Thursday, April 25, 2024

Thanh tra chính phủ Việt Nam chịu thua tham nhũng


HÀ NỘI (NV) .-
Làm đúng thì không được đề cao và bảo vệ. Sai sót thì không bị phê phán hay xử lý nghiêm minh. Chỉ có báo chí, dân chúng phát giác tham nhũng. Hệ thống thanh tra không làm được gì.







Một người đi xe gắn máy đang móc tiền chung chi cho ông CSGT thay vì nhận tờ giấy phạt. Cảnh Sát Công An CSVN tham nhũng nhất Việt Nam, theo khảo sát của Ngân Hàng Thế Giới công bố hồi Tháng 11-2012. (Hình: Người Lao Động) 
Đó là đúc kết của ông Huỳnh Phong Tranh, nhân vật đang là Tổng Thanh tra Chính phủ CSVN về hoạt động chống tham nhũng trong thời gian vừa qua.


Thanh tra Chính phủ Việt Nam là một tổ chức có mặt ở tất cả các cấp, các ngành và đang đảm nhận vai trò giám sát, phát hiện tham nhũng nhưng người đứng đầu tổ chức đó tỏ ra rất thản nhiên khi tự đánh giá rằng tổ chức của ông ta bất lực trong việc giám sát, phát hiện tham nhũng, trước Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Việt Nam.  


Ông Tranh cho biết, mỗi năm, ngành thanh tra của Việt Nam thực hiện khoảng 10,000 cuộc thanh tra. Kết quả những cuộc thanh tra đó cho thấy, ở lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, tham nhũng biểu hiện ở việc ép buộc khách hàng phải chi một phần số tiền được vay. Viên chức tín dụng, ngân hàng nhận hối lộ để hợp thức hóa hồ sơ xin vay không có tài sản thế chấp, thông đồng với phía đi vay lập hợp đồng khống, nâng giá tài sản để rút tiền của ngân hàng.


Trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, tham nhũng diễn ra phần lớn trong việc lập kế hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi và giao đất, cấp phép khai thác khoáng sản.


Nhìn ra được cách thức tham nhũng trong những “lĩnh vực nóng” nhưng hệ thống thanh tra của Việt Nam không chuyển được vụ nào cho các cơ quan bảo vệ pháp luật để khởi tố, truy tố, đưa ra xử.
  
Bị chất vấn, ông Tranh phản bác rằng, hệ thống của ông không làm được gì vì thể chế, chính sách về quản lý kinh tế – xã hội vẫn còn sơ hở, bất cập, chưa minh bạch, chưa giảm được các thủ tục có thể làm nảy sinh tham nhũng.


Nhiều quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng vẫn “hạn chế, vướng mắc” trong xử lý trách nhiệm người đứng đầu, chuyện công khai minh bạch vẫn còn hình thức. Chuyện chỉ đạo chống tham nhũng chưa quyết liệt, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm. Hệ thống của ông ta “chỉ có quyền phát hiện, làm rõ, kiến nghị chứ không được xử lý, khởi tố”.


Tuy những viên chức lãnh đạo Đảng CSVN và chế độ Hà Nội nhiều lần khẳng định, tham nhũng là quốc nạn, diễn ra khắp các cấp, các ngành nhưng khi báo cáo về kết quả công việc chống tham nhũng, Bộ Nội vụ và Bộ tài nguyên – Môi trường cho biết vẫn “chưa phát hiện vụ tham nhũng nào”. Những ngành nổi tiếng về tham nhũng như thuế thì chỉ phát giác được 10 vụ, hải quan thì chỉ phát giác được 8 vụ.


Cho đến giờ này, các viên chức lãnh đạo Đảng và nhà nước CSVN vẫn ra rả cả quyết tham nhũng, lãng phí đang diễn ra ở tất cả các cấp, các ngành với phạm vi rộng, tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm dân chúng mất lòng tin vào chính quyền nhưng có rất ít viên chức tham nhũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự.


Tuần trước, trong một hội thảo về thực trạng và các giải pháp chống tham nhũng, do Thanh tra Chính phủ Việt Nam tổ chức. Ông Huỳnh Phong Tranh, thừa nhận, số vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý còn thấp, chưa tương xứng với tình hình. 


Việc xét xử các viên chức bị cáo buộc tham nhũng chưa nghiêm, hình phạt nhẹ, số bị cáo được hưởng án treo chiếm đến 45%. Chưa kể, số trường hợp bị can phạm các tội tham nhũng được đình chỉ điều tra hoặc miễn trách nhiệm hình sự lên tới gần 30%. 


Tại cuộc hội thảo vừa kể, một viên phó chủ nhiệm của Ủy ban Tư pháp thuộc Quốc hội CSVN minh họa thêm về thực trạng chống tham nhũng: Năm 2012, số lượng bị can trong các vụ án tham nhũng được Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ra quyết định đình chỉ điều tra cao gấp ba lần so với các địa phương. Đáng nói là trong nhiều năm qua, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội CSVN đã nhiều lần yêu cầu phải xem lại, phải giải thích rõ ràng về thực trạng kỳ lạ này nhưng “mèo vẫn hoàn mèo”. 


Đây là những bằng chứng rõ ràng về việc, Việt Nam vẫn chỉ chống tham nhũng bằng tuyên bố và qua các hội thảo, hội nghị.
 
Hồi đầu tháng này, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) công bố kết quả cuộc khảo sát mới nhất về quan điểm và trải nghiệm của dân chúng đối với tình trạng tham nhũng, mà họ vừa thực hiện tại Việt Nam.


Theo đó, 55% dân chúng tin rằng, tham nhũng tại Việt Nam chỉ tăng chứ không giảm. Cũng theo kết quả từ cuộc khảo sát này, sự bi quan của dân chúng Việt Nam về thực trạng tham nhũng, đang đứng hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á. (G.Đ)

MỚI CẬP NHẬT