Thursday, May 2, 2024

Tôn Nữ Nha Trang và biên khảo ‘Các Nhà Văn Nữ Miền Nam Việt Nam 1954-1975’

Trần Doãn Nho/Người Việt

KENNEDALE, Texas (NV) – “Các Nhà Văn Nữ Miền Nam Việt Nam 1954-1975” là bản dịch Việt Ngữ do nhà văn Trùng Dương thực hiện, với hiệu đính của nhà văn Trịnh Y Thư, từ nguyên bản tiếng Anh, “Women Writers of South Vietnam 1954-1975,” một công trình biên khảo của Tiến Sĩ Công Huyền Tôn Nữ Nha Trang, xuất bản lần đầu tiên trên tạp chí Vietnam Forum, số 9, 1987, của trường Đại Học Yale, Hoa Kỳ.

Bìa trước và bìa sau tập biên khảo “Các Nhà Văn Nữ Miền Nam Việt Nam 1954-1975.” (Hình: Trần Doãn Nho/Người Việt)

Theo lời tựa của nhà xuất bản Văn Học Press (Hoa Kỳ), “đây là một công trình biên khảo công phu, có giá trị vừa văn học vừa lịch sử.”

Tác phẩm “bao gồm gần như toàn bộ các khuôn mặt phụ nữ mà các đóng góp của họ còn được lưu truyền từ đầu thế kỷ 18, hoặc sáng tác một cách tài tử hoặc một cách chuyên nghiệp (như về sau này), trong kho tàng văn học Việt, với trọng tâm khai triển chính của công trình nghiên cứu là 21 năm tại miền Nam.”

Tập biên khảo chia làm ba phần, phần dịch Việt Ngữ, phần nguyên bản Anh Ngữ và cuối cùng, phần Phụ Lục là một bài nhận định về “Phụ Nữ Viết Văn Thời Cộng Hòa” do nhà văn Trùng Dương viết. Ngoài phần Dẫn Nhập, tài liệu biên khảo này lần lượt đưa ra một cái nhìn về bốn thời kỳ viết văn của phụ nữ Việt Nam kể từ thế kỷ thứ 15.

Truyền thống văn học nữ giới trước năm 1954

Truyền thống văn học nữ giới Việt Nam bắt đầu từ thế kỷ thứ 15 với nữ sĩ Ngô Chi lan và bốn bài thơ vịnh mùa. Tiếp đó là Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Công Chúa Ngọc Hân, Nguyễn Nhược Thị.

Vào đầu thế kỷ 20, nhiều nữ sĩ nhập cuộc, trước hết là Tương Phố rồi sau đó, lần lượt là Nhàn Khanh, Đạm Phương, Cao Ngọc Anh, Song Thu, Ngân Giang, Mộng Tuyết, Anh Thơ, Thu Hồng, Trinh Tiên, sau đó nữa, là Nguyễn Thị Vinh, Linh Bảo, Thụy An…

Kết luận về giai đoạn này, tác giả nhận định là các nhà văn nữ sau 1954 một mặt, thừa hưởng những thành tựu của các nhà văn nhà thơ nữ trước 1954, một mặt khác, một cách oái oăm, là do cuộc chiến hai miền Nam Bắc đã như một “kích thích và mở đường cho việc phụ nữ tham gia vào sinh hoạt văn chương – ở các mức độ thành công và nhìn nhận khác nhau” (trang 24).

Giai đoạn chuyển tiếp 1954-1963

Trong giai đoạn này, do chính sách kiểm duyệt gắt gao thời Đệ Nhất Cộng Hòa và do tài chánh yếu kém, giới cầm bút phụ nữ chưa có cơ hội sinh sống bằng nghề viết văn. Đã thế, môi trường sinh hoạt lại khép kín, khiến các cây bút nữ chỉ viết lách như một thú vui tài tử.

Về thơ có Mộng Tuyết và nhóm nữ sĩ Quỳnh Dao gồm Đào Vân Khanh, Tôn Nữ Hỷ Khương, Tuệ Mai…; nhóm Tao Đàn Bạch Nga với Minh Đức Hoài Trinh, Thanh Nhung…

Đặc biệt có nhóm các nhà thơ sinh viên như Cao Mỵ Nhân, Hà Phương, Cao Thị Vạn Giã….; nhóm này “đang thử nghiệm các thể loại diễn tả khác nhau tách biệt khỏi khuynh hướng lãng mạn tiền chiến, nhằm diễn tả thực tại và quan tâm thời đại” (trang 29). Khuynh hướng này xuất hiện rõ ràng hơn ở Nhã Ca và Nguyễn Thị Hoàng, như là những người bắt cầu cho giai đoạn sau.

