hoàn toàn được giải thoát và được đón chào bằng một tràng pháo tay dòn dã từ các tham dự viên.

Hiện tượng nhật thực nhìn từ Đài Kỷ Niệm Washington ở DC hôm Thứ Hai, 8 Tháng Tư. (Hình: Chip Somodevilla/Getty Images)

Văn chương toàn thực

Thành thật mà nói, với một sự kiện quá hiếm hoi như toàn thực, chắc không mấy ai nghĩ là nó có thể gây cảm hứng để tạo thành những tác phẩm văn chương. Ấy thế mà, vẫn có.

Bà Lara Dodds, giáo sư tại Mississippi State University, sử dụng nhóm chữ “Văn Chương Toàn Thực” (Eclipse Literature) (2) để chỉ một số sáng tác (hiếm hoi) gồm những bài thơ và văn viết về nhật thực và nguyệt thực từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20, mà bà sưu tập được, tạm ghi một số như sau:

-John Milton (1608-1674): “Paradis Lost” (Thiên Đàng Đã Mất) và “Samson Agonistes” (Những Cuộc Đấu Của Samson), thơ.

-William Wordsworth (1770-1850), “The Eclipse Of The Sun” (Nhật Thực), thơ.

-Emily Dickinson (1830-1886), “If Sounded As If The Streets Were Running” (Nghe Như Đường Phố Bỏ Chạy), thơ.

-Thomas Hardy (1840-1928), “At a Lunar Eclipse” (Ngắm Nguyệt Thực), thơ.

-Isaac Asimov (? – 1992), “Nightfall” (Hoàng Hôn), truyện ngắn.

-Annie Dillard (1945-?), “Total Eclipse” (Toàn Thực), tùy bút.

Đặc biệt nhất, trong lần toàn thực năm nay, hai giáo sư Ann Baynes Coiro và Brad Evans, Phân Khoa Anh Văn thuộc đại học Rutgers University-New Brunswick ở New Brunswick, tiểu bang New Jersey, đã chào mừng Toàn Thực 2024 bằng một sinh hoạt văn chương ngay vào ngày nó diễn ra, từ 9 giờ 30 phút sáng đến 6 giờ chiều.

Suốt khoảng thời gian đó, tất cả những tham dự viên sẽ thay nhau đọc lớn 10,000 câu thơ chứa đựng trong 12 tập thơ “Thiên Đàng Đã Mất” (Paradise Lost) của John Milton nói trên. Đó là một thiên sử thi được làm bằng những “câu thơ trống “(blank verse), một thể loại thơ không vần điệu (unrhymed) nhưng có nhịp điệu (metered lines), kể lại cuộc chiến tranh chống lại sự trục xuất con người ra khỏi vườn Địa Đàng (Eden), gồm những “nhân vật” chính là quỷ Satan, Thượng Đế, Adam và Eva.

Bài thơ là một suy gẫm về sự nổi loạn, lòng mơ ước và nỗi khát khao được cứu chuộc. Dù đã làm cách đây gần bốn thế kỷ, bài thơ lại mang tính chất hiện đại ít ai ngờ tới, theo Giáo Sư Coiro. Hai “nhân vật” Adam và Eva hiện thực một cách đáng kinh ngạc.

Đoạn thơ diễn tả nhật thực xuất hiện ở trong tập thơ đầu tiên. Xin ghi lại trích đoạn đó:

“As when the Sun, new risen,
Looks through the horizontal misty air,
Shorn of his beams, or from behind the Moon,
In dim eclipse, disastrous twilight sheds
On half the nations and with fear of change
Perplexes monarchs”

Tạm dịch:

“Khi vừa mới nhô lên
Mặt Trời chìm trong màn sương mù,
Chỉ còn nhìn thấy những chùm tia xô lệch, khuất sau Mặt Trăng,
Trong bóng mờ nhật thực, bóng hoàng hôn bất hạnh buông xuống
Trên phân nửa số quốc gia
Nỗi sợ thay đổi
Làm bối rối các đấng quân vương.”

Vậy thì có “Văn Chương Toàn Thực” trong thơ Việt Nam không?

Thưa có. Lục lọi trên mạng, tôi tìm thấy vài bài, trong số đó, theo tôi, một trong những bài có tứ thơ và ý thơ lạ nhất là “Nhật Thực” của Vũ Quần Phương (3). Tác giả sử dụng hiện tượng thiên văn độc đáo này như một yếu tố để bày tỏ một cảm xúc tình yêu rất lạ và hiếm. Xin mời đọc:

“Em như ánh sáng chan hòa
Anh làm nhật thực thế là… xong em
Ngày thì anh nhốt vào đêm
Tiếng chim anh nhốt vào miền xanh cây
Bàn tay nhốt lấy bàn tay
Giữa khi ánh mắt đang bay về trời
 

Lo chi tắt ánh xa vời
Anh còn ánh tỏa mặt người gần bên
 

Cứ gì đêm mới là đêm
Anh xin nhật thực cho em làm trời.” 
(Trần Doãn Nho) [qd]

—–

Chú thích:

(1) Tra từ: thực – Từ điển Hán Nôm (thivien.net)

(2) https://pulterproject.northwestern.edu/curations/c1-eclipse-literature.html

(3) Thi viện, thivien.net/Vũ-Quần-Phương/author-oZxWBhfYmZO-G_xWYkBj7Q

Disqus Comments Loading...
Share

Recent Posts

  • Thơ Độc Giả

Làm chồng một nữ nhà thơ – Thơ Nguyễn Hàn Chung

Nguyễn Hàn Chung Làm chồng một nữ nhà thơ  Làm chồng một nữ nhà thơ…

19 mins ago
  • Cộng Đồng

Cố bơi ngang qua hồ ở Fullerton, một người đuối sức chết

Một người đàn ông thiệt mạng hôm Thứ Bảy, 4 Tháng Năm, khi đang bơi…

25 mins ago
  • Hoa Kỳ

Học sinh lớp 8 cầm lái xe buýt nhà trường khi tài xế bất tỉnh

Một cậu học sinh trung học đệ nhất cấp vừa được khen thưởng khi đưa…

42 mins ago
  • Hoa Kỳ

Chọn người đứng phó cho Trump: Noem rớt đài, Scott và Burgum đang lên

Trump nói với các nhà lập pháp Cộng Hòa rằng lòng trung thành là tiêu…

1 hour ago
  • Hoa Kỳ

Tông xe vào hàng rào Tòa Bạch Ốc, tài xế thiệt mạng

Một người đàn ông chết tại chỗ sau khi lủi xe vô hàng rào khu…

1 hour ago
  • Sài Gòn Nhỏ

Lê Tấn Trạng – ‘tiếng nói vì dân’ đã tắt

Trần Bạch Thu/SGN Năm 1967 sau khi thi đậu Tú Tài I, tôi đến văn…

2 hours ago

This website uses cookies.