Wednesday, May 8, 2024

Vài hoài niệm về Du Tử Lê

Đặng Phú Phong

GARDEN GROVE, California (NV) – Trước năm 1975 tôi biết đến thi sĩ Du Tử Lê khi ông được giải thưởng về thơ của tổng thống Việt Nam Cộng Hòa. Sự biết cũng dừng ở đó.

Nhà thơ Du Tử Lê (thứ tư, từ trái) và nhà thơ Đặng Phú Phong (thứ năm, từ trái) cùng các bằng hữu tại quán Lan Hương. (Hình: Trang cdnth6875)

Mãi đến thập niên 1990 tôi định cư ở Nam California, rất gần nơi cư trú của ông. Gặp ông lần đầu rất tình cờ nhưng tôi không hề có ý định kết thân vì đơn giản là do nghe nhiều điều tiếng về ông từ các quán cà phê vùng Little Saigon. Sau này khi thân thiết, tôi thuật lại, ông cười nhẹ và nói: “Cũng may P. chưa kịp ‘đánh’ (chữ của giới làm báo dùng để chỉ viết bài hạ nhục ai đó) tôi – như nhiều người đã làm.” Sau đó nhiều tình cờ run rủi, tôi thường gặp Du Tử Lê hơn và nhiều nhất là ở quán cà phê.

Trong mấy chục năm trời uống cà phê với ông, chúng tôi gặp nhau ở rất nhiều quán. Nhưng ngồi nhiều nhất và lâu nhất thì lần lượt ở các quán sau: Tài Bửu, Lan Hương (Lan Hương đổi chủ thì qua Tài Bửu chỗ mới), Tài Bửu sang quán chúng tôi lại chuyển sang Hạt Ngò 1, Hạt Ngò 2, cho đến khi ông qua đời.

Ở quán nào ông vẫn thường đến khá sớm, khoảng 9 giờ, ngồi ở một bàn kín đáo; sau đó bạn bè đến, thường chỉ một vài người, thỉnh thoảng cả chục. Thời gian trước tôi còn làm việc nên chỉ ngồi cà phê với ông hai ngày cuối tuần; cho đến năm 2013 tôi nghỉ hưu mới cà phê cùng ông bảy ngày một tuần. Sự thân thiết tự nhiên theo ngày tháng đến với chúng tôi; tôi và ông đều nhận thấy điều ấy và cùng trân trọng giữ lấy.

Chúng tôi kể cho nhau nghe thật nhiều về quá khứ, cho đến chợt một hôm vào đầu năm 2018 ông tỏ ý nhờ tôi viết về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Du Tử Lê. Ông bắt đầu gom sách xuất bản từ xa xưa hay những tài liệu liên quan đến ông để đưa cho tôi tham khảo. Công việc tiến hành không chuyên môn mà rất tài tử và chậm sì; chỉ vì cả hai chúng tôi đều nghĩ rằng thi sĩ Du Tử Lê còn lâu mới lìa bỏ cõi đời này.

Nhiều người, có cả người thân ngay như chị T., hiền thê của ông, nói rằng Du Tử Lê chỉ biết làm thơ, ngoài ra không biết làm gì nữa cả. Dĩ nhiên đây là lời nói có tính thậm xưng nhưng cho ta thấy cái tính lơ mơ, không chú ý đến nhưng việc không thuộc về văn chương của ông. Tôi cũng nghe nhiều những thắc mắc của ông rất ngây thơ đến buồn cười của ông.

Nhưng quý vị đừng vội, bên cạnh những không biết hay đúng hơn là không để ý đến đời sống vật chất; những loại hữu cơ mà đối với ông thì đầy rắc rối, phức tạp, Du Tử Lê lại có những cái nhìn thật sắc, thật nhạy bén về lãnh vực tinh thần, tình cảm và nhất là về thi ca. Có những hôm ngồi bàn luận về thi ca, chúng tôi hứng chí ngồi đến xế chiều. Ông thường nói, chúng ta là những người đi trước phải tạo điều kiện giúp đỡ những người đi sau tiếp tục dấn thân, làm mới, yêu thích thi ca, một mảng quan trọng trong văn hóa của đất nước.

