Monday, March 18, 2024

Người trẻ trong nước nhìn về năm cũ, ước mơ năm mới

 


 


Ngọc Lan/Người Việt


 1. Nguyễn Hoàng Mai, 40 tuổi, sống tại thành phố Vũng Tàu, làm việc tại Xí nghiệp Dịch Vụ-Liên Doanh Việt Nga


 







Nguyễn Hoàng Mai, 40 tuổi, “Cầu chúc cho tất cả chúng ta không những có đủ cơm ăn và áo mặc mà còn phải là ăn ngon và mặc đẹp.” (Hình: Facebook Hoang Mai Nguyen)


Năm 2011, cả thế giới kinh tế lại tiếp tục suy thoái. Việt Nam cũng thế. Mấy công ty giầy da, may xuất khẩu nợ lương công nhân sáu tháng trời, người lao động sống thật dặt dẹo… Cuối năm, một vấn đề nổi cộm ở Việt Nam là cả chính quyền huyện Tiên Lãng làm sai, dẫn đến người nông dân thật thà cũng phải tìm mọi cách để tự vệ, bảo vệ thành quả mà mình gầy dựng bao năm trời… Thủ tướng, bộ trưởng, thứ trưởng đã vào cuộc, công tội thế nào, ra sao chúng ta tiếp tục chờ, nhưng ít nhiều cũng tìm được tiếng nói của dư luận trong nước và quốc tế.


Trong gia đình thì mất mát quá lớn đến với gia đình tôi khi bố tôi qua đời. Nhưng tất cả đều là thiên định. Gia đình nhỏ của tôi thì đầy ắp tiếng cười. Chẳng còn nhọc nhằn cơm áo gạo tiền nữa, bọn trẻ cần nhiều thứ khác hơn là sự quan tâm vỗ về, những điều vụn vặt, tủi mủn, nhỏ nhặt trong cuộc sống.


Năm 2011 là năm có biến cố lớn trong công việc của tôi: Dám bỏ hết công việc 15 năm làm cho nhà nước để sang một công ty khác, cũng trăn trở lắm, cân nhắc lắm nhưng tôi nghĩ quyết định đó thật đúng đắn. Thu nhập tốt, môi trường làm việc lành mạnh, nhiều thời gian để vào blog của bạn bè, nhiều thời gian để quan tâm hơn đến ngôi nhà và những đứa trẻ. Nhiều khi ngồi ngẫm nghĩ thấy trời cũng cho mình nhiều thứ, may mắn.


Năm mới Nhâm Thìn, hy vọng người Việt mình ở khắp năm châu bốn biển nhìn về cố quốc một cách độ lượng nhân ái hơn, khép lại quá khứ. Chúng ta bước lên từ trong chiến tranh, đất nước loạn lạc, tránh sao khỏi những sai lầm.


Chúc tất cả các bạn đón năm mới tràn ngập niềm vui, hạnh phúc. Cầu chúc cho tất cả chúng ta không những có đủ cơm ăn và áo mặc mà còn phải là ăn ngon và mặc đẹp. 


2. Ðàm Hà Phú, 39 tuổi, sống tại Sài Gòn, hiện là tổng giám đốc công ty Không Gian Ðẹp (www.khonggiandep.com.vn)
 







Ðàm Hà Phú, 39 tuổi, “Tôi mong ước thì nhiều lắm, nhưng gần nhất vẫn chỉ cầu mong tình hình kinh tế được cải thiện hơn, để mọi người có cuộc sống tốt hơn, có nhiều cơ hội thay đổi hơn.” (Hình: Facebook Ðàm Hà Phú)


Năm 2011 là một năm khó khăn đối với tình hình kinh tế xã hội ở Việt Nam nói chung và đối với công việc kinh doanh của tôi nói riêng. Khó khăn là khó khăn chung nên tôi cũng như mọi người cũng tìm được cách xoay sở và tồn tại. Ðối với các vấn đề khác như con cái, chuyện học hành thì cũng như các năm trước, còn rất nhiều âu lo và trăn trở.


Năm 2012 dự báo cũng chưa hết khó khăn nên chắc là vẫn cố gắng xoay xở tiếp. Các chính sách kinh tế vĩ mô của chính phủ vẫn chẳng thấy hiệu quả gì. Tôi mong ước thì nhiều lắm, nhưng gần nhất vẫn chỉ cầu mong tình hình kinh tế được cải thiện hơn, để mọi người có cuộc sống tốt hơn, có nhiều cơ hội thay đổi hơn. Ðối với gia đình thì chỉ cầu mong sức khỏe. 


