Tuesday, May 14, 2024

Vị trí người nữ trong văn xuôi Nguyễn Hữu Trí

Du Tử Lê/Người Việt

(Tiếp theo và hết)

Rất nhẩn nha, rất từ tốn, mặc dù ngay tự tác phẩm thứ nhất “Thằng Ngọ,” Nguyễn Hữu Trí đã nhận được khá nhiều thiện cảm của văn giới. Nhưng phải nhiều năm sau, tuyển tập truyện ngắn thứ hai, tựa đề “Ăn Trưa, Nghe Kể Chuyện Tình,” do tạp chí Văn xuất bản, Hoa Kỳ, 2000, mới ấn hành.

Khi được hỏi, lần đầu tiên, tác giả “bộc bạch” về cái tựa sách khá dài và khá lạ, so với tựa đề đơn giản, rất ngắn “Thằng Ngọ” của tập truyện thứ nhất, như sau:

“Đúng như nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng đã viết trong lời tựa ở đầu tập sách, thoạt tiên tôi có ý định đặt cho tập truyện ‘một cái tên chung… có thể mang theo nó một không khí của toàn tập sách. Cái không khí mà người nữ là nhân vật chính.’ Tôi nhớ một trong vài cái tên chung do tôi đưa ra để xin ý kiến của Nguyễn Xuân Hoàng là ‘Kiếp Hồng Nhan.’”

“Các tên chung khác đại loại cũng tương tự như vậy nhằm mục đích kể lại chuyện tình trắc trở của ‘những tâm hồn cô đơn’ trong những hoàn cảnh éo le. Đến nay tôi không còn nhớ rõ Nguyễn Xuân Hoàng và tôi đã lập luận như thế nào để từ bỏ ý định đặt một cái tên chung cho tập sách và để quyết định chọn tên của một truyện ngắn thay vào đó. Rất có thể chúng tôi chọn truyện ngắn ‘Ăn Trưa, Nghe Kể Chuyện Tình” vì tên của truyện này có hai chữ ‘chuyện tình’ mặc dầu hầu hết các truyện ngắn khác trong tập sách cũng kể lại chuyện yêu đương của người phụ nữ.”

“Mặt khác, tôi trộm nghĩ rằng cái tựa của truyện ngắn ‘Ăn Trưa, Nghe Kể Chuyện Tình’ có thể khiến người đọc tò mò (chuyện tình gì đây, chuyện của ai, vui hay buồn…) và có thể làm người đọc ngạc nhiên sau khi đọc. Thật vậy, nếu đọc kỹ, người đọc sẽ thấy điều trớ trêu trong truyện ngắn này là nhân vật nữ trong đó chỉ muốn nghe chuyện tình của riêng mình nhưng không được nghe mà lại bị ‘bắt buộc’ phải nghe những câu chuyện tình của thiên hạ. Vậy thì có nên đổi tựa truyện ngắn này thành ‘Ăn Trưa, Không Muốn Nghe Kể Chuyện Tình’ chăng?”

Tôi không biết nhà văn Phạm Xuân Đài, người phụ trách việc điểm sách cho tạp chí Thế Kỷ 21, có bị… “tò mò (chuyện tình gì đây, chuyện của ai, vui hay buồn,…) và có ngạc nhiên sau khi đọc” trong vai trò độc giả hay không? Nhưng nhà văn đã ghi lại cảm nhận của ông về “Ăn Trưa, Nghe Kể Chuyện Tình” của nhà văn Nguyễn Hữu Trí như sau:

“…‘Ăn Trưa, Nghe Kể Chuyện Tình’ là tên một truyện trong sách, nhưng giá không có một truyện có tên như thế thì nhan đề ấy vẫn có thể dùng cho cả cuốn truyện. Nói chung là chuyện tình được kể lại. Tất cả đều là chuyện yêu đương của người phụ nữ, nhưng từ nhiều tâm trạng và bối cảnh rất khác nhau, đến độ người đọc phải ngạc nhiên tự hỏi sao tác giả có thể trải qua kinh nghiệm đa dạng, hoặc tưởng tượng nhiều chuyện phong phú đến như vậy? Nhân vật có thể là cô gái lai mới đến xứ Mỹ vài ba năm trải qua tâm trạng nhớ và hờn giận người yêu trong một cuối tuần; một người đàn bà ở Hà Nội có chồng du học ở Nga, vẫn trông ngóng thương yêu mà không hề biết chồng đang phản bội mình; rồi một chuyện tình ly kỳ của người đàn bà mù ở Bắc Kinh”…

