Saturday, May 18, 2024

Nhớ Nguyễn Quí Đức

Trần Doãn Nho/Người Việt

KENNEDALE, Texas (NV) – Ngày 22 Tháng Mười Một, nhà báo-nhà văn Nguyễn Quí Đức đã qua đời ở Hà Nội, vì bị ung thư máu!

Nhà báo Nguyễn Quí Đức trong quán Tadioto ở Hà Nội. (Hình: Đỗ Lê Anhđao/Da Màu)

Thật vô cùng sửng sốt: anh còn quá trẻ, mới 65 tuổi.

Tôi quen Nguyễn Quí Đức qua nhà văn Nguyễn Mộng Giác, chủ bút tạp chí Văn Học (California), vào thập niên 1990, khi cả hai chúng tôi đang cùng cộng tác với tạp chí này. Anh là một người đa năng, đa tài. Thông thạo cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, anh vừa sáng tác vừa dịch thuật đủ loại: bình luận tin tức, tiểu luận, truyện ngắn, bút ký, thơ… đăng tải trên báo chí Hoa Kỳ cũng như trên một số tạp chí văn chương hải ngoại, báo giấy lẫn báo mạng.

Một trong số khá nhiều bài viết của anh mà tôi thích nhất, ngoài “Ngao Du,” một truyện ngắn viết theo hình thức “hiện thực hoang đường” đi trên trang mạng Talawas, là bút ký “Revisiting Vietnam 50 Years After the Tet Offensive” (Nhìn lại Việt Nam 50 năm sau Cuộc Tổng Tấn Công Tết), xuất hiện trên tạp chí Smithsonian (Washington, DC) số tháng 1 và 2, 2018. Qua bút ký này, anh kể lại câu chuyện gia đình anh trong bối cảnh của cuộc thảm sát Mậu Thân tại Huế do Cộng Sản Việt Nam tiến hành ngay trong dịp Tết.

Đầu năm 1968, Nguyễn Quí Đức – lúc đó, anh mới lên 9 tuổi – cùng với gia đình từ Đà Nẵng, nơi thân phụ anh làm việc, ra Huế ăn Tết. Vì thân phụ anh là một công chức cao cấp của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (nếu tôi nhớ không làm thì lúc đó, ông là Đại Biểu Chính Phủ), nên cả gia đình được cư trú tại Nhà Khách chính phủ, chỉ cách Tòa Tỉnh Trưởng một đoạn đường ngắn.

Khuya Mùng Một Tết (31 Tháng Giêng, 1968), bộ đội Cộng Sản đánh chiếm Huế. Anh chứng kiến cảnh bộ đội vào Nhà Khách bắt cha anh đi: “Tôi leo lên giường và cố nhìn ra ngoài. Đám bộ đội bắt những người đàn ông sắp thành hàng và trói khuỷu tay họ sau lưng. Một lúc sau, họ dẫn giải những người đàn ông đi. Tôi nhìn thấy cha tôi trong đó.”

Sau khi Cộng quân rút lui gần một tháng sau đó, gia đình anh trở lại Đà Nẵng, sống trong một cơn khủng hoảng nặng nề: không biết cha anh sống chết ra sao. Vài tháng sau, khi nghe tin ở Huế, người ta khám phá những mồ chôn tập thể do bộ đội Cộng Sản sát hại, mẹ anh về Huế mong tìm xác chồng. Sau nhiều lần đi đến các nơi khai quật mà không tìm được gì, lại quá “khiếp hãi khi nhìn thấy những thây ma thối rữa và đầy thương tật,” nên bà không dám trở lại nữa. Bắt đầu từ đó, “Trong khi những gia đình khác đã chôn cất người thân của họ, lập bàn thờ và đã phần nào khép lại nỗi buồn, thì gia đình tôi vẫn sống trong nỗi đau thầm không giấu giếm (open secret).”