Về văn, văn xuôi nữ giới cũng bắt đầu được chú ý. Trước hết là những cây bút nữ chịu ảnh hưởng của Tự Lực Văn Đoàn như Nguyễn Thị Vinh, Thụy An, Linh Bảo. Ngoài ra, còn có những cây bút khác như Quỳ Hương, Tú Hoa, Thiếu Mai Vũ Bá Hùng, Tùng Long, Đỗ Phương Khanh, Phạm Lệ Oanh, Trương Anh Thụy.

Nói chung, về cả văn vần lẫn văn xuôi, “giới cầm bút phụ nữ trong thời kỳ chuyển tiếp này đã tái xác nhận sự hiện hữu của họ trong công cuộc sáng tác văn chương và lót đường cho công cuộc khai phá và phát triển của các đồng nghiệp trẻ trong các thời kỳ kế tiếp” (trang 38).

Thời kỳ bùng phát 1964-1970

Thời kỳ này bắt đầu sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ vào Tháng Mười Một, 1963. Do chính quyền mới bãi bỏ kiểm duyệt và cũng do viện trợ Mỹ đổ vào, đời sống được nâng cao, số độc giả gia tăng, đặc biệt là nữ giới, gồm “các bà các cô đi làm công, thợ may, thợ làm tóc, người bán hàng, công nhân…” tạo hoàn cảnh thuận tiện cho “sự xuất hiện ồ ạt của các nữ tác giả và tác phẩm của họ.” Cũng phải kể đến sự xuất hiện của các tạp chí phụ nữ và sự khuyến khích của các nhà văn nam giới như Võ Phiến, Mai Thảo.

Mặt khác, về phương diện tâm lý, cuộc chiến tranh càng ngày càng lan rộng và những bất ổn xã hội khiến cho người ta có khuynh hướng tìm kiếm một thế giới mộng tưởng bình an hơn. Trong chiều hướng này, “tác phẩm của phái nữ nhằm khai thác thế giới tâm lý thầm kín và riêng tư của phụ nữ xem ra lại đáp ứng nhu cầu văn chương” của người đọc (trang 43).

Tác giả Nha Trang cũng tìm thấy một lý do khác cụ thể hơn: Các nam sinh viên học sinh phải lo học, lo thi đậu để tiếp tục việc học và tránh bị động viên, nên hầu hết họ chuyên chú vào sách giáo khoa, ít có thì giờ đọc văn chương giải trí trong lúc các sinh viên học sinh nữ thì không bị áp lực gì nên rảnh rỗi “mặc sức thưởng ngoạn văn chương” (trang 43).

Mặt khác, chiến tranh cũng khiến nhiều phụ nữ vì nhu cầu kinh tế phải đi làm, do đấy, họ có tiền để mua sách đọc. Thời họ còn học trung học cũng là thời đọc văn của những cây bút theo trào lưu chủ nghĩa hiện sinh như Jean-Paul Sartre, Albert Camus, Francois Sagan. Trong bối cảnh đó, quan niệm viết văn của các nữ tác giả cũng thay đổi. Họ không những viết để kiếm tiền và được nổi tiếng mà còn “muốn được công nhận về phẩm chất” văn chương nữa.

Trong giai đoạn này, ngoài những cây bút đã có tên tuổi từ thời kỳ trước, nhiều khuôn mặt mới xuất hiện. Về thơ, ta thấy có Hoàng Hương Trang, Lê Thị Ý, Lệ Khánh, Nhã Ca; về văn, có Trịnh Thị Diệu Tâm, Thiều Giang, Dung Sài Gòn, Minh Quân… Nhưng nổi bật nhất trong thời kỳ này là năm cây bút nữ trẻ đang trong lứa tuổi hai mươi, đó là Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nhã Ca, Trùng Dương và Túy Hồng. Tác giả Nha Trang đã dành một phần ba tập biên khảo để bàn về năm tác giả này, phân tích các tác phẩm quan trọng của mỗi tác giả về nội dung, văn phong cũng như mối liên hệ giữa văn chương của họ với hiện tình xã hội và lịch sử.

“Sự xuất hiện của họ đánh dấu không chỉ bằng số lượng tiểu thuyết và truyện ngắn của họ tràn ngập thị trường, mà còn vì ảnh hưởng của các tác phẩm bán chạy và được bàn tán nhiều nhất của họ.”  Những tiểu thuyết đăng từng kỳ “chẳng bao lâu biến các cây bút này thành văn sĩ chuyên nghiệp” (trang 49).

Kết luận cho thời kỳ quan trọng này, tác giả Nha Trang nhận định: “Với một nền báo chí tương đối tự do và sự hỗ trợ của giới độc giả và sinh hoạt xuất bản ngày một tăng trưởng, giới cầm bút phái nữ đã tiến một bước dài trong việc góp mặt trong sinh hoạt văn học. Qua một nỗ lực chung – và một số nhỏ thành công – họ đã nhận được sự công nhận khả năng sáng tạo, không chỉ ở số ấn bản sách bán được, mà quan trọng hơn cả là ở nội dung và văn phong mới mà họ đã đóng góp cho văn học. (…) Vì tới trễ trong một sinh hoạt văn hóa do phái nam thống trị từ nhiều thế kỷ qua, họ phải nỗ lực gấp đôi để cống hiến cho đời cái độc đáo riêng của họ, nâng tác phẩm của họ từ một thứ gợi óc tò mò lên hàng một nghệ thuật” (trang 73, 74).