“Phần nhiều chuyện nào cũng ‘rắc rối’ nhiều tình tiết éo le, với một kết thúc khá bất ngờ, nhưng những gì còn đọng lại trong lòng người đọc không phải là sự quyến rũ của cái ly kỳ, mà là nỗi đau. Say đắm, hoan lạc, thủy chung trong tình yêu hầu như chỉ để chuẩn bị một một gãy đổ, và cái bóng cay đắng của nó luôn luôn phủ lên phần cuối những câu chuyện tình ở đây. Chủ ý của tác gỉa hình như là: xin các bạn hãy nếm vị cay đắng ấy, đó là điều bắt buộc, không nếm qua thì không biết được ý nghĩa đích thực của tình yêu và của cuộc đời.”

“Một vài truyện không thuộc chủ đề tình yêu, khá độc đáo. Truyện ‘Ba Tôi’ chẳng hạn, nói về sự hiện diện của linh hồn sau khi chết. Người cha hiện hồn về nói chuyện với đứa con gái nhỏ của mình, cho đến một hôm bỗng mới ‘nhận thức ra là mình đã chết,’ và phải quyết định chết thêm một lần để đi xa hẳn, khỏi ‘về’ nữa. Hồn người chết phải giác ngộ ra khỏi quán tính u mê của kiếp sống thì mới gọi là siêu thoát được. Rõ ràng là ‘chuyện ma’ nhưng tác giả viết rất dung dị, trong sáng, chứng minh được một nhận thức của mình về đời sống tâm linh.”

Nguyễn Hữu Trí không phải là nhà văn Việt Nam đầu tiên, đặt mình vào tâm thái một người nữ. Nhưng, có lẽ ông là người có nhiều truyện ngắn tự thác tự mình vào tâm tình của người nữ, nhiều hơn bất cứ một nhà văn nào khác.

Tới nay, tôi vẫn chưa thấy một nhà phê bình văn chương nào, đề cập tới hiện tượng nhà văn nam giới, đắm mình trong cõi thẳm sâu của thế giới người nữ và, ngược lại.

Tuy nhiên, theo tôi, trong mỗi người nam, ít nhiều, đều có một người nữ ẩn tàng, cũng tựa như một thứ bản mệnh tự nhiên, không thể trút bỏ. Do đấy, nếu là người bẩm sinh vốn mẫn cảm, bi lụy với những cảnh đời éo le, bi thảm của người nữ (như trường hợp Nguyễn Hữu Trí), tôi nghĩ những nhà văn đó, có cơ hội đem tới cho sáng tác của mình nhiều mới mẻ, bất ngờ ở chiều kích khác. Chiều kích phức tạp, vi tế, khi họ nhà văn nam giới tự đặt mình vào trọn vẹn vận hành tinh thần và thể chất người nữ.

Vẫn theo tôi, ngay cả khi một nhà văn nam giới, tự biến mình thành người nữ trong những trang văn xuôi của họ, có thất bại chăng nữa thì, nó vẫn là những trang văn xuôi đi ra từ một cảnh giới khác. Và, phải chăng, đó cũng là một trong những cách tự làm mới mình, qua những thăm dò tiềm thức người khác giới?

***

Đứng ở góc độ khác biệt hoàn toàn với góc độ cảm nhận của hai nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng và Phạm Xuân Đài, nhà thơ Du Tử Lê, trong bài “Bạt” cho tập truyện “Ăn Trưa, Nghe Kể Chuyện Tình,” góc độ dõi theo sự lên đường của những cây bút khởi nghiệp sau biến cố Tháng Tư, 1975, họ Lê viết:

“…Với tôi, trường hợp Nguyễn Hữu Trí là một lên đường nắng, gió, bốn biển.”