“Tôi cho đó là một trong những nhiệm vụ của người làm văn học,” Du Tử Lê từng nói. Và, đó là động lực chính để Du Tử Lê mở giải thưởng thơ văn Du Tử Lê. Khi ông qua đời, chị T., hiền thê của ông, vì sợ không kham nổi giải thưởng nữa nên tuyên bố chấm dứt. Nhưng sau đó với linh thiêng của anh và lòng yêu kính chồng, chị T. tuyên bố lại là giải thưởng Du Tử Lê vẫn tiếp tục. Tôi nghĩ điều này sẽ làm vong hồn của ông rất vui ở suối vàng.

Nhà thơ Du Tử Lê. (Hình: Trang cdnth6875)

Du Tử Lê là một người nói năng nhỏ nhẹ, từ tốn và lịch sự, rất dễ được lòng người đối diện. Ông không phát biểu ý kiến riêng trong đám đông như ở bàn cà phê, bàn tiệc. Những quan điểm về văn học, tôn giáo, chính trị ông chỉ nói với người thân mà chỉ khi có một hay hai người mà thôi.

Ông tự nhận thời trai trẻ đến trung niên ông thuộc típ người không chịu thua ai, sẵn sàng đối phó bằng mọi thủ đoạn với đối thủ của mình. Nhưng khi về già, nhất là từ sau khi mẹ ông qua đời ông trở nên hiền hòa, dễ dàng bỏ qua những thù địch.

Ông có người chị ruột thương và lo lắng cho ông rất nhiều không khác gì một người mẹ. Du Tử Lê luôn luôn dạ thưa, một mực lễ phép với bà cho đến cuối đời. Bà là người duy nhất khóc ngất trong lúc tiễn chiếc áo quan Du Tử Lê xuống lòng đất lạnh.

Du Tử Lê rất yêu hội họa, giao du thân thiết với nhiều họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam. Sự say mê màu sắc ấy có trong ông từ thời trẻ nhưng chỉ giữ trong sự nung nấu vì ông không tin vào khả năng của mình. Cho đến khoảng năm 2010 do sự khuyến khích của tôi và nhất là từ họa sĩ Nguyễn Đình Thuần. Thuần là người tận tình giúp ông tìm giá vẽ, tìm mua màu và góp ý về kỹ thuật khiến Du Tử Lê vô cùng tâm đắc.

Bài viết đầu tiên của tôi về hội họa của ông mang tên “Du Tử Lê, Màu Xanh Vàng Phai” được đăng trên các báo ở California, sau đó được nhiều báo về nghệ thuật khắp nơi đăng lại và một luận án thạc sĩ của một sinh viên trong nước tham khảo.

Nhà thơ Đặng Phú Phong đến thăm nhà thơ Du Tử Lê. (Hình: Đặng Phú Phong cung cấp)

Du Tử Lê rất vui, ông nhiều lần nói với tôi là nhờ bài viết này làm thành động lực giúp ông vẽ nhiều hơn lên. Ông đã tổ chức bốn hay năm lần triển lãm và lần nào cũng thành công vượt bực bán hết tranh. Tôi cũng hân hạnh được ông mời nói chuyện, khoảng bốn lần về thơ, họa của ông trong các chương trình thơ, họa.