Thời kỳ tái định hướng 1971-1975

Trong thời kỳ 1971-1975, anh hưởng việc Mỹ rút quân, giảm viện trợ, kinh tế khó khăn, luật báo chí mới kiểm soát việc truyền thông khiến báo đóng cửa, các tạp chí văn học cũng suy giảm. Để duy trì sinh hoạt, “các nhà xuất bản bị buộc phải lưu ý tới tầng lớp độc giả vẫn còn có thể đọc để giải trí, có nghĩa là tầng lớp ít học và ít kén chọn, và lớp vị thành niên vốn tò mò về mọi sự ở đời qua những trang sách báo.”

Trong tình hình đó, cũng như phái nam, các nhà văn nữ cũng phải “tái định hướng nghiệp văn của họ.” Nguyễn Thị Thụy Vũ, Trùng Dương, Túy Hồng “Có vẻ như khi cây bút của họ trở nên chín chắn hơn, họ chuyển qua những vấn đề mà nhiều độc giả có thể cảm nhận được.”

Đặc biệt trong thời kỳ này nổi lên hai khuôn mặt nữ đáng chú ý: Lệ Hằng và Trần Thị NgH. Đó là  “những cây bút đại diện cho một vượt thoát khỏi mô hình văn chương phái nữ của thời ký trước” (trang 81, 82). Lệ Hằng “mạnh dạn phơi bày các liên hệ vượt ngoài sự chấp nhận và rào cản quy ước của xã hội và mô tả không che đậy chuyện ân ái.” Còn ở Trần Thị NgH, các nhân vật nữ  “có tính độc lập, không bị ràng buộc bởi việc phải uốn mình vào các khuôn khổ đã cố định, tự ý đi vào và rời khỏi các liên hệ với đàn ông, thản nhiên, không bận tâm” (trang 84).

Đánh giá 21 năm văn học nữ giới miền Nam Việt Nam, tác giả Tôn Nữ Nha Trang nhận định: “Trong bối cảnh bị kềm chế bởi thời gian và luân thường xã hội, thật đáng chú ý khi các cây bút phái nữ của miền Nam đã có thể đóng góp đáng kể vào văn học. Quả không quá đáng khi nghĩ rằng giới phụ nữ đã được phép tham dự và đời sống công cộng mà không phải chịu đựng sự hoài nghi và thành kiến, năng khiếu và cảm nhận thông thường của họ đã cho phép họ nhìn thấy sự thật bấy lâu bị giấu kín và đem ra phơi bày cho nam giới thấy phần nào về họ và cung cách họ hành xử việc đất nước” (trang 91).

Bà cũng cho rằng truyền thống văn chương mà các cây bút phụ nữ miền Nam đã tạo ra trong thời kỳ ngắn ngủi đó tiếp tục ảnh hưởng vào văn chương phụ nữ hải ngoại. Ngoài một số ít cây bút phụ nữ nổi tiếng còn tiếp tục viết như Túy Hồng, Quỳ Hương, Trương Anh Thụy, Trùng Dương… có thêm nhiều tên tuổi mới nhập dòng văn chương như Lê Thị Huệ, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Phạm Thị Ngọc, Phan Thị Trọng Tuyến, Trần Diệu Hằng.

“Đề tài họ chọn và nội dung khái thác phản ảnh mức độ tự do rộng lớn hơn mà họ được hưởng tại quốc gia định cư. Do lẽ đó, họ tha hồ chú tâm vào đời sống trước mặt và bây giờ, nghệ thuật của họ rộn ràng với suy nghĩ và cảm xúc sâu xa nhất về thực tại của nữ giới trong khi ghi lại một cách tế nhị các khía cạnh giá trị từ những xung đột xã hội văn hóa của di dân người Việt,” tác giả viết. [qd]

Tiến Sĩ Công Huyền Tôn Nữ Nha Trang sinh năm 1941 tại Nha Trang, là con đầu trong số 15 người con của nhà văn B.Đ Ái Mỹ và nữ thi sĩ Trinh Tiên. Bà du học tại Nhật rồi sau đó tại Hoa Kỳ, đỗ tiến sĩ về Á Đông học tại đại học University of California, Berkeley. Toàn bộ tác phẩm của bà đã xuất bản có thể tìm thấy tại trang mạng cá nhân: www.second-sites.com/nhatrang.

MỚI CẬP NHẬT