Nhờ không bị kéo lê bởi sợi xích (dù cho rất dài), cột buộc nơi cây cột quá khứ, Nguyễn ném được phần đời chữ, nghĩa mình vào những tỷ giảo, những liên tưởng mới mẻ, tới gay gắt.

Nhờ tắm gội và, hít thở nhiều năm trong khí hậu văn chương hiện đại, nên khi viết loại truyện không có chuyện, như ‘Cuối Tuần Của Ng.’ hay, ‘Ăn Trưa, Nghe Kể Chuyện Tình’… hoặc, loại truyện có chuyện như ‘Ba Tôi,’ ‘Đêm Chưa Tạnh’… Nguyễn đều cho thấy không chút gồng mình; không chút lên gân, nhằm chứng minh điều gì.”

Nguyễn rất thong dong, từ tốn với chút giễu cợt mỉa mai chính mình, thấp thoáng đâu đó, giữa hai hàng chữ.

Nguyễn rất thong thả, điềm nhiên đi hết câu chuyện của mình, như một người nhàn tản, ngoắc tay, rủ rê người đọc dạo chơi cùng Nguyễn, một đoạn đường…” (“Ăn Trưa, Nghe Kể Chuyện Tình,” trang 166)

***

Khi tôi viết những dòng chữ này, thì chúng ta đang bước lần vào những ngày, tháng cuối cùng của niên lịch 2017. Thêm một thời gian khá dài nữa, trôi qua, kể từ ngày “Ăn Trưa, Nghe Kể Chuyện Tình” ra đời. Nhưng tôi tin Nguyễn Hữu Trí vẫn muốn: “…Rủ rê người đọc dạo chơi cùng Nguyễn, một đoạn đường…”

Mặc dù, Nguyễn Hữu Trí đã rất khiêm tốn khi trả lời câu hỏi: “Với tư cách một nhà ngôn ngữ học thì đâu là cái ‘được’ và chưa ‘được’ của “Ăn Trưa, Nghe Kể Chuyện Tình.” Nguyễn Hữu Trí nói:

Tôi xin trả lời câu hỏi không với ‘tư cách một nhà ngôn ngữ học,’ bởi lẽ nếu nhìn lại ‘Ăn Trưa Nghe Kể Chuyện Tình’ từ vị trí ‘ngôn ngữ học,’ e rằng sẽ phải đối mặt với một số vấn đề chuyên môn và phức tạp, như mối quan hệ giữa ngôn ngữ học và văn chương, hay khoa học về ngôn ngữ có quan tâm đến sinh mệnh văn chương hay không? Hoặc văn chương có hướng về lý thuyết ngôn ngữ hay không?…”

Cho nên tôi chỉ xin trả lời ngắn gọn với tư cách một người ‘viết truyện ngắn’ khi nhìn lại tập truyện ‘Ăn Trưa Nghe Kể Chuyện Tình’ của mình, một cách chủ quan rằng: Nói chung, theo chỗ tôi tự thấy thì, một trong số ít ỏi các điểm ‘được được’ (xin thêm một chữ ‘được’) là các câu chuyện kể và các nhân vật trong tập sách có mang lại sự thích thú vừa phải cho người đọc. Ngược lại, ‘những điểm chưa ưng ý’ thì có khá nhiều, mà một trong số này là tôi khát khao muốn viết về nỗi cô đơn của kiếp người nhưng hiển nhiên là tôi chưa ‘đạt’ được nguyện vọng đó qua tập truyện ‘Ăn Trưa Nghe Kể Chuyện Tình.’”

Nhưng, với tôi, chữ, nghĩa Nguyễn Hữu Trí, nhìn từ góc độ nào đấy, vẫn xứng đáng cho những ai quan tâm tới văn chương, sẽ dạo chơi cùng ông, không chỉ một mà, rất nhiều đoạn đường… (Du Tử Lê)

Mời độc giả xem phóng sự “Nghề rửa xe dạo ở Little Saigon”

MỚI CẬP NHẬT