Năm năm sau khi hiệp định Paris được ký kết (1973) và hai bên trao trả tù binh, gia đình anh mới biết tin là thân phụ anh còn sống, nhưng bị đày ải ở một trại tù nào đó ở vùng biên giới Trung Quốc. Mãi đến năm 1980, ông mới được tha về và cho phép qua Hoa Kỳ định cư, nơi Nguyễn Quí Đức đã đến ở từ Tháng Tư, 1975, do mấy người chú tìm cách đưa anh sang.

Gặp lại nhau sau một thời gian dài xa cách, hai cha con nói chuyện với nhau về quá khứ, nhưng “không bao giờ nói về năm 1968” vì điều đó quá nặng nề. Ông đọc sách, xem phim và cho in một tập thơ gồm những bài thơ mà ông đã làm khi bị giam cầm với bút hiệu Hoàng Liên, trong đó, lời đề tựa chỉ ghi một câu: “Tôi đau khổ, vậy tôi hiện hữu.”

Ông qua đời vào năm 2000. Dù đau đớn, nhưng theo anh, gia đình anh có lẽ là may mắn và “có hậu” nhất trong số không biết bao gia đình có thân nhân bị Cộng Sản bắt năm 1968.

Nhìn lại thời kỳ đó, Nguyễn Quí Đức cho rằng “cuộc Tổng Tấn Công Tết và 1968 là cuộc chiến của chúng ta: Người Việt chúng ta đã giết lẫn nhau.” Ấy thế mà ở Việt Nam hiện nay, biến cố 1968 được mô tả như một chiến công anh hùng, và bộ máy tuyên truyền nhà nước cứ vài năm một lần vẫn cứ tiếp tục tăng tốc ca ngợi nó.

“Nhưng về cuộc tàn sát hàng ngàn người dân Huế thì sao? Không một lời,” theo anh. Huế bây giờ có rất nhiều khách du lịch. Họ viếng thăm lăng tẩm, hoàng thành, đền đài miếu mạo. Các “Hướng dẫn viên du lịch nói với họ về quá khứ, nhưng họ làm như không biết những lỗ đạn chọc thủng những bức tường thành bên trong Hoàng Thành và ở khắp nơi. Không có du khách nào được dẫn đi xem những khu mộ tàn sát tập thể y như họ được dẫn đi thăm những ‘cánh đồng chết’ nổi tiếng của Khmer Đỏ ở Cam Bốt.”

Đã hơn nửa thế kỷ rồi, trong khi cuộc thảm sát Mậu Thân không thể thoát khỏi ký ức của anh và của người dân Huế, thì cuộc thảm sát đó vẫn bị nhà nước Cộng Sản che giấu, mà anh gọi là một “sự im lặng toàn quốc về biến cố 1968” (The national silence about 1968) và tự hỏi chẳng biết bao giờ sự im lặng đó mới được giở bỏ.

Mấy năm trước đó, theo Nguyễn Quí Đức, một nhóm phóng viên truyền hình Pháp-Đức đã phỏng vấn anh về tình hình hậu chiến ở Việt Nam. Anh trao đổi nhiều điều với nhóm truyền hình, đặc biệt nhấn mạnh đến biến cố Mậu Thân. Cuộc phỏng vấn ấy được chiếu ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng không hề được chiếu tại Việt Nam. Chính quyền Việt Nam hoàn toàn im lặng. Nhưng Nguyễn Quí Đức không chịu im lặng, mà lên tiếng bằng cách viết.

Thay vì viết để “vinh danh một phiên bản lịch sử do những người còn sống, những người chiến thắng viết,” mà để “vinh danh những người đã chết và tưởng niệm họ,” như lời khuyên của một nhà văn quen. Đó là lý do khiến cho bút ký “Revisiting Vietnam 50 Years After the Tet Offensive” xuất hiện trên tờ Smithsonian.

