Sunday, May 5, 2024

‘Nhân tai’ cộng hưởng thiên tai thành thảm họa

VIỆT NAM – Đó là nhận định của ông Nguyễn Minh Nhị, cựu chủ tịch tỉnh An Giang, về hậu quả trầm trọng do hạn hán và nước mặn xâm nhập đồng bằng sông Cửu Long.

Nước khan hiếm nên nước nhiễm mặn mà còn ăn, uống được đã lên tới 50,000 đồng một mét khối. (Hình: zing.vn)

Đồng bằng sông Cửu Long có 13 tỉnh và thành phố. Hiện đã có 8/13 tỉnh và thành phố ở khu vực này công bố đang bị thiên tai do hạn, mặn.

Ông Cao Đức Phát, bộ trưởng Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn Việt Nam, vừa tuyên bố, Việt Nam đang đối diện với thiên tai lớn nhất trong lịch sử. Ông Phát nói thêm rằng ông ta sợ “sẽ còn có thêm những diễn biến khác mà không ai trong chúng ta hình dung được.”

Viên bộ trưởng Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn Việt Nam, cảnh báo, hạn hán, nước mặn xâm nhập không phải là chuyện nhất thời, đó là hậu quả của biến đổi khí hậu. Hậu quả này ở đồng bằng sông Cửu Long nghiêm trọng hơn dự báo.

Ông Nguyễn Minh Nhị, không tán thành điều đó. Trong một bài viết trên tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn về “thiên tai, nhân tai,” ông Nhị bảo rằng, “Thiên nhiên có những quy luật mà con người có thể nhận biết để ứng phó và tồn tại. Những hiện tượng cực đoan ngoài quy luật là thiên tai và thái độ ứng xử của con người sẽ giúp giảm nhẹ hoặc khiến hậu quả trở thành trầm trọng hơn.”

Theo ông Nhị, biến đổi khí hậu – thời tiết cực đoan như những đợt lạnh bất thường kéo dài ở miền Bắc, khô nóng bất thường kéo dài ở miền Trung và Tây Nguyên, hạn hán rồi nước mặn xâm nhập đồng bằng sông Cửu Long đã diễn ra trong nhiều năm, chỉ khác ở mức độ nghiêm trọng và đã được dự báo từ lâu.

Đó cũng là lý do ông Nhị nêu thắc mắc, tại sao biết trước mà Việt Nam không hành xử quyết liệt khi Trung Quốc và gần đây là Lào, dưới sự hỗ trợ của Trung Quốc xây hàng loạt công trình thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong. Ông Nhị xem điều này là nhân tai.

Ông Nhị khẳng định thêm, những sai lầm trong qui hoạch, “cái tâm” khi thực hiện quy hoạch, kế hoạch ứng phó với thiên tai của những viên chức và cơ quan hữu trách ở Việt Nam là… nhân tai. Nhân tai cộng hưởng với thiên tai tạo thành sự… thê thảm nhân sinh! Theo ông Nhị, tàn phá rừng ở dãy Trường Sơn và khu vực Tây Nguyên khiến khu vực Tây Nguyên và phía Nam miền Trung khô hạn thê thảm, rồi đổ hết cho thiên tai, El Nino là… không thuyết phục.

Ông Nhị nhắc lại những dự đoán từ hồi xưa về việc sông rạch, ao hồ ở Kiên Giang sẽ bị nhiễm mặn, những đề nghị khơi lại dòng sông ngầm xuyên qua vùng Bảy Núi làm hồ chứa nước ngọt, hoặc lắp đặt đường ống dẫn nước từ kinh Vĩnh Tế đến Rạch Giá, Hà Tiên nhưng không ai quan tâm, thực hiện nên Kiên Giang thiếu nước ngọt trầm trọng như một “nhân tai!”

Ông Nhị nhắc lại chuyện đến thăm Đài Loan năm 1993, nghe người ta nói vì Đài Loan nằm trên vành đai động đất ở Thái Bình Dương nên chính quyền có quy định, nếu động đất dưới 7 độ richter mà nhà hay chung cư bị sập thì sẽ bắt nhà thầu. Hôm rồi báo giới loan tin, vì các chung cư ở Đài Nam bị sập khi động đất mới có 6,8 độ Richter nên có năm, sáu người trong nhóm nhà thầu bị bắt. chung cư bị sập, đã có 5-6 người cùng nhóm với chủ thầu xây dựng bị bắt. Ông Nhị cảm thán, người ta nghiêm như vậy đó! Theo ông Nhị, cho dù không thể ngăn chặn được thiên tai nhưng nếu thể chế, cơ chế có thể hạn chế hậu quả.

Ông Nhị nhấn mạnh, nước mặn đã ngập đến chân. Trách nhiệm thuộc về chính quyền, không thể đổ sang chỗ khác, không thể khuyên dân “sống chung với mặn” như từng khuyên họ “sống chung với lũ” hay đưa ra những khuyến cáo chung chung như “cần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi” mà không biết “cây gì, con gì,” ai làm, làm sao. (G.Đ)

MỚI CẬP NHẬT