3. Trần Ðức Nhã, 23 tuổi, vừa tốt nghiệp Ðại Học Ngân Hàng, sống tại Sài Gòn









Trần Ðức Nhã, 23 tuổi, “Hy vọng năm mới có công việc ngày càng ổn định, mà có phiêu lưu chút chút cũng hay.” (Hình: Trần Ðức Nhã)


Trong năm 2011, điều em quan tâm nhất là công việc làm ăn của mọi người nói chung khó khăn hơn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế. Ða số người dân ngại đầu tư, buôn bán hơn vì không nhận định được xu hướng kinh tế sẽ như thế nào trong thời gian tới. Thường thường là họ mua vàng cất cho chắc ăn. Do đó, người ta cũng hạn chế mua sắm hơn trước phần vì giá cả đắt đỏ, phần vì kiếm tiền cũng khó, và hiện tại là dân Sài Gòn ăn Tết không có “xôm” như mọi năm với tâm lý “kệ, quấy quá rồi cũng qua”… Nói chung, năm qua có nhiều thử thách đối với mọi người.


Sang năm, em mong là mọi chuyện suôn sẻ hơn, nhẹ nhàng hơn về mọi mặt, cuộc sống xung quanh bớt thị phi để bản thân còn thấy vui. Về dự định thì em vừa tốt nghiệp đại học xong, nhưng thấy đi làm cũng không ưng lắm trong thời gian này nên cũng phụ gia đình kinh doanh rồi thi cao học, đợi cơ hội tốt rồi tính tiếp. Hy vọng năm mới có công việc ngày càng ổn định, mà có phiêu lưu chút chút cũng hay…


 


4. Trần Minh Tuấn, 26 tuổi, kỹ sư công nghệ, TT Trung Tâm Thẻ ACB quận Thanh Xuân, Hà Nội.









Trần Minh Tuấn, 26 tuổi, “Trong năm 2012, tôi mong muốn đất nước mình được bình an, kinh tế mình sẽ sớm vượt qua khủng hoảng, bởi có như thế đời sống của mọi người dân mới nâng cao lên được.” (Hình: Facebook Tuan Tong)


Năm vừa qua là năm thứ 3 đi làm của tôi. Tôi đã trưởng thành hơn trong công việc và trong suy nghĩ. Qua đó, tôi đã đóng góp được nhiều hơn cho trung tâm nơi tôi đang làm việc. Năm 2011 cũng là 1 năm bận rộn của tôi. Hiện tại buổi tối tôi đang học cao học với một niềm hy vọng là những kiến thức học được sẽ có thể giúp tôi thăng tiến hơn trong công việc. Ðó cũng là cơ hội cho tôi có thêm những mối quan hệ với các bạn học của mình từ nhiều doanh nghiệp và ngành nghề khác nhau.


Năm 2012, tôi mong muốn đất nước mình được bình an, kinh tế mình sẽ sớm vượt qua khủng hoảng, bởi có như thế đời sống của mọi người dân mới nâng cao lên được. Về bản thân, tôi dự định sẽ hoàn thiện khả năng tiếng Anh của mình để có cơ hội được ra nước ngoài học tập thêm.


Và tôi cũng mong trong năm tới sẽ tìm được hạnh phúc cho riêng mình.


Năm mới chúc báo Người Việt tiếp tục được nhiều độc giả quan tâm, theo dõi và tin tưởng.


5. Lê Ðình Huỳnh Như, 22 tuổi, đang học đại học ngành quảng trị kinh doanh năm cuối, hiện sống tại Quận 6, Sài Gòn.









Lê Ðình Huỳnh Như, 22 tuổi, “Em không ao ước có công việc với mức lương ổn định trong văn phòng, mà em muốn theo đuổi và thực hiện ước mơ kinh doanh riêng của mình.” (Hình: Lê Ðình Huỳnh Như)


Năm qua, em thấy ý thức tiết kiệm của người dân tăng. Giờ mọi người đắn đo nhiều hơn khi mua một vật dụng nào đó về cho gia đình. Mức lương và mức sống cũng tăng, nhiều sinh viên vừa tốt nghiệp mức lương căn bản đã 4, 5 triệu là chuyện bình thường.


Bên cạnh cũng có một số ít mặt trái của xã hội, một vài cán bộ tham tiền của dân, tham ô, em thấy tận mắt mà vẫn không có cách lên tiếng. Nhưng giờ tác phong làm việc của nhà nước mình cũng dần chuyên nghiệp hơn rồi, chăm sóc và hỗ trợ dân tận tình hơn.


Em hiện đang làm sinh viên năm cuối. Ðến khi ra trường, em không ao ước có công việc với mức lương ổn định trong văn phòng mà em muốn theo đuổi và thực hiện ước mơ kinh doanh riêng của mình. Vì mục đích cuối cùng của em không những mình sống trong cảnh sung túc, hạnh phúc mà khi nhìn thấy những cảnh đời bất hạnh, mình có tài chính dư dả để giúp họ.


Với gia đình, em chỉ muốn mang lại cho ba mẹ em vì thật nhiều hạnh phúc. Em cũng hy vọng có đủ khả năng để ba mẹ tận hưởng cuộc sống lúc về già đúng nghĩa.

MỚI CẬP NHẬT