Nhà báo Nguyễn Quí Đức. (Hình: GoFundMe)

Trong một email trao đổi với tôi về bài viết này ngày 26 Tháng Giêng, 2018, Nguyễn Quí Đức viết: “Em ước gì trong những người bộ đội đã tham gia vào vụ giết chóc đó đủ can đảm để nói lên câu chuyện này, bày tỏ một cảm xúc nào đó.  Em chưa hề đọc được một bài nào như vậy nói đến một chút ăn năn, hối hận. Hoặc ít nhất nhìn nhận sự thật.

Đôi khi em cũng bị dằn xé giữa những vết thương cũ, nhu cầu nói lên câu chuyện ngày xưa, và

cái ước mong cho có một thế hệ trong sáng, không bị cái quá khứ đè nặng trong tâm tưởng. Nhưng em nghĩ sự trong trắng đó phải bắt nguồn từ một lương tâm đã biết nhìn nhận sự cuồng điên, cái ác của quá khứ, để sau đó hướng đến cái thiện trong tương lai, như ở nước Đức, hay phần nào ở Nhật.

Em ít về Huế vì nhiều khi không dám đương đầu với ký ức, uất ức và u ám ở đó.

Chính em cũng biết mình đã cúi mặt làm ngơ.

Đức.”

***

Nguyễn Quí Đức sinh ở Đà Lạt năm 1958, con của ông Nguyễn Văn Đãi và bà Nguyễn Khoa Diệu Liễu. Định cư ở Hoa Kỳ năm 1975, anh tốt nghiệp đại học ngành truyền thanh và truyền hình tại San Francisco State University.

Anh bắt đầu làm việc cho đài BBC, đài phát thanh KALW-FM tại San Francisco và bình luận viên cho National Public Radio từ năm 1989. Các bài bình luận tin tức, các tiểu luận, truyện ngắn và thơ được đăng trên các tạp chí Mỹ như The Asian Wall Street Journal Weekly, The New York Times Magazine, The San Francisco Examiner, The San Jose Mercury News… và trên các tạp chí và trang mạng Việt Nam như Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Da Màu, Talawas…

Anh được trao tặng một số giải thưởng về báo chí và phim ảnh ở Hoa Kỳ, trong số đó có “Citation of Excellence” của Overseas Press Club, “One of 30 Most Notable Asian Americans” của A-Media, “Distinguished Service Award” của  the Society of Professional Journalists…

Anh đã xuất bản nhiều tác phẩm, trong đó có: “Where the Ashes Are: The Odyssey of a Vietnamese Family” (Tro Tàn Nơi Đâu: Cuộc Phiêu Lưu Của Một Gia Đình Việt Nam); “Behind The Red Mist” (Phía Sau Màn Sương Đỏ) truyện dịch của Hồ Anh Thái; “A Traveler’s Literary Companion” (Người Đồng Hành Văn Chương Của Lữ Khách) và “Once Upon A Dream, The Vietnamese American Experience” (Giấc Mơ Xưa, Kinh Nghiệm Người Mỹ Gốc Việt) – hai tuyển tập dịch các truyện ngắn của nhiều tác giả Việt Nam; “Người Lính Tên Tony D.” (kịch), sáng tác dựa trên truyện ngắn của Lê Minh Khuê; “Đêm Thượng Hải” (phim tài liệu).

Anh đến Mỹ năm 1975, nhưng trở về sống ở Hà Nội từ năm 2006.

Tại Việt Nam, anh từng mở nhà hàng có tên Tadioto ở Hà Nội và Hội An.

“Việt Nam là nhà, và đó là một nơi lý thú nhất lục địa,” nhà báo Nguyễn Quí Đức từng nói với nhật báo The San Francisco Chronicle năm 2006. “Tôi có rất nhiều cơ hội tại đất nước này, một nơi cho tôi rất nhiều. Ở đó, tôi cảm thấy ấm áp hơn. Tôi có thời gian cho bạn bè.” [qd]

MỚI CẬP NHẬT