Lần cuối cùng là ở chương trình “Thơ & Tranh Du Tử Lê” ngày 18 Tháng Tám, 2019 tại thành phố San Jose , California, nhằm ra mắt tập thơ “em cho tôi mãi nhé: ấu thơ mình” và trưng bày một số tranh mới sáng tác. Trong chuyến đi này chúng tôi dự trù ghé thăm Hoạ sĩ Duy Thanh ở San Francisco, một người bạn thân và quý mến của DTL. Chẳng may hôm đó ông rất mệt nên chúng tôi phải bỏ cuộc quay trở về San Jose. Việc này cứ làm ông ngậm ngùi tiếc nuối vì không thăm được Duy Thanh lúc này đang đau yếu sợ không qua nổi. Và, họ vĩnh viễn không gặp nhau nữa. Tháng Mười, 2019 DTL ra đi, Rồi tiếp theo cuối Tháng Mười Một, 2019 Hoạ sĩ Duy Thanh cũng lên đường miên viễn.

Có nhiều người yêu thích và cũng có nhiều người ghét, chống báng ông. Có người sửa thơ ông rồi đem ra chặt chém. Đó cũng là cái sự thường ở cuộc đời ô trọc. Du Tử Lê có một đặc biệt mà xưa nay các thi sĩ Việt Nam không hề có. Đó là thơ của ông được rất nhiều nhạc sĩ phổ nhạc. Con số hàng trăm chứ không phải đôi ba chục bài; có những bài nổi tiếng vang lừng đã lắng sâu vào lòng người. Điều đó khó có ai chối cãi, dù là kẻ ghét ông.

Về tình yêu , Du Tử Lê có rất nhiều hệ luỵ. Những người đàn bà đi qua đời ông đều để lại cho ông những vết sẹo yêu thương và ông trân trọng để nó riêng mỗi góc trong lòng ông, lâu lâu nó vụt hiện, khi đẹp như áo lụa nhung mềm, khi quặn thắt như đang lửa đốt trong lòng. Du Tử Lê nói ông khi yêu ai thì yêu hết lòng, yêu bằng tình yêu mù loà nồng cháy. Yêu như chưa hề yêu ai vậy.

Ngày 7 Tháng Mười, 2019, trưa, khoảng 12 giờ hơn, sau khi cafe xong tôi đưa DTL về nhà vì hôm đó anh không có xe. Trên xe anh và tôi nói chuyện bình thường không có dấu hiệu gì đáng quan tâm đến sức khoẻ. Buổi chiều có người bạn rất quý anh mời đi ăn, anh thấy mệt nhưng vì nể bạn phương xa nên nhận lời. Khi đến quán anh than mệt nhiều hơn, chỉ ăn qua quýt vài miếng rồi ngồi yên không còn chú ý chung quanh.

Người bạn đưa anh về nhưng không biết địa chỉ nhà, hỏi anh, anh đã lạc thần, không nói nổi địa chỉ nhà mình. Cuối cùng phải mất gần cả tiếng đồng hồ mới tìm được nhà… Người nhà chở anh vào bệnh viện thì anh đã hôn mê sâu và lặng lẽ ra đi. Thật bình yên và nhanh chóng, giống như nhiều lần tôi và anh ước có được một sự ra đi nhanh như thế. Và anh đã đạt được ước nguyện.

Du Tử Lê đã đi xa một năm, mấy tuần đầu tôi vẫn không tin anh đã chết thật. Sau hôm chị T. làm tấm bia gỗ tạm chờ bia đá về, tôi đến thăm anh, đó là lần đầu tiên tôi cảm nhận anh đã thật sự về trong lòng đất khi tôi úp lòng bàn tay xuống nắm cỏ khâu, cỏ và đất trên mộ anh lằn tăn trong lòng bàn tay. Tôi nghe tiếng anh cười!

Trong đoạn cuối tôi không dùng đại danh từ “ông” để chỉ đến Du Tử Lê mà dùng tiếng anh để nói chuyện với Du Tử Lê như hồi sinh tiền của anh. Cho nó ấm!

Tôi chỉ theo dòng cảm hứng ghi lại một số hồi ức với Du Tử Lê chứ không chủ tâm viết theo một cách nào nên bài viết không có yếu tố thời gian, thiếu mạch lạc. Mong quý vị không chấp. [qd]

MỚI CẬP NHẬT